Về đời vua Lê Dụ-tông (1706-1729), có nhà nho Nguyễn Khiêm Ích, được chồng của cô là tiến-sĩ Phạm Công Thiện nuôi làm con nên ông đổi họ Nguyễn ra họ Phạm. Ông thi hương đỗ giải-nguyên, thi đình đỗ thám-hoa đình-nguyên (1710). Năm 1728, ông đỗ đầu khoa Đông-các. Theo nhà văn Phạm Đình Hổ (1768-1839) ghi chép trong Vũ-trung Tùy-bút:
“Lệ cũ ai đỗ khoa Đông-các, khi vinh quy cả dân bản tổng phải đến phục dịch; làm nhà tư thất bằng gỗ lim, lợp ngói, độ ba gian, tất cả dân phu trong bản tổng, bản huyện phải đến phục dịch. Khi Phạm Khiêm Ích đỗ khoa Đông-các về vinh quy, ông thương hại người hàng tổng nghèo cùng, nên miễn cho không bắt chịu cái phí tổn làm nhà nữa. Ai cũng lấy làm cảm ơn, sau tôn ông làm hậu-thần, thường năm xuân thu cúng tế, mổ trâu vào đám, báo cái ơn đức ấy. Sau khi nhà Lê mất, hậu-thần các làng thường bỏ không cúng tế nữa, duy có giỗ hậu Phạm-công thì làng vẫn làm lợn thay trâu bò cúng tế, không dám bỏ.”
Vua Thánh-tổ nhà Nguyễn (niên hiệu Minh-Mạng 1820-1840) được biết đến là một vị vua tinh thâm nho-học, sùng đạo Khổng Mạnh, siêng năng, chăm làm việc, việc nào cũng để ý đến. Thường sau buổi chầu, vua cho đòi các quan đại-thần đến bàn những việc trong nước và hỏi những sự tích đời xưa, nhân vật và phong tục ở các nước ngoài. Ban đêm, vua thắp đèn, xem chương, sớ, đến trống hai, trống ba. Vua thường nói với các quan rằng: Lòng người ai cũng muốn ở yên, mà không muốn sinh sự ra để thay đổi luôn, nhưng lúc trẻ mạnh mà không sửa sang mọi việc, thì rồi đến lúc già yếu, mỏi mệt còn làm gì được. Bởi vậy trẫm không dám lười biếng lúc nào.
Sách sử chép rằng bảy họ Mường tỉnh Thái-Nguyên xin đem 160 khẩu súng điểu thương nạp cho triều đình. Vua Thánh-tổ khiến quan tỉnh xuất tiền kho để thưởng, lại khiến các tỉnh Ninh-Bình, Quảng-Yên, Sơn-Tây, Hưng-Hóa, Cao-Bằng, Lạng-Sơn truyền dụ dân địa phương xem đó mà bắt chước. Khi hạt Lạng-Sơn nạp 80 khẩu điểu thương mà không nhận lãnh thưởng, quan tỉnh đem việc này tâu lên, vua Thánh-tổ dụ rằng: “Đó là ơn triều đình cho để mua trâu cày và khí cụ làm ruộng, cũng như phong tục “bán đao mua trâu”* đời xưa, chớ nên từ chối.”
[*bán đao mua trâu: điển sử đời Hán bên Tàu, nghĩa là dân biết bỏ nghề ăn cướp làm giặc mà chăm nghề làm ruộng.]
Về cuối triều Minh-Mạng, trong nước hay giặc giã, vua Thánh-tổ thấy phong hóa suy đồi, dân gian nhiều người đâm ra cờ bạc rượu chè. Vua lấy làm lo, soạn ra mười điều huấn dụ truyền dạy khắp trong dân chúng. Mười điều huấn dụ ấy như sau:
1- Đôn nhân-luân: trọng tam-cương ngũ-thường.
2- Chính tâm thuật: làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho chính-đính trong-sạch.
3- Vụ bản nghiệp: giữ bổn phận chăm nghề-nghiệp của mình.
4- Thượng tiết-kiệm: chuộng đường tiết-kiệm.
5- Hậu phong-tục: giữ phong-tục cho thuần-hậu.
