Năm 1922, Hội Khai-trí Tiến-đức ở Bắc-kỳ đứng ra khởi xướng việc thành lập Ấu-trĩ- viên để cho trẻ em nơi các làng quê có hoàn cảnh thuận tiện để phát triển trí đức và thể chất. Nhà giáo Hùng-Sơn Nguyễn Duy Ngung soạn quyển Ấu-trĩ Độc-bản, với bảy mục: “Tu-thân, Vệ- sinh, Ẩm-thực, Cư-xử, Luân-lý, Nam-sử, Địa-dư”, để dùng vào việc dạy trẻ em tại các Ấu-trĩ- viên.
Năm 1924, toàn-quyền Đông-Dương duyệt và cho phép sử dụng hai quyển sách của nhà giáo Trần-Phong-Sắc: “Sĩ-Hữu Bá-Hạnh” dạy cho học trò trường nam và “Ấu-Viên Tất-Độc” dạy cho học trò trường nữ. Tác giả Trần-Phong-Sắc là thầy giáo dạy chữ nho và luân lý tại trường tiểu-học Tân-An. Trong “Lời Dặn” sách “Sĩ-Hữu Bá-Hạnh”, tác giả nhắn nhủ học trò như sau:
“Các trò phải biết, Nhà-nước lập các trường cho các trò học, những trò đậu thời giúp việc Nhà-nước. Còn không đậu, cũng biết lễ-nghi phong-hóa mà ở đời cho khỏi tội lỗi, nên để giờ dạy morale mà giảng dạy cang-thường luân-lý. Vậy các trò phải rán mà học sách nầy. Dầu đậu hay rớt đều có ích cả.”
Sách có hai phần: cuốn nhứt (đầu) cho học trò nhỏ, cuốn nhì cho học trò lớn.
Cuốn nhứt dạy về cách ăn uống, nằm ngủ, đứng ngồi, vệ sinh, biết cách chào hỏi và biểu lộ cảm tình; dạy cách bảo vệ thân thể và giữ gìn sinh mạng của mình; về việc học thì dạy những việc liên quan đến việc học như làm toán, vẽ, viết, đọc sách, mượn sách, sống ngăn nắp; đối với bản thân, cữ dùng trầu thuốc; về cách cư xử thì chỉ dẫn cách cư xử với cha mẹ, anh chị em, chị dâu anh rể, ông bà, bà con, đối với thầy, với bạn, với người lớn, người già.
Cuốn nhì dạy về cách đối xử với người ngoài từ trẻ nhỏ, tôi đòi, lối xóm, cho đến người giàu sang, tàn tật, quê mùa; tập những tính tốt cần cho việc đi buôn, làm ruộng, làm thợ; dạy hiểu biết và luyện những đức tính như chí khí, siêng năng, tiết kiệm, nhẫn nhịn, không tham, biết xấu hổ, ngay thẳng, hiền hòa…
Sách còn có 46 bài vắn tắt để học trò đọc cho dễ nhớ các cách cư xử và tập luyện tính tình cũng như tư cách đạo đức. [Phụ Lục 9]
Thế hệ người Việt sinh ra vào khoảng thập niên 1930 đã từng chịu ảnh hưởng của sách Luân-lý Giáo-khoa-thƣ với những câu chuyện có tính cách luân lý để biết thế nào là người con hiếu, là người em thảo, là người bạn tốt, học trò phải biết ơn thầy, đối xử tử tế với kẻ tôi tớ giúp việc trong nhà, đối xử nhân từ với thú vật và nhiều những đức tính khác để trở nên một người tốt đối với gia đình, với xã hội và vạn vật quanh ta.
Các nhà giáo Trần Trọng Kim (1883-1953), Nguyễn Văn Ngọc (1891-1942), Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận đã được Nha Học-chính Đông-pháp ủy cho việc soạn tập sách Luân-lý Giáo- khoa-thư để dạy cho học trò các lớp tiểu-học.
