Lời Mở Đầu:
Không ngày nào chúng ta không nghe những tin tức đau lòng, nhẹ là những chuyện lƣờng gạt, trộm cắp, mà nặng hơn hoặc là vấn đề bạo hành ảnh hưởng đến nhiều ngƣời khác, hoặc những chuyện thông dâm vô luân, sát hại nhau ngay trong gia đình, thân thuộc, bằng hữu, đồng nghiệp, v.v… Từ những vấn đề xã hội này, có thể có quan tâm rằng trong xã hội (Việt Nam) hiện nay có một cuộc khủng hoảng về đạo đức.
Nhiều khi các vấn đề xã hội có những lý do hết sức phức tạp chứ không phải tất cả mọi vấn đề xã hội đều liên quan đến luân lý. Tuy nhiên, vẫn có thể nghĩ là có một sự liên hệ giữa một số vấn đề xã hội và sự quan trọng của luân lý trong đời sống.
Tác giả bài viết mong nhận được sự chỉ giáo của chư bậc cao minh, niên trưởng, huynh trưởng, thân hữu về đề tài này để cho bài biên khảo được thêm hoàn hảo.
*
Nói đến luân lý thì trong chúng ta không ai không biết đến hai chữ này. Từ khi còn nhỏ chúng ta đã được cha mẹ nhắc nhở về những cách cư xử đối đãi như thế nào đối với những người chung quanh, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Khi đến tuổi đi học ở trường, chúng ta lại được thầy cô dạy dỗ để trở thành người học trò ngoan, người công dân tốt, một người nhân hậu đối với người và vật chung quanh mình. Với những người có tín ngưỡng, ai theo đạo nào cũng phải tuân theo những phép tắc luân lý trong tôn giáo của mình.
Mục đích của luân lý từ xưa đến nay có chủ đích là chỉ dẫn cho người ta biết những quan niệm về nhân sinh, về cách cư xử đối đãi với người chung quanh, về những ý tưởng tốt xấu và những việc làm thiện ác của mỗi người, về phúc đức hay thất đức như thế nào.
Những truyện cổ tích trên thế giới và những truyện cổ tích của Việt Nam thường hàm chứa ý nghĩa luân lý đạo đức. Trong văn chương truyền khẩu Việt Nam, có nhiều truyện cổ tích dạy cách cư xử trong gia đình và với người chung quanh:
- với cha mẹ, có truyện “Nguyễn Cốc”;
- về tình nghĩa vợ chồng, có “Sự tích con muỗi”;
- với anh em, có truyện “Phượng hoàng đậu cây khế”,
truyện “Giết chó khuyên chồng”;
- với bạn bè, có truyện “Lưu Bình Dương Lễ”, truyện “Con rùa vàng”;
- với người chung quanh, có truyện “Làm điều lành”, “Cây tre trăm đốt”, v.v…
Ở phương Tây, cũng có rất nhiều truyện cổ tích mà có thể kể đến là những truyện cổ tích do Perrault và Andersen sưu tầm. Hãng phim Walt Disney đã thực hiện những truyện cổ tích này thành phim làm say mê biết bao nhiêu thế hệ khán giả. Truyện “Cô bé lọ lem” (Cinderella, Cendrillon), truyện “Công chúa ngủ rừng xanh” (Sleeping Beauty, La Belle au Bois dormant), truyện “Nàng tiên cá nhỏ ” (The Little Mermaid, La Petite Sirène) và nhiều truyện khác đều có mục đích khuyến khích con người “ở hiền gặp lành”.
Trong truyện cổ tích “Pinocchio”, chú bé bằng gỗ này lúc nào cũng có con dế đi theo để nhắc nhở chú bé. Mỗi khi Pinocchio hành động sái quấy thì con dế lại nhắc nhở Pinocchio. Con dế này chính là lương tâm của chú bé Pinocchio. Trong mỗi con người của chúng ta, chúng ta cũng có một “con dế lương tâm” đó.
Các triết gia cho rằng người ta sinh ra ở đời, ai cũng có lương tâm là phần thiện hướng dẫn cách ăn ở của mình. Nhờ có lương tâm, cho nên có những người không được học nhiều mà vẫn có lòng ngay dạ thẳng, có tính nhân từ, biết việc gì nên làm việc gì không nên làm. Người đời xưa quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện” là vì vậy, tức là người ta sinh ra đã có sẵn bản tính tốt.
