Lệnh cấm trại 100% vẫn còn hiệu lực. Hôm nay là ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi đã ngủ trong hầm trú ẩn cùng với áo giáp, nón sắt và vũ khí cá nhân. Suốt mấy hôm liền, VC đã gây áp lực cực mạnh tại ngoại vi phi trường Trà Nóc. Ðạn pháo kích của địch quân thỉnh thoảng nã vào các căn cứ quân sự của ta. Rất may là đơn vị của tôi không bị hề hấn gì.
Tôi định giấu nhẹm không cho nhân viên hay tin ông đơn vị trưởng đã cuốn gói chuồn êm ra ngoại quốc vào lúc nửa đêm 29 tháng 4 cùng với một đại đơn vị hải quân trú đóng tại bến Ninh Kiều. Nhưng tôi không thể nào tự dối lòng mình và dối nhân viên mình mãi được. Là một đơn vị phó, tôi có chút quyền uy đối với thuộc cấp của mình, song tôi lại bất lực trước sự trốn chạy của ông đơn vị trưởng. Giờ đây, tôi lại phải gánh lấy trách nhiệm của một đơn vị trưởng bất đắc dĩ mà không hề được thượng cấp ủy quyền. Tôi chỉ là người thừa kế một gia sản đã băng hoại một cách bất ngờ! Tôi phải làm gì đây? Ðại bàng hiện giờ ra sao? Liệu Vùng IV Chiến Thuật có đứng vững hay không?
Buổi sáng thật đẹp và yên tĩnh. Bây giờ tôi mới có đủ tỉnh táo để nghĩ đến Thùy và các con tôi. Chắc là chúng đang vui đùa với các cậu và các anh chị của chúng nó ở quê Ngoại? Giờ này có lẽ Thùy đang chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình? Nàng có bâng khuâng nhớ mong về tôi không nhỉ?
Tôi lại nghĩ miên man đến cha mẹ tôi và các em tôi đang ở bên Long Hồ. Tình hình bên đó dường như yên tỉnh hơn bên này thì phải? Tuần trước tôi đưa Thùy cùng các con về Sài Gòn. Trên đuờng về, sẵn dịp tôi ghé lại thăm ba má tôi, nhưng bà đã đi vắng nên tôi không được gặp mặt. Ba tôi ở nhà một mình. Các đứa em cũng đi vắng hết. Ba tôi nằm lắc lư trên chiếc võng ny-lông màu lá cây. Ông mừng vui khi thấy tôi về thăm và thân xác còn nguyên vẹn. Ông bà chỉ mong cho tôi có chừng đó. Tôi là anh cả trong gia đình, nhưng tôi chẳng giúp ích được gì cho gia đình cả!
Ánh mặt trời tháng Tư thật chói lọi. Bầu trời trong xanh, không vẩn một áng mây nào. Tôi sực nhớ lại từ sáng tới giờ chưa có gì lót dạ và cũng chưa có giọt cà phê nào thấm giọng. Miệng tôi nhạt đắng. Tôi soi gương mà không nhận ra mình. Râu cằm mọc tua tủa rậm rạp. Thì ra đã mấy hôm liền tôi chưa có dịp cạo râu. Tôi đã nằm chèo queo trong hầm trú ẩn, chỉ ăn uống qua loa mà thôi. Chúng tôi tổ chức ẩm thực tại chỗ để có đủ nhân lực chiến đấu hữu hiệu khi lâm trận.
Chiếc máy thu thanh vẫn được mở thường trực từ hai hôm nay. Ðài Tiếng Nói Quân Ðội đã im tiếng từ sáng, chỉ còn lại đài Phát Thanh Sài Gòn. Chẳng có tin tức nào quan trọng ngoài tin đang giao chiến tại Xuân Lộc. Xen kẽ với các tin chiến sự là những bản nhạc hùng không lời, loại nhạc đã được phát ra ròng rã trong ngày 01-11-63. Hình như đang có điều gì bất ổn tại Sài Gòn?
Ðường giây điện thoại liên lạc với Sài Gòn đến giờ này hãy còn tốt. Tôi phải liên lạc vào mỗi đầu giờ để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mới. Bây giờ là 10 giờ sáng của ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ừ, tính đến hôm nay, mình đã ở trong quân đội được 11 năm và 4 tháng.