Ngày 9 tháng Ba năm 1945, bằng sức mạnh quân sự, quân đội Nhật đã giúp các xứ Đông- Dương thoát khỏi sự áp đặt của chính quyền thuộc địa Pháp. Chính phủ Nhật tuyên bố không có tham vọng chiếm lĩnh thổ Đông-Dương và trao trả độc lập cho các xứ Đông-Dương. Hoàng-đế Bảo Đại tuyên bố Việt-Nam độc lập bằng tờ chiếu tuyên ngôn ngày 11 tháng Ba năm 1945. Vua tuyên chiếu cầm quyền theo nguyên tắc “Dân vi quý” theo lý thuyết chính trị của Mạnh tử, nghĩa là “Dân là quý hơn hết”, và mời học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Danh sách của tân nội-các gồm những nhà tân học, có nghề nghiệp chuyên môn và được học giả họ Trần chọn với hai tiêu chuẩn: “Phải có đủ tư tưởng và học thức về mặt chính trị” và “phải có đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục”. (Một Cơn Gió Bụi)
Một trong những vấn đề mà chính phủ Trần Trọng Kim quan tâm là đoàn kết sức mạnh thanh niên. Ông cho biết: “Không có Bộ Quốc Phòng nhưng lại có Bộ Thanh Niên, lập ra các đạo thanh niên tiền tuyến, để một ngày kia thành những đội quân có tinh thần mạnh mẽ.”
Luật sư Phan Anh, bộ-trưởng bộ Thanh-Niên, cùng với phụ tá Tạ Quang Bửu và Phan Tử Lăng tổ chức Thanh-Niên Xã-Hội và Thanh-Niên Tiền-Tuyến ở Trung-bộ và Bắc-bộ, và Thanh- Niên Tiền-Phong ở Nam-bộ. Thanh niên được huấn luyện về thể dục, tập tinh thần kỷ luật và phục vụ dân chúng, giúp giải quyết những nhu cầu cấp thời trong xã hội như cứu tế, truyền bá sự học, vệ sinh. Muốn gia nhập Thanh-Niên Tiền-Phong ở Nam-bộ, đoàn viên phải làm lễ tuyên thệ và công nhận năm điều luật. Lời tuyên thệ có hai câu là “Thanh-Niên Tiền-Phong luôn luôn hết lòng hy sinh cho Tổ-quốc”, và “Thanh-Niên Tiền-Phong luôn luôn hành động theo luật danh-dự của Thanh-Niên Tiền-Phong.” Năm điều luật của Thanh-Niên Tiền-Phong là:
1- Thanh-Niên Tiền-Phong sẵn sàng hiến thân cho Tổ-quốc.
2- Thanh-Niên Tiền-Phong là người danh-dự.
3- Thanh-Niên Tiền-Phong trọng kỷ luật.
4- Thanh-Niên Tiền-Phong hào hiệp hay giúp người.
5- Thanh-Niên Tiền-Phong trong sạch từ tư tưởng, lời nói. (Hồi-ký Nguyễn Kỳ-Nam)
Ngày 8 tháng Ba năm 1949, tổng-thống Pháp Vincent Auriol và cựu-hoàng Bảo Đại ký thỏa-ước tại điện Elysée. Một lần nữa, độc-lập Việt-Nam được tuyên bố. Pháp xác nhận chủ quyền nội-trị của Việt-Nam nhưng một số vấn đề liên quan đến tiền tệ và kinh tế bị ràng buộc với các xứ Đông-Dương khác.
Cuối tháng Tư năm 1949, cựu-hoàng Bảo Đại về Việt-Nam và thành lập chính phủ Quốc- gia Việt-Nam. Bác-sĩ Phan Huy Quát được bổ nhiệm làm bộ-trưởng bộ Quốc-gia Giáo-dục trong tân chính phủ. Chương trình giáo dục chú trọng vào cấp trung-học, tráng-niên giáo-dục (cho những người trên 18 tuổi) và ngành sơ-học cấp-tốc để tiến tới giáo dục cưỡng bách.
Chương trình ngày 24-8-1949 của Bộ Quốc-gia Giáo-dục ấn định các bài học, tập đọc và học thuộc lòng của lớp Nhất bậc tiểu-học phải có “khuynh-hướng về đạo-đức và chủ-nghĩa quốc- gia, về tình-cảm, về trào-phúng…” (Tân Quốc-Văn, Hà-Nội 1950)
Tháng Giêng năm 1951, bộ Quốc-gia Giáo-dục thời chính phủ Trần Văn Hữu – tổng- trưởng bộ Quốc-gia Giáo-dục lúc ấy là luật-sư Vương Quang Nhường – ấn định chương trình Đức-dục cho lớp Nhất (tiểu-học) như sau: mỗi tháng học sinh có tám bài học về đức-dục. Sau một niên học chín tháng, học sinh học được những điều sau đây:
- Giữ gìn tính mạng, tập thể thao, rèn tâm tính, luyện chí khí; tập tinh thần đồng đội, tập tính can đảm; biết trách nhiệm và quyền lợi.
