Trong văn học dân gian của người Việt, ngoài tục ngữ, ca dao, thành ngữ, còn có vè. Vè thuộc về văn chương truyền khẩu bình dân có thể dùng để thông tin những chuyện thời sự đương thời, lan truyền nhờ những người đi hát rong, hát dạo. Vè phát triển từ đồng dao của trẻ em, những bài hát có ba hay bốn chữ như bài “Nu na nu nống, Cái bống nằm trong, Cái ong nằm ngoài, Củ khoai chấm mật, …” về sau thành những bài hát giặm để kể chuyện như bài “Quan sai đi đánh giặc Mường, Ai là vợ lính thì thương lính cùng…”. Hát giặm vè còn là những bài hát luân lý dạy trẻ em kể lại những sự hy sinh của cha mẹ khi nuôi con.
Khi khóc dai ngồi dỗ
Khi ngứa ngáy ngồi xoa
Trong tháng trọn ngày qua
Trông từng thi từng thí (từng ly từng tí)
Tập lần lần từng thí
Khi bữa ăn đương dở
Con tiểu giải lên mình
Ai nấy cũng đều kinh
Cha mẹ ngồi chịu vậy (…)
Kể trong nhà đói khổ
Trời giá rét căm căm
Nơi ướt để mẹ nằm
Nơi khô xê con lại
Nơi ấm bồng con lại (…)
Suốt đêm ngày khù khụ
Cha như đứa tiểu hầu
Mẹ như đứa tiểu hầu
Nghĩa khó nhọc bấy lâu
Công giữ gìn chăm sóc.
Vè ở Quảng-Nam được lan truyền nhờ hình thức hát rong. Hát bài chòi là một hình thức hát rong đặc biệt trong vùng Quảng-Nam đến Khánh-Hòa. Hát bài chòi là lối hát dùng trong trò chơi đánh bài trong những ngày hội xuân ở Bình-Định. Người hát, còn gọi là người hiệu, xướng con bài bằng những câu hát. Hết hội xuân, vài ba người hiệu họp thành một ban hát rong kể truyện cổ tích hoặc truyện đương thời. Kể tích thì có những truyện cổ có tính cách luân lý: mẹ con hiếu thuận, vợ chồng chung thủy như truyện Thoại-Khanh Châu-Tuấn, Phạm-Công Cúc- Hoa.
Thể hát rong ở miền Bắc cũng có, do những người mù đi kiếm sống bằng cách đi hát dạo gọi là hát xẩm. Các bài hát xẩm có nội dung luân lý hoặc truyện thơ bình dân.
Đặc biệt ở miền Bắc có hát chèo, một hình thức ca kịch của người bình dân miền Bắc. Phường chèo vừa có múa vừa có hát, không có phong cảnh, bài trí. Trang phục và hóa trang đơn giản. Bài hát chèo thường là những truyện cổ và truyện thơ như Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Kim Vân Kiều, v.v… Nội dung các vở chèo có mục đích đề cao những tính tốt và đả phá những thói xấu. Nhân vật chính trong các vở chèo thường là phụ nữ hoặc diễn tả đức tính từ bi hỉ xả như Thị Kính, tiết tháo như Châu Long, hoặc có những nết lẳng lơ như Thị Mầu, mưu mẹo như Tú Bà, Hoạn Thư, v.v…
Nhà văn và nhà cách mạng Nhượng Tống (1906-1949) còn truyền lại một vở ca kịch chèo cổ bốn hồi bốn cảnh với tựa đề “Tận Trung Báo Quốc” nói về sự tích tổng-đốc Hoàng Diệu (1829-1882) tử tiết với thành Hà-Nội.