Tuy nhiên, việc đời biến thiên, hoàn cảnh phức tạp, ở vào nghịch cảnh mà không biết xử làm sao thì luân lý học có thể giúp cho ta có cách xử trí chính đáng được. Luân lý học có thể làm cho người không có bụng tốt nhưng nhờ hiểu biết mà có thể đổi thành ra tốt được, và giúp người đã sẵn có bụng tốt tự nhiên mà lại biết suy nghĩ, hiểu biết lý do của sự hành động của mình, hiểu được tại sao việc này tốt, việc kia xấu, việc này nên làm, việc kia không nên làm, thì như vậy lại hay hơn là người tốt bụng mà không hiểu rõ việc mình làm. Nói một cách khác, luân lý học giúp cho sự phát triển của lương tâm, của bản tính tốt có sẵn trong mỗi người.
Phạm Quỳnh (1892-1945), nhà văn và học giả đầu thế kỷ thứ 20, chủ bút tạp chí Nam- Phong (1917-1934), bút hiệu Thượng-Chi, thượng-thư sung ngự-tiền văn-phòng đổng-lý của vua Bảo Đại, đã góp ý kiến về việc học luân lý. Ông viết như sau:
“Phàm sự học-vấn bao giờ cũng là hay, huống lại học về cách ăn-ở trên đời thời lại càng hay biết bao nhiêu, vì người ta ở đời còn gì quan-trọng cần phải biết hơn là cái bổn-phận làm người?” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
François Guizot (1787-1874), nhà sử học, bộ-trưởng bộ Giáo-dục Pháp từ 1832 đến 1835, đề nghị sửa đổi học trình trong đó ông cho rằng mục đích thực sự của việc giáo dục quốc dân là truyền bá những học thuyết hợp lý lẽ, giữ gìn những tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp và đào tạo những con người có kiến thức và đạo đức, có thể đóng góp trở lại cho xã hội bằng những điều hay đẹp từ những bài học và khuôn mẫu mà họ đã được các vị thầy của họ hướng dẫn, chỉ bảo.
Guizot quan niệm rằng: Cái ánh sáng tự nhiên nó vẫn hay mập mờ, nghĩa là không học mà biết thì sự hiểu biết ấy không chắc chắn lắm. Guizot cũng thêm rằng: Ở vào thời buổi rối loạn, nhiều khi làm việc nghĩa vụ không khó bằng biết nghĩa vụ ở đâu mà làm.
Phạm Quỳnh giải thích ý tưởng của Guizot như sau:
“Đã hay rằng người ta ai cũng có cái quan-niệm tự-nhiên về sự nghĩa-vụ: song chẳng qua là biết mang-máng rằng ở đời có việc nên làm, có việc không nên làm; còn việc gì là việc nên làm, việc gì là việc không nên làm, bởi cớ gì mà không nên làm, hay là gặp cảnh-ngộ nào là nên làm, vào trường-hợp nào là phải tránh, thời phi người đã có học- thức, đã từng suy-nghĩ, cũng khó mà biết được. (…) Vậy thời việc nghĩa-vụ có thể học được, đã có thể học được thời tất có thể dạy được.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Chúng ta thấy lúc bình thường mà biết được điều gì nên làm, cần làm, cũng đã là khó rồi, huống chi những lúc gặp phải cảnh bể dâu biến đổi, những cảnh đời ngang trái, nếu chúng ta không sẵn có sự hiểu biết những quy tắc hay tiêu chuẩn về đạo đức thì cũng khó mà biết làm điều gì cho thích đáng.