- Giữ gìn nhân cách, tự trọng; phòng xa, tiết kiệm, sống giản dị; cố gắng làm việc.
- Chọn học một nghề, trau giồi nghề nghiệp, có óc sáng kiến trong khi làm việc.
- Làm việc có phương pháp, tổ chức, phê bình; có lương tâm chức nghiệp; liêm khiết.
- Có bổn phận đối với gia đình; có tinh thần gia tộc.
- Có tinh thần quốc gia, yêu quốc ca, quốc kỳ; tham gia vào đoàn thể: nhi đồng, thanh niên.
- Giữ gìn thuần phong mỹ tục, đồng thời học hỏi tinh hoa nước ngoài; có lòng đổi mới xã hội cho tốt đẹp hơn; làm việc công ích, tương trợ, cứu tế.
- Chống nạn thất học; cứu trợ đồng bào bị hỏa tai, bão lụt; thấy người bị ngã hay bị thương thì nâng đỡ và giúp đỡ chứ không lãnh đạm, chế nhạo họ.
- Học về lễ nghi, biết mừng việc hiếu, việc hỷ; học về bổn phận con trai, con gái.
Bộ Quốc-gia Giáo-dục thời Đệ-nhất Cộng-hòa (1955-1963) đưa chỉ-dẫn để những nhà soạn sách giáo khoa thực hiện chủ trương: “… Nên nhẹ phần tầm-chương, trích-cú, nghệ-thuật vì nghệ-thuật, mà phải chú-ý đề cao vấn-đề nghệ-thuật vì dân-sinh (phục-vụ cho đạo-đức con người, cho hạnh-phúc gia-đình, cho an-ninh xã-hội, cho độc-lập, tự-do).” (Quốc-Văn Toàn Tập, 1958)
Trong chương trình học ở miền Nam Việt-Nam thế hệ 1960-1975, bậc tiểu học (các lớp từ 1 đến 5) và trung-học đệ-nhất-cấp (các lớp 6, 7, 8, 9) có môn công-dân giáo-dục, bậc trung- học đệ-nhị-cấp (các lớp 10, 11, 12) có môn triết học vào năm cuối của trung học (lớp 12, lớp đệ- nhất). Trong chương trình học triết có dạy đạo đức học, luận lý học, tâm lý học và siêu hình học.
Cung-oán ngâm-khúc là một khúc ngâm theo thể song-thất lục-bát của Ôn-như-hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798). Tác phẩm muốn nói lên nỗi lòng của người cung nhân không còn được vua để mắt đến. Người cung nhân tự nghĩ mình có duyên có sắc có tài: duyên như Đào Kiển phu-nhân, cung-phi vua Thuận-đế nhà Nguyên; sắc thì khuynh nước khuynh thành, so sánh được với Tây-thi và Hằng-nga; tài văn chương như Lý Bạch, vẽ như Vương Duy, uống rượu như Lưu Linh, đánh cờ như Đế Thích, đàn như Tư-mã Tương Như, thổi ống tiêu như Tiêu Sử, múa hát khúc Nghê-thường như tiên nữ. Tại sao lại lưu lạc vào cảnh trái ngang, khổ sở, bị bỏ quên nơi cung vắng? Phải chăng do nhân duyên, sợi xích thằng se đâu thì phải chịu?
Tục đa thê đã có từ lâu ở Việt-Nam. Vua chúa các triều đại ngoài ngôi hoàng hậu còn nhiều phi tần và cung nhân. Đinh Tiên-hoàng-đế (968-979) đặt ra năm ngôi hoàng hậu. Lê Đại- hành (980-1005) lên ngôi cũng lập năm hoàng hậu. Lý Thái-tổ (1010-1028) có đến chín hoàng hậu. Các vua nhà Nguyễn (1802-1945) cũng đều có rất nhiều phi tần.