Đông-Pháp Thời-Báo xuất hiện vào thập niên 1920 có những bài xã luận dưới tựa đề: “Thế Tục Nhàn Đàm”, và những bài viết cổ động việc giữ gìn phong hóa, nữ lưu giáo dục, dạy con cho nên người, giúp cho con nhà nghèo được đi học, v.v… Một trong những bài tiêu biểu về việc giáo dục là bài viết: “Thương Con” (4 Juin 1923). Tác giả Viên Hoành muốn tránh cái cách “thương con” của người đương thời, muốn cho con mình lớn lên dù làm nghề gì chăng nữa cũng phải biết cách “làm người.” Ông viết rằng:
“Tôi cũng muốn khỏi chư tôn chê cười, tôi cũng muốn thương con như chư tôn đặng [lãnh] tiếng khen rằng biết đạo làm cha, ngặt vì tôi sợ lắm, chư tôn ôi, tôi sợ thương con theo như đạo của chư tôn [giảng] dạy đó thì con tôi ngày sau tuy nó thạo đủ mọi việc, biết làm thầy, biết làm ông nầy ông kia, biết làm mặt nhà giàu, biết làm hơi quan lớn, song nó không biết cách “làm người”, rồi danh lớn mà thiếu luân lý cang thường, của nhiều mà thiếu nghĩa nhơn từ thiện, đường ấy chắc là tôi chẳng khỏi mang tội với [đấng] Tạo-hóa đó chư tôn.
Thôi! Thà tôi chịu tiếng cười của chư tôn, để tôi đi thử đường khác coi ra thể nào. Tôi [vẫn] biết nếu tôi không noi theo đạo thương con của chư tôn thì có lẽ con tôi không thạo cách làm thầy làm ông; [m]à dầu nó không thạo cách làm thầy làm ông, song nó biết đạo làm người, thì tôi tưởng có khi cũng khá chớ, phải hôn?
Ai ôi! Xin chớ vội cười,
Làm sang [dễ] thiệt, làm người khó thay.
Mấy ai chọn lựa đường ngay!”
Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), giám-đốc Trường Thông-Ngôn (Collège des Interprètes) và trường Sư-phạm (Ecole Normale), giáo sư dạy chữ Việt và chữ Hán ở Trường Tham-biện Hậu-bổ (Collège des Administrateurs stagiaires), soạn rất nhiều sách giáo khoa cho nhu cầu giáo dục phổ thông thời thuộc Pháp, đã viết trong bản thảo nhan đề “Những ghi chép của Trương vĩnh Ký về những sự việc của đời tôi” răn dạy con cháu rằng:
“Bổn phận của một con người là trung với vua, hiếu với cha mẹ, giữ đúng tam cương ngũ thường của nho gia. Sống trong sự ngay thẳng, hết lòng làm việc thiện và lánh xa việc ác, lấy phước đức mà đong, mà lường, cứ noi giữ các bậc tiền bối, vững lòng tiến cho kịp thiên hạ, bằng lòng với số mệnh, vui thích trong cảnh bình an và tinh khiết, đừng đi tìm hư danh, hư lợi.
Đối với một người con gái là theo đúng tam tòng tứ đức để đạt đến tân mỹ, tân thiện. Tóm lại, điều phải quan tâm nhất là làm sao cho rạng rỡ gia tộc tông môn bằng một cuộc đời của chính mình cùng những đức hạnh của chính mình đối với cha mẹ.”
(“Trương Vĩnh Ký nhà giáo dục đa tài”, Sóng Thần 12 tháng 12 năm 1973 – petrusaus.net, tmc sưu tập)
Nguyễn Bá Học (1857-1921), nhà văn và nhà giáo đầu thế kỷ thứ 20, đã đem luân lý nho- học vào trong các truyện ngắn đăng trên báo, soạn ra “Lời khuyên học trò” gồm 32 bài tản văn đăng trên Nam-Phong Tạp-chí từ tháng Sáu năm 1919. Phần lớn những bài trong “Lời khuyên học trò” có chủ đích luân lý cá nhân để tu thân rèn tính, mục đích tương tự như Gia-huấn ca của Nguyễn Trãi (1380-1442) hay sách Minh-đạo Gia-huấn của Trình Hạo (Trình Hiệu 1032-1085) đời Tống.
Một trong những bài văn trong “Lời khuyên học trò” là bài “Chí-thành” cho thấy ảnh hưởng của luân-lý nho-học đối với thế hệ thời đó. Trong sách Trung Dung, Khổng tử Tư có bàn về đức tính chí-thành, cho rằng chí-thành là đức tính tốt nhất của người ta, phát huy được chí- thành là giúp công vào sự sinh hóa của trời đất.
