(Tiếp theo phần 1)
*
“Thư báo thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày mậu thìn, vua ngự đến hai cung Thái-thanh và Cảnh-linh và các chùa quán trong thành để lễ tạ ơn đạo Phật giúp ngầm cho Công Bình đánh được người Chân-lạp.
Lê Văn Hưu bàn: Kể ra sự trù tính ở trong màn trướng quyết định được sự thắng ở ngoài nghìn dặm, đó là công của người tướng giỏi cầm quân chế thắng. Thái-phó Lý Công Bình phá được quân Chân-Lạp cướp châu Nghệ-An, sai người báo tin thắng trận, Thần-tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái-miếu, bàn công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc mới là phải: nay lại quy công cho đạo Phật, đến các chùa quán mà lễ tạ, như thế không phải là ủy lạo kẻ có công, cổ lệ khí quân lính.”
*
“Tháng 3 (1129), Lý Tử Khắc dâng tâu rằng rừng ở sông Đáy có hươu trắng. Vua sai thái-úy Lưu Khánh Đàm đến bắt được. Thăng Tử Khắc làm khu mật sứ, theo trật Minh-tự, đội mũ bảy cầu.
Lê Văn Hưu bàn: Kể ra người xưa gọi là điềm lành, là dùng được người hiền cùng là được mùa thôi, ngoài ra không cái gì đáng gọi là điềm lành cả. Huống chi chim quý thú lạ không nuôi ở nước, đó cũng là lời khuyên răn của tiên vương để lại. (…) Thần- tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là thưởng lạm; (người dâng thú) không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua.”
*
“Mùa xuân, tháng giêng (1130), xuống chiếu rằng con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng.
Lê Văn Hưu bàn: Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn nuôi không phải để cho vua tự phụng. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có vợ có chồng, thánh nhân thể lòng ấy, chỉ sợ ngƣời đàn ông đàn bà không được yên chốn thôi. Cho nên Kinh Thi hình dung điều ấy trong thơ Đào yêu và thơ Xiếu hữu mai để khen việc giá thú kịp thì và chê việc để lỗi thì vậy. Thần-tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi khi tuyển vào cung không trúng rồi mới được lấy chồng thì là tự phụng cho mình, có phải là lòng làm cha mẹ dân đâu?”
*
Đời Trần Dụ-tông (1341-1369), Trương Hán Siêu, trong chức vụ gián-nghị đại-phu sung tham-tri chính-sự, đã phê bình hành vi của những sư-tăng “phá hại di-luân, hư phí của-cải”, trong bài “Ký về việc trùng tu tháp Linh-tế” trên núi Dục-thúy. Trong bài “Văn bia chùa Quan- Nghiêm” ở Bắc-Giang, ông hạ bút như sau:
Dựng chùa chẳng có ý gì
Khắc bia cũng chẳng việc chi đến mình.
Thánh triều đương buổi văn minh
Dị đoan chớ để dân tình mê say.
Đạo Nghiêu Thuấn phải bày cho rõ
Học Lỗ Châu đường tỏ không mờ.
Sá chi đạo Phật hư vô
Dối ai ai dối dễ hồ dối ai.
(Chùa đổ dựng lại, vốn không phải là ý của ta; bia dựng mà khắc thì việc gì ta nói. Hiện nay triều-đình muốn phát huy giáo hóa nhà vua để chấn chỉnh lại phong-tục đồi bại. Vậy những mối dị-đoan cần được trừ bỏ; chính đạo phải được phục hồi. Phàm làm bậc sĩ phu, hễ không phải là đạo Nghiêu Thuấn thì không nên tâu trước mặt vua, hễ không phải là đạo Khổng Mạnh thì không nên chép thành sách; vậy mà lắm kẻ cứ liên miên lầm dầm niệm Phật thì ta hòng nói dối ai? - Lịch-triều Hiến-chương Loại-chí)
Đời Hồng-đức (1470-1497), sử gia Ngô Sĩ Liên phê bình các kỳ thi tam-giáo cho thấy lý do tại sao đạo Phật và đạo Lão dần dần không còn ưu thế như đạo Nho.