Trong phong tục dân gian, người đàn ông đã có vợ mà sau mấy năm vợ chưa sinh con trai nối dõi tông đường, giữ việc thừa tự thì người chồng thường lấy vợ lẽ, hoặc là vì công việc những người đi làm quan hoặc buôn bán xa, lấy vợ cả để vợ cả ở nhà hầu hạ bố mẹ chồng và đem vợ lẽ đi theo, hoặc là vợ cả đi theo chồng thì lấy vợ lẽ để vợ lẽ hầu hạ bố mẹ chồng. Về sau này, mặc dù có khi đủ cả con trai con gái, người giàu có, đời sống dư dả cũng lấy vợ hai, vợ ba, vợ tư, vợ năm… Tục ngữ ca dao đã có những câu cho thấy tình trạng đa thê trong xã hội Việt- Nam.
Đàn ông năm bảy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Sông bao nhiêu nước cũng vừa,
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng.
Làm tài trai lấy năm lấy bảy,
Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Đạo Thiên-chúa đến nước Việt vào thế kỷ thứ 16 và trong giáo lý hôn nhân của đạo Thiên-chúa chỉ chấp nhận hôn nhân một chồng một vợ, giữa một người nam và một người nữ. Không biết có sử sách nào ghi chép lại ảnh hưởng của giáo lý hôn nhân Thiên-chúa giáo đối với phong tục đa thê của người Việt.
Tục đa thê vẫn còn tiếp tục mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 khi Việt-Nam trở thành thuộc- địa của Pháp. Ảnh hưởng của Tây-phương chỉ thực sự lan truyền trong lớp trí thức Việt-Nam khi khoa cử nho-học bị bãi bỏ hẳn vào cuối thập niên 1910. Sự tiếp xúc với dân Âu Tây cộng với kiến thức thu thập qua học vấn đã khiến giới trí thức thay đổi quan niệm về văn hóa và nhân sinh. Họ bị Âu-hóa mạnh mẽ nhất về phương diện phong tục và phản đối lại những cổ tục của nền văn hóa truyền thống. Gần như mọi tập tục xưa đều bị chê bai.
Người chú trọng nhất vào việc thay đổi phong tục là Phan Kế Bính (1875-1921). Ông đã soạn nguyên một quyển sách về phong tục Việt-Nam, quyển Việt Nam Phong Tục (1915), trong đó ông chỉ trích tất cả những khuyết điểm trong phong tục nước Việt theo nhãn quan của một nhà cựu-học nhiễm tư tưởng Tây-phương. Tất cả những chuyện mê tín dị đoan, thầy phù thủy, tướng số, phong thủy đều bị ông phản đối.
Ông bênh vực phụ nữ, cho rằng phụ nữ nước Việt bị đàn ông, nhất là các ông chồng, áp chế. Ông đem câu tục ngữ Âu châu này ra để bênh vực phụ nữ: “On ne doit pas battre les femmes même avec des fleurs.” Ông cũng cho thấy những sự bất công và bất bình đẳng phụ nữ nước Việt phải chịu. Ông phản đối tục lấy vợ lẽ vì cho rằng tục này “trái với cách văn minh”, làm cho con người “mất tự do, mất bình đẳng, thì là trái với đạo công bằng của tạo hóa”. Người chồng có nhiều vợ thì rất khó phân xử cho vừa lòng tất cả, vì thế vợ chồng lục đục, gia đình bất hòa, con cái không người chăm nom, thành ra mất cả hạnh phúc.
Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
Con thơ tay ẵm tay bồng,
Tay nào xách nước, tay nào vo cơm. (ca dao)
Phan Khôi (1887-1959) cũng lên tiếng bênh vực phụ nữ và nêu lên những thiệt thòi mà phụ nữ đã phải chịu bao nhiêu lâu nay. Ông bảo hai trong mười cái khổ của phụ nữ là “cái khổ làm vợ bé” và “cái khổ lấy chồng già”. Do tục đa thê, người đàn ông giàu sang quyền thế tha hồ lấy “hầu non”, con gái nhà nghèo thường phải lấy chồng già.
Ông nhận thấy “cái sự lấy chồng chung làm cho nhân cách đàn bà trở nên đê tiện” vì “bầy vợ tranh nhau mà thờ phụng hầu hạ anh chồng.”(Phụ-Nữ Tân-Văn 25 juillet 1929)
Chồng chung chồng chạ
Ai khéo hầu hạ thì đƣợc chồng riêng. (ca dao)
Lấy chồng làm lẽ khó thay,
Đi cấy đi cày chị chẳng kể công.
