BÀ GIÀ GÂN
Ở xóm tôi, từ đầu xóm đến cuối xóm, hầu như nhà nào cũng có người đi vượt biên. Nhưng không phải ai cũng may mắn đến bờ tự do, bởi nếu đếm số người “đi không về và cũng không bao giờ đến” ở xóm cũng cỡ hai chục mạng người, trong đó có cô bạn rất thân yêu của tôi và một gia đình mất một lúc sáu người, đó là gia đình Bà Già Gân.
Nhà Bà ở ngoài đường lộ, nhà tôi trong hẻm, nhưng hai phía sau nhà đối diện nhau, nên từ sau nhà tôi bước qua sau nhà Bà chỉ vài bước chân. Bà là hàng xóm thân thiết với Má tôi từ thuở xưa mới di cư vào Nam, sau khi Má tôi mất, Bà luôn có mặt trong các dịp giỗ quảy cưới hỏi của gia đình tôi, thay mặt cho Má tôi, nên hai gia đình thân nhau lắm.
Hồi đầu thập niên 80s, vợ chồng người con gái đầu của Bà vừa đánh điện tín từ đảo về, Bà qua nhà tôi thầm thì cả buổi chiều, sung sướng dự tính các chuyến vượt biển khác cho những đứa con còn lại trong gia đình. Bà tuyên bố:
– Tao cho chúng nó đi hết, chỉ còn lại hai ông bà già, lúc đó tụi Cộng Sản có đem tao ra chợ xử bắn tao cũng vui lòng.
Lúc ấy, tôi ngồi hóng chuyện, nhìn mặt bà cương quyết vững vàng chỉ biết há hốc miệng mà ngưỡng mộ! Nói là làm, chuyến kế tiếp thời gian sau đó Bà “chơi lớn” luôn 6 người, trong đó có ba người con ruột của Bà, thêm người em ruột của Bà cùng cô con gái và cháu ngoại của người em. Đau đớn thay, chuyến đi không có tin tức gì, Bà mòn mỏi héo hon, vật vờ suốt mấy năm trời. Chẳng ai dám chia sẻ ủi an Bà vì ai cũng biết Bà mạnh mẽ và mọi lời nói cũng bằng thừa.
Vậy mà người mẹ đau khổ ấy, được hàng xóm nể phục tặng biệt danh là “Bà Già Gân”, đã vượt qua nỗi đau mất con, mất em, mất cháu, để tiếp tục đưa liên tiếp hai người con trai đi thành công trong hai chuyến sau, đúng là trời không phụ lòng người.
Nhớ khi có người cản, Bà Già Gân lại tuyên bố xanh rờn: “Dù thế nào đi nữa cũng không thể sống dưới chế độ Cộng Sản man rợ này!” Tôi bái phục Bà Già Gân và Sắc Sảo quá chừng.
Ai ngờ chính tôi lại có dịp đi vượt biên với con gái của Bà, mà Bà gọi là chuyến cuối cùng của gia đình Bà. Đêm khuya hôm trước tôi đã qua nhà Bà ngủ để mờ sáng hôm sau dậy sớm đón xích lô ra Xa Cảng. Bà lục đục dậy từ khi nào, nấu sẵn mấy gói xôi cho chúng tôi mang đi đường ăn ấm bụng. Trước khi ra khỏi nhà, chúng tôi bốn người (có cả Bác trai, chồng của Bà) cùng đọc kinh trước bàn thờ Chúa, nhưng tôi chẳng tập trung vào lời kinh vì tâm trạng âu lo rối bời, Bà bèn liếc xéo tôi một cái:
– Sao nhìn mặt mày căng thẳng vậy hở con? Nhà tao đã có 6 người thế mạng ngoài biển Đông rồi, hai đứa bay cứ an tâm mà lên đường.
Trời! Bà đọc thấu cả tim đen của tôi mới ghê, nhưng chuyến đi ấy xui xẻo, phải giải tán ngay bến chờ “taxi” tàu nhỏ ra sông ở Sóc Trăng, chúng tôi trở về nhà. Vài năm sau, đúng như lời Bà Già Gân chúc phúc từ chuyến trước, con gái Bà và tôi, một lần nữa, cũng ra khơi vượt biển, kẻ trước người sau lần lượt vào trại tỵ nạn Panatnikhom, Thailand.
Cuối cùng thì ước mơ của Bà Già Gân cũng thành, dù có đánh đổi sáu mạng sống của người thân, nỗi đau ấy Bà dâng cho Thiên Chúa. Bà hạnh phúc theo từng chuyến ra khơi thành công của những người con khác, thoát khỏi chế độ Cộng Sản.