Tiếng chuông điện thoại lại reo vang. Bên kia đầu giây là giọng quen thuộc của Ðại bàng. Tôi báo cáo cho ông về tình hình của địch quân tại Vùng IV, nói chung chẳng có gì đáng quan ngại. Có thể nói tình hình đang lắng dịu và dường như địch quân đang rút đi. Tiếng đạn pháo kích đã hoàn toàn ngưng hẳn. Tuy nhiên, đường xá lại im vắng hơn bao giờ hết! Ông hỏi tôi về ông đơn vị trưởng nên tôi buộc lòng phải báo cáo sự thật. Ðại bàng yêu cầu tôi ở lại và túc trực đợi lệnh ông. Tôi hỏi ông về tình ở thủ đô thì được ông cho biết Sài Gòn rất căng thẳng. Tuy nhiên, theo lời ông, với sự “dàn xếp khéo léo” của tân Tổng Thống (tức Ðại Tướng Dương Văn Minh) ông hy vọng có thể cứu vãn được Sài Gòn khỏi phải đổ máu vì phía bên kia (tức Bắc Việt) hứa sẽ có giải pháp chung cho Miền Nam Việt Nam (?)
Tôi lắng nghe ông nói mà lặng người nên không nói được lời nào. Ông còn cho tôi biết thêm rằng Tổng Thống sẽ nói chuyện trên đài phát thanh vào lúc 10 giờ rưỡi sáng nay. Cuối cùng ông khuyên tôi nên giữ vững tinh thần và đợi lệnh ông. Vâng, tôi sẽ y lệnh của đại bàng. Thế nào cũng có một giải pháp tốt đẹp cho đôi bên! Tôi tin lời ông Ðại Bàng nói! Tránh đổ máu là điều cần thiết trước tiên. Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy!
Tôi vào phòng tắm, chải sơ lại mái tóc và xốc lại bộ quân phục cho gọn ghẽ trước khi ra lệnh tập họp nhân viên. Trừ ông đơn vị trưởng và các sĩ quan đã đi theo ông, toàn thể nhân viên cấp Hạ sĩ quan đều hiện diện đầy đủ. Tôi lập lại lệnh của đại bàng và thông báo về sự vắng mặt của ông đơn vị trưởng. Nhân viên im lặng cúi đầu, không có một lời phản ứng nào. Tôi cảm phục tinh thần cao quý của họ. Phản ứng thì có ích gì trong lúc này? Ai cũng yêu quý mạng sống của mình. Ông đơn vị trưởng nhanh chân chạy trước là điều sáng suốt. Bây giờ ai sẽ lo cho ai đây?
Ðúng 10 giờ 30 phút sáng, lời kêu gọi đầu hàng địch quân của Tổng Thống Dương Văn Minh vang lên từ chiếc máy thu thanh. Tất cả đều im lặng để lắng nghe lời kêu gọi thật tha thiết của Tổng Thống. Mồ hôi tôi nhỏ từng giọt thấm ướt lưng áo. Tôi liếc thấy các gương mặt của nhân viên đanh lại. Có những con mắt đỏ hoe. Tôi thấy có những dòng lệ lăn dài trên đôi má. Tôi đang khóc đây. Tôi cũng biết khóc như mọi người, nhưng tôi chỉ được phép khóc ở trong lòng mà thôi. Thế là hết! Quân lực kiêu hùng và dũng cảm nhất nhì Ðông Nam Á bỗng chốc tan rã như mây khói! Hơn mười một năm nhập cuộc chơi, phí hết tuổi trẻ yêu quý của mình, giờ đây tôi đành phải bỏ cuộc nửa chừng. Thật là công dã tràng xe cát biển đông! Nếu tôi biết trước sự vô lý này, có lẽ tôi chớ nên tham dự cuộc chơi này để còn giữ được sự vô tư của người đứng ngoài cuộc chơi. Giờ đây tôi là kẻ chiến bại: Không đánh mà thua! Làm sao tôi giải thích cho các con tôi hiểu được sự đầu hàng nhục nhã này? Lịch sử sau này sẽ phê phán và kết tội chúng tôi là kẻ đầu hàng địch vô điều kiện! Nhưng có ai biết đâu rằng đây là sự sắp xếp của ngoại bang, quyết định của kẻ mạnh! Còn chúng tôi - quân lực VNCH và những người dân lương thiện - là những nạn nhân của một thế lực ngoại bang, là những tên hề trong màn bi hài kịch quốc tế!