Sau đây là một đoạn ngắn trong bài “Chí-thành” của Nguyễn Bá Học (Lời khuyên học trò số 22):
“Thành nghĩa là gì? – Nghĩa là thật lòng, không dối mình dối người, không giả nhân giả nghĩa; việc phải dù tính-mệnh cũng không từ, việc phi-nghĩa dù phú-quí cũng không tưởng.
Đem lòng thành ấy mà ở với cha mẹ thì nên con thảo; đem lòng thành ấy ở với nước nhà thì nên tôi trung; suy ra anh ở với em, vợ ở với chồng, chúng bạn ở với nhau, ở với người đồng-loại, ở với hết mọi loài cũng nên người có nhân có nghĩa, có tín có huệ. Thánh-hiền tiên-phật, cũng bởi cái lòng chí-thành ấy mà nên.”
Nguyễn Khắc Hiếu (mậu-tý 1888-1939), nhà văn, nhà thơ, chủ bút Hữu-Thanh tạp-chí, chủ trương An-Nam Tạp-chí, tác giả một số tập sách mà nội dung có tính cách giáo dục và luân lý: Lên Sáu, Lên Tám, Đài Gương Truyện.
Lên Sáu là một tập sách nhỏ gồm những câu ba chữ, dạy trẻ em phải biết hiếu với cha mẹ, thân với anh em, biết cách đối xử với họ hàng, trọng thầy mến bạn, dạy phép vệ sinh, khuyên nên cố gắng học hành để giúp ích cho đất nước.
Lên Tám là tập sách gồm những câu năm chữ, dạy cho trẻ em lòng biết ơn tiền nhân để lại cho con cháu kiến thức, sự học, hiểu công ơn dưỡng dục của cha mẹ, đối với cha mẹ làm con phải hiếu, đối với anh em thì nhường nhịn, yêu thương, đối với họ hàng, với thầy, với bạn phải biết giữ lễ theo đạo luân-thường. Người đi học phải học cả nghĩa đạo và văn chương, trau giồi cả kiến thức và đức hạnh. Học trò đi học phải siêng năng, trọng đức hạnh, tập tính ngay thẳng, có lòng nhân nghĩa, trọng liêm sỉ và phẩm giá, không coi trọng vật chất xa hoa. Về trí thức, học trò nên học cho rộng từ toán pháp, cách trí, địa lý đến lịch sử, triết lý, chính trị; trong khi học thì phải suy nghĩ để hiểu nghĩa lý. Học trò biết qua lịch sử để xem người ba kỳ Nam Trung Bắc cũng như một, cùng một ông tổ, cùng một dòng giống, cùng nhau đoàn kết, hợp sức để đạt đến văn minh.
Đài Gương Truyện gồm những truyện lấy từ sách Tàu chia ra bốn phần: “Đạo làm mẹ”, “Đạo làm vợ”, “Đạo làm con gái”, “Các truyện hay ngoài đạo tam-tùng”. Trong phần “Tựa”, tác giả viết chủ đích của sách dành cho “làng quần-thoa” vì một nửa dân trong nước là phụ nữ. Ông nhận thấy phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình: “Nhà nào đàn bà hay, Thịnh vượng mà vui hòa”, dùng những truyện này để “Mẹ hiền dạy con cái; Con hiếu với mẹ cha; (…) Lại những nhời ăn nói, Như gấm càng thêm hoa.”