6- Huấn tử đệ: phải dạy-bảo con em.
7- Sùng chính học: chuộng học đạo chính.
8- Giới dâm thắc: răn giữ những điều gian-tà dâm-dục.
9- Thận pháp thủ: cẩn-thận mà giữ pháp-luật.
10- Quảng thiện hạnh: rộng sự làm lành
Năm Minh-mạng thứ bảy có lệ định rằng gia đình nào có năm đời ở cùng một nhà thì quan sở tại phải tâu lên để nhà vua ban thưởng. Phần thưởng là 20 lượng bạc, 20 tấm vải, 10 tấm lụa, một tấm đoạn*. Quan sở tại dùng 10 lượng bạc ban thưởng để xây một cái nhà nhỏ, phía trước có treo cái biển hoành với bốn chữ “dịch thế diễn tường”, có nghĩa là mấy đời vui vẻ liên tiếp hưởng sự tốt lành. [*đoạn: một thứ hàng tơ, mặt nhánh.]
Từ năm Minh-mạng thứ tám, mỗi trấn ở Bắc-thành được chuẩn cho xuất tiền kho xây một nhà Dưỡng-tế để giúp cho những người quan quả cô độc và tàn tật có chỗ cư trú, và cấp cho mỗi người không phân biệt nam nữ mỗi ngày hai mươi đồng tiền và nửa bát đồng gạo.
[30 bát bằng đồng bằng một thăng bằng đồng; thăng: đồ đong lường bằng một phần mười đấu; đấu: đồ dùng để đong gạo.]
Dưới triều vua Hiến-tổ (niên hiệu Thiệu-trị 1841-1847) có đặt ra Tập-hiền Viện và Tòa Kinh-diên để các quan giảng cứu nghĩa sách cổ và bàn bạc đạo trị nước cho vua nghe. Chức Kinh-diên giảng-quan là dành cho các quan văn nhất, nhị phẩm, giám-đốc tòa Kinh-diên; chức Kinh-diên nhật-giảng-quan là các quan văn nhị, tam phẩm hằng ngày có mặt ở tòa Kinh-diên để giảng luận sách vở và đạo trị nước để vua nghe. Cho nên các quan đại-thần thường kiêm cả chức Kinh-diên giảng-quan. (Đại-Nam Điển-lệ Toát-yếu)
Vua Dực-tông (niên hiệu Tự-đức 1847-1883) là một vị vua được biết tiếng hay chữ và chăm sóc đến văn học. Bộ Khâm-định Việt-sử Thông-giám Cương-mục do Quốc-sử-quán soạn dưới triều của vua. Để phổ biến luân-lý nho-học, vua soạn quyển Luận-ngữ Diễn-ca (sách Luận- ngữ diễn ra lời ca lục bát) và Thập-điều Diễn-ca (bài ca gồm có mười điều khuyên răn) bằng chữ nôm.
Năm Tự-đức thứ 17 định rằng hễ ai có lòng tốt nuôi trẻ bị bỏ rơi, đến lúc lúa chín dò hỏi cha mẹ chúng và đem trả lại, nếu nuôi bốn năm đứa thì người nuôi trẻ được thưởng con dê và rượu, được miễn năm năm sai dịch*; nếu nuôi mười đứa trẻ thì ngoài phần thưởng đã kể được thưởng thêm một tấm đoạn mùi (màu) và miễn cho mười năm sai dịch; nếu là hai mươi đứa trở lên thì thưởng cho một cái bài* bằng bạc có hai chữ “hiếu nghĩa” và miễn cho sai dịch suốt đời. [*sai dịch: làm phu phục dịch ở các sở quan; *bài: thẻ có thể làm bằng ngà, bằng bạc, bằng giấy, hoặc bằng gỗ, dùng để viết chữ vào đó. ]
Năm Tự-đức thứ 18, người nuôi bốn năm đứa trẻ thì nay được miễn sáu năm sai dịch; nuôi mười đứa trẻ trở lên thì được miễn mười hai năm.