Đông-Hồ (1906-1969), bút hiệu của Lâm Tấn Phác, thi sĩ thế kỷ thứ 20 ở Việt Nam, là tác giả một số bài thơ lãng mạn rất nổi tiếng. Khi mở trường dạy học ở Hà-Tiên với mục đích “khai trí tiến đức”, Đông-Hồ chủ trương là những điều đạo đức có thể học được bằng cách đọc những sách viết về luân lý đạo đức, rồi nhờ hiểu biết được những điều ấy mà sẽ đào luyện được tư cách đạo đức. Ông viết:
“Không có trí thức mà có đạo đức, phần ấy là phần ít; chớ có trí thức rồi mới sinh lòng đạo đức, phần ấy là phần nhiều; bởi cái nguồn đạo đức là những cái phải cái quấy, cái hay cái dở ở đời, là tự các bậc tiên tri tiên giác nhiều đời bàn nói làm sách chép truyện để dạy người đời, thì nếu không có trí thức để học hỏi những truyện sách, không có trí thức để lĩnh hội những cái phải cái hay mà học, cái quấy cái dở mà răn, thì làm sao mà sinh lòng đạo đức được. Bởi lẽ ấy mà chữ “khai trí” sắp trên hai chữ “tiến đức”, là ta nên học tập cho trí thức ngày một khai thông, rồi ta sẽ mới tu tỉnh cho đạo đức ta ngày một tăng tiến được.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Theo ý kiến của Đông-Hồ, người có trí thức chưa hẳn là người có đạo đức mà người có đạo đức chưa hẳn là người có trí thức. Trí thức và đạo đức là hai lĩnh vực riêng biệt. Người có trí thức mà không có đạo đức là có hại cho người đời. Vì theo ông, những cái trí thức của họ đem mưu những việc xấu, họ càng trí thức bao nhiêu, lại càng tổn hại cho thiên hạ bấy nhiêu. Ông quan niệm rằng: “… người ta ở đời cần phải có cả hai [trí-thức và đạo-đức] mới sẽ đủ tư-cách làm người.”
Phan Bội Châu (1867-1940) sinh ra và lớn lên trong thời gian Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Ông giữ vai trò quan trọng trong phong trào duy-tân ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ thứ 20. Ông đã khởi xướng chương trình Đông-du sang Nhật học với mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước.
Phan Bội Châu công nhận rằng luân lý là cách thức để gây dựng nước Việt Nam mới. Ông đưa ra lục-đại-nguyện tức là sáu điều mong lớn của ông với quốc dân. Về phương diện xã hội, Phan Bội Châu mong mỏi ở quốc dân tinh thần thương mến tin yêu nhau, sự nghiệp thực hành yêu nước, sự nghiệp thực hành công đức, và hy vọng về danh dự lợi ích. Về phương diện cá nhân, ông đề nghị mỗi người dân đều nên có ý chí tiến thủ mạo hiểm và tư tưởng tiến bước lên nền văn minh (Tân Việt-Nam, 1907).
Phan Châu Trinh (1872-1926) là người đồng chí hướng và hợp tác với Phan Bội Châu trong việc khởi xướng phong trào duy-tân ở Việt Nam. Phan Châu Trinh khuyên dân chúng nên “tự lực khai hóa”, không nên trông chờ vào chính phủ thuộc địa. Ông khuyên dân chúng nên học để mở mang dân trí và chú trọng đến luân lý.
Hiện tượng nước Nhật đạt sự phồn thịnh nhanh chóng trong vòng nửa thế kỷ khiến cho các nước Á-châu chung quanh kinh ngạc. Khi Phan Châu Trinh sang Nhật, thấy trình độ của dân Nhật nhờ giáo dục mà tăng tiến, ông mong sao các du học sinh sang Nhật học khi trở về cũng có tinh thần tiến bộ như họ.
Phan Châu Trinh đã tự đặt câu hỏi: “Dân tộc Nhật Bản được giàu mạnh như ngày nay là chỉ theo cái văn minh hình thức của Âu-châu hay là có sửa đổi gì luân lý không?”. Ông nhận thấy rằng không phải người Nhật chỉ đóng tàu đúc súng mà được giàu mạnh, chính nhờ họ đã biết trau giồi đạo đức, sửa đổi luân lý nên họ mới được thịnh trị phú cường.
