“Đừng bao giờ đi gặp bác sĩ Trần Xuân Dũng để khám bệnh nếu trong người không bệnh”.
Lời nhắn nhủ của một người anh trong sinh hoạt, cách đây gần 30 năm, còn vang vọng trong đầu tôi trong tang lễ của bác sĩ Trần Xuân Dũng. Cho đến khi mất, sự liêm chính không thể bẻ gẫy được (incorruptable) vẫn là dấu ấn về nhân cách của bác sĩ Trần Xuân Dũng, cựu Thiếu tá Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).
Ông đã đột ngột ra đi vào ngày 30 tháng 5, để lại bao tiếc thương cho vợ con, gia đình, bạn hữu và chiến hữu của ông.
Tang lễ diễn ra vào thứ Ba, 13 tháng Sáu năm 2023. Gia đình, thân quyến, bạn hữu, chiến hữu và bệnh nhân của ông đã đến để tưởng nhớ một nhân cách đặc biệt này.
Lễ tang diễn ra trong bầu khí ấm cúng của gia đình và người thân, tuy đơn giản nhưng rất cảm động. Tang lễ do người anh, bác sĩ Trần Xuân Ninh, làm chủ lễ, với những câu tụng kinh niệm Phật đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Bác sĩ Ninh và người em Trần Thị Tường Vi đã bay từ Mỹ sang để tham dự lễ tang này.
Tiễn ông ra nghĩa trang, lúc quan tài được từ từ đưa xuống lòng đất, ai cũng không cầm được nước mắt. Hiếm khi nào tôi thấy bác sĩ Trần Xuân Ninh thật sự xúc động như vậy.
Chiến hữu của bác sĩ Dũng, gồm bác sĩ Trần Quốc Đông, ông Đặng Văn Đạt thuộc Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH, và ông Nguyễn Hữu An, đã chia sẻ những kỷ niệm thân tình về ông. Những bài phát biểu này đều nói về các đức tính cần mẫn, phục vụ, trách nhiệm, với tinh thần lãng mạn, nghệ sĩ và cũng rất khiêm cung của một người niên trưởng trong quân y. Những kỷ niệm mà họ từng trãi nghiệm, hay chính người thân trong nhà họ kể lại, lột tả được tinh thần phục vụ hết lòng của ông trong thời chiến, đối với những người cần chữa trị, bên phía Việt Nam Cộng Hòa lẫn phía Cộng Sản. Một lương y chân chính không phân biệt ai là bệnh nhân của mình. Không có những chia sẻ về các góc cạnh này thì sẽ khó thể nào biết hết được tinh thần phục vụ của ông trước và sau năm 1975, cũng như nhân cách trong tù cải tạo.
Từ lúc qua Úc năm 1978 đến nay, bác sĩ Dũng đã tận tuỵ đóng góp vào trong các sinh hoạt chung của cộng đồng, đặc biệt đối với Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH. Ông Đặng Văn Đạt kể rằng chỉ một tháng trước khi mất, bác sĩ Dũng cùng với đại diện của Hội Cựu Quân Nhân và Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã gặp gỡ bên phía Vietnam War Gallery để bàn việc treo cờ Vàng vào dịp 19 tháng Sáu, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Bác sĩ Trần Xuân Dũng là vậy đó. Ở tuổi 84, ông vẫn đi làm và vẫn âm thầm miệt mài với những công việc chung.
Kể từ khi định cư Úc, tính đến nay đã 45 năm, bác sĩ Dũng vẫn không quên bổn phận và trách nhiệm mà tự ông đặt ra cho mình. Chỉ thay đổi vai trò, từ một quân y sang dân y. Sau này không chỉ cầm kim chích và ống nghe, ông cầm bút để biên tập thơ, văn và sử để góp phần viết lại những trang sử mà người lính VNCH đã anh dũng bảo vệ, chiến đấu và hy sinh cho miền Nam Việt Nam. Ông phải làm công việc không chuyên môn này bởi vì các sử gia, từ đồng minh cho đến bên cộng sản, vô tình hay cố ý, đã bóp méo, bỏ quên, hay không ghi chép lịch sử trung thực. Ba người con của ông, Trần Thị Uyển Diễm, Trần Thị Quỳnh Diễm, và Trần Xuân Vũ, cũng như chính vợ ông, bà Trương Thị Huệ Phước, đã miệt mài xem lại bao nhiêu tài liệu, hỉnh ảnh, rồi đánh máy, biên tập, và dịch sang tiếng Anh, cho tác phẩm Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến. Tác phẩm này xuất bản lần đầu năm 1997, dầy 516 trang. 10 năm sau, tác phẩm này được tái bản năm 2007, thành 2 bộ, bộ một dầy 795 trang, bộ hai dầy 750, tổng cộng 1545 trang. Hai lần xuất bản đều được in trên giấy dầy, bìa cứng sang trọng, mà phí tổn in ấn hẳn không phải là nhỏ. Mục tiêu làm sách tất nhiên không phải vì lợi nhuận, vì những cuốn này chẳng bao người mua. Tâm huyết, công sức và tài chánh vào các tập sách này với mong ước chỉnh trang lại sự thật của lịch sử nước nhà. Miệt mài làm những công việc này, cũng như những đóng góp âm thầm khác của bác sĩ Dũng nhiều thập niên qua, thể hiện sự khát khao được tiếp tục phương châm Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm mà ông tự trao cho mình.