Năm 1885 (Hàm-nghi), có lệ định rằng hiếu-tử (con hiếu), thuận-tôn (cháu thuận), nghĩa- phu (chồng có nghĩa với vợ), tiết-phụ (vợ giữ trinh tiết với chồng) được thưởng biển son chữ vàng và một cái bài bằng bạc nặng một lượng và dây đeo. Mỗi cái bài có khắc bốn chữ: hiếu hạnh khả phong, hiếu thuận khả phong, nghĩa hạnh khả phong, hoặc tiết hạnh khả phong.
Vua Bảo Đại (1913-1997), vị vua cuối nhà Nguyễn, từ khi lên năm, sáu tuổi, đã bắt đầu học chữ nho và Luận-ngữ, học luân-lý và triết-lý chính-trị nho-học với một viên quan phụ đạo. Ông viết trong hồi ký:
“Năm tôi lên hai tuổi thì cha tôi lên ngôi Hoàng đế. Khi lên năm, thì tôi không còn được ở trong cung của các bà hoàng phi, cùng với bà nội tôi, (…). Hàng ngày, viên quan phụ đạo đến dạy tôi học chữ nho, học Luận ngữ của Khổng phu tử, để học theo đạo làm người, và đạo làm Vua. Ông cũng cùng đi sang Pháp để kèm tôi về môn cổ học, trong thời gian lưu trú tại Pháp.” (Con Rồng Việt-Nam)
Lịch-đại-danh Hiền-phổ là quyển phổ-ký ghi chép truyện của các vị danh-hiền hoặc nhà nho có tiếng đời trước, viết bằng chữ Hán, không có tên tác giả. Sách ghi chép những truyện từ quyển Công-dư Tiệp-ký của tác giả Vũ Phương Đề, tựa viết vào năm 1775, tức gần cuối thế kỷ thứ 18, và chép lại một số truyện từ Đại-nam Nhất-thống-chí (1882). Căn cứ trên danh sách những vị tiến-sĩ có tên trong sách thì Lịch-đại-danh Hiền-phổ được viết khoảng cuối thế kỷ thứ 19.
Trong sách kể tên gần một trăm vị tiến-sĩ các đời Trần, Lê và Lê trung-hưng. Mỗi vị tiến- sĩ có một câu chuyện kể riêng về họ hay dòng họ của các tiến-sĩ, và truyện thường mang tính cách truyền kỳ. Người Việt tin rằng số phận của mỗi người thường do phúc đức của gia đình và của chính mình làm ra và tích lũy. Qua các câu chuyện trong Lịch-đại-danh Hiền-phổ, tác giả cho thấy những dòng họ được hưởng đất huyệt tốt hay là phúc đức do tổ tiên để lại vẫn phải tiếp tục làm việc phúc đức để giữ những sự may mắn cho các thế hệ mai sau. Điểm chính yếu tác giả muốn nêu lên là chính nhờ ở tấm lòng nhân hậu của tổ tiên ông bà cha mẹ mà con cháu đời sau được hiển đạt.
Sử sách về đời Nguyễn còn ghi chép tên những người có đức hạnh và hiếu nghĩa trong dân chúng được nhà vua và triều đình ban thưởng, người đời khen ngợi.
- Phạm Hội ở Thọ-Xương (Bắc-thành), bồ côi [mất cha], nhà nghèo. Hai người chị ở nhà kính mẹ nuôi em, làm nghề kéo sợi để nuôi cả gia đình. Phạm Hội lớn lên đi thi hương, thi đỗ và được bổ làm giáo thụ. Lúc ấy mẹ đã mất, ông kính trọng hai chị cũng như mẹ. Trong nhà có việc gì cũng thưa để hai chị biết rồi mới làm. Cả ba chị em sống thuận hòa, không có điều gì xích mích. Học trò của ông lấy gương thầy làm khuôn mẫu. Khi chị thứ qua đời, con của ông cũng chịu tang. Người đời đều khen là cả “một nhà chí hạnh”.
- Nguyễn Đạo ở Lễ Dương (Quảng-Nam), bồ côi, chăm học, không ra làm quan để ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Lúc bình thường, cày ruộng, đọc sách, lấy hiếu lễ dạy con em. Gặp khi mùa màng mất mát, Nguyễn Đạo quyên chẩn để cứu làng mình và thôn xã lân cận. Ông quyên thóc, khuyên dân làng lập nghĩa thương để phòng khi đói khó. Quan tỉnh đem việc này tâu lên, ông được triều đình thưởng cho áo lụa và tiền bạc.