Trong một bài diễn thuyết tại Sài-Gòn năm 1925, ông đã giải thích tại sao ông lấy chủ đề “Đạo đức và Luân lý Đông Tây” cho bài diễn thuyết của ông. Phan Châu Trinh nói như sau:
“Tôi chọn lấy vấn đề này là vì tôi tưởng rằng từ xưa đến nay bất cứ dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu vàng, dầu trắng, dầu yếu, dầu mạnh, đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc trên thế giới thì chẳng những thuần nhờ cái sức mạnh mà thôi, mà phải nhờ có đạo đức làm gốc nữa; nhất là dân tộc nào đã bị té nhào xuống nay muốn đứng lên khỏi bị người đè lên trên thì lại cần phải có một cái nền đạo đức vững chặt hơn dân tộc đang giàu mạnh hơn mình.” (Sử Xanh Lưu Truyền)
Về phần Phạm Quỳnh, ông cho rằng đạo đức và văn minh có liên hệ với nhau. Ông quan niệm “nhân cách có lên cao thì xã-hội mới thật có tiến-hóa, nhân-cách mà sụt thấp thì dẫu có văn-minh cũng là văn-minh giả, cái văn-minh ấy tất không bền vì không có cốt.” (Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
Vì thế Phạm Quỳnh tin rằng “Một nước mà thịnh hay suy là do người ta hay hay dở; vậy thời muốn cho nước được phú-cường thịnh-trị phải làm cho cái lương-tâm chung trong xã-hội ngày càng tăng tiến thêm lên.”(Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam)
“Lương-tâm chung” trong xã hội chỉ được bảo tồn và tăng tiến khi luân-lý phổ-thông đã thấm nhuần sâu rộng trong xã hội.
Nền luân-lý phổ-thông này, theo Phạm Quỳnh, là cái luân lý mà người ta cho là từ khi lọt lòng mẹ ra đã nhiễm lấy rồi, cái luân lý mà những người tuy không học vẫn thường theo mà không biết rằng phần nhiều cũng là gốc ở sự suy nghĩ, sự học vấn của tiền nhân mà có.
Các câu tục ngữ ca dao, những truyện cổ tích của Việt-Nam có tính cách luân lý thường phát xuất từ những quan niệm về luân lý trong kinh sách Nho-học hoặc chịu ảnh hưởng của đạo Lão, đạo Phật.
Sau đây là một vài ví dụ trong tục ngữ ca dao Việt-Nam có tính cách luân lý:
- Ở hiền gặp lành
- Tu nhân tích đức
- Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
- Công cha như núi Thái-sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
- Cá không ăn muối cá ƣơn, Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
- Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba.
- Mặc ai chác lợi mua danh, Miễn ta học đặng đạo lành thì thôi.
- Tham thì thâm, Bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham.
- Tham vàng bỏ ngãi, được lòng ta xót xa lòng ngƣời.
… … …
Trong nền triết học phương Đông, các triết gia như Lão tử chủ trương “không tranh giành” (bất tranh) và “ít lòng ham muốn” (thiểu tư quả dục). Phật Thích-ca khuyên con người nên tận diệt “tham, sân, si” và có lòng “từ bi từ tâm” với chúng sinh. Khổng tử khuyên người ta nên tập đức “nhân” để biết thương người, nghĩ đến người như nghĩ đến mình, trọng sự thuận hòa, không tranh chấp không chia phe phái.
Khổng tử (551 - 479 trước công-nguyên) là triết gia Trung-Hoa thời cổ đại, đồng thời với Lão tử và Phật Thích-ca. Khổng tử là người đầu tiên có công trước thuật nho-học, sắp đặt tư tưởng của các thánh hiền đời trước, đề cao những mối luân thường đạo lý trong xã hội. Ông cố gắng áp dụng tư tưởng nho-học trong xã hội hầu mong cảm hóa được người đương thời và làm ích lợi cho người đời sau.
Theo học thuyết của Khổng tử, mục đích của đạo trời đất là bồi dưỡng sự sinh, còn mục đích của đạo người là đạt được đức nhân. Đức nhân được ví như núi, hàm chứa sinh khí và năng lực. Do nhân mà các đức tính khác sinh ra.
Trong Luận Ngữ – là quyển sách ghi chép những lời đối thoại của Khổng tử với các môn sinh – đã nhiều lần Khổng tử nói về đức nhân. Khổng tử giảng giải như sau: “Này người nhân hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo thành lập cho người; hễ muốn cho mình thông đạt thì cũng lo làm cho người được thông đạt; hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với người chung quanh mình thế ấy. Đó là những phương pháp thi hành để trở nên người nhân đức vậy.” (“Ung dã”, Luận Ngữ)
Nhân là quan niệm căn bản trong hệ thống triết học của Khổng tử. Đạt được đức Nhân là mục đích tối hậu trong hệ thống triết học của Khổng tử.
