Mỗi năm cứ mỗi tháng Tư đến lòng tôi lại man mác những nỗi buồn, những nỗi buồn gợi nhớ đến ngày thay đổi lớn, trong lịch sử đất nước miền Nam. Nỗi buồn trước sự cáo chung của một nền dân chủ tự do. Nỗi buồn của một dân tộc bị cùm trong gông xiềng của một chế độ chuyên chính độc tài. Nỗi buồn xa cách mẹ.
Biết bao nhiêu hình ảnh lại trở về.
Tôi nhớ về hình ảnh những người lính Việt Nam Cộng Hòa cố thủ trên những cao ốc trong những giây phút cuối cùng của Sài gòn. Đâu đó một vài chiếc quân xa ngưng trên đường phố, thả xuống những người lính chạy vào nhà dân xin quần áo dân sự để thay đổi quân phục, tìm sự an toàn trên đường quay về với gia đình khi quân Cộng sản Bắc Việt bắt đầu xuất hiện trên các nẻo đường thành phố Sài gòn. Tiếng động cơ ồn ào của những chiếc máy bay chuồn chuồn đảo lượn trên các sân thượng đón người di tản. Những khuôn mặt ngẩn ngơ thất thần không biết tương lai sẽ về đâu của những người dân ở lại. Những đám đông hôi của những căn nhà mà chủ vừa rời đi. Những con tầu đông nghẹt, chở người chạy trốn chế độ cộng sản tại các bến sông. Những chiếc xe hơi hướng về mọi ngả chở người tìm đi tìm sự sống tự do. Những tiếng khóc nấc, những cái ôm nghẹn ngào trong nỗi đau lòng kẻ ở người đi. Những con thuyền mong manh, lênh đênh trên sóng biển Đông, bé nhỏ dật dờ, với thân xác những con người vượt biển, mệt nhoài bất động, nằm mê man phó mặc sự sống trước những cơn thịnh nộ của đại dương. Những thân thể gầy guộc, quần áo tả tơi, nằm ngất lịm trên vai của những người giải cứu, của những cô gái bất hạnh vượt biển, bị hải tặc Thái Lan bắt cóc đem về bỏ trên những đảo hoang với một ít thức ăn, nước uống, để làm trò giải trí cho bọn chúng mỗi khi bọn chúng ghé qua.
Trong những hình ảnh đó, tháng Tư năm nay, trong ký ức nhạt nhòa đầy thương cảm, tôi lại nhớ đến mẹ tôi, nhớ đến những tiếng cười ròn rã, đầy yêu thương, nhớ đến ánh mắt hiền hòa luôn chào đón tình người của mẹ. Đôi khi tôi vẫn nghĩ rằng nếu không có tháng Tư năm đó, có lẽ bây giờ mẹ tôi vẫn còn đang sống và đang hạnh phúc bên các đàn con cháu, đàn chắt của bà.
Từ khi có ý thức, tôi vẫn luôn mơ ước rằng anh em chúng tôi khi trưởng thành sẽ luôn được quay quần sống bên mẹ, để được thấy mẹ vui, mẹ cười, để được đền đáp công ơn sinh dưỡng như trời biển và những yêu thương nồng nàn mà mẹ tôi đã luôn dành cho con cháu cho dù bà phải luôn ngược suôi vất vả bản thân.
Đức hạnh của mẹ tôi đã được thể hiện qua từng hành động của bà, và nó đã được trân trọng bởi những người hàng xóm mà bà đã luôn giúp đỡ, bởi những người gánh hàng rong mà bà dù không có tiền dư vẫn luôn mua hết gánh hàng ế buổi chiều của họ để họ có vốn buôn bán tiếp ngày mai. Ngay cả những người công an phường đối diện nhà tôi cũng kính nể mẹ tôi vì sự chân thành chia xẻ của bà dành cho họ. Từ miếng ăn đến sự nhỏ nhẹ khuyên bảo rằng “các anh công an nên đối xử tốt với người dân chung quanh khu vực vì chúng ta cùng là người Việt.”
Năm 1990. Trước ngày rời đất nước ra đi theo giấy tờ tôi bảo lãnh, mẹ tôi đã thuê thợ xây lên căn nhà mới trên đất bà mua, để anh cả chúng tôi ở, vì anh cả không muốn cùng gia đình đi theo mẹ tôi ra nước ngoài theo diện con bảo lãnh mẹ. Định mệnh sắp xếp, mẹ tôi đã bị té khi bà ra xem các thợ xây nhà làm việc. Bà than đau và đã không bao giờ tỉnh lại sau khi y tá bịnh xá chích cho bà một mũi thuốc an thần.
Năm 1986 bà muốn tôi về thăm quê hương qua ngả Canada. Nhưng tôi đã không về trong hy vọng có thể đón được mẹ tôi qua Mỹ sớm. Nhưng mẹ tôi đã ra đi trước khi tôi gặp lại được bà, trước khi tôi đã có thể cầm được tay mẹ, hôn lên khuôn mặt xinh đẹp hiền dịu của mẹ và nói với bà rằng “mẹ ơi con đã thấu hiểu, công lao trời biển của cha mẹ là như thế nào!”
Cuộc đời người luôn có những ân hận hối tiếc. Với tôi, nếu có một sự tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời thì đó là tôi đã hành xử một cách cứng ngắc khi quyết định không trở về gặp mẹ tôi như ý mẹ tôi mong muốn. Để rồi tôi đã phải hối tiếc cả đời, vì không gặp được mẹ tôi khi mẹ tôi đột ngột ra đi.
Tháng Tư năm nay, tôi nhớ mẹ vô cùng. Nhớ buổi cuối cùng mà mẹ tôi đã tiễn đưa tôi đi ở bãi biển Vũng Tầu. Chiếc bánh chưng thơm ngon do chính tay bà nấu, là chiếc bánh sau cùng mẹ đã bóc cho tôi ăn. Tôi đã ăn miếng bánh, trong vị mặn nước mắt!
Tuệ Vân
Tháng Tư - những cuộc chia ly.