Ngay ngày mồng một Tết Nguyên Đán (元旦日), trong lúc toàn thể “quân dân cán chính” trên khắp “4 vùng chiến thuật” đang hân hoan mừng Xuân mới. Ông bà ôm các cháu, vợ chồng, con cái mừng mừng – tủi tủi gặp lại bố mẹ sau nhiều ngày xa nhau về dịch bệnh, hay đang tha phương cầu thực, các em nhỏ mừng rỡ với những phong bì lì xì, xanh xanh đỏ đỏ, anh chị em lâu ngày hội ngộ, say sưa bên ly sake nồng ấm ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn….thì như bạn ta đã biết đã “cảm” và đã “nhận”; trận động đất sóng thần NotoHanto xảy ra vào lúc 4 giờ 10 phút chiều ngày 1 tháng 1 năm 2024, tại Bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đã làm “đứt gãy” niềm vui duy nhất trong năm, còn có thể cả trong đời của những người dân ngay trong vùng “địch” xâm chiếm, gây ra nỗi bàng hoàng, cho người dân cả nước. Tất cả các hoạt động vui Xuân phải dừng lại, người trong vùng “địch” phải hối hả tìm chỗ chạy cao và cao nhất, người xa vùng “địch” phải nín thở, liên lạc khắp nơi hồi hộp để xem sóng nó đánh cao tới đâu, và cao đến cỡ nào và bạn bè ta ra sao, có an bình hay lại lạc vào vùng “địch” xâm chiếm. Màn hình TV tràn ngập truyền đi những hình ảnh từng giờ từng phút các vùng bị “địch” đóng, mà mở đầu là những lời kêu gọi hốt hoảng, dứt khoát, vội vã, đầy vẻ thống thiết: rời ngay, chạy ngay lên những chỗ cao nhất.
Thiên tai Notohanto có độ lớn 7,6 theo thang độ Richter, là trận động đất – sóng thần mạnh nhất xảy ra tại Nhật Bản kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần Tōhoku kinh khiếp năm tháng 11/3/2011. Notohanto đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở khu vực miền Trung Nhật Bản.
Tính đến thời điểm bài viết đến tay bạn ta (7 tháng 1 năm 2024) số người thiệt mạng đã lên tới 129 người, và 219 người mất tích, hơn 2.000 người bị thương, và hơn 10.000 gia đình (世帯) mất nhà mất cửa. Con số này không phải là số cuối cùng và còn có thể tăng trong những ngày sắp tới.
Sở Khí Tượng Nhật Bản dự đoán: sau trận động đất chính (本震 - Honshin) cường độ 7.6 rishter thì những dư chấn (余震 - Yoshin) sẽ đến bất cứ lúc nào với cường độ từ 5 trở lên trong thời gian từ một tuần và cũng có thể kéo dài cả tháng. Theo các nhà chuyên môn thì dư chấn chỉ chấm dứt khi áp lực (ứng suất) sinh ra trong các phần nứt-đổ được cân bằng.
Đã có hơn 100 vụ dư chấn xảy ra sau Honshin, trong đó, có hơn 13 dư chấn có độ lớn từ 5 trở lên. Dư chấn này đã khiến độ đất “lún” càng thêm “sâu”, nhà cửa “nghiêng” càng thêm “ngả” tiếp tục gây thêm thiệt hại về người và tài sản ở các khu vực tâm chấn và khó khăn hơn cho các đoàn cứu hộ gồm hơn 5000 người của tự vệ đội, cả nghìn người của các lực lượng gồm cảnh sát, sở cứu hỏa, lực lượng tuần dương…Với phương châm: “sinh mạng con người là số một” họ đang lao về phía trước, họ đang ở tuyến đầu, họ đào, bới từng đống rác đổ nát, đồ đạc ngổn ngang tung tóe trong những căn nhà sập đổ….
