Đời người, một hành trình vô định; khởi đi từ tiếng khóc chào đời.
Thuyền đời, có lúc êm đềm lướt đi trong an bình, có lúc phải vượt qua từng khúc quanh đầy sóng gió trong dòng đời. Dòng đời mênh mang, bất tận, vô lường. Hành trình chuyên chở niềm tin, mang theo hy vọng; đến những nơi an định và dừng lại ở bến đỗ sau cùng của cuộc đời.
Thuyền Đời!
Chuyện người như chuyện mình!
Những câu chuyện thật! Chuyện rất thật của của cả một dân tộc!
Chuyện non nước mình; chuyện trên quê hương mình, từ sau ngày 30 tháng Tư…
Quê hương tôi có miền Nam. Miền Nam nước Việt với những dòng sông đục màu phù sa, ấm áp, đậm tình quê hương… Dòng sông miền Nam vẫn luôn chan chứa biết bao kỷ niệm. Con sông, dòng nước, đưa lòng người xa nhà tìm về quê hương; về với quê hương miền Nam.
Đây! Chương Một: Dòng sông quê hương!
Đây! Dòng Cửu Long!
………
Khom xuống mé sông, tôi với tay xuống các mảng rong ven bờ, lững lờ bên dưới mặt nước; mảng rong đen len giữa kẻ tay, mịn màng như làn tóc.
Nơi đây, sông Fraser, nơi biển mặn giao hòa nước ngọt trong sông. Vị mặn của biển dịu đi trong dòng Fraser, cùng chảy qua nhiều dặm dài, trước khi hòa nhập vào đại dương, Bắc Thái Bình Dương. Bây giờ là mùa hè, thời tiết có ấm hơn nhưng nước sông vẫn còn lạnh; ngâm thêm một lúc thì bàn tay lạnh buốt. Nước sông nơi đây lạnh, trong veo và mặn muối biển; không như bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi có nước Việt Nam. Nước tôi có miền Nam với những dòng sông đục màu phù sa và ấm áp tình quê hương…
Tôi nhớ những dòng sông trên quê hương!
Sông quê ơi, dấu yêu bao kỷ niệm
Cánh chim bằng bay liệng đến muôn phương
Vẫn nao lòng về với tiếng: quê hương!
Tim thổn thức bao niềm thương nỗi nhớ.
Miền Nam nước Việt là nơi hội tụ của kênh rạch, sông ngòi. Khởi nguồn từ dòng Cửu Long, trải rộng thành các nhánh sông dài, đưa ra chín cửa biển lớn. Hai nhánh chính là Tiền Giang và Hậu Giang. Như tên gọi, Cửu Long Giang giống chín con rồng uốn lượn, vươn mình ra tận Biển Đông. Đây là nguồn phù sa, nguồn sống cho đất, cho đời người; được truyền dẫn vào sông, rạch, và hàng triệu xẻo, khóm, mương, ngòi…
Nhờ phù sa màu mỡ của sông Cửu Long, miền Nam nước Việt thật đa diện; nổi tiếng với ruộng đồng phì nhiêu, nhiều loại trái cây thơm ngon suốt bốn mùa. Đồng bằng sông Cửu Long là địa đàng của miền Nam, Việt Nam. Không như những sông lớn khác, làng xóm bên sông Cửu Long, không cần phải đắp đê ở hai bên bờ. Vào mùa nước nổi hàng năm, tháng Mười âm lịch, sông nước mang phù sa tràn ngập khắp ruộng đồng. Lúc nước rút đi, để lại một lớp bùn non. Đây là nguồn phân bón quý giá cho ruộng vườn, cây trái; tạo ra một khu vực trù phú độc đáo ở hạ lưu sông Cửu Long. Nơi đây, chỉ cần một mẫu vườn nho nhỏ, vài công ruộng, dân chúng dễ dàng tạo dựng cuộc sống thong dong, nhàn hạ.
Chín cửa sông chở đầy bao tôm cá
Ruộng bạt ngàn cho luống mạ thêm xanh
Phong cảnh miền đồng bằng sông Cửu Long đầy thơ mộng, quyến rũ, dễ làm say đắm tình người. Sông nước chằng chịt như mạng nhện, đã tạo cho vùng châu thổ miền Nam, những sắc thái và tình cảm riêng biệt.
