Đạo Thiên-chúa từ khi bắt đầu đến nước Việt vào thế kỷ thứ 16, gặp nhiều gian nan, bị cấm đạo, bách hại, không có cơ hội bành trướng cho đến khi người Pháp chiếm Việt-Nam vào cuối thế kỷ thứ 19, từ đó số người Việt có đức tin công-giáo gia tăng.
Phan Kế Bính trong Việt-Nam Phong Tục (1915) viết về qui-thức của những người theo đạo Thiên-chúa (công-giáo) lúc bấy giờ như sau:
“Qui thức của người theo đạo Thiên chúa, mỗi người phải đeo một bộ câu rút; ở nhà thì thờ tượng Thiên Chúa và cây Thánh giá hình như chữ thập (+), tức là một thứ hình cụ khi Đức Chúa bị nạn thay tội cho trần gian. Đeo vào mình để làm sự kỷ niệm cho lúc nào cũng trông thấy công đức của Chúa.
Mỗi ngày trước khi hai bữa ăn cơm và lúc đi ngủ lúc mới thức dậy, phải chỉ tay trên trán, hai vai và ngực gọi là làm dấu, rồi tụng một bài cầu nguyện, nghĩa là chúc tụng công đức của Thiên Chúa mà cầu Chúa cho mình được cái lòng yêu mến Ngài mãi mãi. Mỗi một chủ nhật và ngày lễ thì các người có đạo phải đến nhà thờ quì trước tượng Thiên Chúa mà cầu kinh, đoạn rồi vào một nhà riêng quì trước mặt ông cố mà thú tội. Ông cố ban cho ăn một miếng bánh thánh cho được gội nhuần ơn Chúa.
Người theo đạo chỉ được phép lấy một vợ một chồng. Khi mới cưới, vợ chồng phải đem nhau đến nhà thờ làm phép cưới, ông cố chúc cho một vài câu rồi rảy nước phép mà rửa tội cho. Khi sinh con, khi chết, cũng đều đem đến nhà thờ rửa tội.
Mỗi năm có ngày thứ tư gọi là ngày vào mùa (Cendres) và một ngày chủ nhật gọi là ngày ra mùa (Pâques). Trong khoảng hai ngày ấy cả thảy bốn mươi ngày thì nhà theo đạo cứ ngày thứ tư và thứ sáu ăn chay (kiêng thịt, còn cá và trứng thì ăn được), nghĩa là trong những ngày Đức Chúa bị nạn thì phải kiêng kỵ, đến ngày ra mùa là ngày Phục sinh mới thôi. Còn quanh năm thì thường ngày thứ sáu bao giờ cũng phải ăn chay.
Mỗi năm về ngày hai mươi lăm tháng Décembre là ngày sinh nhật Đức Chúa thì các nhà thờ làm lễ Noël, ngày mười lăm tháng Août là ngày Thánh Mẫu lên trời thì các nhà thờ làm lễ Assomption. Người có đạo đến lễ đông lắm. Lại có một ngày nhà thờ rước đi quanh phố, gọi là lễ Fête-Dieu, rước vui lắm.”
Trong sách Địa-Lý Việt-Nam, hai tác giả Nguyễn Khắc Ngữ và Phạm Đình Tiếu đã viết về nhân sinh quan Thiên-chúa giáo như sau:
“Đức Giê-su đã tóm tắt giáo luật Thiên-chúa giáo vào hai điểm:
1- Hãy yêu mến Thiên chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí óc (đức tin).
2- Hãy thương yêu người khác như chính mình (đức bác ái).
Sau này ngƣời ta suy diễn tinh thần trên thành các điểm sau:
a/ Đối với Thiên chúa phải hết lòng tin tưởng.
b/ Đối với bản thân người Thiên chúa giáo phải sống thực với mình, phải khiêm tốn và điều độ.
c/ Trong đời tư phải lương thiện đến những chi tiết nhỏ nhất, trung thành với lễ luật thiêng liêng của gia đình, thảo kính cha mẹ, trọng sự bình đẳng vợ chồng, chăm lo giáo dục con cái.
d/ Đối với xã hội phải chu toàn nghĩa vụ công dân thuận hòa với mọi ngƣời, tránh bạo động. Tôn trọng quyền lợi của kẻ khác và đặc biệt tôn trọng tự do lương tâm.
e/ Phải chăm chỉ làm việc, cần phải mưu ích cho cộng đồng nhân loại, phải có khả năng và liêm khiết.