Thấy dân chúng hai phường An-Phú và Dục-Thúy trong huyện không có đất, sống lênh đênh trên mặt nước, ông khuyên dân trong xã mình trích ra hơn 20 mẫu công điền nhường cho dân An-Phú và Dục-Thúy. Việc này được tâu lên vua, dân xã được thưởng một tấm biển đề bốn chữ “Thiện Tục Khả Phong”. [phong tục tốt lành đáng nêu ra để làm gương cho mọi người]
Các con của Nguyễn Đạo đều hiển quý, ông lo ngại con cháu làm việc hại âm đức nên thường nhắc câu nói của cổ nhân để khuyên răn con cháu: “Nếu xuất hiện một vị tiến-sĩ làm hại âm đức, thời không bằng xuất hiện một người bình dân biết tiếp tục [làm việc] phúc.” Con cái của ông đều có danh tiếng tốt trong sự nghiệp làm quan.
- Trần Doãn Đức ở La-Sơn (Hà-Tĩnh), có thân phụ là Thăng, nhà khá giả, hay làm điều thiện. Thấy người làng ít chú ý đến việc văn học, thân phụ của Doãn Đức bỏ tiền ra dựng văn-từ, mời thầy dạy con học để làm gương. Doãn Đức chăm học, đỗ thi hương năm 1838, làm đến tri-phủ Tĩnh-Gia, nối chí cha, cho khắc in nhiều sách đem phát các nơi; khi về hưu ở nhà, vui làm việc thiện không biết chán.
- Lê Mậu Chu ở Vĩnh-Linh (Quảng-Trị), gia đình đầy đủ tiền bạc, có tính hào hiệp, thường giúp người nghèo khổ, có lời nói rằng: “Tiền của, có thể nhiều lúc “không”, há chẳng có thể nhiều lúc “có” hay sao. Ta sống ở đời chỉ có hạn”. Mậu Chu khuyên mẹ đem đốt những văn tự nợ, có giá trị hơn 200 lạng bạc, hơn 3400 quan tiền và 370 hộc thóc. Quan địa phương tâu lên triều đình năm Minh-mạng thứ 19 (1838), gia đình Mậu Chu được miễn 15 năm thuế thân và không phải làm dao dịch.
- Nguyễn Trinh Hoằng đỗ thi hương năm 1848, nhưng vì có tang cha mẹ nên làm nhà ở ngay bên mộ, chưa ra làm quan. Đến khi mãn tang thì không muốn làm quan, dời đến ấp Hòa-Ninh ở và mưu sinh. Trinh Hoằng thấy dân chúng ở đó chỉ sống về nghề cưa cây bổ củi, không làm ruộng và học hành nên ra sức khuyên mọi người mở mang ruộng đất, bỏ nghề cưa xẻ. Trinh Hoằng mở trường tư để dạy con em trong ấp, làm những tập từ như “Sĩ nông canh độc truyện”, Khuyến thiện quốc ngữ ca” và bốn khúc “Quân thần”, “Phụ tử”, Huynh đệ”, Phu phụ” để giảng cho dân chúng.
- Bà Lê Thị Mẫn, vợ thứ ông hương-sư* Bùi Văn Liệu. Bà sanh ra ba trai và một gái. Ông mất khi bà vừa 34 tuổi; bà thủ tiết nuôi con. Người con cả đậu cử-nhân nhưng không ra làm quan, xin vua cho ở nhà để phụng dưỡng mẹ. Người con thứ đậu cử- nhân, được bổ án-sát Nam-Định, rồi Vĩnh-Long. Người con thứ ba đậu cử-nhân, ra làm tri-phủ Phước-Tuy, đốc-học Biên-Hòa, rồi tri-huyện Long-Thành. Bà Mẫn tính thuần-hậu, bác-ái nhưng dạy con rất nghiêm. Khi hai người con làm quan, thỉnh thoảng về thăm nhà và biếu mẹ cây lụa tốt, bà không nhận, trả lại con và nói: - Làm quan thanh liêm làm sao có tiền dư mua lụa?