[Được sự ủy thác của gia đình, tôi hiện đang giữ rất nhiều tập thơ “Như Sóng Thần Lên” năm 1990, và “Chiến Sử Thuỷ Quân Lục Chiến”, xuất bản năm 1997 và tái bản năm 2007, do bác sĩ Trần Xuân Dũng biên soạn. Ai muốn có các bộ sách này xin liên lạc để tôi gửi tặng; chỉ cần gửi cước phí.]
Tôi may mắn được quen thân với bác sĩ từ những ngày đầu sinh hoạt trong sinh viên. Trước khi đến ông khám bệnh, tôi đã được nhiều người, kể cả người bạn nói trên, nhắc nhở về tính liêm khiết, chính trực của ông. Lần đầu tiên đến phòng mạch gặp bác sĩ, không phải với tính cách bệnh nhân mà là một sinh viên tìm sự hỗ trợ của ân nhân trong cộng đồng, ông để lại cho tôi ba ấn tượng sâu sắc. Một, sự chân thành và nhiệt tình với giới trẻ. Hai, sự kính trọng dành cho người đối diện, dù là một người trẻ vai con cháu như tôi. Và ba, sự quan tâm sâu xa về tương lai Việt Nam.
Sau này, quen thân hơn, ông coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Ông pha trò, kể chuyện tiếu lâm, đàn guitar, kể chuyện tù cải tạo v.v… cho chúng tôi nghe. Có lần tôi đưa nhạc sĩ Phan Văn Hưng đến nhà ông ăn tối. Mặc dầu đàn rất hay, ông luôn khiêm cung với anh Phan Văn Hưng. Ông cho biết ông mê anh Hưng đàn tác phẩm Thằng Bé Tát Dầu mà ông cho rằng tiếng đàn đệm guitar từ đầu bài đến cuối bài là một tuyệt tác.
Ông thương vợ con hết mực nên không bao giờ ngại khó. Ông dạy toán, tiếng Anh, hay bất cứ bộ môn nào, dù không biết thì ông cũng học lấy rồi dạy lại. Điều duy nhất tôi thấy ông ngài ngại là máy Computer. Có vài lần tôi phải trấn an ông rằng bác sĩ mà làm hư được cái máy thì mới là hay; vì ông bị tâm lý chỉ sợ làm sai và hư máy thôi. Về sau ông thành thạo dùng máy Computer hơn và không còn ngại như trước. Sau này có cháu ngoại, ông vẫn tận tuỵ dạy các cháu học giống như xưa.
Bài phát biểu cảm động nhất trong tang lễ đến từ con gái đầu lòng của ông, nha sĩ Trần Thị Uyển Diễm. Vắn tắc cuộc đời của bố, Uyển Diễm không khỏi tự hào về người cha sinh năm 1939, tuổi con cọp. Đó là thời điểm xế chiều của chủ nghĩa thực dân, sự bạo tàn của Nhật Bản trong Thế Chiến II (gây ra nạn đói làm chết gần 2 triệu người Việt), và sự khát máu của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Thời cuộc đẩy ông vào vòng nghèo khó và đau khổ. Ông mất mẹ năm 7 tuổi. Trong hoàn cảnh khốn khó nhất, ông đã vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, miệt mài học để vào được y khoa, rồi vào ngành Quân Y để phục vụ. Ông nổi tiếng là người liêm chính và công bằng trong sự nghiệp, và giàu lòng từ bi với tư cách một bác sĩ. Lời cuối của Quỳnh Diễm là “Bố thương, Bố quý, Bố đi bình an”.
Với tôi, bác sĩ Dũng là một người cực kỳ thông minh (ngoài tiếng Anh và Pháp, ông còn tự học tiếng Đức, Tây Ban Nha, và Hán), thông thái (luôn tìm tòi học hỏi) và tài hoa (như đàn guitar kiểu Tây Ban Nha tuyệt vời); nhưng cũng là người thật khiêm tốn, tế nhị và chính trực.
Tang lễ xong, tôi đến ôm cô Huệ. Cô kể tôi nghe rằng lúc còn sống, bác sĩ mong muốn được chết sau cô, để ông có thể lo cho cô đến cuối cùng. Nếu ông mất trước, ông không thể lo cho cô được.
Bác sĩ Trần Xuân Dũng vẫn luôn là người trọn tình trọn nghĩa như thế!
Phạm Phú Đức
Úc châu, 25/06/2023
https://bienxua.wordpress.com/2023/06/29/thuong-tiec-mot-bac-si-quan-y-pham-phu-duc/