Đến tối chị giữ lấy chồng,
Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài.
Đêm đêm gọi những “Bớ Hai!
Trở dậy nấu cám, thái khoai đâm bèo. (ca dao)
Năm 1939, nhà văn Mạnh Phú Tư (1913-1959) được giải thưởng về bộ môn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn với quyển Làm Lẽ. Tác giả đã dồn mọi sự cực khổ, cay đắng của một đời làm lẽ để vào trong tác phẩm và cho rằng không thể vin vào cớ là vì trong nước số đàn bà nhiều hơn đàn ông để giữ lại chế độ đa thê. Theo Mạnh Phú Tư, chế độ này sở dĩ nên tránh vì tình cảnh nhiều vợ hay sinh ra lắm chuyện ghen tương, không thể có được sự hòa hảo trong gia đình; người đàn bà đi làm lẽ thường phải chịu nhiều nỗi oan ức và khổ sở; con cái thứ bậc khác nhau nên ít thân nhau và bị đối xử không công bằng. Ông còn viết quyển Nhạt Tình để tả tình cảnh người vợ cả bị chồng đày đọa và bị vợ lẽ ghen ngược.
Khái Hưng (1896-1947) cũng phản đối việc làm lẽ, cho rằng một người [phụ nữ] có lương-tâm không bao giờ lại đi “yêu chồng người khác được”. (Lịch sử Việt-Nam thuộc Pháp 1858-1945)
Sau khi các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn ra một loạt sách tiểu thuyết luận đề đả phá những quan niệm hôn nhân cũ và chế độ đại gia đình, họ được giới thanh niên nam nữ trí thức rất hoan nghênh. Những phong tục dị đoan trong hôn nhân, những sự xung đột mẹ chồng nàng dâu, những tập tục về tảo hôn, những quan niệm về trinh tiết bị đem ra làm mục tiêu đả phá. Nhờ đó mà tục đa thê bớt dần, tục tảo hôn thì tuyệt hẳn. Không còn có cảnh phụ nữ phải lấy chồng trẻ hơn mình để gánh vác giang sơn nhà chồng. Người phụ nữ có học không chấp nhận phận thứ thiếp như trước. Đối với các cô, gia đình chỉ có một vợ một chồng và các con chung của nhau. Thanh niên tân học thường chỉ lấy một vợ. Những ông chồng có lăng nhăng cũng không dám đương nhiên lấy vợ lẽ, mà chỉ dám gặp lén lút mà thôi. Thực là trái hẳn với thời trước, người vợ cả phải đứng ra lấy vợ lẽ cho chồng.
Tuy nhiên tục đa thê chỉ giảm bớt chứ không chấm dứt hẳn.
Thời Đệ-nhất Cộng-Hòa (1955-1963), cuối năm 1957, Quốc-hội họp bàn về dự án “Luật Gia-đình” của bà dân-biểu Trần Lệ Xuân (1924-2011). Sau nhiều lần thảo luận, ngày 29 tháng Năm năm 1958 Quốc-hội chấp thuận dự án về luật gia đình theo đó điều quan trọng nhất là tục đa thê đã có từ bao nhiêu lâu nay trong xã hội Việt-Nam bị chính thức chấm dứt. Theo luật mới, trong gia đình vợ được bình đẳng với chồng và được quyền độc lập về tài chánh. Lần đầu tiên trong lịch sử về chế độ hôn nhân ở Việt-Nam, tục lệ đa thê bị chính thức bãi bỏ.
Tác giả dự luật, bà Trần Lệ Xuân, lên tiếng cám ơn Quốc-hội, đại ý như sau:
“Cuộc thảo luận và biểu quyết của Quốc hội về dự án luật gia đình đã tới phút chót. Tôi thấy cần phải nhân danh phụ nữ cám ơn toàn thể quí vị góp phần xây dựng vào việc san định đạo luật này. Có những người không bằng lòng việc làm của chúng ta, trong đó có cả phái phụ nữ không đứng đắn muốn len chân vào gia đình chính thức. (…)” (Báo Ngôn Luận 31 tháng Năm năm 1958)