Không phải chỉ thơ văn cổ-điển La Hy hay Trung-Hoa mới có những đặc tính giản ước để tả con người thiên cổ mà trong thơ văn cổ nước Việt cũng có. Thơ văn cổ-điển Việt kết tụ được tinh hoa của nền tam-giáo đồng-lưu mà Thượng-Chi tiên-sinh mong đợi: “đạo Khổng khôn-ngoan”, “đạo Lão siêu-việt”, “đạo Phật từ-bi bác-ái”.
Sách sử Việt cho thấy các vua nhà Trần, từ Thái-tông đến Minh-tông, đều là những người mộ đạo Phật.
Khi mới lên ngôi, bất bình vì hành động của Trần Thủ Độ, vua Trần Thái-tông (1225- 1258) trốn lên núi An-Tử. Nơi đây, quốc-sư Trúc-Lâm nói với vua rằng: “Trong rừng, vốn không làm gì có Phật. Phật chỉ ở lòng người. Nếu lòng yên lặng mà nghĩ thấu thì tức là đấng Phật chân- thực đó. Nay nếu Bệ-hạ mà giác-ngộ được lòng ấy thì đứng ở đâu là thành Phật ở đó ngay, chớ không phải đi tìm ở ngoài cho vất-vả.” Vua Thái-tông để lại một số tác phẩm biên khảo về đạo Phật trong đó có Khóa-hư-lục gồm có bài Kệ thuyết về bốn núi, “Tứ Sơn”, nói về những giai đoạn trong đời người: sinh, lão, bệnh, tử, và thêm một số những bài kệ khác. Sách Khóa-hư-lục có mục đích thức tỉnh người ta về sự vô thường của cuộc đời và hướng dẫn người tu hành một cách thực tiễn để đạt đến chánh quả.
Do những lần chiến tranh với nhà Nguyên (thế kỷ thứ 14) và nhà Minh (thế kỷ thứ 15), các vua Đại-Việt đã nhờ nho-học để củng cố tinh thần đoàn kết và lập lại trật tự xã hội. Hịch tướng sĩ văn (1284) của Trần Quốc Tuấn (1232-1300) với lời lẽ hùng hồn kêu gọi kẻ sĩ nhớ đến quốc-sỉ, hãy dẹp những thú vui riêng để hy sinh cho đất nước.
“… Các bậc trung thần nghĩa sĩ ngày xưa, bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử mấy người ấy cũng cứ bo bo theo lối thường tình, chết già ở xó nhà thì sao cho lưu danh sử sách đến nghìn muôn đời như thế được?
(…) Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm; hoặc lấy chuyện chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao dùng làm quân mưu được; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bíu con dìu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm cho giặc say chết; tiếng hát không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta bị nhục bấy giờ, mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục. Lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ liệu có được hay không? …” (Hịch tướng sĩ văn)
Các triều Lê, Nguyễn tiếp tục truyền thống nho-học mà ảnh hưởng còn thấy trong các truyện Nhị-thập tứ-hiếu diễn-âm của Lý Văn Phức (1785-1849), Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), v.v…và trong rất nhiều thơ văn của nho sĩ nước Việt, điển hình là bài thơ về chí làm trai của Nguyễn Công Trứ (1778-1858).
“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả trả vay,
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ?
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong,
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.”
Vì nho-học thiên về duy lý, chú trọng việc duy trì kỷ cương, luôn luôn nhắc nhở đến bổn phận đối với gia đình và xã hội, cho nên đạo Lão đã cân bằng tâm hồn con người nhờ cái thú biết hưởng cảnh thiên nhiên, biết hưởng nhàn, biết “tri túc” qua thơ văn của các nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm (1494-1585), Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Tản-Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889- 1939) , v.v…
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào?