“Thi Tam-giáo có thể thông hiểu giáo lý Nho, Đạo, Thích, được cho làm quan. Các bậc chân nho đời xưa cũng có xem rộng bách gia chư tử, ra vào Lão-học và Phật- học, xét cứu ra biết rằng Lão-học và Phật-học mung lung mờ mịt, không có chỗ rõ rệt để nắm vào, quay về mà tìm chân lý ở Lục-kinh*. Lục-kinh truyền lại cái đạo lý của Khổng- phu-tử, có giềng mối vua tôi, cha con, có dạy về nghĩa “dân di vật tắc”: dân có quan hệ nhất định, vật có phép tắc. Cái tôn chỉ của nó tại chỗ “duy tinh duy nhất”. Nó làm cho kẻ nào đã học đạo Nho, lại xem sang đạo Phật đạo Lão nữa. Đạo Lão nói về vấn đề thiên biến vạn hóa, có đức không phải đức, tùy cảm ứng vậy, có dấu vết thì không còn mãi. Đạo Phật dạy điều không sống không chết, không đến không đi, cũng không có gân sức, không có tướng mạo. Ấy là cái học có sâu rộng mà không thuần, tâm rối mà không nhất trí, thì dù có được ra phù vua giúp nước, hiểu lẽ huyền diệu của A Nan, Ma Ha thì có ích gì cho thế đạo quốc dân. Cho xuất thân để làm gì?” (Lịch-triều Hiến-chương Loại-chí) [*Lục-kinh: sáu quyển sách của nho gia gồm có các kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân-thu.]
Sau thời kỳ nho-học thịnh trị đời Hồng-đức, ảnh hưởng của dòng tam-giáo đồng-lưu: Phật, Nho, Lão hãy còn được nhận thấy trong tác phẩm Truyền-kỳ mạn-lục của Nguyễn Dữ. Nguyễn Dữ sống vào khoảng các triều vua Lê Uy-mục (1505-1509), Tương-dực (1510-1516), Chiêu-tông (1516-1524), Cung-hoàng (1524-1527). Ông đỗ thi hương, được bổ làm tri-huyện, nhưng làm được một năm thì xin từ chức lấy lý do phải phụng dưỡng mẹ. Truyền-kỳ mạn-lục của Nguyễn Dữ được xem là một tập sách đặc sắc trong thời kỳ đầu thế kỷ thứ 16 về văn chương cũng như nội dung của truyện. Ôn-đình-hầu Vũ Khâm Lân đời Lê khen là “thiên cổ kỳ bút” vì văn viết vừa tỉ mỉ vừa màu sắc, tuy là văn xuôi mà có thêm nhiều bài thơ hay đoản văn tứ lục. Các truyện trong sách có tính cách hoang đường, kỳ dị, nhưng mang ý nghĩa đạo đức, sắc thái chính trị và tư tưởng triết lý tam-giáo. Ngoài những truyện biểu dương luân-lý đạo Nho, trọng “tam-cương ngũ-thường”, nhiều truyện nói lên “luân lý báo-ứng và trừng-giới của nhà Phật”.
Sách có nhiều đoạn văn có ý nghĩa đạo-đức lồng trong cốt truyện có ý khuyên răn người đời. Trong “Chuyện Gã Trà-Đồng Giáng-sinh”, tác giả viết:
“Thiện ác tuy nhỏ cũng rõ rệt, báo-ứng dù chậm nhưng lớn lao. Âm-công khi rõ ràng ra, phải đợi quả thiện được tròn-trặn, dương-phúc khi tiêu-tan mất, phải chờ mầm ác đã cao-dài. Có khi sắp duỗi mà tạm co. Có khi muốn đè mà thử nống. Có hạnh mà nghèo hoặc bởi tội-khiên kiếp trước, bất-nhân mà khá hẳn là phúc-thiện đời xưa. Tuy rằng khó biết sâu-xa, nhưng thực không sai tơ tóc.”