Nguyễn An Ninh (1899-1943) du học ở Pháp về. Trong lần diễn thuyết ở Khuyến-học- hội, Sài-Gòn, tối ngày 15 tháng Mười năm 1923, ông đã đọc bài “Cao vọng thanh niên” trong đó có đoạn đề cập đến quan niệm “Trung Thứ” trong đạo Khổng như sau:
“Cái ý của ông Khổng, nếu hiểu nó cho tận, thì con người ra cao rộng. Vì đạo của ông Khổng là buộc mình; mà ông Khổng khởi đầu buộc kẻ muốn hiểu đạo của ông Khổng, kẻ muốn tới cái đạo của ông Khổng, kẻ muốn hành cái đạo của ông Khổng, trước hết phải “tìm cho ra nguồn gốc muôn việc làm của con người”, phải hiểu. Như vậy, sự công bình của ông Khổng là ở nơi hiểu mà ra, chớ chẳng phải là do theo từ câu, từ chữ trong Tứ thơ, Ngũ kinh mà cư xử người như các quan tòa do theo y luật mà xử vậy. Hiểu trước rồi sẽ xử người. Xét cho tận rồi sẽ xử người. Thì tự nhiên rõ thấy rằng chỉ còn cái rộng, cái dung thứ thôi. Như vậy thì con người buộc người ít hơn buộc mình, chỉ còn biết buộc mình mà thôi. Vì vậy mới ra cái “Trung, Thứ” là cái gốc của kẻ muốn làm người theo như ông Khổng dạy: Trung, để buộc mình, Thứ, để đối với người.” (Phương-Lan Bùi Thế Mỹ, Nguyễn An Ninh, “Cao vọng thanh niên”, Sài-Gòn 1970)
Sau khi cuộc khởi nghĩa tháng Hai năm 1930 thất bại, đảng trưởng Nguyễn Thái Học (1902-1930) và 12 đảng viên trọng yếu của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị xử tử. Những đảng viên còn lại bị bắt đày đi Côn-đảo đến năm 1936 mới được tha về. Một số đảng viên nhớ đến gia đình nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và đến thăm gia đình ông, đồng thời đem đến một món tiền của anh em đồng chí góp vào để giúp bà mẹ nhà cách mạng. Nhà văn và nhà cách mạng Nhượng-Tống (1906-1949) kể lại như sau về cuộc gặp gỡ thân mẫu của Nguyễn Thái Học.
“Tuy tuổi già, hằng ngày bà vẫn phải làm ăn vất-vả mới đủ duy trì sinh kế… Thế nhưng cảm động biết bao khi chúng tôi thấy bà nhất định từ chối món tiền đưa giúp ấy. Bà nói:
- Tôi tuy nghèo, gia đình cũng còn đủ ăn mặc. Nhớ đến tình xưa, các anh lại thăm tôi là quý. Còn món tiền này, các anh để thêm vào chi tiêu việc đảng… Các anh làm xong được việc của “em” còn bỏ dở, thế còn sung-sướng hơn là cho tôi tiền!...
Khi lâm biệt, chúng tôi kính hỏi:
- Thưa mẹ! Mẹ có điều gì dạy bảo chúng con không? Bà cười:
- Tôi đàn bà, biết gì mà dạy bảo các anh! Nhớ khi “em” nó còn, tần tảo cho nó đi học, mỗi khi nó về tôi chỉ khuyên nó có hai chữ “trung, tín”: Thờ nước cho hết lòng trung, ở với bạn hữu cho tròn chữ tín.
Các anh hỏi, tôi cũng chỉ có hai chữ ấy để khuyên các anh, thế thôi…
Thì anh Học và anh Nho đã giữ trọn được lời mẹ dạy… Và chỉ hai chữ “trung, tín” cũng đủ cho chúng ta trở nên những Đảng viên chân chính của một Đảng cách mạng rồi!...” (Nhượng-Tống, Hoa Cành Nam)
*
Ở Đông-phương cũng như Tây-phương, trong nhiều thế kỷ trước, mục tiêu trước nhất của giáo dục là luyện tập tính tình và đào tạo tư cách.
John Locke (1632-1704), triết gia người Anh thế kỷ thứ 17, chủ trương rằng mục đích của giáo dục là phát triển nhân cách. Trong số thư từ được đặt tên là “Some Thoughts Concerning Education” ông viết gửi cho một người bạn, John Locke tin rằng việc học đạo đức quan trọng hơn các môn học khác, và mục đích của giáo dục không phải là đào tạo học giả mà là đào tạo một con người có tư cách đạo đức. Locke đặt ra Nguyên tắc của Đức hạnh, “Principle of Virtue”, chủ trương phải dùng thế lực của lý trí để giúp vượt qua những sự ham muốn cá nhân.
Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà văn và triết gia Thụy-Sĩ, sống trong Thời kỳ Khai-Sáng (Siècle des Lumières, Age of Enlightenment), có nhiều ý tưởng mới về luân lý đạo đức, về những sự bất công xã hội và quyền cai trị đất nước. Về cá nhân, ông nghĩ rằng con người sinh ra đã có sẵn bản tính tốt nhưng bị hư hỏng vì xã hội và văn minh. Tuy nhiên, con người có khả năng lựa chọn và biết tự cải thiện để trở nên tốt đẹp hơn. Về xã hội, ông cho rằng dân chúng mới là những người có quyền điều hành việc nước. Ông viết nhiều về giáo dục, cổ xúy một nền giáo dục chú trọng vào việc phát triển nhân cách để cho mỗi người có thể biết cách sống và hành xử trong mọi hoàn cảnh.