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Một trong những truyện nôm trong văn học Việt-Nam là truyện Quan-âm Thị Kính viết theo thể lục-bát, chưa biết rõ do ai sáng tác. Bản in đầu tiên bằng quốc-ngữ do nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) ấn hành năm 1911. Truyện có tình tiết éo le và diễn tả cho thấy đạo lý từ bi của nhà Phật. Khi Thị Mầu sinh con, gia đình Thị Mầu không chịu nuôi đứa bé vì Thị Mầu không cho biết ai đích thực là cha đứa bé; Thị Mầu đành đem con đến bỏ ở nơi cửa chùa. Thật khổ tâm cho tiểu Kính-Tâm, không nuôi thì tội cho đứa bé mà nuôi thì mang tiếng oan vì thầy trú trì và người làng nghĩ đứa bé ấy là con của Kính-Tâm.
“Cơ thiền kể cũng khắt khe,
Khéo xui ra đứa làm rê riếu mình.
Nhưng vì trong dạ hiếu-sinh*,
Phúc thì làm phúc, dơ đành chịu dơ.
Cá trong chậu nước bơ vơ,
Khi này chẳng cứu còn chờ khi nao?
Chẳng sinh cũng chịu cù-lao*,
Xót tình măng sữa, nâng vào trong tay.
Bữa sau sư phụ mới hay,
Dạy rằng: Như thế thì thầy cũng nghi.
Phỏng như khác máu ru thì,
Con ai mặc nấy can gì đa-mang*?”
Bạch rằng: “Muôn đội thầy thương,
Xưa nay thầy dạy mọi đường nhỏ to.
Dù xây chín đợt phù-đồ*,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Vậy nên con phải vâng lời,
Mệnh người dám lấy làm chơi mà liều.”
Sư nghe thưa thốt mấy điều,
Khen rằng: “Cũng có ít nhiều từ-tâm.”
Ở phần kết thúc, nỗi oan của Kính-Tâm được Đức Phật Thế-Tôn chứng kiến và cho Kính-Tâm hóa thành Phật Quan-âm, chứng minh quan niệm ở hiền gặp lành trong luật nhân-quả của đạo Phật:
“Cho hay lành lại gặp lành,
Nam-mô-di-Phật tu hành mà coi.”
[*hiếu-sinh: lòng muốn cho muôn vật đều sống.
*cù lao: công trình khó nhọc của cha mẹ nuôi con. Thơ Lục-nga trong Kinh Thi nói về công đức cha mẹ có chín điều vất vả khó nhọc gọi là chín chữ cù lao. Xin xem thêm giải thích trong Lời Mẹ Hiền và Phật-Giáo Việt-Nam, cùng tác giả.
*đa-mang: ôm đồm.
*phù-đồ: chùa tháp để thờ Phật.]
*
Triết gia danh tiếng Hoa-Kỳ đầu thế kỷ thứ 20, John Dewey (1859-1952), cho rằng mục đích của giáo dục là đào tạo những con người biết suy nghĩ, biết phân biệt và tham dự vào sinh hoạt xã hội chứ không phải là những người thụ động, chấp nhận. Học đường cần trang bị cho học sinh những điều cần thiết để họ đóng góp vào trong xã hội tương lai. Trong tác phẩm Moral Principles in Education, Dewey trình bày các đề tài sau đây:
1. Sự quan trọng của đạo đức trong xã hội (Importance of morals in society)
2. Vai trò của học đường trong xã hội (School‟s role in society)
3. Đạo đức trong giáo dục (Morals in education)
4. Ba trách nhiệm đạo đức của học đường (The moral trinity of the school)
Dewey định nghĩa “moral ideas” (ý tưởng đạo đức) là bất cứ ý tưởng nào có thể giúp cho sự hành xử được cải thiện, được tốt đẹp hơn, và “immoral ideas” là bất cứ ý tưởng nào khiến cho hành vi của con người tệ hại hơn. Ông nhìn thấy trách nhiệm quan trọng của học đường là giáo dục về luân lý đạo đức và học đường giúp cho sự phát triển tư cách, và ông mong rằng học sinh sẽ dần dần trở nên những người tự trọng, ý thức được hành vi của mình chứ không phải mãi mãi ở dưới sự chỉ huy của người khác.