Trận động đất đã ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn ở miền Trung Nhật Bản. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Ishikawa, Niigata, Fukui, và Toyama. Tại tỉnh Ishikawa là Wajima, Nanao, và Hakui. Tỉnh Niigata, các thành phố là Kashiwazaki, Nagaoka, và Niigata. Tỉnh Fukui, là Fukui, Obama, và Tsuruga. Tỉnh Toyama là Toyama, Imizu, và Nanto.
Thiệt hại về tài sản
Thiệt hại về tài sản cũng rất lớn. Nói tóm lại ngay trong thời điểm hiện tại sẽ không có số liệu chính thức về thiệt hại, nó sẽ rất to, rất nặng, lên đến cả mấy chục con số trong một dãy số dài…đẳng đẳng.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Chính phủ và các công ty thực phẩm lớn cùng với hội đoàn người dân đang cố “xâm nhập” vào những vùng “gãy đổ”, những con đường “toang vỡ, nứt nẻ”, để cung cấp lương thực, thực phẩm, và chỗ ở cho những người mất nhà cửa, và quan trọng nhất là điện và nước vì hầu hết các cột điện đã bị gãy đổ, các ống dẫn nước đã vỡ toang. Các tỉnh ở nơi an toàn đang đồng loạt gửi đến “tiếp viện” những nhóm thợ chuyên môn về điện về nước để mau chóng đem lại những điều kiện tối thiểu để sống còn. Ngoài ra, những chiến dịch cứu trợ trên truyền thông, đang diễn ra khắp “hang cùng ngõ hẻm”, họ đóng góp tài chính, họ tình nguyện đến hiện trường dọn dẹp và họ sẽ làm tất cả những gì mà họ làm được để chia sẻ ít nhiều với những khó khăn của người bị nạn. Các nước bạn đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ hứa sẽ sẵn sàng dùng nhân tài vật lực để yểm trợ tối đa, bạn ta chắc còn nhớ chiến dịch “tomodachi” của Liên Quân Nhật-Mỹ đã làm “sạch sẽ” khu động đất tan hoang sendai chỉ trong vòng 3 ngày.
Thiết nghĩ rất khó để có thể cho ta tổng kết về những gì thiệt hại và những gì họ sẽ làm được nếu tính bằng con số. Chỉ biết người người, nhà nhà luôn sẵn sàng mang tư thế cứu giúp và làm tất cả những gì họ có thể làm được.
Dự kiến, việc khắc phục hậu quả của trận động đất sẽ mất nhiều năm. Ta phải chờ, phải đợi thôi.
Những chuyện cần phải kể
Trận động đất - sóng thần Noto Hanto đã ghi lại một số kỳ tích và phép màu đáng kinh ngạc.
“Thiệt hại giảm đáng kể”: Mặc dù trận động đất nổi lên với cường độ lớn, khu vực Noto Hanto đã ghi nhận sự giảm thiểu thiệt hại so với dự đoán ban đầu. Điều này có thể được coi là một kỳ tích đáng kinh ngạc, giúp giảm bớt sự đau đớn và tổn thất cho cư dân trong vụ tai nạn này.
“Hiệu ứng chống sóng thần”: Một hệ thống đê điều, đập biển tự nhiên dưới dạng bãi cát rừng ven biển đã tồn tại từ thời kỳ Edo đã được tự nhiên gia tăng vun đắp tạo thêm “sức cản” cho các cơn sóng thần vũ bão có nơi lên cao đến hơn 4 mét. Kỳ này thì quá nhanh, “Khi lời kêu gọi khẩn cấp đưa ra thì chỉ 1 phút sau, nước tràn vào nhà tôi đã dâng lên 30cm”. (một cụ bà đã tâm sự). Hệ thống được biết đến với tên gọi "Hệ thống Tầng Anzen Noto", đã phát huy hiệu quả tốt trong việc chống sóng thần. Sự tồn tại và hiệu quả của hệ thống này được coi là một “phép màu” trong việc bảo vệ các khu dân cư khỏi những tác động tiềm ẩn khủng khiếp của sóng thần.