John Stuart Mill (1806-1873), triết gia người Anh thế kỷ thứ 19, đưa ra ý kiến: sự phát triển nhân cách là cách giải quyết những vấn đề xã hội và là một lý tưởng rất có giá trị của việc giáo dục. Mill cho rằng đại-học là nơi đào tạo những người có chức nghiệp và biết sử dụng một cách sáng suốt những kiến thức chuyên môn mà họ đã học. Ông nói: “Men are men before they are lawyers, or physicians, or merchants, or manufacturers; and if you make them capable and sensible men, they will make themselves capable and sensible lawyers or physicians. What professional men should carry away with them from an University, is not professional knowledge, but that which should direct the use of their professional knowledge, and bring the light of general culture to illuminate the technicalities of a special pursuit.” (“Inaugural Address to the University of St. Andrews, February 1st 1867”) Mill tin rằng một nền giáo dục tốt đẹp bao gồm cả việc học văn chương và mỹ thuật. Ông bảo văn hóa giúp cho con người có được những cảm xúc dồi dào nhờ thi ca và nghệ thuật, và sự trau giồi cái đẹp của mỹ thuật.
Thomas Arnold (1795-1842), nhà giáo và nhà sử học người Anh cùng thời với John Stuart Mill, tin rằng nên mở rộng giáo dục và đi tìm phương cách để tăng tiến tinh thần của dân chúng trong xã hội. Ông cho rằng mục đích quan trọng của giáo dục là đào tạo tư cách. Trong khi làm hiệu trưởng trường công lập Rugby School (1828-1842), Arnold đào luyện học sinh có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật và niềm tin vào Thiên-chúa, chuẩn bị họ trở nên những người đáng được tôn trọng trong xã hội. Ông nghĩ rằng những người may mắn hơn trong xã hội cần phải giúp đỡ những người kém hơn mình, và dùng giáo dục để cải thiện đời sống của mọi người trong xã hội. Cũng theo Arnold, số phận của những người nghèo khổ có thể được cải thiện nhờ giáo dục, và xã hội do đó sẽ văn minh hơn.
Ở nước Việt, triết lý nho-học đã đưa ra mục đích “học làm thánh-nhân” cho người đi học trong thời gian 700 năm từ đời Trần đến đời Nguyễn. Nhân khi toàn-quyền Albert Sarraut có nghị định về việc mở trường “Đại-học”, chủ bút Phạm Quỳnh đã trình bày nhận xét của ông về tôn chỉ việc học đời trước như sau:
“Các cụ ta ngày xưa lấy cái lý-tưởng ông “thánh-nhân” làm mục đích cho sự học. Các cụ tin rằng thánh-nhân đời xưa sở-dĩ là thánh-nhân cũng là bởi đã biết học phải đường mà tới được; người ta ai cũng có tư-cách ông thánh-nhân cả, miễn là biết học cho phải đường, sớm trưa tất có ngày tới được. Vậy thì cả công-phu sự giáo-dục phải chỉ chủ vào một việc: là phát-siển cái ông “tiềm-lực chi thánh-nhân” ở trong mỗi người ra; người sáng-suốt thì công-phu ấy chóng, người ngu-tối thì công-phu ấy lâu, nhưng thế nào cũng là có kết-quả được ít nhiều mà bổ-ích cho sự đạo-đức trong xã-hội.” (“Luận-thuyết: Trường Đại-học”, Nam-Phong Septembre 1917)
Cùng thời ấy, có Nguyễn Văn Bân, tuần-phủ Vĩnh-Yên, công nhận luân lý rất quan trọng trong xã hội Việt-Nam. Ông góp ý như sau:
“(…) học chữ tây vẫn nên mở mang ra, nhưng học chữ nho cũng không nên khuyết, vì nước Nam ta là một nước vẫn có từ xưa ở bên Á-đông này, và nghìn năm nay, nhờ có học chữ nho để biết luân-lý, giữ trật-tự, từ kẻ chợ cho chí nhà quê, đều biết kính người tôn-trưởng, thương kẻ cô-cùng, yêu người thiện-lương, ghét đứa gian-ác, ấy là tục cũ tốt của nước nhà vậy.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Thượng-Chi tiên-sinh cho rằng một học trình chú trọng về khoa-học mà thiếu phần đạo- học đưa đến sự khác biệt về nhân phẩm. Ông nhận thấy:
