Tôi làm việc ở trường học, ngoài những ngày nghĩ lễ chính thức tại Hoa Kỳ mỗi năm khoảng mười mấy ngày, giữa các khóa học tức là sau mỗi 2 tháng thì các thầy cô lại được nghĩ xả hơi 1 tuần. Hai tháng hè không phải đi làm (trừ khi cá nhân muốn đi làm thêm để có tiền phụ trội.) Đến Lễ Tạ Ơn được nghỉ 3 ngày. Cuối năm Giáng Sinh đến Tết Tây, trường học đóng cửa chúng tôi được nghĩ hai tuần. Vào mỗi kỳ nghĩ đó, tôi lại đi chơi để biết đây biết đó, bù trừ cho những tháng năm vì nặng gánh trách nhiệm cho nên đành phải làm việc miệt mài.
Vào kỳ nghĩ lễ cuối năm 2022 vừa qua tôi đã lại đi thăm tiểu bang Hawaii. Hai kỳ trước tôi đã ghé qua các đảo Oahu và Maui, nhưng kỳ này là tôi đi thăm Đảo Lớn tức là đảo Hawaii. (Tiểu bang Hawaii có tất cả 8 đảo nhưng chỉ có 7 đảo là có người cư ngụ. Trong đó có sáu đảo lớn có nhiều cảnh quan để thăm viếng và những hoạt động phiêu lưu hứng thú như: Kauai, Oahu, Molokai, Lānai, Maui và đảo Hawaii)
Đảo Hawaii là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hawaii của Hoa Kỳ ở Trung tâm Thái Bình Dương. Địa hình đa dạng của Hawaii trải dài từ những bãi biển cát màu ở Papakolea (màu xanh lục) và Punaluu (màu đen) đến khu rừng nhiệt đới tươi tốt. Nằm trong Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii là 2 ngọn núi lửa Kilauea và Mauna Loa. Kilauea hiện đang hoạt động và Mauna Loa thì không còn hoạt động. Lần phun trào cuối cùng của núi lửa Kilauea là vào ngày 5 tháng 1 năm 2023.
Khởi hành vào ngày 25/12/22 tức là ngày sau lễ Giáng Sinh, tôi bay sang đảo Hawaii (Big Island) dừng chân tại một khách sạn ở Hilo, từ đó đi thăm Kealakekua Bay tại Kailua Kona, một thắng cảnh lịch sử của đảo Hawaii.
Nghỉ qua đêm tại Hilo, sang ngày hôm sau tôi lái xe đi thăm Núi lửa Kilauea nằm trong Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii (Hawaii Volcanoes National Park). Chung quanh khu vực của núi lửa Kilauea có rất nhiều cảnh để xem, từ những con dường mòn băng qua các rừng cây, đến những hang động, những núi đá, những bãi biển, và những hố thông hơi bốc khói nghi ngút. Mỗi quang cảnh đều có những điểm gợi hứng thú cho người tham quan.
Sang đến ngày thứ ba của chuyến du lịch, tôi đi thăm hang động Kaumana ở thành phố Hilo. Hang động đẹp, rất hấp dẫn nhưng cũng rất sâu và khó đi vì đường đá lởm chởm, trơn trượt, rất nguy hiểm cho những người lớn tuổi. Tôi chỉ đi đến nữa đoạn đường là phải trở ngược ra ngoài vì không muốn gặp tai nạn do vấp ngã.
Ngày thứ tư, tôi lái xe về hướng cực nam của đảo Hawaii (cách Kailua-Kona 70 dặm) để đi thăm hai bãi biển: Bãi biển Papakōlea còn gọi là Mahana hay Bãi biển Cát Xanh, và Bãi biển Punaluu con gọi là Bãi biển Cát Đen. (Chú thích: tuy cũng được gọi là bãi biển Cát Xanh nhưng bãi biển Mahana không có cát xanh mà cát xanh chỉ thực sự được nhìn thấy khi đi tới gần bãi biển Papakōlea)
Mất bao lâu để đi bộ đến Green Sand Beach? Từ bãi đậu xe tại Bãi biển Mahana đi bộ tới Bãi biển Cát Xanh mất khoảng 3 dặm, tức là 50 phút. Con đường rất gập ghềnh, khó khăn, nhưng thú vị với sự được đi bộ, ngắm cảnh sóng vỗ, ghềnh đá cheo leo, và thưởng thức không khí trong lành của gió biển lồng lộng thổi vào người.
Rời bãi biển Cát Xanh Papakōlea, tôi lái xe tới Bãi biển Cát Đen Punaluʻu nằm giữa Pāhala và Nāʻālehu trên Đảo Lớn của tiểu bang Hawaii với những rặng dừa bao quanh. Bãi biển Punaluu có cát đen làm từ đá bazan và được tạo ra bởi sự nổ tung và nguội đi của dung nham khi chảy vào đại dương do hoạt động của núi lửa nằm trong Công viên Quốc gia Hawaii Volcanoes.
Tính cả lần đi này, tôi đã ba lần ghé thăm Hawaii, mỗi lần ghé thăm một đảo khác, nhưng mỗi khi rời Hawaii là trong tôi lại luôn có sự lưu luyến. Có lẽ là tại do cảnh đẹp, khí hậu trong lành, và sự thân thiện hiền hòa của người dân lẫn môi trường chung quanh. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, người đến rồi người lại đi.
Xin cảm tạ cuộc đời, cảm tạ sức khỏe, tài chánh và cơ hội, cảm tạ tính dân chủ của đất nước Hoa Kỳ, nơi tôi đang cư ngụ. Dù không phải là thiên đàng, đất nước Mỹ đã tạo điều kiện cho cuộc sống của người dân chúng tôi được phát triển vươn lên, trong bình đẳng, an toàn, tự do, công bằng và hạnh phúc.
Tuệ Vân.