Trải qua hàng bao thế kỷ, gắn bó với sông nước trùng trùng ấy là chiếc ghe, chiếc xuồng, và đã trở thành những hình ảnh không thể thiếu vắng trong đời sống của người dân nơi đây. Với phương tiện giao thông phần lớn phải nương tựa, tùy thuộc vào dòng nước.
Các loại tàu, thuyền, ghe, xuồng,… mà kiểu dáng cùng tên gọi, cũng phong phú như cuộc sống sông nước nơi đây. Ghe, tàu hay thuyền không chỉ là phương tiện giao thông, mà mỗi chiếc còn như là một căn nhà nổi di động trên sông.
Thuyền ôm ấp đời người, quyến luyến, gắn bó và nối truyền sang nhiều thế hệ. Thuyền và đời người, như những cuộc tình được Ơn Trên ban bố, định phần. Thuyền đời ôm ấp, chuyên chở số phận con người qua năm tháng…
Sông Cửu Long chín cửa, hai dòng,
Người thương anh vô số,...
nhưng chỉ một lòng với em!
Người miền Bắc thường gọi là thuyền, dân miền Nam quen kêu là chiếc ghe, chiếc tàu. Tàu, thuyền, ghe, xuồng… được gọi theo nhiều cách khác nhau, tùy theo hình dáng và ngôn ngữ ở địa phương. Ghe, xuồng,... có nhiều loại, thích ứng với từng vùng sông. Như vùng sông từ Long An đến An Giang, xuồng có lườn tròn để dễ lướt trên lục bình. Trên sông ngòi Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau,… xuồng thường có lườn phẳng, còn gọi là xuồng ba lá, do có ba tấm gỗ ghép vào, dùng lướt nhanh hơn trên vùng sông rộng.
Xuồng, ghe được đóng thành nhiều kiểu, đa dạng, phong phú. Từ những chiếc với thân gỗ nhỏ hẹp đủ cỡ, để dễ luồn lách qua các kênh rạch nông cạn; cho đến những loại lớn hơn, hình dạng kềng càng, vận tải nặng, chuyên chở được nhiều người trong vùng nước sâu. Ngày nay, trên sông ngòi, có các ghe máy, xuồng máy chạy với vận tốc nhanh, cùng các loại ghe, xuồng, còn dùng sức người bơi chèo. Thuyền, ghe, lớn hơn những chiếc xuồng nhỏ hẹp. Vì có quá nhiều loại, với nhiều hình dạng, nên cũng có lắm tên gọi khác nhau: ghe tam bản, ghe bầu, ghe chài, ghe lườn...
Gọi là ghe tam bản mui ngắn, nhưng lại có đến chín mảnh ván, hoặc nhiều hơn, ghép lại thành hình. Những chiếc này, dành đến nửa chiều dài làm chỗ nghỉ ngơi, còn phần trống đàng trước để chất hàng hóa. Ghe tam bản mui dài, thì phần mui chiếm gần hết chiều dài của ghe. Loại này trông như một cái nhà di chuyển trên mặt nước. Ghe bầu thuộc loại ghe lớn, thường trang trí hoa văn với nhiều màu sắc. Nhỏ hơn, thì có loại ghe gắn máy “đuôi tôm” Kohler 8 hay Kohler 10, gần phía sau đuôi; thường gọi là tắc ráng hay vó lái, vỏ lãi… có lườn bằng phẳng, thân thuôn dài cho hạp với hình thể uốn éo nhỏ hẹp của các kênh rạch miền Nam, lướt rất nhanh trên mặt nước. Ghe lườn có dáng thon nhẹ, bụng nhỏ và dài; còn gọi là ghe độc mộc, vì được làm từ một thân cây, đẽo gọt và khoét thành chiếc ghe. Loại này nhỏ, trông đơn giản, không cong ở hai đầu mũi và lái. Ngược lại, ghe chài rất to lớn, gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, và mui thường có đến hai tầng dành làm chổ để ngủ, nghỉ ngơi. Ghe chài còn thường có thêm phần mui rời, đóng nối thêm phía sau phòng lái; làm phòng tắm và nơi nấu ăn, tạo thêm tiện lợi cho người đi buôn bán xa, cần sinh sống lâu ngày trên sông nước. Ngoài ra, còn có một loại ghe dềnh dàng như một căn nhà, thường gọi là ghe thương hồ. Cả gia đình sống trên đó và lưu lạc từ vùng này sang miền khác. Họ sống bằng cách buôn bán các phẩm vật trên ghe, y như một tiệm tạp hóa lưu động, đến các làng mạc xa xôi hẻo lánh hai bên bờ kinh rạch.