“Người đời xưa vụng về đường khoa-học mà sành về đường đạo-học, người đời nay sành về đường khoa-học mà vụng về đường đạo-học, cho nên người xưa chuộng nhân-cách, người nay chuộng công-lợi, người xưa chuộng đạo-đức, người nay chuộng kim-tiền vậy.”(Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Tuy nhiên, Thượng-Chi tiên-sinh quan niệm rằng kẻ sĩ muốn thực hiện những việc theo chí mình thì phải biết tự kinh dinh những sự sinh hoạt của mình. Ông viết:
“Chắc bao giờ cũng phải kiếm tiền, vì tiền là cái yếu-tố ở đời – tiền-tài là huyết- mạch – , phương-ngôn đã có câu nói thế, mà có lẽ càng ham cái giá-trị lớn, càng mưu những sự-nghiệp to, lại càng cần phải có tiền lắm, nhưng sự kiếm tiền bấy giờ không phải là cái mục-đích ở đời nữa, mà chỉ là một cái “phương-tiện” để cho đạt tới, để mà thực- hành những mục-đích cao-xa hơn.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Việc học nghề nên kèm theo việc học làm người để hiểu rằng học nghề không phải chỉ đề kiếm tiền lo cho thân mình và gia đình mình mà thôi, nhưng còn là để có phương tiện làm tròn nghĩa vụ của mình đối với xã hội.
Thượng-Chi quan niệm: có nghề mới làm ra tiền, có học làm người mới biết nghĩa vụ đối với xã hội, có biết nghĩa vụ đối với xã hội thì mới biết dùng đồng tiền làm ra một cách hữu ích. Ông giải thích thêm rằng:
“Các ông không cần phải là tay triết-học mới hiểu rằng tiền-của là cái của chung của đời, nhất-thời đọng vào tay ai là người ấy phải mang một cái nợ với người đời, của càng nhiều nợ càng nặng, chớ không những là được một cái thế-lực hơn người mà thôi đâu. Các ông lại càng cần phải có một cái mục-đích cao hơn người thường, mà đem dùng cái thế-lực rất mạnh của đồng-tiền để làm nên những sự-nghiệp to-lớn, ích-lợi cho xã-hội nhân-quần.”
Nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940), tác giả Quyển Dưa Đỏ được giải thưởng văn chương của Hội Khai-trí Tiến-đức năm 1925, quan niệm rằng “sự giáo-dục về tinh-thần không những cần riêng cho một người để tự-tu mà lại cần cho các quốc-gia để hóa-dân nữa.” Ông đề nghị nên bớt giờ dạy môn Pháp-văn để thêm vào các môn “triết-học, đạo-đức-học và văn-học của các đấng hiền-triết Đông-Tây” mà ông cho là rất quan trọng trong sự ổn định tâm tình dân chúng. Ông góp ý như sau:
“Ba khoa ấy là những cái học để yên tâm-tình, định ý-tưởng cho người ta, nhất là ở những nước cố-cựu đã từng có giáo-hóa thì không thể có một ngày nào mà bỏ thiếu đi được. Chỉ có nhà giáo-dục khéo chủ-trương, khéo đưa-dắt mà lợi-dụng lấy là hơn mà thôi.”(Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Bàn về vấn đề giáo dục cao-đẳng ở Việt-Nam đương thời, Phạm Quỳnh đã đưa ý kiến rằng môn học cổ-điển có ích lợi cho việc đào luyện nhân cách. Ông viết:
“Nước nào cũng có một nền học cổ-điển, là cái học đã từng đào tạo ra tinh-thần nước ấy từ đời trước. Như các nước Âu-châu thời có những cổ-văn Hi-lạp La-mã, tức là cái học cổ-điển của các nước ấy. Dẫu ngày nay không thiết-dụng về đường thực-học, mà người ta vẫn nghiên-cứu, làm một khoa khảo-cổ cùng là một cách tập-luyện cho trí khôn trí nghĩ và giúp cho cái tư-tưởng về cương-thường đạo-lý.