Hai ông không dám gửi mẹ tặng vật mà cố tu thân, giữ gìn phẩm hạnh và làm những việc ích nước lợi dân.
*hương-sư: người lo việc giáo dục trong làng.
Đầu thế kỷ thứ 17, dân chúng các tỉnh Quảng-Nam, Qui-Nhơn, Phú-Yên thường hay bị mất mùa. Nhân lúc ấy, có chiến tranh giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh, đánh nhau luôn nên dân chúng phải tản cư, tìm đường sống về phía nam. Ngoài người Việt, còn có những toán quan quân nhà Minh, không phục triều đình Mãn-Thanh nên sang đây tạm trú để chờ cơ hội trở về nước. Họ lập nghiệp ở những vùng đất khác nhau: có nhóm thì đến Mô-Xoài - giữa Biên-Hòa và Phước- Tuy -; có đoàn thì theo thủy triều tấp vào gò, nơi đây có nhiều công nên gọi tên vùng đất ấy là Gò-Công; có đoàn trôi dạt vào cửa Cần-Giờ đi ngược dòng sông Nhà Bè đến Đồng-Nai; có những di dân lạc xa hơn lên đến bình nguyên Prey Kor khai khẩn và đặt tên nơi ấy là Sài-Côn.
Cuối thế kỷ thứ 17 và đầu thế kỷ thứ 18, các chúa Nguyễn lần lần thâu trọn đất Chân-Lạp và đặt nền hành chánh tại vùng đất mới này. Đầu thế kỷ thứ 19, nhà Nguyễn nhất thống đóng đô ở Huế, lấy xứ Huế làm trung tâm, chia đất nước làm ba khu vực: Kinh thành, Bắc thành và Gia- định thành. Kinh thành ở dưới quyền cai trị trực tiếp của vua nhà Nguyễn, Bắc thành và Gia-định thành mỗi nơi có một tổng-trấn cai quản. Năm 1832, vua Thánh-tổ đổi Kinh thành ra Kinh-kỳ, Bắc thành ra Bắc-kỳ và Gia-Định thành ra Nam-kỳ, và bãi bỏ chức tổng-trấn. Nam-kỳ có sáu tỉnh gọi là Nam-kỳ lục-tỉnh gồm có: Gia-Định, Biên-Hòa, Định-Tường, Vĩnh-Long, An-Giang và Hà-Tiên.
Đạo nho theo cuộc nam-tiến đã giúp cho việc gây dựng nhân tài ở Nam-kỳ lục-tỉnh. Trước năm 1867, chỉ riêng một tỉnh Bến-Tre có 70 trường dạy chữ Hán và nho học tại nhà tư và các chùa. Nhiều nhà nho, văn quan và võ tướng danh tiếng sinh quán hoặc trú ngụ ở Nam-kỳ: Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khắc Huề, Nguyễn Văn Vinh, v.v…Năm 1932, Bùi Quang Trứ - anh của ông hội-đồng Bùi Quang Chiêu chủ trương Đảng Lập- Hiến - lập đền thờ Khổng tử ở Mỏ-Cày và đăng bố cáo chấn hưng Khổng-giáo.
Võ Trường Toản (…-1792), quán người Bình-Dương thuộc tỉnh Gia-Định, nhưng mộ được cải táng ở làng Bảo-Thạnh, quê hương của Phan Thanh Giản. Ông được biết là người thông đạt kim cổ, mở trường dạy nho-học; trong số học trò của ông có nhiều người thành danh như Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, v.v…, nhiều người làm đến (Lục-bộ) thượng-thư. Tiên sinh từng được Nguyễn-vương Ánh vời đến bàn luận về kinh điển Tứ-thư, các sách của nho-học. Khi ông mất, Nguyễn-vương rất thương tiếc, ban hiệu là “Gia-định xử-sĩ sùng-đức Võ tiên-sinh” có nghĩa: Võ tiên-sinh là bậc xử-sĩ ở Gia- định có tài đức cao dày, để khắc vào bia mộ và ban đôi liễn truy điệu cho thấy việc giáo dục nhân tài đất Nam-kỳ nhờ ông mà đạt hiệu quả.