Bà Già Gân vừa qua đời cách đây vài năm tại Việt Nam, thọ hơn 90 tuổi. Các con cháu bà đang định cư ở Nam California, thành công trên con đường nghề nghiệp và học vấn, ở trên nước Thiên Đường hẳn Bà rất vui lòng, mãn nguyện.
———————-
BÀ GIÀ TRẦU
Anh Hai tôi, sau một thời gian dạy ở trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ thì được chuyển về dạy ở huyện Long Tuyền, Cần Thơ.
Năm đó, chiến tranh biên giới Tây Nam căng thẳng nên nhà trường ra sức thuyết phục các thầy giáo trẻ, là đoàn viên viết đơn "tình nguyện" đi nghĩa vụ quân sự để họ lấy điểm với Sở Giáo Dục, và hứa hẹn sau này xuất ngũ sẽ được trở lại tiếp tục dạy học và thăng chức (ai tin lời hứa của cộng sản thì bán lúa giống!)
Nói mãi nói hoài gần như ép uổng, cuối cùng cũng có vài thầy "tình nguyện" ra chiến trường. Buổi tối tiễn đưa có ăn uống và văn nghệ vui vẻ, một thầy trẻ đại diện nhóm "tình nguyện" lên sân khấu ôm đàn hát bài "Mẹ Ơi, Hãy Yên Lòng" có đoạn rất “hào hùng, phấn khởi” khí thế ra quân:
"Rừng thay lá bao mùa rồi / Đoàn quân chiến đấu xa làng quê / Mẹ ơi hãy yên lòng / Dù bao gian nan ngày tháng... Ah... Ai giục lòng ta!/ Mẹ ơi có nghe!?"
Mới hát được tới đó, có một bà già trầu từ dưới chạy lên, tay cầm cây chổi chà (thì ra là mẹ của thầy ấy), đánh tới tấp vào người thầy và rủa xả:
– Yên lòng cái mả bố nhà mày! Mẹ ơi có nghe cái mả cha nhà mày!!!
Người con quăng cây đàn chạy khỏi sân khấu, bà vừa rượt theo vừa chửi đổng:
– Sư cha quân ăn cướp! Tổ cha lũ ăn cháo đá bát, vắt chanh bỏ vỏ, tao đã ngu rồi sẽ không bao giờ để con tao ngu tiếp nghen bay!
Sáng hôm sau, người con vẫn lên đường ra quân trường, bà già trầu bị đưa vào viện "tâm thần" một tuần lễ. Về nhà, bà ngồi nhai trầu, mỉm cười nói với chòm xóm:
– Nhờ có... bệnh mà ở trỏng tui thoải mái chửi tụi nó!
– Vậy giờ bà hết bệnh rồi phải hôn nà?
Bà nhổ bãi trầu, quẹt mỏ bằng cái khăn rằn, cười lớn:
– Thì coi như tạm hết bệnh, nhưng ai biết, lâu lâu bệnh sẽ ...tái phát, tao lại... lên cơn chửi nữa, chửi cho đã nư cái miệng tao, đứa nào dám bỏ tù bà già trầu “tâm thần”, tao thách!
Vậy mà hơn một năm sau, bà già trầu bỗng dưng... hết bệnh, lần này là hết thiệt sự luôn á.
Té ra, người con trai, khi bị ép uổng làm đơn "tình nguyện đi chiến đấu" đã âm thầm lên kế hoạch đào ngũ. Trong thời gian ở chiến trường Cambodia, anh đã cố ý học thuộc các đường đi nước bước, học hỏi thêm tiếng Cam khá sành sõi, rồi đến một ngày "đẹp giời", anh đã đào tẩu, miệt mài chạy băng rừng Cambodia, thoát qua biên giới Thailand, vào được trại tỵ nạn . Bà già trầu sung sướng cầm lá thơ của con trai đi khoe khắp xóm, khuôn mặt hớn hở rạng ngời.
Bà con chòm xóm lại trách:
– Vậy là hồi nẳm nó ca bài "Mẹ Ơi, Hãy Yên Lòng" là có ý đồ nhắn nhủ bà đó, ai dè bà lại đi goánh thằng nhỏ chạy té khói, thiếu điều muốn lọi giò! Mẹ gì đâu mà kỳ cục, hổng hiểu ý con gì ráo!
Bà già trầu biết lỗi, thẹn thùng như gái... mười tám:
– Mồ tổ nó, cái thằng...! Ai biết đâu nà!!!
Kim Loan
(Edmonton, Tháng Tư Đen 2023)