“Kỳ tích cứu sống”: Tại Wajima, trong quá trình sơ tán cư dân đến nơi an toàn, đã có ít nhất một trường hợp một cụ bà (89 tuổi) bị kẹt trong căn nhà đổ nát và được cứu sống sau hơn 72 giờ hầu như bị chôn sống . Sự sống của cụ bà được xem như một kỳ tích đáng kinh ngạc và là niềm hy vọng cho những người khác bị mắc kẹt trong tình huống tương tự. Nhưng trong “phép màu” cũng có một “tin buồn”: người con trai của cụ (58 tuổi) nằm ngay bên cạnh cụ bà đã ra đi, có vẻ như ông đang cố gắng áp người vào cụ bà để truyền hơi ấm sang thân thể cụ. Quân ta cũng đã biết, nếu thân nhiệt dưới 35 độ thì đối với người cao tuổi, trong một không gian chật chội, khó có thể qua khỏi trong vòng 48 tiếng. Người con trưởng của cụ bà đã vừa khóc vừa kể: “Em tôi đã có mặt trong Tự Vệ Đội Nhật 30 năm, mới giải ngũ 2 năm trước về phụng dưỡng mẹ tôi. Có thể em tôi chết mới cứu được mẹ tôi đấy”. Ngoài ra dịp này, ông con trai trưởng của cụ cũng tìm được tấm bằng khen thưởng của Bộ Phòng Vệ Nhật Bản với ông em trai vì đã đóng góp nhiều công sức cứu người trong vụ động đất tại Kobe 1/1995.
Chưa hết, ngay ngày hôm sau 2/1/2024, một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra tại phi trường Haneda Nhật Bản. Theo một bài viết của Nguyễn Huy thì:
“vào lúc 17h47 ngày 2/1, chuyến bay 516 của Japan Airlines từ New Chitose đến Haneda đã bốc cháy ngay sau khi hạ cánh trên đường băng C tại Sân bay Haneda.
Thông tin cho biết máy bay chở khách đã va chạm với một máy bay vận chuyển cứu cấp loại nhỏ MA722 của Lực lượng Cảnh sát tuần duyên Nhật Bản.
Hơn 70 xe cứu hỏa và các phương tiện khác đã được điều động để dập đám cháy nhưng đến 7h tối, ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt, 2 chiếc máy bay chỉ còn “trơ xương”
Tai nạn thảm khốc khiến người ta nghĩ tới sự thiệt hại nhân mạng sẽ rất cao. Tuy nhiên, theo Japan Airlines, 379 người trên máy bay, bao gồm 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, đã may mắn sơ tán thành công. Hành khách sử dụng phao tuột thoát hiểm để thoát ngay sau khi ngọn lửa bùng phát. Việc phán đoán và hành động nhanh chóng của phi hành đoàn đã giúp ngăn chặn tình huống xấu nhất.
"Nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được điều tra chi tiết trong thời gian tới, nhưng dường như nó là sự kết hợp của nhiều tình huống đáng tiếc. Tuy nhiên vẫn có sự may mắn vì nếu máy bay bị lật úp ngay sau khi va chạm thì có lẽ hành khách đã không thể thoát ra ngoài. Nếu máy bay gặp sự cố " Đi chệch hướng và chệch khỏi đường băng, nó có thể gây ra thảm họa. Hơn nữa, nếu trong tình trạng cất cánh, nó sẽ chứa đầy nhiên liệu và có thể gây ra đám cháy lớn hơn.
Thiệt hại đã được giữ ở mức tối thiểu vì nó trượt thẳng đến chỗ dừng lại để mọi người thoát hiểm theo quy tắc 90 giây.
Rất đau lòng, 5 trong số 6 người trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ duyên hải Nhật Bản đang trên đường vận chuyển hàng tiếp tế đến Niigata để cứu trợ trận nạn nhân động đất ngày hôm qua, đã hy sinh. Riêng cơ trưởng bị phỏng nặng được đưa vào bệnh viện.
Các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đều là những anh hùng trong vùng thảm họa. Hầu hết các nạn nhân thiên tai đều lên tiếng biết ơn họ. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản hoạt động trên biển nên họ không xuất hiện nhiều như Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhưng luôn hoạt động rất tích cực.