“Triều hữu huân danh, bán thuộc Hà-phần cựu học Đẩu nam phong giáo, tề khâm Nhạc-lộc dư huy”
Nguyễn Văn Hiếu, người tỉnh Định-Tường, lúc hàn vi cắt cỏ thuê để sinh sống. Năm 1785, ông theo Võ Tánh khởi nghĩa binh ở Gò Khổng-Tước (Gò-Công), hai năm sau tham gia vào đạo quân của Nguyễn-vương Ánh. Ông lập nhiều chiến công, bình định mọi Đá-vách ở Quảng-Ngãi. Sau khi về ở nhà chịu tang mẹ, dưới triều Gia-Long (1802-1819) ông được bổ nhậm làm trấn-thủ Sơn-nam-hạ (tức tỉnh Nam-Định). Ông tuy xuất thân võ biền nhưng có phong độ của nhà nho. Sách sử kể rằng khi các vị cử-nhân tân-khoa đến yết kiến, ông tiếp đãi rất ân cần rồi hiểu thị rằng: “Mười năm đèn sách mới có ngày nay, tôi xin mừng cho các thầy. Ngày sau, được bổ dụng làm quan, các thầy cũng nên gìn giữ như lúc tân khổ hồi đi học, chớ có xa xỉ thái quá để mang vết xấu cho thân danh, và phụ ý tốt chọn lựa nhân tài của Triều-đình.”
Ông có tiếng thanh liêm, từ chối không nhận lễ vật của dân, lương bổng chỉ đủ dùng. Phu nhân ông có lần nói chuyện với ông về lương bổng. Ông cười đáp rằng: “Bà không nhớ lúc cắt cỏ thuê sao? Lúc ấy khi đi đâu thì vợ chồng phải đổi áo mà mặc, chỉ lo cái ăn đủ mỗi ngày, nay sánh với xưa, đã hơn gấp mấy lần, thế mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu sao?” Từ đó bà không dám đem chuyện tài-lợi ra nói nữa.
Sau khi mất, ông được triều đình cho thờ ở miếu Trung-hưng Công-thần và Hiền-lương từ.
Nguyễn Văn Nhơn (1753-1822) người huyện Vĩnh-An, tỉnh An-Giang. Khi còn trẻ, vì tình thế trong nước loạn lạc đao binh, ông không được đi học, đầu quân theo Nguyễn-vương Ánh, lập được nhiều chiến công. Năm 1795, lúc bấy giờ ông đã hơn 40 tuổi, được bổ nhậm làm lưu-thủ Trấn-Biên (Biên-Hòa), mới có thì giờ đọc sách và học.
Năm 1802, Nguyễn-vương lên ngôi, phong ông làm Chưởng-chấn Võ-quan tước Nhơn- Quận-công. Sau khi Bắc-hà được bình định, ông dâng sớ điều trần 14 khoản về việc sửa đổi hình luật, thuế má, phong tục, quân lực, đặc biệt chú trọng về việc giáo dục nhân tài: cầu người hiền, lập hương học, cử người hiếu liêm, định phép khoa cử.
Trong phần điều trần việc học ở Gia-Định, ông đề nghị ấn định nội qui học đường, lựa mỗi xã một người làm trưởng giáo. Lời sớ trần tình việc giáo dục như sau:
“Trị nước cốt chinh phục được lòng dân: hành chính không gì bằng giáo dục. Trước kia vận Trời biết loạn, đất Gia-Định phải bỏ việc học hành. Nay non sông mới xây dựng lại bờ cõi thanh bình thì chính lúc phải nên dạy cho dân học.
Vậy xin đặt ra phép dạy, mỗi làng phải chọn lấy một người có đức hạnh, văn học, tha hẳn cho quân dịch để cho dạy dỗ con em trong làng.
Cấm hẳn không cho rượu chè, cờ bạc, hát xướng, hễ phạm các điều ấy, các quan sở tại phải trừng trị. Như vậy thì rồi tất sẽ gây nên được nhiều nhân tài ra giúp nước và cũng không phụ lòng giáo hóa của Thánh-thượng.”