Nhân vật Dương Thiên Tích trong truyện này chỉ vì “ân bằng cái tơ, oán bằng cái tóc, ông đều đều nhất nhất báo-phục” cho nên không tránh khỏi bị thù oán và hồn ma rình rập tác hại. Trong xã hội cuối đời nhà Lê lúc ấy, loạn lạc, binh lửa, ôn dịch, hình án lúc nào cũng có thể xảy đến, người ta sinh ra không biết tiền-duyên túc-khiên*, không biết cầu phúc nơi nào, không biết nạn đâu mà tránh. Chỉ có cách là làm lành chứa âm đức để chờ âm báo, mong cho âm đức ấy bảo đảm cho cuộc đời yên lành của tương lai. Nhân vật Đạo-nhân trong truyện đã nói:
“Này đức là nền từ-thiện, của là kho tranh-giành. Tích đức như mầm non rỏ một giọt nước, sẽ nảy-nở lên, tích của như lửa đỏ gieo một khối băng, sẽ tàn-lụi xuống. Huống chi không vun mà lớn là mầm thiện-ác, không giữ mà đầy là cơ phúc-họa, cái tình-hình ỷ-phục trong đó thật là đáng sợ. Ông nên trân-trọng, cố gắng mà làm những điều nhân.”
[*tiền-duyên: duyên kiếp trước, duyên phận tiền-định; túc-khiên: tội lỗi từ kiếp trước]
Trong “Chuyện Phạm Tử-Hư lên chơi Thiên-tào”, tác giả Nguyễn Dữ nhắc lại quan niệm tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, hay là luật nhân quả của đạo Phật.
“Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Lưới trời thênh-thang, thưa nhưng chẳng lọt. Chỉ có rằng thời-gian chưa đến mà thôi, Nay ta bảo rõ cho anh nghe: trong khoảng trời đất báo-ứng luân-hồi, chỉ có hai loài thiện ác. Người chăm làm thiện, tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế-đình; người hay làm ác, không đợi đến chết, án đã thành ở Địa- phủ.”
Nguyễn Dữ không chỉ nói chuyện ở âm-phủ mà còn tả cảnh trên trời để khuyến khích người ngay thiện. Trong truyện nói trên, nhân vật Tử-Hư được thấy dẫn đi chơi thăm trên trời, có tòa mang tên “Cửa Tích-Đức”, “Cửa Thuận-Hạnh”, “Cửa Nho-Thần”. “Tích-Đức” là tích trữ công đức và âm đức, làm những việc có ích cho người khác mà người khác thấy và những việc có ích mà người không thấy nhưng thần thánh biết; “Thuận-Hạnh” là sống thuận theo nết tốt, đức hạnh; “Nho-Thần” là người có nho-học ra làm quan thực hiện được việc ích quốc lợi dân. Đọc tên các biển cửa ấy thì có thể hiểu quan niệm của Nguyễn Dữ cũng như người thời ấy về tiêu chuẩn đạo đức.
Trong thời gian về cuối đời Trần, Lê Quí Ly mưu sự thoán đoạt, gây lấy vây cánh, dời kinh về Tây-Đô, ép vua Trần Thuận-tông (1388-1398) nhường ngôi cho con rồi lên núi Đại-Lại tu tiên. Quí Ly không dừng ở đấy mà sau đó phế bỏ Trần Thiếu-đế (1398-1400), giết vua Thuận- tông, rồi tự mình lên ngôi vua, lập ra nhà Hồ (1400-1407). Con cháu nhà Trần sang Trung-Hoa kể chuyện Hồ Quí Ly tiếm ngôi. Minh Thánh-tổ bèn đem quân sang đánh nhà Hồ nhân thể chiếm lấy đất An-Nam. Năm 1407, quan nhà Minh bắt cha con Hồ Quí Ly về Yên-Kinh rồi chiếm đóng đất Việt. Vua Giản-định (1407-1409) nhà Hậu Trần chiêu mộ hào kiệt đánh đuổi quân Minh.