Cùng một thời với John Dewey, triết gia Pháp Henri Bergson (1859-1941) nổi tiếng với sự đóng góp của ông về luân lý và tôn giáo trong tác phẩm “Les deux sources de la morale et de la religion” phát hành năm 1932. Phạm Quỳnh trình bày quan niệm của Bergson về luân lý và tôn giáo như sau:
“Nhà đại-triết-học nước Pháp đời nay là ông Henri Bergson, mới xuất-bản một bộ sách là kết-quả cái sự-nghiệp tư-tưởng của ông trong bốn mươi năm nay, sách đề là “Hai cái nguồn của luân-lý và tôn-giáo” (Les deux sources de la morale et de la religion). Ông cho luân-lý có hai thứ: một cái “luân-lý kín” (morale close), một cái “luân-lý ngỏ” (morale ouverte); tôn-giáo cũng vậy: một cái “tôn-giáo tĩnh” (religion statique), một cái “tôn-giáo động” (religion dynamique). Cái “luân-lý kín” và cái “tôn-giáo tĩnh” là để duy- trì cho xã-hội có nền-nếp được vững-bền; gọi là “kín”, là vì nó chỉ khu-khu ở trong phép- tắc di-truyền của đời trước, không dám vượt ra ngoài qui-củ; gọi là “tĩnh”, là vì nó thủ- thành yên-tĩnh, không có phấn-khởi hoạt-động. Tôn-giáo ấy, luân-lý ấy không phải là không có công; có công lắm, vì nếu không có luân-lý ấy, tôn-giáo ấy làm bảo-chướng thì đoàn-thể đến lìa-tan, xã-hội đến giải-tán. Nhưng nếu xã-hội toàn thuộc luân-lý ấy, tôn- giáo ấy chủ-trương chi-phối, thì tất ngưng-trệ lại, không tiến-hóa lên được, thành ra “hóa- thạch” mà không có sinh hoạt nữa. Cho nên ngoài cái luân-lý kín là cái luân-lý của phần đông, ngoài cái tôn-giáo tĩnh là cái tôn-giáo của số nhiều, cần phải có một cái “luân-lý ngỏ”, một cái “tôn-giáo động” để khiến cho người ta phấn-khởi mà tiến lên: gọi là “ngỏ” là vì nó không bí-tắc mà lại khai-thông, thời-thường du-dương trong cõi tiêu-dao tự-tại; gọi là “động” là vì nó hoạt-bát siêu-việt, muốn dũng-dược mà trực-tiếp với cõi thần-bí cao xa. Luân-lý này, tôn-giáo này chỉ là riêng cho một số ít người lỗi-lạc mà thôi, thật là những kẻ hướng-đạo tinh-thần cho cả nhân-quần xã-hội.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Dựa trên quan niệm của Bergson, Phạm Quỳnh cho rằng “đạo Nho là vừa gồm cả luân-lý, cả tôn-giáo; trong luân-lý vừa gồm cả cái luân-lý kín cùng cái luân-lý ngỏ, trong tôn-giáo vừa gồm cả cái tôn-giáo tĩnh cùng cái tôn-giáo động.” Ông bảo rằng nhiệm vụ “tuyên-truyền cái luân-lý kín, cái tôn-giáo tĩnh” thuộc về “nhà nho tiểu-thừa, tức là thầy đồ; còn phận sự “tuyên- truyền cái luân-lý ngỏ, cái tôn-giáo động” thuộc về “nhà nho đại-thừa, là những bậc bác-học năng-văn, triết-nhân quân-tử, biết vượt ra ngoài những câu tử-văn trong sách cổ mà đạt cho tới cái chí-đạo của Thánh-hiền.”