“Cái học cổ-điển ấy có ích-lợi cho nhân-cách người ta nhiều lắm. Nên tiếng Pháp gọi cái học cổ-điển là “les humanités”, nghĩa là cái học làm nên người, làm cho người văn-vẻ, khôn ngoan, tốt đẹp ra.”
Khi được cử dạy khoa văn chương Hán-Việt ở trường Cao-đẳng Đông-Pháp (1924), Phạm Quỳnh đã nói về ích lợi của việc học cổ-điển cho các sinh viên tân-học như sau:
“Bởi đâu mà sự học cổ-điển ở các nước Âu-châu lại có cái hay tuyệt-đích về đường giáo-hóa cho tinh-thần người ta? Ông René Doumic nói rằng: “Cái hay bởi đâu? Hay là bởi tiêu-biểu được những cái tính căn-bản của “thân-phận người ta”, theo như lời ông Montaigne đã nói, tiêu-biểu cho siêu-việt ra ngoài cả thời-gian cùng những sự biến- loạn trong tinh-thần, trong xã-hội. Tâm-hồn cổ-nhân không có lao-động như người đời nay. Dùng nét bút đơn-sơ mà vẽ được những kiểu người thiên-cổ, dù thời-thế biến-thiên, kiểu ấy vẫn đúng, mà nét bút kia thời sau này không từng thấy nữa. Học cổ-nhân thời kẻ thanh-niên biết làm người đứng-đắn. Sự giản-phác của cổ-nhân đó, lộ ra từ trong cách tư- tưởng cho đến lời thơ văn…” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Để biện hộ cho sự ích lợi của môn học cổ-điển, Phạm Quỳnh đã mượn lời của tổng-thống Hoa-Kỳ Coolidge, “một bậc đại-biểu cao nhất của một nước trai trẻ thịnh-vượng nhất trong thế- giới, có tiếng nhất vì tính vụ-thực, vì tài doanh-nghiệp, vì cái khí-khái thực-hành, không ưa mơ- màng những chuyện cũ”, diễn thuyết cho các sinh viên của Đại-học Pennsylvania như sau:
“Vẫn biết rằng hai cái sức mạnh nhất đời nay là khoa-học và thương-mại. Không có hai cái sức mạnh đó thời từng cõi đất lớn sẽ tức-thì bị bệnh-tật và đói-khát đến chết hại mất cả. Nhờ có hai sức-mạnh đó, mọi nơi mới được sung-sướng thịnh-vượng, mỗi ngày một hơn, xưa nay chưa từng được thế bao giờ.
Những sự tiện-lợi đó, ta không thể không công-nhận được, vì đã thành sự yếu-cần cho ta. Ta phải thừa-nhận và phải ca-tụng, duy phải biết rằng nó thuộc về đối-đích, chứ không phải thuộc về tuyệt-đích…
Phải có một thế-kỷ riêng cho khoa-học và thương-mại: thế-kỷ ấy là thế-kỷ ta đây. Không có lẽ gì khiến cho ta ước-ao cách khác, và sự khôn-ngoan không phải là nên phá- hoại những cái nguyên-chất ấy đi, mà là nên biết khéo lợi-dụng, biết khéo sai-khiến nó. Ta không nên làm nô-lệ nó mà để cho nó làm thầy ta; ta không nên để cho sức vật-chất đoạt được sức tinh-thần, và cái tôn-chỉ ở đời không phải ở sự mưu-lợi mà là ở sự hiếu- nghĩa*. [*hiếu-nghĩa: ưa thích làm điều nghĩa]
Không có vấn-đề gì không khảo-cổ mà giải-quyết được. Văn-minh đời nay là nguồn gốc tự cổ-nhân… Ta không quên nơi khởi-điểm. Cái nhà dù tốt đẹp thế nào mặc lòng, chắc hay không chắc cũng như ở cái nền cả… Một xã-hội không thể đoạn-tuyệt với đời trước được, vì xã-hội là tích-lũy những sự kinh-lịch từ xưa đến nay mà thành ra… Khoa sinh-vật-học dạy rằng người ta đã phải qua nhiều bậc mới đến được trình-độ tiến- hóa như ngày nay. Các thuyết giáo-dục đều tỏ rằng người ta cứ tuần-tự mà phát-đạt lên, đã qua nhiều bậc, nhiều độ mới dần-dần từ đời ăn lông ở lỗ tiến lên được trình-độ văn- minh rất cao. Nghiệm như thế thời ta quyết-nhiên không thể không nghiên-cứu cái cổ- điển của Hi-lạp, lấy làm gốc sự giáo-dục của ta, vì nhờ có cái cổ-điển đó ta mới được tới cái tình-trạng phát-đạt như bây giờ.