Xã hội lúc ấy hỗn loạn, cảnh chiến tranh giữa quan quân nhà Minh và nhà Trần gây ra bao nhiêu đau thương, chết chóc, chưa kể dân chúng phải chịu sự áp bức hoặc bất công của những kẻ cầm quyền bính. Trong “Chuyện Lý Tướng-quân”, Nguyễn Dữ đã mượn bối cảnh lịch sử của đời Hậu Trần (1407-1413) để nói về việc báo-ứng, thiện ác.
Ông thầy tướng nói với Lý tướng-quân, một người nhờ quốc-công Đặng Tất tiến cử, nắm binh quyền giúp vua Giản-định đánh giặc Minh.
“Ông thầy nói:
- Điều thiện-ác tích lâu sẽ rõ, sự báo-ứng không sai chút nào. Cho nên luận số trước phải luận lý, tướng diện không bằng tướng tâm. Nay Tướng-quân có dữ mà không lành, khinh người mà trọng của, mượn oai-quyền để làm bạo-ngược, buông tham-dục để thỏa ngông-cuồng, đã trái lòng trời, tất bị trời phạt, còn cách nào mà trốn khỏi tai- họa!
Lý cười:
- Ta đã có binh-lính, có đồn-lũy, tay không lúc nào rời qua-mâu, sức có thể đuổi kịp gió chớp, trời dù có giỏi cũng sẽ phải tránh ta không kịp, còn giáng họa cho ta sao được.
Thầy tướng nói:
- Tướng quân cậy mình mạnh-giỏi chưa thể lấy lời nói để cho hiểu được, vậy tôi có chùm hạt châu nhỏ, xin đưa tướng-quân xem sẽ biết rõ dữ lành, tướng-quân có bằng lòng xem không?
Nhân đấy, ông lấy chùm hạt châu ở trong tay áo ra. Lý trông xem, thấy trong đó có lò lửa, vạc sôi, bên cạnh có những người đầu quỷ ghê-gớm, hoặc cầm thừng chão, hoặc cầm dao cưa, mình thì đương bị gông-xiềng, bò khúm-núm ở bên vạc dầu, lấm-lét sợ-hãi.”
Lý chết sớm, mới 40 tuổi. Con trai Lý được người dẫn đi xuống Diêm-ty để xem xử án thân phụ mình.
“Nửa đêm, quả thấy mấy người lính đầu ngựa đến đón tới một cung-điện lớn. Trên điện có một vì vua, bên cạnh đều là người áo sắt mũ đồng, tay cầm phủ-việt đồng- mác, dàn ra hàng lối đứng chầu-chực rất là nghiêm-túc. Chợt thấy bốn viên phán-quan từ bên tả-vũ đi ra mà một viên tức là Nguyễn Quỳ. Bốn viên này tay đều cầm thẻ, quỳ đọc ở trước án son.”
Lần lượt từng tên người được xướng danh, người có nhân, làm việc nghĩa thì được thưởng, kẻ có tội, cướp ruộng đất, phá mồ mả, hủy đạo luân thường thì bị giải vào ngục Cửu-u, tùy theo nặng nhẹ mà trầm luân kiếp kiếp.
Đầu thai, quả báo, cuộc sống nơi cõi âm, sự phán xét nơi Diêm-ty là bối cảnh cho nhiều truyện trong Truyền-kỳ mạn-lục.
Nhờ ảnh hưởng của các chúa Nguyễn di dân vào miền Trung mà đạo Phật được cơ hội phát triển ở nơi đây. Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng (1600-1613) cho xây sửa chùa Thiên-Mẫu tại Thuận-Hóa. Chùa Quốc-Ân, chùa Từ-Đàm được xây dựng từ thế kỷ thứ 17. Đạo Phật thịnh phát trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong như Đào Duy Từ (1572-1634), khai quốc công thần nhà Nguyễn, đã ghi lại trong mấy vần thơ sau:
Nghiêm thay tướng pháp Như Lai
Cao giơ tuệ kiếm sáng ngời thủy tinh.