Nhờ sự phân tích rành rẽ, Phạm Quỳnh tìm ra được lý do đã khiến cho nho-giáo suy đồi. Ông bảo rằng tinh thần nho-giáo đi xuống vì cái luân lý “kín” đã tràn ngập giới nhà nho đương thời và chính cái tâm lý “hương-nguyện” của những nhà nho “tiểu-thừa”, cái “tâm lý lễ-nhượng, cẩn-thủ”, quá trọng phần hình thức phép tắc bề ngoài khiến giới nho-học thành ra nhu nhược, hẹp hòi, cố chấp, và điều này đã gây thiệt hại cho đất nước.
Ông đã biện hộ cho đạo nho chân chính và tìm cho nho-học một chỗ đứng trong xã hội đương thời và tương lai. Ông viết:
“Như cái thuyết “nhân, nghĩa, lễ, trí”, thì thật là giường-mối của đạo-đức luân-lý muôn đời. Đem những vi-ngôn đạo-nghĩa của cổ-thánh-hiền mà phát-huy cái tinh-lý nó bao-hàm ở trong mấy cái quan-niệm thâm-trầm mầu-nhiệm đó, rồi xét xem cái cách nên ứng-dụng ra đời này thế nào, đó chẳng phải là một việc mà nhà nho nên nhiệt-thành đảm- nhiệm dư?
“Lại như cái thuyết “tu, tề, trị, bình”, há chẳng phải là tiêu-biểu cho một cái lý- tưởng làm người rất thâm-trầm và rất thiết-thực dư? Thuyết này vừa kiêm được cả cái chủ-nghĩa cá-nhân, chủ-nghĩa gia-tộc, chủ-nghĩa quốc-gia, chủ-nghĩa xã-hội, chủ-nghĩa thế-giới, không cái nào mâu-thuẫn với cái nào, hết thảy đều như hiệp-tác với nhau theo một cái trật-tự rất là hợp với lẽ thiên-nhiên vậy.
“Người ta trước hết phải tu-thân, nghĩa là trau-giồi cho nhân-cách mình được hoàn-toàn; ấy là chủ-nghĩa cá-nhân đó. Rồi phải tề-gia, nghĩa là cai-quản trong gia-đình cho có trật-tự, theo cái chế-độ gia-trưởng của Đông-phương; đó là chủ-nghĩa gia-tộc, mà đã hàm có tính-cách chủ-nghĩa xã-hội một đôi chút, vì gia-tộc là một cái tiểu-xã-hội, cũng như hương-đảng là một cái tiểu-triều-đình vậy. Rồi phải trị-quốc, nghĩa là ra tham- dự việc nước, lo cái vận-mệnh chung cho quốc-gia, cho xã-hội; đó là chủ-nghĩa quốc-gia, chủ-nghĩa xã-hội chân-chính. Rồi đến sau cũng phải bình thiên-hạ, nghĩa là mưu sự hòa- bình hạnh-phúc cho cả loài người; đó là chủ-nghĩa thế-giới, hay là chủ-nghĩa quốc-tế, hay là chủ-nghĩa nhân-đạo, hay là chủ-nghĩa bác-ái, danh-từ có khác, nhưng cái tôn-chỉ cũng là một, là muốn cho cả thiên-hạ được yên-ổn sung-sướng, biết thương-yêu giúp-đỡ lẫn nhau, chứ đừng tương-tàn tương-hại nhau nữa.
“Ấy cái đạo Nho đại-thừa nó rộng-rãi sâu-xa như vậy. Ai dám bảo rằng đạo ấy không hợp với thời-đại này? Đạo ấy là đạo thiên-cổ, loài người ta còn sinh-trưởng trên mặt đất này thì đời nào nước nào cũng là thích-hợp.”