Dưới triều Tự-đức, Hồ Trọng Đính, người làng Quỳnh-Đôi, tỉnh Nghệ-An, đỗ cử-nhân, được bổ làm tri-phủ Tân-Thành (Sa-Đéc). Ông khuyến khích học trò học và dự thi khoa cử nho- học. Năm 1858, trong phủ Tân-Thành đậu một cử-nhân và hai tú-tài. Ông thuyết phục thân hào nhân sĩ trong phủ đề cao việc học đạo nho, làm tăng nho phong sĩ khí trong dân chúng. Giáo-thụ Nguyễn Thục Trinh tán đồng. Tri-phủ Hồ Trọng Đính cùng người trong phủ hợp sức xây cất Văn-thánh Miếu. Miếu tọa lạc trên một sở ruộng làng Mỹ-Trà, cách chợ Cao-Lãnh 1200 thước. Nhờ có Văn-thánh Miếu, tỉnh Sa-Đéc một thời nổi danh đất văn hiến.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) được nhà giáo Dương Quảng Hàm (1898-1946), tác giả Việt-Nam Văn-Học Sử-yếu, nhận xét như sau: “Ông là một bậc chân-chính trong phái Nho-học, tuy gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm-cách thanh-cao. Bởi vậy, trong thơ văn của ông, ông thường đem những đạo-nghĩa ra khuyên răn người đời và thường tỏ ra là người băn-khoăn đến việc nước việc đời.” (Văn-Học Việt-Nam, 1939)
Lục Vân Tiên là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Chiểu, được Dương Quảng Hàm xếp vào thể loại “luân-lý tiểu-thuyết cốt dạy người ta đạo làm người” vì truyện mở đầu bằng mấy câu cho biết chủ đích của truyện:
“Trước đèn xem truyện Tây-minh, Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le. Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước lành dè thân sau. Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình. (…)”
Dương Quảng Hàm cho thấy cách “[t]ác-giả muốn đem gương người xưa mà khuyên người ta về đường cương-thường đạo-nghĩa: trong truyện khéo đối-chiếu kẻ hay người dở, kẻ thiện người ác mà kết-cấu thành ra kẻ hay người thiện, dù có gặp nỗi gian-truân khổ-sở, sau cũng được phần vinh-hiển, sung-sướng, mà kẻ dở người ác, dù có lúc giàu sang rực-rỡ, rút cục lại cũng đều bị tội-vạ khốn cùng, để khuyên người ta nên “Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.”
Truyện Lục Vân Tiên cũng như một số truyện thơ nôm khác trong văn học Việt-Nam được soạn thành tuồng hát như tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) mà cốt truyện có mục đích “để khuyên người ta nên giữ lòng tiết nghĩa và dạ thủy-chung”, tuồng Tượng-kỳ khí xa (1916) của Hoàng Cao Khải (1850-1933) nêu gương trung-thần của danh-tướng Võ Tánh, tuồng Ngũ-hổ bình Liêu của Nguyễn Văn Diêu nêu gương trung hiếu, tuồng Hoa Tiên của Hoàng Tăng Bý (1883-1939), những tuồng lấy từ sách truyện Tàu như Tam-Quốc, Phong- Thần, những vở tuồng điển hình như San Hậu, Tam Nữ Đồ Vương ca ngợi những anh hùng vì chính nghĩa liều chết cho non sông, … được đem diễn trên sân khấu hát bội.
Hát bội là một hình thức nghệ thuật sân khấu đã có từ lâu ở Việt-Nam, rất phổ thông ở miền Trung và Nam. Trong tuồng hát bội, từ cách dàn cảnh trên sân khấu đến các điệu bộ của nhân vật đều có tính cách tượng trưng. Từ giai đoạn thành lập cho đến khi phát triển trải qua nhiều thế kỷ, nội dung các tuồng hát thường diễn những sự tích trong truyện cổ, đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và đạo lý làm người theo luân-lý nho-học, ca ngợi những người có lòng trung- quân ái-quốc.