Thùy và các con có được nghe lời kêu gọi đầu hàng đầy nhục nhã này chăng? Bố mẹ có hay biết con đang đứng trước hố thẳm của cuộc đời hay không? Tử thần đang bủa vây khắp nơi. Tử thần đã tràn vào thủ đô Sài Gòn. Tử thần cũng sẽ đến tận nơi này để dẫn chúng con đi.
Ngoài đường, liên tỉnh lộ 27, người và xe cộ đan nhau như mạn nhện. Ai đi đâu mà đông thế? Tôi tự hỏi. Tôi biết chắc giờ này có một số đơn vị trưởng đã rời đơn vị, bỏ lại đám nhân viên dưới quyền lơ láo. Họ đang ở ngoài khơi hoặc bay lượn trên không trung. Tôi có thể làm được như họ nếu tôi muốn. Nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi hèn nhát bỏ chạy một mình. Tôi phải ở lại đơn vị, dù là một đơn vị nhỏ xíu, dù cấp bậc và chức vụ chỉ là một đơn vị phó. Tôi phải ở lại với nhân viên, dù chỉ còn dăm ba người cũng mặc. Tôi biết chắc là cái chết sẽ đến với tôi, vì tôi là một “tên giặc”, là một “tên cực kỳ phản động”, là “ngụy quân”… Chúng sẽ gán cho chúng tôi bất cứ “tội danh” nào chúng muốn để triệt hạ uy tín và thể diện của chúng tôi…
Các nhân viên đã phân tán mỏng trong lúc tôi ngồi thẫn thờ cùng với những ý nghĩ mơ hồ, rời rạc. Rồi họ tụ tập lại quanh tôi. Bây giờ tôi đâu còn ở phương vị chỉ huy nữa, mà tôi chỉ là một người bạn của họ; nếu được vị nễ thì tôi cũng chỉ là một người anh lớn tuổi mà thôi. Tôi mở to đôi mắt để nhìn một lần cuối cùng các khuôn mặt thân thương mà họ đã hết lòng qúi mến tôi từ lúc tôi đáo nhậm đơn vị. Ðây là một cử chỉ tỏ lòng biết ơn hay một điều hối hận đối với thuộc cấp của mình vì đã không thuyết phục được họ?
Tôi liếc nhìn từng người một. Có nhiều ý kiến đưa ra. Có phải đây là một lối thoát cho người ngã ngựa? Trung sĩ nhất Hiếu đưa ý kiến nên di chuyển toàn đơn vị xuống bến Ninh Kiều để dễ dàng nghe ngóng tình hình hầu tìm cách đối phó. Trung sĩ Thông là người còn giữ được niềm hăng say của một chiến sĩ nên nêu ý kiến ở lại tử thủ đơn vị. Còn Trung si nhất Kiên thì bình tĩnh hơn nên đề nghị anh em kéo về Chợ Mới, An Giang, để nhập vào các đơn vị thiện chiến của Lực Lượng Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo hầu xoay chuyển lại tình thế. Ý kiến nào xét ra cũng hay và có lý của nó.
Còn tôi? Tôi có ý kiến gì không? Quyết định của tôi như thế nào? Ðầu óc tôi không còn sáng suốt nữa để đẻ ra ý kiến. Tôi hoàn toàn bất lực. Tôi xua tay khoác một cử chỉ tuyệt vọng. Anh em nên nghe theo lời kêu gọi của Tổng Thống. Anh em có quyền trở về với gia đình của anh em. Anh em có toàn quyền mang vợ con ra ngoại quốc. Giờ đây hãy còn đủ thì giờ để chuẩn bị cho một cuộc vượt biển cơ mà. Các đơn vị trú đóng chung quanh đây đã rã ngũ hết rồi, như đàn ong vỡ tổ. Anh em hãy tự định đoạt đời mình và tương lai mình. Cứ coi tôi như kẻ đã chết rồi. Tôi đã kiệt sức và hoàn toàn vô vọng trên một đại dương đầy sóng gió. Chiếc phao an toàn của tôi, ai đã lấy nó đi mất? Hay tại tôi không đủ sức với tới chiếc phao?