Thời lành cả mở hội lành
Reo đưa gió Phật quét thanh bụi tà.
Vầy đoàn yến múa oanh ca
Vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh.
(Phật-Giáo Việt-Nam)
Thế kỷ thứ 18, các cao tăng cũng theo sự mở mang lĩnh thổ của các chúa Nguyễn đi về những vùng đất mới miền Nam. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), công thần nhà Nguyễn, tác giả bộ Gia-định-thành thông-chí, làm thơ tặng thiền sư Viên Quang, người khai sơn và trú trì chùa Tập- Phước ở Gia-Định, trong đó có câu khen rằng “Sư là người giữ giới” và nói về đạo Phật được tôn sùng ở miền đất mới này: “Đồng-Nai vừa thịnh mỹ, Đạo Thích được tôn sùng.”
Các vua nhà Nguyễn đều mộ đạo Phật, cho tổ chức nhiều lễ ở chùa và chú trọng việc tu sửa chùa. Trong buổi lễ cầu siêu tướng sĩ và quân lính năm 1835, vua Thánh-tổ (niên hiệu Minh- mạng 1820-1840) đã làm một bài thơ mà ý nghĩa được lược dịch sau đây:
“Thừa lệnh Hoàng-đế, các ngươi ra đi chiến đấu
Chịu đựng mọi gian khổ gối đất nằm sương nơi sa trường
Đồng đội của các ngươi hôm nay ngồi trên bàn tiệc
Riêng các ngươi mãi mãi là cô hồn lang thang nơi đồng nội
Nhìn thấy người sống càng làm tăng nỗi thương cảm người quá cố
Không riêng chi người trần mà quỷ thần cũng khóc các ngươi không nguôi
Kỷ niệm chúng ta gặp nhau sẽ còn mãi mãi như hội tụ của non sông
Dù máu các ngươi đã đổ trên chiến trường và tan biến trong cỏ cây và cát bụi
Khi ban thưởng trọng hậu cho những người có công, trẫm không khỏi bùi ngùi nghĩ đến những người đã hy sinh cho tổ quốc
Sự phong sắc truy tặng chỉ có mục đích làm cho vong linh các công thần vinh hiển được thanh thản
Cầu cho Đức Phật độ trì cho họ cũng như cho những người đắm trong biển cả
Có sáu cách để lên miền vĩnh cửu bất tử
Bánh xe Phật giáo xoay theo hướng tam đồ
Giáo lý đạo Phật truyền bá khắp u minh
Đức Phật hiện ra trong mây sáng ngời sắc vàng
Và khi sám hối người ta có thể thấy con đường tái sinh trong trần thế Nhờ con thuyền Phật pháp đưa đến bến Tịnh-độ
Trẫm tin ở nước Cam-lộ
Để giũ bụi trần gian
Nếu con cháu các vị anh hùng ấy được giao phó nhiệm vụ chắc chắn họ sẽ là tôi trung như bậc cha ông
Các chức tước cao quý sẽ ban cho ai mở rộng phong cương
Để xứng với công lao của họ.”