Hơn 90% số vụ tai nạn va chạm máy bay tại sân bay là do lỗi của con người, liên quan đến việc không hiểu ý trong khi liên lạc giữa nhân viên điều khiển không lưu và cơ trưởng.
Tuy nhiên, cũng không thể nào qui hết lỗi cho con người vì kết quả đó là của nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thảm họa thiên nhiên lớn xảy ra trong dịp năm mới đã làm cho các nhân viên bận rộn, lo âu, thiếu kiên nhẫn; và đó có lẽ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn không ai muốn. (hết trích)
Báo chí, dư luận ngoại quốc đã chạy những hàng tít, nói cho nhau nghe và xem việc này như một “phép màu”, “kỳ tích”, nhưng đối với người Nhật, nhất là những người làm việc trong các hãng hàng không như phi công, tiếp viên thì đó “chỉ là chuyện nhỏ, chuyện bình thường, không phải là phép màu, phép lạ gì hết”. Theo một cựu tiếp viên hàng không cho biết: “Đó chỉ là sự đắp bồi dày hơn theo năm tháng, quá trình của việc học hỏi, tập luyện, tụi tôi phải tập hàng năm, về những vụ thoát hiểm này, thứ nhất là phải bình tĩnh, thứ hai là có những quyết định đúng nơi đúng lúc với “định luật 90 giây”, (90秒のルール)có nghĩa là từ khi có lệnh thoát hiểm cho đến khi hoàn thành công tác sơ tán chỉ được 90 giây”,
Trở lại chuyện thoát hiểm ngày hôm đó, ta mới thấy sự diệu kỳ. Trong máy bay có 8 cửa thoát hiểm, 2 cửa ở ngay phòng lái. 6 cửa còn lại thì chia đều cho 2 bên phải và trái thân máy bay, mỗi bên 3 cửa. Khi chạm vào máy bay của lực lượng tuần duyên, máy bay JAL phát nổ khói bốc mù mịt và lửa bốc cháy rừng rực bên ngoài, thì tất cả các tiếp viên xếp hàng dọc, từ đầu máy bay đến cuối máy bay, trên tay là cái đèn pin và miệng hô lớn, truyền đạt lời kêu gọi bằng 2 thứ tiếng Nhật và tiếng Anh:
- Xin quí vị Bình tĩnh, không có gì!大丈夫、落ち着いて(please calm down)!
- Cửa thoát hiểm số 1 thế nào?
- Cháy rồi, không dùng được!
- rồi số 2?
- Cũng cháy!
cho đến số 3, 4, 5, 6, 7 cũng thế: Cháy, bốc lửa, khói mù mịt. Và
- Số 8 lửa chưa tới!.
Thế là họ truyền ngay tin tức đến phòng lái báo cáo phi công trưởng, nhưng hệ thống liên lạc không dùng được vì đã bị bà hỏa xâm nhập. Ngay lập tức, những tiếp viên ở cửa số 8 quyết định ngay, mở cửa và bung thang cuốn.
- Quí vị bình tĩnh lần lượt tiến về phía trước, không lấy hành lý mang theo.
Người ra đầu tiên phải là một tiếp viên mạnh khỏe để đỡ người thoát trước, trong đó có những người già, em bé sơ sinh, và kéo họ ngay ra chỗ khác để người thứ hai, thứ ba….. và cứ thế tuần tự cho đến người cuối cùng là viên phi công chính. Chỉ mất 90 giây!
Cứ 10 người thoát nạn, họ lại di chuyển sang chỗ khác, nắm tay nhau thành vòng. Hỏi ra thì được biết phải làm như vậy để kiểm soát một cách chính xác và tuyệt đối không còn người nào trên máy bay trong số 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Hành khách trên chuyến bay cho biết họ vô cùng cảm kích trước sự chuyên nghiệp và bình tĩnh của các tiếp viên hàng không. Họ cho biết các tiếp viên hàng không đã làm hết sức mình để giữ cho họ bình tĩnh và an toàn trong tình huống khẩn cấp. Và một điểm son của hành khách Nhật Bản là họ không nháo nhào, không tranh nhau và cứ tuần tự nghe theo chỉ thị từ những người hướng dẫn.