Bánh lái ghe thuyền nằm dưới lườn, phía sau cùng, nối lên bên trên và thường có cần dài để điều khiển. Chiếc nào có mui to chắc, người ta đóng trên nóc mui cái băng ghế, để ngồi giữ cần lái cho khoẻ chân. Mui đủ chắc thì đóng cặp thêm bên trên băng ghế cái mái nhỏ để che mưa nắng. Tuy chỉ rộng cỡ chừng hai gang tay, băng ghế này còn được dùng làm nơi nằm ngủ, nếu mưa gió không quá lớn tạt vào ướt át. Hình đôi mắt trước mũi ghe thuyền, được vẽ hay khắc chạm công phu, làm ghe thuyền trông giống như con kình ngư, đang vượt lên trên mặt sóng. Theo truyền thuyết, người trên sông nước tin rằng đôi mắt của ghe thuyền giúp mang lại may mắn, đồng thời cũng là biểu tượng để làm các loài kình ngư, thủy quái phải kinh sợ, tránh xa và không dám tấn công tàu thuyền.
Nghề đi ghe, đi xuồng, trở nên quen thuộc với cư dân miền Nam, như những nghề làm ruộng, làm vườn… Con người sống trên các con thuyền này cũng như sông nước miền Nam vậy: Họ hiền hòa, bộc trực, trung tín, nhịn nhục; nhưng không kém phần cương quyết, không dễ chịu khuất phục trước bạo lực, cường quyền. Từ ngàn xưa, Cửu Long Giang với các nhánh sông mang dòng nước êm đềm đầy thơ mộng, cùng hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông rạch; đã gắn bó với đời sống dân làng miền Nam, qua thơ văn, câu hát, điệu hò dân gian nặng nghĩa tình.
“Nghe chăng tiếng hò dân ta
Tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió
Nghe đây tiếng người nông phu
Biết tìm tự do tránh xa ngục tù
Đường chiều gió thổi vi vu
Tình nghèo vẫn nở như hoa
Ai nghe chăng tiếng hò bao la
Những tiếng cười đôi ta,
Nam Bắc một nhà…”
Như lời nhạc, “Tiếng Hò Miền Nam” đã vẫn còn mãi và chan hòa trong tiếng lòng người dân từng sống ở miền Nam; lời tâm tình cùng người còn ở lại và người đã phải rời xa quê nhà để “tìm tự do, tránh xa ngục tù”! Nhạc sĩ Phạm Duy đã gởi “tiếng lòng di cư” cùng tình người, dù “tình nghèo vẫn nở như hoa”, trong dòng nhạc và điệu hò miền Nam. Dòng nhạc êm đềm như những dòng sông miền Nam.
Tiếng hò miền Nam!
Tiếng hò trải qua tháng năm đã ôm ấp tâm tình người miền Nam, theo dòng nước chảy, đưa thuyền tới Mũi Cà Mau.
Và rồi…
“Đêm hôm nao gió về Biển Đông
Qua mối tình Cữu Long, se kết đôi lòng”
Dòng sông miền Nam đưa lòng người xa nhà, tìm về quê hương; quê hương miền Nam.
Dòng sông quê hương!
—————-
THUYỀN ĐỜI | Thay Lời Nói Đầu!
https://www.youtube.com/watch?v=duDcRe3UGo0
THUYỀN ĐỜI | CHƯƠNG 1: Dòng Sông Quê Hương - Dòng Cửu Long
https://www.youtube.com/watch?v=CHZ5nddjQzw&t=651s
—————-
(Kế tiếp: Chương 2 - Xuân Quê Hương)
Bùi Đức Tính