Nói thế có phải là nói rằng người nào cũng phải là một tay bác-cổ không? Chắc là không. Như muốn đi bể có cần phải ai ai cũng là một tay hàng-hải chuyên-môn không? Lại như người thợ xây một cái lâu-đài lớn có phải là một tay kiến-trúc kỹ-sư không? Chắc rằng không. Vậy mà nếu vượt bể được tới nơi trót-lọt, làm nhà được đẹp-đẽ phong- quang, là nhờ những phương-pháp gốc ở những kỷ-cương và lý-tưởng nhất-định.
Những kỷ-cương và lý-tưởng nó thống-thuộc ta đó, không những bảo-tồn cho văn-hóa của ta, mà lại phát-đạt cho khoa-học của ta nữa, là do nền học cổ-điển mà ra. Bởi thế nên khoa-học và kỹ-nghệ có căn-cứ ở cổ-điển thời mới mở-mang được hết sức.
Cái học của Hi-lạp và La-mã là thuộc về quá-khứ; nay không thể làm cho phục- sinh lại được; muốn mô-phỏng cũng vô-ích, nhưng cần phải nghiên-cứu cho sự học của ta được chắc-chắn. Ta không muốn làm người Hi-lạp; ta cũng không mong làm người La- mã; trước hết, cốt nhất là ta muốn làm người Mĩ đã, mà muốn được như thế thời ta phải theo đòi cái cổ-điển đã gây-dựng cho ta được như bây giờ. Ta nuôi mình bằng cái tư- tưởng những người đã dựng đặt ra cơ-sở các chế-độ của ta. Cái học đã tác-thành ra các người ấy, là cái học phải tác-thành cho chúng ta. Ta không nên vì chăm sự sung-sướng về đường vật-chất mà quên rằng sự sung-sướng về đường tinh-thần lại cần phải chăm-chút lắm nữa. Dạy khoa-học chưa đủ, sự hệ-trọng là phải biết cách lợi-dụng khoa-học của mình thế nào…”
Phạm Quỳnh cho rằng nếu chúng ta đổi một vài chữ trong bài diễn thuyết thì sẽ thấy rằng bài ấy thích hợp cho cả hoàn cảnh nước Việt. Vì thế, Phạm Quỳnh thiết tha gắn bó với cái hương hỏa của nòi giống làm căn bản cho sự tiến hóa của dân tộc chúng ta, cái hương hỏa mà ông mong sẽ không bao giờ bị tiêu tan vào trong hình thể văn minh mới của Tây phương.
“Tôi không thể sao tưởng-tượng rằng có ngày bao nhiêu cái nguồn sâu sinh-hoạt của dân-tộc này sẽ tiêu-tan đi hết cả, tưởng-tượng rằng cái đạo Khổng khôn-ngoan kia, cái đạo Lão siêu-việt kia, cái đạo Phật từ-bi bác-ái kia, cái thi-vị thâm-trầm nó chan-chứa trong những bài dã-ca, khúc cổ-điệu của nước nhà kia, khác nào như cái hồn thơ phảng-phất của một giống vừa biết trọng thực-tế mà cũng vừa biết ham mơ-màng, đời đời cày sâu cuốc bẫm, nhọc-nhằn trên thửa ruộng của ông cha, nhưng nghe con chim oanh học nói, thoảng chút gió đông thổi qua, cũng biết rùng mình mà cảm-động; tôi không thể tưởng-tượng những cái đó có ngày biến mất hẳn đi được.” (“Nước Nam năm mươi năm nữa thế nào”, Nam-Phong Septembre 1930)