Những điều này rút từ mười điều giáo luật của Thƣợng đế truyền qua ông Mai- sen từ nhiều thế kỷ trước Thiên-chúa:
1/ Không được thờ phụng thần nào khác.
2/ Chớ kêu tên Thƣợng đế một cách vô cớ.
3/ Hãy nhớ ngày lễ nghỉ để thánh hóa ngày đó.
4/ Hãy thảo kính cha mẹ.
5/ Chớ giết ngƣời.
6/ Chớ tà dâm.
7/ Không trộm cắp.
8/ Không làm chứng gian hại ngƣời.
9/ Không thèm muốn vợ (hay chồng) ngƣời khác.
10/ Không được thèm muốn của cải của người khác.
Về phương diện xã hội ngài chủ trương nâng cao giá trị của cần lao, gia đình. Ngài tuyên cáo Nam Nữ bình quyền về phẩm giá. Ngài yêu quý đặc biệt trẻ con, quý trọng tình bằng hữu và đề cao tình yêu dân tộc.”
Các nhà luân lý học cho rằng luân lý học là học về các nghĩa vụ ở đời và giải thích rằng: nghĩa vụ là việc nghĩa phải làm. Là người có trí khôn, có tự do thì tất phải có những việc mà trí khôn mình, do tự mình khuyên mình làm, mình không muốn làm cũng được, không ai bắt mình làm nhưng mình cảm thấy mình nên làm thì hơn. Càng không ai bắt lại càng thấy nên làm vì tự mình thấy có trách nhiệm ở đấy, trách nhiệm đối với lương tâm mình.
Nghĩa vụ không có tính cách cưỡng bách như là pháp luật. Nghĩa vụ là lời khuyên của lý trí, của lẽ phải, và thực hiện bằng quyền tự do của chính mình.
Theo tâm lý học thì con người có ba năng lực về tinh thần: ý chí, trí tuệ, cảm tình.
Nói về ý chí, mỗi hành động của người ta không phải tự nhiên phát sinh mà tùy theo ý chí của mình. Người ta có sự quyết đoán, nghĩa là trong hai ba cách hành động, mình biết chọn lựa hành động nào là nên là phải. Sự chọn lựa này do tự chính mình, không ai ép buộc, chỉ có điều là mình phải chọn sao cho xứng đáng với lương tâm mình.
Như triết gia Pascal (1623-1662) đã nói: “L‟homme n‟est qu‟un roseau, le plus faible de la nature, mais c‟est un roseau pensant.” (Người chỉ là một cây sậy, yếu nhất của thiên nhiên, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ), con người biết suy nghĩ về những việc làm của mình, biết ghi nhớ và đúc kết những kinh nghiệm của mình, lại biết tưởng tượng ra những điều hay lẽ phải cao hơn mọi sự việc ở đời. Thành thử người ta biết nghĩ rằng trong cách cư xử ở đời cũng phải có phép tắc, thế nào là nên là phải. Đó là năng lực về trí tuệ.
Còn về tình cảm, là người ai cũng có tình cảm, và tình cảm ấy biểu lộ ra ngoài như lòng vị tha, thương yêu, thương mến người khác, v.v…
Dựa trên sự hiểu biết này của tâm lý học, người ta có thể dùng tâm lý học để phát triển và hướng dẫn những năng lực về tinh thần của con người.
Trong thời đại gần đây, nhà tâm lý học Thụy-Sĩ Jean Piaget (1896-1980) đã tìm hiểu về mục đích của giáo dục. Ông quan niệm mục đích của giáo dục nơi học đường là đào tạo những con người, cả nam lẫn nữ, trở nên những người có khả năng suy nghĩ và làm ra những điều mới, chứ không phải chỉ lập lại những gì mà thế hệ đi trước đã làm. Ông đã có những công trình lý thuyết về sự phát triển đạo đức. Theo sự nghiên cứu của Piaget, sự phát triển của đạo đức là do kết quả của sự giao tiếp giữa người với người, và những người liên hệ với nhau cùng đồng ý đưa ra những giải pháp mà họ cho là công bằng.