Khổng tử khuyên người đời nên để tâm vào việc học đạo làm người, giữ gìn đức hạnh, nương theo điều nhân: “chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân” (“Thuật nhi”, Luận Ngữ)
Nếu người đời không trau giồi đức hạnh, ông lấy làm lo. Ông nói: “Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã” (Đạo đức không sửa tiến, học vấn không giảng tập, nghe điều nghĩa mà không theo, có lỗi mà không đổi, đó là những mối lo của ta.) (“Thuật nhi”, Luận Ngữ)
Khổng tử đề cao chữ hiếu với mục đích dùng hiếu để hướng dẫn mọi người trong xã hội đạt được đức nhân. Ông nói: “Người quân tử trọn bổn phận với cha mẹ, tất dân chúng hưng khởi lòng nhân.” (“Thái Bá”, Luận Ngữ)
Một trong những việc của người làm chính trị là thực hành điều hiếu ở trong gia đình. Khổng tử nói: “Kinh Thư có câu „Duy kẻ nào hiếu với cha mẹ, thuận với anh em, mới thi hành việc chính trị từ nơi nhà mình.‟ Đó cũng là làm việc chính trị rồi, đợi chi tới làm quan mới làm việc chính trị.” (“Vi chính”, Luận Ngữ)
Người làm chính trị nhờ quan niệm hiếu để thực hiện mục đích giúp mọi người trong xã hội đạt đức nhân. Điều này cho thấy hiếu có vai trò quan trọng trong học thuyết của nho-gia trong việc đạt đến đức nhân.
Ở phương Tây thời xưa, triết gia Socrates (469-399 trước công-nguyên) cho rằng hạnh phúc của con người tùy thuộc vào sự hiểu biết về đạo đức. Theo ý tưởng của Socrates, nhờ biết phân biệt thiện ác mà con người ý thức được hậu quả của những hành động do mình gây ra.
Một triết gia khác, Aristotle (384-322 trước công-nguyên), thuyết rằng người hạnh phúc là người lấy sự làm lành làm vui thú. Trong tác phẩm của ông chú trọng về đạo đức: The Nichomachean Ethics, Aristotle cho rằng nếu một người muốn có tư cách đạo đức, họ phải tập từ khi còn nhỏ. Hành vi đạo đức đòi hỏi một sự lựa chọn có ý thức hoặc một động lực. Những người có tư cách đạo đức là những người thực hành đạo đức thường xuyên nhờ phối hợp kiến thức, kỷ luật và thói quen. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những hành vi liên quan đến đạo đức của mình. Xã hội là môi trường mà hành vi đạo đức được thể hiện.
Như thế, đạo đức và chính trị liên hệ chặt chẽ với nhau vì chính trị là khoa học giúp tạo ra một xã hội trong đó con người có thể sống một cuộc sống chung tốt đẹp và phát triển toàn diện nhờ vào sự thể hiện hành vi đạo đức của mỗi cá nhân.
Trong nho-học, chính-trị và đạo-đức có quan hệ với nhau. Khổng tử đưa ra phép làm chính-trị bằng phương cách đức-hóa: vi chính dĩ đức (làm chính trị dùng đức). Theo khái niệm đức-hóa, muốn giáo hóa dân thành những con người có tư cách đạo đức, thì những người trong chính quyền, những người làm quan, cần có tư cách đạo đức để làm khuôn mẫu cho dân noi theo. Hiểu biết, luyện tập và nuôi dưỡng phẩm hạnh đạo đức là chủ đích của nền giáo dục nho- học.
Ở nước Việt, sau thời kỳ loạn lạc Thập-nhị sứ-quân (945-967), vua Đinh-tiên-hoàng (968-979) đặt ra hình phạt rất nặng: đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, rồi ra lệnh hễ ai phạm tội thì bỏ vào vạc dầu hay là cho hổ báo ăn.
Đời Tiền-Lê (980-1009), những sự chém giết tàn bạo xảy ra ngay trong triều đình. Sau khi vua Lê Đại-hành (980-1005) mất, các hoàng tử tranh nhau ngôi vua. Tranh giành trong bảy tháng thì thái-tử Long Việt lên ngôi. Long Việt là người mà vua Đại-hành đã định truyền ngôi cho lên làm vua. Nhưng Long Việt mới lên ngôi được ba ngày thì bị em cùng mẹ là Long Đĩnh sai người vào cung giết đi, mới 23 tuổi.
Long Đĩnh (1005-1009) ưa sự chém giết, ra những hình phạt dã man đối với tù phạm. Vua chết lúc 24 tuổi. Các quan trong triều tôn tả thân-vệ điện-tiền chỉ-huy-sứ Lý Công Uẩn lên làm vua là vua Lý Thái-tổ.