Có một số nhân viên nghe lời tôi, họ lặng lẽ từ biệt tôi để ra đi. Tôi biết chắc có hai nhân viên - Trung sĩ nhất Kiên và Trung sĩ Tân - đi về Chợ Mới để gia nhập vào lực lượng kháng chiến của Phật Giáo Hòa Hảo. Một số khác đang có tàu chờ đợi ở Bình Thủy để ra khơi. Số nhân viên còn lại nhất định không rời tôi. Tôi gọi họ là những kẻ điên rồ, những con chốt thí. Giờ này đâu còn tình nghĩa thầy trò gì nữa. Mạng sống của anh em mới cao qúi. Vợ con anh em đang trông chờ bàn tay đùm bọc của anh em. Hãy đi đi, để mặc tôi ở lại với khẩu súng colt thân yêu này…
Tôi xua đuổi nhân viên ra khỏi phòng để không gian lắng đọng và yên tĩnh. Tôi không còn đủ sức để suy nghĩ gì nữa cả. Nhưng tôi cũng phải có một hành động hay một cử chỉ gì để báo tin cho Thùy biết chứ? Ðầu óc tôi trở lại bình tĩnh lạ thường. Tôi hí hoáy viết thư cho Thùy.
Em yêu dấu,
Giờ phút em và các con đang an vui bên gia đình ở quê Ngoại thì anh đang chảy nước bọt thèm thuồng một chút hạnh phúc mong manh ấy. Ðố em biết anh đang làm gì không? Anh đang lau lại khẩu súng colt mà anh đã mang bên mình từ mười năm nay, từ lúc anh chưa quen biết em. Khẩu súng colt mà anh đã đặt cho nó một cái tên rất thân thương là “Gã Tiền Sử”. Tại sao lại có cái tên lạ như thế? Vì anh chả bao giờ xử dụng đến nó. Anh mang nó bên mình để làm một cái bùa hộ mạng mà thôi. Có đời nào anh có cơ hội bắn một phát đạn vào đầu địch quân nào đâu! Những viên đạn thì được đổi luôn, nhưng nó thì vẫn ở bên anh. Bây giờ đã đến lúc anh phải xử dụng đến nó. Không phải để bắn vào đầu địch quân, mà là để tự xử lấy anh. Anh là kẻ thua cuộc, một tên bại trận bất đắc dĩ!
Anh biết khi nhận dược thư này, em sẽ rất đau buồn. Có thể em sẽ khóc ngất. Cũng có thể em sẽ rất tỉnh táo và kiêu hãnh về cái chết của anh. Nhớ đừng cho các con hay tin vội, vì như thế sẽ làm phương hại đến tinh thần của các con. Xin em hãy giữ kín nhé! Chỉ nên cho các con biết, khi cần thiết, là anh bận đi công tác xa, anh sẽ trở về khi đất nước thanh bình. Anh mong em hãy giữ lấy lời căn dặn này, đừng làm buồn lòng anh nơi suối vàng!
Em yêu dấu,
Tám năm hương lửa mặn nồng, hạnh phúc thật tràn đầy. Các con là một phần hạnh phúc đó. Anh rất hãnh diện và vui mừng vì em đã tặng cho anh những đứa con kháu khỉnh và thông minh. Anh coi chúng nó là những báu vật của đời anh. Xin em vì anh mà nuôi dưỡng chúng nó nên người. Hãy dạy dỗ chúng lòng yêu nước và biết ơn tiền nhân đã từng đổ máu mới xây dựng được giang sơn gấm vóc Việt Nam thân yêu này. Nếu có thể được, anh mong em nên tìm cách đưa các con ra ngoại quốc, vừa bảo toàn được khí tiết của người quốc gia, vừa góp sức vào công cuộc phục quốc sau này.