(Phật-Giáo Việt-Nam)
Công trình lớn nhất của vua Hiến-tổ (niên hiệu Thiệu-trị 1841-1847) là việc cho xây tháp Phước-Duyên năm 1844. Bia bên phải của tháp ghi bài văn do vua viết ra và được dựng lên để kỷ niệm việc xây dựng tháp Phước Duyên của chùa Thiên-Mẫu. Bài văn bia có những lời lẽ như sau:
“Khổng tử dạy rằng khi người ta chứng kiến hoặc chỉ vừa nghe nói tới một điều thiện thì người ta cũng phải loan báo cho đồng loại biết về điều thiện đó, và nghệ thuật trị dân là phải biết làm sao quy tụ được những người hiền. (…)
Nếu chỉ nghĩ đến làm việc thiện và tu dưỡng con người, thanh khiết con người, vi diệu con người và khi đã là một con người thông tuệ, giũ sạch bụi trần thì con người sẽ thấu suốt mọi điều và đi đến chỗ hoàn toàn thanh tịnh. Giáo lý đạo Phật sâu sắc và huyền diệu, một người tầm thường không thể hiểu thấu được tâm Phật và cũng không hình dung được Người. Mặc dù ngồi im lìm đó Phật vẫn là con người sống động; mặc dù Ngài giữ một sự im lặng tuyệt đối, nhưng Ngài vẫn sống trong một cảnh giới đầy tiếng nói. Mặc dù có đủ hình tướng của một con người, Ngài không được tạo nên bởi vật chất hữu hình; và người ta không thể biết được một cách chắc chắn là Phật hiện hữu hay không. Phật ngự trị trong mây trời, tự tại, vô hình và quyền năng vô hạn. Buông bỏ hết dục vọng, Phật đã khởi đầu sự tu tập bằng lòng từ bi và hoàn tất đến nơi đến chốn mọi công đức tu hành. (…)
Ở vị thế yên tịnh, Phật trở thành một nguyên thể không vật chất, không dung nhan, không hình dáng. Nguyện ước duy nhất trong cõi lòng cao thiêng của Phật là khuyến khích con người đi vào con đường bổn phận, là giúp đỡ thế giới đi vào con đường của đức hạnh. Phật là nguyên nhân kỳ bí của những hành vi thiện và là kết quả tốt lành từ những việc thiện đó. Nhờ uy đức của Phật mà những lời hay bay xa muôn nghìn dặm.
Làm việc thiện là mục đích không gì lay chuyển nổi mà đạo đức đề ra và đáng được khuyến khích thể theo phép tắc tự nhiên. Thực hành thấu đáo đạo đức chính là vinh danh người tốt và khinh chê kẻ xấu.
Người ta luôn nhắc nhở con người làm việc thiện mà không nói thiện là cái gì, cũng không giải thích rằng thiện là cốt ở chỗ cho họ hiểu là tránh xa điều ác cũng như không giải thích rằng điều thiện chính là không làm hành vi gì có thể làm hại đến người khác. Cho nên tám chương mục của quyển Đại-học đều đã được viết để nói về các phương pháp làm thế nào đạt đến mức độ hoàn toàn tốt tức là “chí thiện”. Cũng như vậy, đạo lý của Phật không có hai đường và đạo đức là cứu cánh duy nhất. (…)” (Phật-Giáo Việt-Nam)
Tuy đạo Phật không được triều đình dùng làm kế sách để giáo hóa dân như trong triều Lý và đầu đời Trần, đạo Phật nay lại phổ thông hơn. Trong dân gian, làng nào cũng có chùa, đạo lý nhà Phật lan tràn, thấm sâu vào trong văn chương bác học và truyền khẩu bình dân lưu truyền từ đời này sang đời khác: Đoạn-trƣờng tân-thanh và Văn tế thập-loại chúng-sinh của Nguyễn Du (1765-1820), truyện Quan-Âm Thị Kính, truyện Quan-Âm Diễn-ca, Văn-tế tƣớng-sĩ trận-vong của Nguyễn Văn Thành (1758-1817), của Phan Huy Ích (1751-1822), Văn-tế nghĩa-sĩ trận-vong Lục-tỉnh và Văn-tế nghĩa-sĩ Cần-Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888).
- Ở hiền gặp lành.
- Tu nhân tích đức.
- Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối.
- Cứu đƣợc một ngƣời, phúc đẳng hà sa.
- Dẫu xây chín cấp phù-đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một ngƣời.
- Khuyên ai ăn ở cho lành,
Kiếp này chƣa gặp để dành kiếp sau.
- Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Thế kỷ thứ 19 có giáo phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương, một tín ngưỡng mới ở Nam-kỳ, lấy đạo Phật làm căn bản nhưng không thờ tượng Phật như Phật-giáo Tiểu-thừa, không có các lễ nghi như Phật-giáo Đại-thừa. Người khai sáng giáo phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương là Đoàn Minh-Huyên được tôn là Đức Phật Thầy Tây-An. Theo giáo lý của đạo thì người tu theo đạo cốt làm lành tránh ác, giữ lòng trong sạch, tâm thanh tịnh và thực hành “Tứ Ân” gồm có ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam-bảo, ân đồng bào và nhân loại.
Gần một trăm năm sau, khoảng tiền bán thế kỷ thứ 20 có Phật-giáo Hòa-Hảo, một giáo phái mới kế thừa cách tu hành theo phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương. Người khai sinh Phật-giáo Hòa- Hảo là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Chủ trương của đạo là “Học Phật Tu Nhân”, thực hành “Tứ Ân” mà Đức Phật Thầy Tây-An đã đề ra. Người theo đạo Hòa-Hảo trong một tháng dành ra một số ngày ăn chay. Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không cũng được. Không dùng hình tượng để thờ, không dùng giấy tiền vàng bạc, phướn xá, trai-đàn, v.v… Giáo lý của đạo cấm tứ đổ tường: tửu (rượu), sắc (trai gái), tài (cờ bạc), khí (nghiện thuốc) và khuyên mọi người phải biết hy sinh cho xứ sở.
Đạo Cao-Đài khởi phát từ những năm 1924, 1925 ở Nam-kỳ đã được giáo sư Nguyễn Đăng Thục nhận xét rằng: “giáo lý cơ bản là tinh thần tổng hợp của Tam Giáo Đồng Nguyên vốn đồng điệu với tâm hồn nhân dân nông nghiệp Việt Nam.” (Giáo Lý)
Lễ khai đạo được cử hành trọng thể ở Tây-Ninh là nơi được xem là thánh-địa của đạo.
Luân lý của đạo mà nam tín đồ phải thực hành gồm có tam-cang ngũ-thƣờng theo kỷ cương nho-học: tam-cang có quân thần cang (giềng mối vua tôi), phụ tử cang (giềng mối cha con) và phu thê cang (giềng mối vợ chồng); ngũ-thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Luân lý của nữ tín đồ là bổn phận thực hành tam-tùng tứ-đức theo quan niệm nho-học: tam-tùng gồm có tại gia tùng phụ (khi còn ở nhà vâng theo lời cha), xuất giá tùng phu (khi lập gia thất phải theo chồng), phu tử tùng tử (khi chồng mất nương tựa vào con); tứ-đức gồm có công (nữ công), dung (dung nhan), ngôn (lời nói), hạnh (tính nết).
Phần luân lý hạ thừa áp dụng quan niệm của Khổng tử gồm có: minh minh đức (khai sáng đức sáng thiên lý ở trong tâm), thân dân (thể hiện lòng nhân ái với người), chỉ ƣ chí thiện (đào luyện ý chí để đạt đến mức tột lành).
[Trong sách Đại-học của Tăng-tử có diễn giải lời Khổng tử viết: Đại-học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ƣ chí thiện…Cái đạo của bậc đại-học là ở sự làm cho sáng cái đức sáng, ở sự thân yêu người, ở sự đến chí thiện mới thôi. - Trần Trọng Kim, Nho-Giáo]
Về phần tu hành của bậc thượng thừa, soạn giả Trương Văn Tràng trong quyển Giáo Lý viết như sau:
“Cứu cánh của Thượng thừa là tìm gặp lại Bổn tánh Trời phú cho người để làm chủ tể cho sự hành động của mình, vì Bổn tánh ấy là mạng Trời là Thiên lý hay Đạo mà người phải thể hiện nơi thế gian gọi là Nhơn Đạo (Thiên mạng chi vị tánh, suất tánh chi vị Đạo): Mạng trời là Tánh, tuân theo Tánh ấy là Đạo.”
[Sách Trung-Dung: Thiên mạng chi vị tánh. Suất tánh chi vị đạo. Tu đạo chi vị giáo.]
(còn tiếp)