Trong khoảng bốn mươi năm, từ khi nhà Đinh lên (968) đến khi Lê Long Đĩnh mất (1009), triều đình đã không hướng dẫn dân chúng sinh sống theo một tiêu chuẩn đạo đức hay nhân sinh quan nào rõ rệt mặc dù tam-giáo đã được truyền vào nước Việt từ những thế kỷ đầu công-nguyên.
Vua Lý Thái-tổ (1010-1028) xuất thân từ chốn cửa thiền, thường đọc kinh Phật, hiểu giáo lý đạo Phật, nên cho đem đạo Phật ra truyền dạy cho dân chúng, cho họ hiểu biết luật nhân quả mà làm điều lành tránh điều ác. Ảnh hưởng của đạo Phật trên các vua nhà Lý được thấy rõ rệt nhất trong việc xét xử và định hình phạt với tội nhân.
Vào năm trời rất lạnh, vua Lý Thánh-tông (1054-1072) truyền đem chăn chiếu cho tù nhân và cho tù nhân ăn ngày hai bữa. Vua bảo các quan rằng:
“Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày hai lần phát cơm.” (Đại- Việt Sử-ký Toàn-thư)
Có lần xét án, vua chỉ vào công chúa Động-Thiên đứng gần đó mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi.” (Đại-Việt Sử-ký Toàn-thƣ)
Đời Nhân-tông (1072-1127), vua cấm mọi người không được dùng gậy tre gỗ và đồ nhọn sắc đánh nhau. Đời Anh-tông (1138-1175), hễ tranh nhau ruộng ao mà dùng binh khí như gươm, dao đánh nhau đến tử thương thì phạt 80 trượng và phải tội đồ*, ruộng ao thì trả cho người bị thương. [*tội đồ: một tội trong ngũ-hình, bị đem đày đi chỗ khác và bắt làm việc khổ sai.]
Đạo lý nhà Phật có được ảnh hưởng như vậy là nhờ vua Lý Thái-tổ đã nhận được sự giáo dục của các nhà sư là giới có học thức lúc bấy giờ. Khi vua mới lên ba, mẹ ông đem ông cho sư Lý Khánh Văn làm con nuôi nên ông có họ tên là Lý Công Uẩn. Sư Vạn Hạnh chùa Lục-tổ xem tướng ông thông minh nên đem về dạy.
Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, trong nhà nhiều đời thờ Phật. Thuở còn trẻ ông đã học cả tam- giáo, đọc rất nhiều sách, xem thường công danh phú quý. Năm 21 tuổi ông xuất gia theo học Thiền-Ông chùa Lục-tổ. Ông có kiến thức cao rộng nên lời nói của ông được xem như lời sấm tiên tri. Ông rất gần với Lý Công Uẩn, bàn luận nhiều việc quan trọng. Khi thấy cây gạo ở hương Diên-Uẩn, châu Cổ-Pháp bị sét đánh, người châu ấy thấy hiện lên nhiều hàng chữ. Sư Vạn Hạnh mới nói với Công Uẩn rằng: “Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân-vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân-vệ thì còn ai đương nổi nữa. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để xem đức-hóa của ông như thế nào, thực là cái may nghìn năm có một.” (Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư)
Câu nói của sư Vạn Hạnh cho thấy sự mong đợi của ông nơi người học trò Lý Công Uẩn, đã được ông rèn luyện cả đạo lý Phật và Nho, để đem đạo từ-bi của nhà Phật và phương cách đức-hóa của nhà Nho ra gây dựng nhân sinh quan cho xã hội.
Nhờ các vua nhà Lý rất trọng đạo Phật mà đạo Phật được phổ biến rộng rãi trong dân gian. Sang đời Trần, các vua đầu đời Trần đều mộ đạo Phật, ăn chay, bố thí vàng bạc tiền lụa cho người nghèo. Vua Trần Nhân-tông (1279-1293), sau khi nhường ngôi cho Anh-tông thì xuất gia lên núi An-Tử, lấy các đạo hiệu là Trúc-Lâm đại-đầu-đà, Trúc-Lâm đại-sĩ và Giác-hoàng điều- ngự, pháp danh là Hương-Vân đại-đầu-đà, với ý là tu hành theo Thập-nhị hạnh đầu-đà (mười hai điều khổ hạnh). Năm 1304, đức Giác-hoàng du hành trong dân gian, khuyên dân chúng bỏ tục thờ tượng lõa thể và sinh thực khí, và thực hành Thập-thiện, giáo lý căn bản của đạo Phật. Giác- hoàng có ý định xây dựng nhân sinh quan cho xã hội theo luân lý đạo đức nhà Phật. Thập-thiện là mười điều thiện thực hiện qua tâm, khẩu, ý, gồm có: không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói lời dối trá, gạt người; không nói lời ly gián khiến cho người ta ngờ vực, hiềm khích nhau; không nói lời ác dữ, độc địa, tục tằn; không nói lời phù phiếm, hoa mỹ, không chân thực; không tham mê dục vọng; không cáu giận, bực bội; không tà kiến, hiểu biết nhầm lạc, mê muội.