Các gánh hát bội đi lưu diễn từ thành thị đến thôn quê, trong những ngày Tết, ngày hội, các lễ cúng thần, … giúp lưu truyền ảnh hưởng của luân-lý nho-học trong dân gian. Hát bội suy tàn dần khi nghệ thuật cải-lương xuất hiện. [Phụ Lục 6]
Đầu thế kỷ thứ 20, cải-lương được các ban tài-tử đàn ca trong các cuộc lễ tại tư gia trong dịp tân hôn, thăng quan, cúng giỗ. Năm 1910, ban tài-tử ở Mỹ-Tho được chọn đi trình diễn cổ nhạc Việt-Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp. Kể từ năm 1911, ban tài-tử cải-lương ra trình diễn trước công chúng, trên sân khấu trong nhà hàng, trong rạp hát. Dần dần, cải-lương phát triển mạnh, nhiều ban được thành lập. Nhờ hát nhiều giọng như giọng Bắc, giọng Oán, giọng Nam, Lý, Bình, giọng Quảng, Tân-nhạc, v.v… nên cải-lương thu hút được nhiều khán thính giả ở khắp nơi từ Nam ra Bắc. Lối ca Bắc dùng để tả chí-khí nam-nhi tận trung báo quốc như trong tuồng Nguyễn Huệ dụ hàng Lê Phước Điển, hoặc sinh ly tử biệt như trong tuồng “Gia-Long tẩu quốc”, hoặc tả chí hướng của mình như trong tuồng “ Bội-phu quả báo”. Giọng Oán là giọng đặc biệt miền Nam dùng cho bản Tứ-Đại Oán như trong tuồng “Vì nghĩa liều mình”. Vọng-cổ là bản ca được áp dụng trong các tuồng cải-lương và được công chúng rất hoan nghênh. Bản vọng-cổ đầu tiên có tên là “Dạ-cổ hoài-lang” (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) nói lên tâm trạng của vợ đối với chồng mong cho “Duyên sắt cầm đừng lợt phai”, “Cho én nhạn hiệp đôi.” Nội dung của những bản vọng-cổ thường nói lên những tình cảm gia đình như gương hiếu thảo của Thầy Tử-Lộ trong “Đội gạo đường xa”, tình vợ chồng bị chia rẽ như trong “Tham phú phụ bần”, vợ chồng xa cách trong “Hòn Vọng-phu”, tình nước tình nhà trong “Máu nhuộm Phụng-hoàng- cung”, tình mẫu tử trong “Tấm lòng của biển”, v.v… Dù là tuồng gia đình, xã hội, hay lịch sử, soạn giả các vở tuồng cũng đưa ra những gương cao thượng: trung thần, hiếu tử, nghĩa phu, tiết phụ, nêu lên những giá trị của luân-lý nho-học như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm cho khán giả biết thương người hiền mà ghét kẻ ác, có thiện cảm với lẽ phải ở đời, biết phân biệt thiện ác để tròn bổn phận làm người.
Học giả Vương-Hồng-Sển (1902-1996) trong Hồi-Ký 50 Năm Mê Hát đã sưu tầm rất nhiều lời bài ca cải-lương và có nhận xét rằng:
“Nghệ-sĩ cải-lương chú trọng chẳng những về nhạc mà còn chú trọng cả về lời. Lời của hát cải-lương phải là lời nói của thật-tế, không phải là những lời đối-họa, những câu bay bướm nhưng rỗng tuếch. Từ đây nhóm nghệ-sĩ hiểu “sân khấu là phản ảnh của cuộc đời” và nhà nghệ-sĩ 1966 sắp sau đã biết xác nhận cái chân giá-trị của nghệ-thuật. Nghệ-thuật sân-khấu không còn là trò chơi tiêu-khiển của một nhóm quan liêu sung túc, của một nhóm người ăn không ngồi rồi, như quan niệm trước kia đã hiểu. Cải-lương có cái sứ mạng cao cả, phô diễn lên sự thật của xã-hội, những trạng thái lầm than của dân đen, để truyền bá những phương pháp cải-tổ xã-hội, và gieo rắc tinh thần đấu tranh cho dân tộc. Từ cây độc huyền đơn chiếc mà còn biết đem tích Sáu Trọng trả thù, Thầy thông Chánh bắn biện lý lấy vợ mình, đến sân khấu đoàn thể cải-lương tuyên truyền cho lòng ái quốc chung…” [Phụ Lục 7]