Để giúp phát huy chân giá trị của đạo nho trong xã hội, Phạm Quỳnh đề nghị nên làm “một cuộc cách-mệnh trong Nho-giáo”. Ông viết:
“Đem cái đạo Nho đại-thừa ấy mà truyền bá trong quốc-dân, ấy là cái thiên-chức của nhà Nho đương lúc giao-thời này. Nước ta bấy lâu nay đã bị khốn về cái đạo Nho tiểu-thừa của phái hương-nguyện, nay cái cặn-bã nó còn lại, ta nên nhất-phiên gột rửa đi cho sạch, mà kíp xướng lên một cuộc cách-mệnh trong Nho-giáo.
cNho-giáo có do cách-mệnh một lần thì Nho-giáo mới mong sinh-tồn được. Nhà Nho có làm nổi cuộc cách-mệnh đó thì nhà Nho mới có công với quốc-dân, xứng-đáng với cái lịch-sử vẻ-vang từ trước, xứng-đáng với cái tiền-đồ rực-rỡ sau này.
Cuộc cách-mệnh đó là phải bãi bỏ cái Nho-học tiểu-thừa, mà đề-xướng cái Nho- học đại-thừa; là phải đả-phá cái tâm-lý hương-nguyện mà đề-tỉnh cái tâm-lý chân-nho; là phải đem đạo Nho ra mà hòa-đồng với các phong-trào tư-tưởng lớn trong thế-giới, chứ không thể giữ khu-khu trong mấy bộ sách nát của cổ-nhân; là phải làm cho cái tinh-lý thắng cái tử-văn, chứ không để cho cái tử-văn tiêu mất cái tinh-lý; là phải đem ông Khổng ông Mạnh ra mà tiếp chuyện với các hiền-triết Đông Tây, chứ không nên để trong khám thờ u-âm tịch-mịch. Trong cuộc hội-đàm với các bậc đại-trí trong thế-giới đó, ở cái “Hội-nghị bàn tròn” có ông Gia-tô, ông Phật-tổ, ông Lão-tử, ông Socrate, các thầy Ba-la Ấn-độ, các nhà triết-học Thái-tây, cái đạo xử-thế của ông Khổng, cái tài hùng-biện của thầy Mạnh vị-tất đã kém ai. Bấy lâu thiên-hạ không biết là vì bị bọn hương-nguyện làm cho đạo thánh-hiền chìm đắm trong một mớ tử-văn phiền-phức. Nay nên kíp-phá những cái thói học trần-hủ ấy đi, mà đem những phương-pháp sáng-sủa hợp-lẽ mà nghiên-cứu các nghĩa-lý của cổ-nhân. Sẽ thấy rằng những nghĩa-lý ấy chưa phải là đã quá cũ đâu, còn có cái tiềm-lực rất mạnh, có thể cảnh-tỉnh được quốc-dân, hoán-cải được phong-tục, mà bổ-cứu được cái tình-trạng khủng-hoảng hỗn-độn ngày nay vậy.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Tuy không hẹn mà các nhà tân học và cựu học trong buổi giao thời đầu thế kỷ thứ 20 cùng gặp nhau trong ý tưởng cải chính và phát huy nho-học. Trong cuộc “cách-mệnh nho-học” có thể kể:
- Nguyễn Bá Học (1857-1921) làm giáo học tỉnh Sơn-Tây, đã đem luân-lý nho-học vào trong các truyện ngắn đăng báo và viết 32 bài tản văn dưới mục “Lời khuyên học trò” đăng trên Nam-Phong từ tháng Sáu năm 1919.
- Phan Bội Châu (1867-1940) là tác giả tập sách Khổng Học Đăng (1929) trong đó ông viết rằng: “Ta là Khổng-tử, ta là Mạnh-tử, ta là Platon, ta là Emmanuel Kant, chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi.”