Hồ Thích (1891-1962), triết gia cận đại Trung-Hoa, nhắc cho biết rằng triết học nhân sinh nho-học phát sinh từ năm sự quan hệ giữa người với người trong xã hội: “Triết học nhân sinh của Nho gia nhận định rằng chỉ có cá nhân thôi thì không thể tồn tại được, mọi hành vi nhân sinh đều phải tuân theo hành vi sanh ra do sự hỗ tương quan hệ giữa người và người.” Sách Mạnh tử (thế kỷ thứ tư trước công-nguyên) nói về năm luân, “ngũ luân”, là năm sự liên hệ của quan hệ hỗ tương trong xã hội thời trước: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (vợ chồng), trưởng ấu (lớn nhỏ), bằng hữu (bạn bè).
Nho gia đời xưa quan niệm rằng con người sinh ra bản tâm vốn thiện: “nhân chi sơ tính bản thiện”. Khổng tử khuyên các nhà làm chính trị không cần đến việc “chém giết những kẻ độc ác”. Ông nói: “Ông làm chính trị cần gì phải dùng sự chém giết? Nếu ông muốn hành thiện dân chúng sẽ trở nên thiện hết.” (“Nhan-Uyên”, Luận Ngữ)
Mạnh tử nói: “Tính người ta vốn thiện như nước chảy xuống chỗ thấp vậy. Người không ai là không thiện, nước không lúc nào là không chảy xuống chỗ thấp.” Tuân tử cho tính người là ác và cần dùng lễ nghĩa để chuyển hóa tính người ta cho hợp đạo để làm điều thiện.
Do đó, Hồ Thích viết thêm rằng: “Hành-vi thiện-ác là một trong những vấn-đề thiết-yếu của nhân-sinh.” (Trung-Quốc Triết-học-sử Đại-cương)
Trần Trọng Kim (1883-1953) nhà giáo, nhà sử học, nhà biên khảo, làm tổng-trưởng nội- các thời Việt-Nam Đế-Quốc (1945). Khi xét về hai quan niệm thiện ác của Mạnh tử và Tuân tử, ông viết:
“Xét kỹ ra, thì cái học của Mạnh-tử có phần thắng lợi hơn, là vì người ta thường tự tin mình thế nào, là rồi thành ra thế ấy. Mình tự tin mình là thiện, thì rồi thành ra thiện, mình tự tin mình là ác, thì rồi thành ra ác. Vậy nên ta phải nghĩ luôn đến cái phần thiện của ta hơn là nghĩ luôn đến cái phần ác của ta. Nghĩ như thế, không phải là để tâng-bốc trạng-thái hiện-tại của ta, nhưng cốt để cho ta khỏi thất-vọng về đường tiến-hóa. Cũng vì thế cho nên mới nói: cái học của quân-tử phải chủ ở sự “thượng đạt”. Đối với sự giáo-dục không gì lợi cho sự tiến-hóa bằng cái chủ-nghĩa lạc-quan, nó làm cho người ta có cái lòng tự tin ở bản-thể của mình, và không gì hại bằng cái chủ-nghĩa bi-quan, nó làm mất cái lòng tự tin ấy. Cái lý-tưởng cực cao là để khiến người ta có thể lúc nào cũng cho mình vốn là hoàn-toàn, thì rồi mới cố-gắng mà tiến lên đến chỗ thật hoàn-toàn, chứ đã cho mình là hèn-hạ tàn-ác, thì còn tiến-hóa làm sao được. Thành-thử cái thuyết tính ác của Tuân-tử vẫn khiên-cưỡng, bởi thế hậu-nho bỏ cái thuyết ấy mà theo cái thuyết tính thiện của Mạnh-tử, tưởng cũng đã nghĩ xác lý lắm vậy.” (Nho-giáo)
Watsuji Tetsurō (1889-1960) là một trong những triết gia Nhật-Bản cận đại thế kỷ thứ 20 nổi danh trong việc tổng hợp hai khái niệm đạo đức Đông Tây. Ông quan niệm con người là nhị- thể, vừa là cá nhân vừa là thành viên của nhiều nhóm cộng đồng khác nhau trong xã hội. Mỗi người liên hệ với xã hội bằng nhiều cách khác nhau. Theo quan niệm của Tetsurō, đạo đức học là môn học tìm hiểu sự liên hệ xã hội và những cách hành xử tích cực giữa người với người, và luân lý gồm những luật lệ giúp cho sự sinh tồn của xã hội.