Thuyết luân-hồi báo ứng phổ thông khắp mọi giới và ảnh hưởng của đạo Phật lan tràn khắp trong nước. Nho thần Lê Quát viết trong bài “Văn bia chùa Chiêu-Phúc” (chùa ở Bái-thôn, lộ Bắc-Giang) như sau:
“Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao mà được người tin theo sâu bền như thế! Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, dù đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Ví ngày nay gửi gấm vào tháp chùa thì trong lòng sung sướng như nắm được khoán ước để lấy sự báo ứng ngày sau.
Cho nên trong tự kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho đến thôn cùng ngõ hẹp, không phải ra lệnh mà tuân theo, không bắt phải thề mà giữ đúng. Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng lên, nát đi rồi lại sửa lại, lâu đài chuông trống chiếm đến nửa phần so với dân cư. Đạo Phật thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng.
Ta thuở trẻ đọc sách, khảo xét xưa nay, cũng biết rõ ít nhiều đạo của thánh-nhân, dùng để giáo hóa người ta mà rốt cuộc chưa có thể được tin theo ở một hướng. Từng dạo xem núi sông, dấu chân đi hàng nửa thiên hạ, mà tìm nhà học và văn-miếu thì chưa từng thấy có đâu. Do đấy ta rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta.” (Đại-Việt Sử-ký Toàn-thƣ)
Đạo Phật đã có ảnh hưởng rất lớn về phương diện đạo đức trong xã hội đời Lý và đầu đời Trần. Nếu không có những yếu tố do hoàn cảnh lịch sử gây ra làm xúc tác thì đạo Phật vẫn có thể là đạo thịnh hành nhất ở Đại-Việt.
Vì cần có một tầng lớp có kiến thức giúp vua trong việc trị nước và chống ngoại xâm (Mông-cổ – Nguyên), thay thế giới tăng lữ nhà Lý, triều Trần chuyển đổi trọng tâm giáo dục từ học thuyết nhà Phật sang triết thuyết nho-học với hai mục đích: – chính trị: học thuật trị nước, và – nhân sinh vị luân lý: học đạo làm người theo triết lý nhân sinh của nho-học. Về triết lý nhân sinh nho-học, sách Trung-Dung viết: “Đạt Đạo trong thiên hạ có năm luân: đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo kết giao bằng hữu. Năm luân đó là những luân để đạt được Đạo vậy.”
Năm 1253, vua Trần Thái-tông (1225-1258) cho mở Quốc-học-viện để giảng Tứ-thư Ngũ-kinh là hai bộ sách chính yếu của nho-học. Tứ-thư gồm có: Luận-Ngữ, Đại-Học, Trung- Dung, Mạnh-Tử; Ngũ-kinh gồm có: kinh Thi, kinh Thƣ, kinh Dịch, Lễ-ký, Xuân-Thu.
Sử-thần Lê Văn Hưu (thế kỷ thứ 13) bàn trong Đại-Việt Sử-ký (1273) rằng một số việc làm của các vua nhà Lý không hợp đạo Nho. Khi viết đến việc vua Lý Thái-tổ cho xây nhiều chùa, Lê Văn Hưu phê bình:
“Lý Thái-tổ lên ngôi mới được hai năm, Tôn miếu chưa dựng, Xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên-Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở Kinh sư làm tăng, thế thì tiêu phí của cải và sức dân về việc thổ mộc biết chừng nào mà kể? Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm hộ, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? …”
Điều này chứng tỏ các vua nhà Trần có xướng suất đạo Nho thì sử-thần mới dám viết như thế.
(còn tiếp)