- Thân Trọng Huề (1869-1925), đã đi Pháp học, về nước làm quan ở Trung và Bắc, làm đến thượng-thư bộ Học và bộ Binh (1921). Mặc dầu theo Tây-học, ông cho rằng đạo Khổng là căn bản luân-lý xã hội Việt-Nam nên đã bàn về “trung” và “hiếu” trong bài “Cung dịch thánh ý”. Ông quan niệm rằng “Trung ư quân” không phải là làm cho vua vui lòng riêng, mà phải lo cho nước càng ngày càng thịnh-vượng; “hiếu ư thân” không phải làm cho cha mẹ vui lòng một lúc, mà phải lo cho việc nhà càng ngày càng quang-xương. (…) Ai muốn tu lòng trung thì phải tìm cách mà làm cho nước thịnh- vượng, và phải gây-dựng nhân-tài để ngày sau giúp nước cho sự thịnh-vượng càng ngày càng thêm; ai muốn tu lòng hiếu thì phải lo việc nhà cho quang-xương, và phải nuôi dạy con cháu để ngày sau việc nhà cứ quang-xương mãi.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
- Phan Châu Trinh (1872-1926) là nhà nho, đỗ phó-bảng, đã làm sáng tỏ học thuyết Khổng Mạnh và so sánh học thuyết này với các thể chế chính trị đương thời trong bài diễn văn “Đạo đức và Luân lý Đông Tây”. Ông nhận xét rằng “vì học đạo Khổng Mạnh một cách lầm lạc như thế cho nên hơn nghìn năm nay hết thảy những nước theo đạo tà nho đều yếu hèn và phải mất một cách rất nhục nhã.”
- Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941), với vốn Hán-văn dồi dào và sức học thâm thúy, đã dịch nhiều sách chữ Hán ra quốc-ngữ trong đó có Luận-ngữ và Mạnh-tử là hai bản văn quan trọng của nho-học.
- Trần Trọng Kim (1883-1953), học chữ Hán rồi chữ Pháp, dạy trường Sư-phạm (1919), thanh-tra các trường tiểu-học (1921), trưởng ban soạn thảo sách giáo khoa tiểu học (1924-1926) rồi giám đốc các trường tiểu học nam sinh Hà-Nội (1933), nội- các tổng-trưởng thời Việt-Nam Đế-Quốc (1945). Ông đã vẽ lại “bản đồ Nho-giáo” cho hậu thế Việt-Nam. Quyển sách khảo về nho-giáo của ông cho biết rõ nguồn gốc và diễn tiến lịch sử của nho-giáo, nhờ đó chúng ta có thể tìm ra những sự thay đổi cũng như ảnh hưởng của nho-giáo khi sang đến Việt-Nam. Ông đã trình bày luân-lý nho-học một cách giản dị cho hợp với trình độ hiểu biết phổ thông của dân chúng đương thời trong một số bài đọc của quyển Luân-lý Giáo-khoa-thƣ do Nha Học-chính Đông-pháp phát hành.
- Dương Bá Trạc (1884-1944) đỗ cử nhân nho-học, trình bày “Chức trách sĩ lưu trong xã hội ta ngày nay” (trong bài văn Tiếng Gọi Đàn) để nhắc nhở kẻ sĩ đương thời dẫu nho-học đã tàn cũng vẫn nên giữ chí hướng của kẻ sĩ mà đóng góp cho xã hội.
- Hồ Biểu Chánh (1884-1958), một nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng từ Nam ra Bắc, được nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan nhận xét là tác phẩm của ông “lấy luân lý làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trung hậu làm điều cốt yếu trong mọi việc ở đời.” Nhà biên khảo văn học Phạm Thế Ngũ gọi ông là “nhà văn đạo lý” vì toàn bộ tác phẩm của ông đều có “khuynh hướng giáo huấn” theo “luân lý nho gia truyền thống, cha lành, con thảo, vợ chồng chung thủy, ra ngoài đời thì trọng nghĩa khinh tài, siêu lên cao thì kính trời thuận mệnh.”
- Nguyễn An Ninh (1899-1943) biết chữ Hán, chữ quốc ngữ và chữ Pháp, đã đề cập đến khái niệm “trung, thứ” của đạo nho trong bài diễn văn “Cao vọng thanh niên”.