Lawrence Kohlberg (1927-1987), một nhà tâm lý học người Hoa-Kỳ, đã đưa ra một thuyết về sự phát triển đạo đức. Kohlberg nhận xét rằng tiến trình để đạt đến một sự trưởng thành về đạo đức cần một thời gian dài lâu và tiến từ từ chứ không thể nhanh được. Mỗi cá nhân trước tiên cần có sự hiểu biết về phẩm hạnh, luật lệ và tiêu chuẩn để có thể đi đến một sự lựa chọn có tính cách đạo đức. Mục đích của việc dạy luân lý là khuyến khích cá nhân phát triển từ giai đoạn học những khái niệm căn bản của đạo đức tiến đến được giai đoạn lý luận và thực hành về đạo đức.
Nhà văn viết các tiểu thuyết triết học Ayn Rand (1905-1982) nổi tiếng với những bài viết và sách tiểu thuyết với luận đề triết học, đã cho rằng luân lý đạo đức (ethics) là một trong ba ngành căn bản nền tảng của triết học.
Ayn Rand cho rằng luân lý đạo đức liên quan đến mọi phương diện của con người: tính tình, hành động, giá trị của con người, sự liên hệ của con người với mọi sự vật xung quanh. Luân lý đạo đức đặt ra một thang giá trị để hướng dẫn những sự lựa chọn và hành động của con người: những lựa chọn và hành động này định hướng cuộc đời của mỗi người.
Nhờ cách giải đáp của luân lý mà mỗi người biết cách đối xử với những người khác, và từ đó đưa đến ngành triết học chính trị. Ngành triết học chính trị sẽ ấn định những nguyên tắc của một hệ thống xã hội tương xứng với luân lý cá nhân.
Do đó, chúng ta có thể thấy là một hệ thống triết học, từ luân lý đến chính trị, cho chúng ta cái nhìn tổng hợp về cuộc sống. Là con người, chúng ta không thể từ chối có một triết lý sống.
Theo ý tưởng của Ayn Rand, chúng ta có thể chọn lựa một tiến trình tư tưởng hợp lý, ý thức và kỷ luật để áp dụng vào trong tư tưởng của chúng ta, hay là để cho tiềm thức tích lũy một mớ những kết luận hỗn tạp, lộn xộn, không suy nghĩ chín chắn.
Cũng theo Ayn Rand, tiềm thức chúng ta giống như một máy điện toán – và phức tạp hơn một máy điện toán mà con người có thể làm ra – và nhiệm vụ chính của tiềm thức là tổng hợp những tư tưởng của ta.
Nhưng ai đã để những tư tưởng ấy vào? Đó là ý thức. Nếu chúng ta ý thức những gì chúng ta để vào thì chúng ta biết xuất xứ của những giá trị và hành vi cũng như sự suy nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta không ý thức được những gì chúng ta để vào thì chúng ta cũng sẽ không hiểu xuất xứ những gì chúng ta làm.
Nhiều người cho rằng con người không chỉ sống bằng lý luận, vì cần có yếu tố tình cảm nữa. Tuy nhiên, những giá trị tình cảm của mỗi người lại được quyết định bởi những quan niệm cơ bản của người đó về cuộc đời, cách mà mỗi người nhìn cuộc đời.
Để trung thành với một thang giá trị, điều này đòi hỏi chúng ta có khả năng hiểu được những nguyên tắc trừu tượng và áp dụng những nguyên tắc này vào thực tế và hành vi của mình. Nếu không có những giá trị của riêng mình, một người không thể biết được điều gì đúng điều gì sai. Những ý thích nhất thời thay đổi luôn luôn, không giúp gì cho việc đạt đến những quan niệm có tính cách dài hạn để theo đuổi suốt đời những giá trị mà mình chọn lựa.
Do đó triết gia Ayn Rand bảo là chúng ta cần học triết và những học thuyết về triết, dù chúng không quan hệ đến đời sống thực tiễn. Chúng ta cần học triết để ý thức được những hành vi của mình.