Phần anh đã không được cái vinh hạnh tiếp tục phục vụ quê hương nên chẳng còn thiết sống làm gì nữa! Thà chết vinh còn hơn là sống nhục. Ðàng nào thì cái chết cũng phải tới với anh. Tại sao anh không thể tự tìm cái chết cho chính mình mà phải chờ đợi kẻ thù xử mình?
Thôi em ở lại bình an nhé! Nhớ thực hiện những lời căn dặn khẩn thiết của anh…
Bức thư đang viết dở dang thì chợt có tiếng gõ cửa hấp tấp. Tôi liếc mắt xem đồng hồ tay: 2 giờ 32 phút chiều. Tôi đã thủ sẵn khẩu súng ở trong hộc tủ. Nếu Việt Cộng ùa vào phòng thì tôi sẽ bóp cò vào đầu tôi ngay tức khắc, trước khi bọn chúng ra tay. Tôi mân mê khẩu súng trong lúc ra lệnh cho người gõ cửa bước vào..
Nhưng người gõ cửa chính là Quỳnh, nhân viên của tôi. Tôi đặt khẩu súng trở lại vị trí cũ, làm ra vẻ không có gì xảy ra. Quỳnh tiến lại gần tôi, đặt nhẹ ly nước cam vắt xuống mặt bàn, đoạn rút bao thuốc lá Ruby Quân Tiếp Vụ mời tôi hút. Tôi ngạc nhiên về cử chỉ thân mật của Quỳnh vì tôi chưa hề thấy hắn cư xử thân mật với tôi như thế bao giờ. Quỳnh làm việc với tôi từ lúc hắn mang cấp bậc Hạ sĩ. Bây giờ Quỳnh đã đeo lon Trung sĩ nhất, sắp được đeo lon Thượng sĩ trong tháng 5 này. Gần 8 năm làm việc với nhau, chúng tôi đã biết tính tình của nhau. Chẳng lẽ Quỳnh lại phản bội tôi sao? Tôi thật sự không tin như thế!
Quỳnh chậm rải và từ tốn vào đề:
- Ông Phó nên uống nước cam cho khỏe. Ông có cần gì, bọn này sẽ giúp cho. Tôi thấy chưa phải là lúc hoàn toàn tuyệt vọng để ông Phó viết thư tuyệt mệnh. Dù thuyền đã hỏng, nhưng còn sức là ta cứ tát. Ông Phó uống nước cam xong rồi tôi sẽ trình bày tiếp.
Cổ họng tôi rát đắng vì khát nước. Từ sáng tới giờ, tôi chưa có cái gì trong bụng, thế mà tôi cũng không cảm thấy đói. Tôi hơi an tâm vì Quỳnh không phải là kẻ phản tôi. Tôi bưng ly nước cam ực một hơi dài, như một đứa bé khát nước đã lâu. Nước cam ngọt lịm ở đầu lưỡi. Lân đầu tiên tôi có cảm giác nước cam thật là tuyệt dịu. Tôi đốt một điếu thuốc, ngã lưng ra ghế, đầu óc mơ màng theo khói thuốc lan tỏa.
Quỳnh tự tiện bốc lá thư của tôi đang viết dở dang nằm trên mặt bàn, đưa lên đọc. Tôi không buồn phản ứng. Vì trước sau gì tôi cũng sẽ nhờ Quỳnh mang thư này về Sài Gòn trao cho Thùy, như Quỳnh đã từng giúp tôi trước đây, lúc tôi mới quen nàng và cả sau khi nàng đã trở thành người bạn đời của tôi.
Quỳnh để lá thư trở lại mặt bàn, nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nào. Tôi cảm thấy sảng khoái trong người và đầu óc lâng lâng. Cơn buồn ngủ bất ngờ kéo đến. Tôi gắng gượng mở to mắt nhưng không còn trông thấy được gì nữa. Bóng Quỳnh to lớn dần, trở thành màu xám thẩm phủ chụp lên người tôi, và rồi người tôi nhẹ hẫng và lắc lư như đang nằm trên chiếc giường bố trong lòng con tàu đang vượt trùng dương…
(Suối Bạc, 20 tháng 7 năm 1980)
(Vĩnh Liêm)