Sự chuyên nghiệp và bình tĩnh của các tiếp viên hàng không hãng JAL trong vụ tai nạn máy bay tại sân bay Haneda là một tấm gương sáng cho các nhân viên hàng không trên toàn thế giới. Nó cho thấy rằng, ngay cả trong những tình huống nguy hiểm nhất, sự chuyên nghiệp và bình tĩnh vẫn là những yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn cho hành khách, có thể được xem là một thành tích đáng kinh ngạc. Trong một góc nhìn nào đó, có thể gọi đó là một "phép màu” chắc cũng không sai.
Vụ tai nạn máy bay tại sân bay Haneda là một tại nạn đau thương và đáng tiếc. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng, khi được đào tạo bài bản và có tinh thần trách nhiệm cao, các tiếp viên hàng không có thể làm nên những điều kỳ diệu. Họ có thể giúp cứu sống hàng trăm mạng người trong những tình huống khẩn cấp.
Trận động đất - sóng thần Noto Hanto, tai nạn máy bay bị va chạm mà 5 nạn nhân của lực lượng tuần dương lại là những người đi cứu nạn, Các sự kiện này đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhưng cũng ghi nhận được những kỳ tích và phép màu nhỏ bé. Những hiệu ứng chống sóng thần tự nhiên và cứu sống đáng kinh ngạc này đã trở thành một phần lịch sử đáng nhớ cho cư dân và thấm sâu vào lòng những người theo dõi.
Chỉ trong những ngày đầu năm mới, ngày Tết duy nhất, Nhật Bản đã gặp đại nạn kinh hoàng, động đất, sóng thần, tai nạn máy bay. Họ đang phải gánh chịu và chịu đựng chấp nhận những gì không thể chấp nhận được.
Nhớ câu nói của Thượng Hoàng Naruhito vào ngày 16/3/2011: “chúng ta là một, sự nhẫn nại, sức mạnh đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả”. Người dân Nhật tin như vậy. Người viết cũng tin như vậy. Chắc chắn nước Nhật sẽ hồi sinh vì họ là: *một dân tộc kỷ luật, thanh liêm, lễ độ và dễ thương. Một dân tộc chế tạo nên những phim hoạt họa và trò chơi đầy nét thơ ngây vui tươi dễ yêu, và có những nét ngang tàng quắc thước anh dũng lạ thường. (trích thư hỏi thăm của một người bạn).
Cám ơn đất nước Nhật Bản đã dung dưỡng và dạy cho tôi thêm nhiều bài học quí giá về nhẫn nại, kiên cường và trật tự.
Xin mượn câu nói của tác giả Võ Thành Văn trong số Xuân Việt Báo trích trong bài viết: “Nhật Hoa trong năm Giáp Ngọ” để chấm dứt bài viết này:
----
< Trên lãnh thổ ấy, diện tích có thể canh tác chỉ được 12%, tại ba bình nguyên lớn, lại chia cắt bởi núi rừng và nhiều con sông ngắn, ít thuận lợi cho vận chuyển. Là một quần đảo, nước Nhật thật ra chỉ có một số ốc đảo khả dĩ sống được giữa núi và nước. Mà sống khá chật vật vì thiếu tài nguyên thiên nhiên. Giữa các ốc đảo và biển cả, dân Nhật phải dùng thuyền bè và tự nhiên phải giỏi về nghề nước.
Được trời cho mảnh đất hẩm hiu này, họ tin rằng phải là siêu nhân thì mới tồn tại được. Dân Tầu có thể cho rằng mình là cái rốn của vũ trụ, là trung tâm văn hóa của thế giới. Hay dân Mỹ thường nghĩ là ai ai cũng muốn thành người Mỹ. Dân Nhật lại nói ngược: phải anh hùng lắm thì mới là người Nhật được. >
Vũ Đăng Khuê
Tháng 1/2024