Phạm Quỳnh công nhận triết học là một môn học có thể giúp cho mục đích gây dựng tư cách đạo đức. Ông viết như sau:
“Ta nói đến tên triết-học tất nghĩ đến người có đức tính hơn người. Nhà triết-học xưa nay vẫn là đồng-nghĩa với nhà quân-tử. Người ta thành-tâm mà theo đuổi cái chân-lý thì dù chẳng tới được, cũng là hay thêm người ra. Xưa nay trong lịch-sử thiếu gì kẻ gian- hùng mưu sự lợi-lộc cho mình. Nhưng thử hỏi đã từng trông thấy bao giờ một người phẩm-hạnh sằng – dù thông-minh sáng-suốt đến đâu nữa mặc lòng – mà nổi danh nhà triết-học không? Quyết rằng không.
Nếu triết-học vun giồng được mầm đạo-đức, bổ-ích cho việc thế-giáo như thế, thì triết-học cũng nên học mà sách triết-học cũng nên xem vậy.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Dù chưa rõ trong lịch sử triết học và văn học nước Việt đã có ai trình bày một lý thuyết về sự phát triển đạo đức hay không, nền giáo dục ngày xưa từ đời Trần đến đời Nguyễn, khoảng 700 năm, đã áp dụng triết lý nhân sinh nho-học vào gia đình và học đường, chú trọng vào việc dạy luân-lý nho-học từ khi còn bé, học “nhân chi sơ tính bản thiện” từ lúc vỡ lòng, học Tam-tự- kinh, học luân-lý qua những lời tục ngữ ca dao, thấm qua lời mẹ ru, nghe theo lời răn bảo của ông bà cha mẹ. Người đi học để chuẩn bị thi hương, thi hội đời xưa, ai cũng đọc qua các sách Hiếu-kinh, Minh-tâm bảo-giám, Minh-đạo gia-huấn, và học hai bộ sách chính yếu của nho-học là Ngũ-kinh và Tứ-thƣ. Tất cả đều là những sách dạy về triết-lý chính-trị và luân-lý đạo-đức nho- học.
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức-Trai, đỗ thái-học-sinh (1400) đời nhà Hồ. Khi quan quân nhà Minh sang cai trị Đại-Việt, ông tìm đến Bình-định-vương Lê Lợi dâng Bài sách bình Ngô, bàn mưu kế, thảo từ mệnh. Sau mười năm kháng chiến, quân Minh thua, phải rút về nước. Bình-định-vương ủy cho Nguyễn Trãi viết bài Bình Ngô Đại-cáo, bá cáo với toàn dân về việc bình xong quân Tàu. Tập sách Gia-huấn ca được xem là tác phẩm của Ức-Trai tiên-sinh về luân lý phổ thông, lời văn giản dị, gồm có sáu bài:
1. Dạy vợ con
2. Dạy con ở cho có đức
3. Dạy con gái phải có đức hạnh
4. Vợ khuyên chồng
5. Dạy học trò ở cho phải đạo
6. Khuyên học trò phải chăm học
Bài thứ nhì “Dạy con ở cho có đức” là một bài học luân lý dặn dò con cháu nên lấy điều nhân đức mà sống ở đời: thương xót và cứu giúp những kẻ khốn cùng, già nua, cô quả, lỡ lầm, rét cho mặc đói cho ăn. [Xin xem Phụ Lục 3]
Năm 1434, triều vua Lê Thái-tông ấn định thể lệ thi hương* trong kỳ thứ nhất là một bài kinh nghĩa và một bài cho mỗi sách của Tứ-thư. Năm 1462, thi hương kỳ đệ nhất có 5 bài trong Tứ-thư kinh-nghĩa. Năm 1472, thi hội* kỳ đệ nhất hỏi về Tứ-thư: Luận-ngữ 4 đề, Mạnh-tử 4 đề, người thi chọn 4 đề mà làm; Ngũ-kinh, mỗi kinh có 3 đề, người dự thi chọn lấy một đề mà làm. Kinh Xuân-Thu có 2 đề gồm làm thành một bài văn. [*thi hương thi hội: xin xem Phụ Lục 4]
Năm 1462, định lệ thi hương phải là người được quan bản quán và xã trưởng làm giấy bảo đảm là người có đức hạnh. Năm 1500, quan Quốc-tử-giám tuyển huấn-đạo phải đoan nhận là người có đức hạnh xứng đáng làm thầy, gửi người sang bộ Lại để bộ Lại chọn và bổ nhiệm.