- Phạm Quỳnh (1892-1945) đỗ cao-đẳng tiểu-học, làm việc tại trường Viễn-đông Bác- cổ (École Française d‟Extrême-Orient), chủ bút tờ Nam-Phong, thượng-thư sung ngự-tiền văn-phòng đổng-lý của vua Bảo Đại. Ông là người chủ trương “cuộc cách- mệnh nho-học”.
Sau đây là một bài văn tiêu biểu cho điều ông cổ võ: cải chính và phát huy các giá trị của nho-học.
“Khổng-giáo dạy ta những gì? Đạo Khổng không phải một đạo cao-siêu huyền-bí chi: đạo Khổng chỉ dạy ta phải làm người cho xứng-đáng, trước không hổ-thẹn với lương-tâm, sau có bổ-ích cho xã-hội; bắt đầu sửa mình, rồi tề nhà, trị nước, rồi đến giúp công cho sự tiến-hóa chung trong thiên-hạ. Hoặc-giả nói: bấy nhiêu điều có riêng gì cho đạo Khổng, đạo nào không dạy người như thế. Vẫn biết thế, nhưng đạo Khổng dạy người ta một cách thiết-tha ân-cần, dường như ngoài cái đạo làm người đó, không còn có gì thiết-đáng hơn nữa. Đạo Khổng chỉ châu-tuần trong vòng nhân-sự, nhưng muốn cho nhất-thiết việc đời đều chỉnh-lý nghiêm-trang cả, trong tự lòng người, ngoài đến xã-hội, đều có trật-tự chỉnh-đốn. Cái lý-tưởng tuyệt-đích của đạo Khổng không phải là cái lý- tưởng siêu-hình thần-bí gì, chính là cái lý-tưởng người “quân-tử”, nghĩa là một kẻ biết sống làm người một cách hoàn-toàn, không oán trời, không trách người, không hăm-hở những chuyện xa-xôi, không thiết-tha những điều nhỏ-mọn, cứ ung-dung khoan-thai mà giữ lấy hòa-bình điều-độ, thời-thường tiêu-dao trong cõi trí nền nhân, nhưng lâm-sự cũng biết hi-sinh cho đạo trung đạo hiếu. Vì đạo Khổng trọng nhất là phương-diện luân-lý, và trong phương-diện luân-lý trọng nhất là cái chế-độ gia-tộc, cho nên lấy chữ hiếu làm dầu các đức, và đặt ra thờ cha mẹ tổ tiên để củng-cố cái đoàn-thể gia-tộc, coi hầu như một nền tôn-giáo, nhưng là một tôn-giáo rất sáng-sủa hợp lẽ, không có gì là huyền-hoặc ám- muội.”(Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
*
Ở Âu-châu, trẻ em được nghe kể những truyện cổ tích từ khi còn nhỏ. Khi bắt đầu đọc thì những quyển sách đầu tiên của trẻ em là những truyện cổ tích. Ở Pháp nhà Larousse cho phát hành từ năm 1909 đến năm 1939 những quyển sách cho trẻ em đọc, đặt tên là: “Les Livres roses pour la Jeunesse” (Sách hồng cho tuổi thiếu niên). Ở Việt-Nam, cũng có nhiều sách truyện cổ tích cho trẻ em: quyển Truyện Cổ Nước Nam (gồm tập 1- Người ta, và tập 2- Muông chim) của nhà văn Ôn-Như Nguyễn Văn Ngọc, các sách trong loại Sách Hồng của văn phái Tự Lực Văn Đoàn là một vài ví dụ.