Đời vua Lê Thánh-tông (1460-1497), có một số tục lệ bị thay đổi. Thời ấy, những nhà có tang chế thì làm cỗ bàn rồi bày ra các trò hát xướng, thành dịp cho người ta vui chơi. Lễ hôn thì sau khi ăn hỏi, để ba bốn năm mới cho rước dâu về nhà chồng. Vua Thánh-tông ra lệnh cấm những gia đình có tang bày cuộc hát xướng; về hôn lễ thì khi đã nhận lễ hỏi rồi, phải chọn ngày rước dâu, đám cưới cử hành rồi thì ngày hôm sau đi chào cha mẹ, ba ngày thì đi lễ từ đường. Vua đặt ra 24 điều về luân thường và giao cho những người phụ trách việc trong làng phải thường xuyên đọc cho mọi người nghe để giữ gìn phong hóa. [Phụ Lục 5]
Một vài ví dụ của những người làm quan xuất thân từ nền giáo dục nho-học, có phẩm hạnh, nhân từ, thanh liêm, tiết tháo, đóng góp vào việc nước, đã được ghi lại trong sử sách như sau:
- Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), đỗ trạng-nguyên (1304), làm quan liêm khiết, sống thanh bạch. Vua Trần Minh-tông (1314-1329) biết điều ấy nên sai người đem mười quan tiền đến để ở cửa nhà ông lúc ban đêm. Sáng hôm sau, ông vào chầu, đem việc ấy tâu lên, vua bảo: “Không có ai đến nhận tiền ấy thì ngươi cứ lấy mà dùng.”
- Chu An (1292-1370), không ra làm quan, ở nhà đọc sách, sửa mình trong sạch, không cầu lợi danh, dựng nhà dạy học trên gò lớn ở giữa đầm. Vua Trần Minh-tông nghe tiếng ông vời ra làm tư-nghiệp Quốc-tử-giám, dạy thái-tử học. Vua Trần Dụ-tông (1341-1369) lên ngôi, ham chơi, bỏ bê việc triều chính, ông can gián, dâng Thất-trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần là những kẻ quyền thế lúc bấy giờ được vua tin cậy; vua không đáp, ông treo mũ từ quan.
Nhà biên khảo Phan Huy Chú viết về ông như sau: “Ông Văn Trinh [tên thụy Văn Trinh do vua Trần Nghệ-tông ban cho sau khi ông tạ thế] học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng nho ở nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không thể so sánh được. (…) Nay đem sự tích ông chép lên đầu bậc danh nho, rồi tìm đến những người sau ông, gián hoặc cũng có người tiết tháo cao thượng, văn học được đời suy tôn, hoặc ra làm quan, hoặc đi ẩn mà đều nổi tiếng ở đời, thì đều chép cả sau đây, gọi chung mục “Nhà nho có đức nghiệp.” (Lịch-triều Hiến-chương Loại-chí)
- Đời vua Lê Thái-tông (1434-1442), có bảy tên can tội tái phạm ăn trộm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng bị xử tử. Đại-tư-đồ Lê Sát thấy giết người nhiều quá, trong lòng ngần ngại, phân vân không biết xử trí cách nào. Vua Thái-tông hỏi Nguyễn Trãi thì ông nói: “Hình phạt không bằng nhân nghĩa là điều rõ ràng rồi. Bây giờ một lúc giết bảy mạng người, e không phải là việc có đức cao. Kinh Thư có nói: “An nhữ chi” nghĩa là phải làm cho được đúng chỗ. Thí dụ như trong cung là đúng chỗ của bệ hạ, thỉnh thoảng có đi tuần du chỗ khác, thì không thể được thoải mái, đến khi trở về cung mới thật được đúng chỗ, ông vua đối với nhân nghĩa cũng vậy, tuy có khi ra oai giận dữ, nhưng không thể giận lâu được.”
Triều đình nghe lời Nguyễn Trãi, chỉ đem chém hai tên cầm đầu, còn năm tên kia thì chỉ khép vào tội lưu* mà thôi. [*tội lưu: bị lưu đày]
- Hằng năm, vua Lê Nhân-tông (1443-1459) cấp thêm bổng lộc cho các thân vương, đại thần. Đô-đốc Tây-đạo là Lê Lựu tâu rằng: - Thần thường thấy dân gian bách tính khốn khó, một đồng tiền nhỏ cũng coi bằng mười đồng. Vì thế thần xin từ không nhận tuế bổng. Bệ hạ đã đặc ân cho 50 hộ, lại có tiền bổng hằng năm thì thu nhập tất lại nhiều thêm. Nay đang cấp cho các quan tiền tuế bổng, thần xin từ không nhận.
- Vũ Tụ đỗ hoàng-giáp (1493), làm quan dưới triều vua Lê Thánh-tông (1460-1497). Thời bấy giờ hay có nạn đút lót hối lộ. Vua Thánh-tông bắt chước việc làm của vua Đường Thái-tông bên Tàu, sai người đem lụa biếu để thử lòng các quan. Các quan đều nhận cả, chỉ một mình ông từ chối. Người biếu lụa cố nài nói rằng: “Tập tục bây giờ như thế đã thành thói quen, hơn nữa đây là vật nhỏ mọn, ngài cứ nhận đâu có sợ hại gì đến đức liêm.” Ông nghiêm nét mặt nói: “Người đời đều đục chỉ mình ta trong, há vì lời nói ngon ngọt của mày mà đổi tiết tháo ư?” Rồi ông đuổi người ấy ra. Việc đến tai vua, vua khen là người có tiết tháo, đêm hôm không nhận của đút lót, đặc cách ban cho hai chữ “liêm khiết”, mỗi khi vào chầu thì dán vào cổ áo để nêu điểm đức hạnh.
- Nguyễn Duy Thì (1571-1652), đỗ nhị-giáp tiến-sĩ (1598), thấy trong nước lúc bấy giờ thường xuất hiện điềm tai dị, dâng bài khải nói rằng: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước cốt ở yêu dân mà thôi. Trời với dân dều một lẽ*, lòng dân vui thì ý trời thuận vậy. Cho nên người giỏi trị nước phải yêu dân như cha mẹ yêu con: nghe nói dân đói rét thì lo âu, trông thấy dân vất vả thì thương xót, cấm chính sự khắc nghiệt tàn bạo, cấm việc tự tiện thu thuế, để dân được sinh sống thoải mái, không có tiếng buồn giận thở than. Như thế mới là biết đạo trị nước.”
*Trời với dân đều một lẽ: Nho-học quan niệm Trời với người cùng đồng một thể (thuyết thiên địa vạn vật nhất thể), dân muốn thế nào là Trời muốn thế ấy. Kinh Thư, Thái-thệ thượng, có ghi: “Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi”, hiểu nghĩa rằng: trời thương dân, dân muốn điều chi, Trời cũng theo. Vì thế, hễ vua làm điều gì trái lòng dân thì Trời sẽ gây ra thiên tai để nhắc nhở vua (thuyết thiên nhân tƣơng dữ). Nếu vua biết kính Trời mà thay đổi cách cai trị, giúp cho dân được hạnh phúc, ấm no, thì dân vui mà Trời cũng thuận vậy.
- Vũ Công Đạo đỗ tiến-sĩ năm 1659. Ông nghị luận ở triều đình, lời nói rất đanh thép, làm đến đô-ngự-sử, dám can gián chúa Trịnh ngay chốn triều đình, về sau làm quan đến thượng-thư bộ Hộ. Khi làm việc ở Sơn-Nam, có người đưa gái đẹp đến để lấy lòng, ông cự tuyệt và bảo rằng: “Ta tuy chưa sánh kịp người trước, nhưng chưa từng phạm điều răn về hiếu sắc.”
- Nguyễn Thiếp (1723-1804) đi thi hội đỗ tam trường, được vua Thái-tổ nhà Nguyễn Tây-Sơn, tức vua Quang-Trung, nghe tiếng, mời ra tham chính. Ông dâng lên vua bài biểu có những lời khuyên nhà vua như sau:
1. Quân đức: vua có đức, theo thánh-hiền mà trị nước thì nước mới yên;
2. Dân tâm: vua nên dùng nhân-chính để thu phục lòng dân;
3. Học pháp: vua nên chăm lo việc giáo-dục để phổ biến đạo đức.
- Phạm Duy Vĩnh đỗ cử-nhân năm 1840, được bổ làm tri-huyện Thiên-Bản. Có kẻ đưa rất nhiều vàng đến biếu. Duy Vĩnh nói: “Ta há ăn hối lộ mà khi quân hay sao”, rồi từ chối không nhận vàng. Khi bị bệnh Duy Vĩnh về hưu, làm ra lời huấn-dụ về Huấn và Giới để khuyên bảo con cháu:
*Huấn:
1- “Cần” mới mở mang được sản nghiệp;
2- “Kiệm” mới không bị sa vào cảnh nghèo;
3- “Nhẫn” mới đến thành công.