Nhà giáo (giáo-học) Hà Mai Anh (1905-1975) là dịch giả của các truyện Âu châu ra tiếng Việt như Cuore – Tâm Hồn Cao Thƣợng của Edmondo de Amicis; Sans Famille – Vô Gia Đình; En Famille – Trong Gia Đình của Hector Malot, dành cho thiếu niên. Năm 1938, ông soạn quyển Công Dân Giáo Dục (Notions Elementaires d‟Instruction Civique) được chính phủ bảo-hộ dùng làm sách giáo khoa cho các trường Sơ-đẳng và lớp Trung-Đẳng.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995), giáo sư Trường Quốc-gia Âm-nhạc và Kịch- nghệ ở Sài-Gòn trước năm 1975, nổi tiếng với rất nhiều sáng tác trong đó có bài Ơn Nghĩa Sinh Thành (1965) để nhắc nhở người làm con nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
“Uống nước nhớ nguồn
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta?”
Cuộc của nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) là tấm gương của sự hiếu thảo. Ông bồ côi, cảnh nhà nghèo túng. Vào lúc mà những thanh niên thiếu nữ ở tuổi đôi mươi được cha mẹ nuôi ăn học để tiếp tục học lên Đại-học, ông phải đi dạy nhạc, hòa diễn nhạc trong các phòng trà và nhà hàng để kiếm sống, nuôi mẹ và các em.
Nhạc sĩ Y Vân nổi tiếng với các nhạc phẩm Sài-Gòn, 60 Năm Cuộc Đời, và đặc biệt là nhạc phẩm Lòng Mẹ mà ông sáng tác để đền đáp tấm lòng “bao la như biển Thái Bình” của thân mẫu đã chăm sóc cho ông từng chút một từ khi nhỏ đến khi lớn khôn. Nhạc phẩm Lòng Mẹ nói lên tình mẫu tử thiêng liêng đã làm xúc động biết bao nhiêu thế hệ.
“Thương con thao thức bao đêm trường
Con đã yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.
Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.”
Về giáo dục học đường bậc tiểu-học thời thuộc Pháp, có sách dạy vần tiếng Việt, dạy vạn vật và đức dục như quyển “Morale et Leçons de choses en Quốc-ngữ” (5è Édition, Saigon 1902) của J.- C. Boscq, thông-ngôn chính phủ và giáo sư ngành Ngôn-ngữ Đông-phương, soạn. [Phụ Lục 8]
Trong mấy trang đầu, có viết năm câu ngắn, gọn, có thể tóm tắt phần luân lý trong quyển sách này:
“Con phải thương cha mẹ
Anh em phải yêu nhau
Trẻ phải kính kẻ già
Học trò phải mến thầy
Tôi tớ phải hết lòng.”
Sách Sơ-học Độc-bản do hai vị giáo-học Nguyễn-Quang-Oánh và Nguyễn-Đình-Quế soạn ra với lời “Tựa” (1915) của quan chánh Đốc-học Bắc-kỳ Péralle viết có đoạn như sau:
“ Chers enfants,
(…) Mais tout acte a des conséquences bonnes et mauvaises; en lisant ce livre, vous apprendrez ce qu‟il est bon de faire, ce qu‟il convient d‟éviter; le but des auteurs a été de former votre cœur avant de former votre esprit; l‟intention est louable, savoir se bien conduire est en effet la première des sciences. Etre instruit, c‟est bien, mais être en même temps bien élevé, c‟est mieux et l‟on est sûr de mériter l‟estime de tout le monde.
PÉRALLE, Chef du Service de l‟Ensignement au Tonkin, Hanoi, le 30 Novembre 1915”
Bản dịch tiếng Việt theo như trong sách:
“Các con,
(…) Song điều gì cũng có kết quả, hoặc hay, hoặc dở. Đọc sách này các con mới biết được điều gì nên làm, điều gì nên tránh. Mục đích của những người làm sách này là cốt để khai tâm tính các con trước khi luyện trí: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩ như thế thật là rất phải vì biết ăn ở cho phải đạo là điều nên học trước hết. Học giỏi là điều nên khen, nhưng học giỏi lại có nết na mới thực đáng khen hơn mà vừa được mọi người quí mến.
PÉRALLE, Quan chánh Đốc-học Bắc-kỳ,
Hà-nội, ngày 30, tháng mười một, năm 1915.”
(còn tiếp)