Làm việc gì cũng phải có lòng thành thực làm căn bản, không giả dối mà thành thực mới được điều đức.
*Giới:
1-Đừng tham, không tham mới giữ được phép riêng của mình;
2-Đừng dâm, không dâm mới tránh được cái họa của đạo trời;
3-Đừng gian, không gian mới khỏi mang cái tiếng trộm giặc.
Hãy răn mình; phải suy cho hết lẽ; mọi lẽ đã tỏ thì tự nhiên là công chính quảng đại mà có thể nên người.
Về đời vua Lê Huyền-tông (1663-1671), có lệnh nhắc nhở 47 điều giáo hóa để khuyên răn dân chúng theo về tập tục như sau:
“Làm tôi hết lòng trung, làm con giữ đạo hiếu, anh em hòa thuận, vợ chồng kính yêu nhau, bạn bè tin nhau để giúp nhau làm điều nhân, cha mẹ sửa mình để dạy con, thầy trò lấy đạo đãi nhau, người gia trưởng lấy lễ mà dạy người trong nhà, con em cung kính phụ huynh, vợ không được trái chồng, đàn bà chồng chết không con không được chuyển của nhà chồng đi;
Ở hương đảng thì người lớn người nhỏ phải kính yêu nhau, cùng nhau làm lợi bỏ hại, không được cậy mạnh mà lấn áp kẻ yếu, không được gây kiện tụng để làm lợi riêng; hào cường không được xét kiện; trai gái không được bừa bãi thói dâm; người làm chứng việc kiện phải nói thật, không được ham tiền của nói sai; nhà trọ nên đề phòng kẻ gian mà không được cự tuyệt người đến ngủ trọ, không được chiếm đường đi làm vườn tược, không được lấn khe ngòi làm hồ ao; lợi của núi sông chằm cùng mọi người đều hưởng; trưởng các phường xã thôn trang chọn người tốt để làm; sinh nghiệp phải chăm, hương ấm nên kiệm, không được cậy quyền thế mà gửi gấm việc kiện tụng; không được cố đem người già yếu mà gieo vạ cho người lương thiện; không được giả cách làm tăng ni để tránh việc quân; không được xui người kiện tụng để lấy tiền của; người đi thưa kiện không được thêu dệt mà vu cho người; kẻ buôn bán không được tụ họp bè đảng mà làm trộm cướp;
Cầu cống đường xá có chỗ nào hỏng nát thì tùy tiện sửa đắp; nha lại giữ sổ sách giấy tờ không được điên đảo; các nơi lăng miếu từ mộ không được xâm phạm phá hủy; con trai con gái không được làm phường đồng cốt; nhà có tang không được hát trong lễ trung-nguyên; không được ngạo mạn với người quan trưởng; không được dỗ dành đem người đi bán; lấy nhau nên chọn người có lễ-văn, không nên thách cưới tham phú quý nài tiền nong; tang lễ phải tùy giàu nghèo, không được yêu sách ăn uống; cày ruộng ở địa phận làng khác không được đòi nhau tiền thóc; cùng ở một làng, không được cướp đoạt tài vật của nhau.
Phàm bấy nhiêu điều ban bố trong nước, các nha môn thừa hiến phủ châu huyện đều phải sao ra một bản treo ở nơi coi việc và chuyển gởi cho các xã dân sở thuộc đều viết ra bảng treo ở trong đình, cho các quan viên, giám sinh, sinh đồ, xã trưởng, cứ đến ngày có việc làng thì hội họp con trai con gái lớn nhỏ đến giảng giải hiểu thị, để được tai mắt thấm nhuần, biết sự khuyên răn. Từ đấy lòng người dần dần theo về tục thiện.” (Đại- Việt Sử-ký Toàn-thư)
(còn tiếp)