Sau khi đã kiểm soát kỹ lưỡng mọi thứ từ những nút bấm đến mối chỉ thêu hoa lá trang trí và các đường khâu của những chiếc túi sách tay mẫu để giao nộp cho sở ngoại thương thành phố, Hồng Liên xếp ngay ngắn gọn ghẽ thành một chồng bó lại. Hai chục cái. Công trình của một ngày làm việc liên tục từ sáng sớm cho kịp yêu cầu của bà tổ trưởng Tổ hợp khâu may. Để ngày mai giao cho sở Ngoại thương thành phố xem và quyết định. Nếu được chấp nhận, thì tổ hợp khâu may trúng mối lớn. Vì sẽ được xuất khẩu sang Pháp. Không phải là con số ngàn, mà là chục ngàn, trăm ngàn hay hơn nữa. Như thế thì trước hết là chính mẹ Hồng Liên sẽ có việc làm, ngồi trước máy may, không còn phải dậy từ sáng sớm lấy xe lam hay xe đò ra các miền quê lân cận mua vài ký thịt heo hay vài bịch gạo lận vào bụng để qua mắt các trạm công an, đem về bán lại kiếm sống cho nhà đông con, cả chục miệng ăn. Ông giáo sư Sử và Công dân trong xóm đi cải tạo về thất nghiệp sẽ ngưng việc kiếm sống bằng cách đi mua nước mắm tỉn về pha chế lại với nước hàng làm bằng đường thẻ, trộn với nước tro lá chuối khô, muối và bột ngọt. Để chuyển sang phụ trách một công đoạn làm nút túi sách, đơn giản nhàn nhã hơn, và bớt đi một nguồn làm nước mắm rổm, hại sức khỏe người tiêu dùng trong giai đoạn cả nước không có nước mắm ăn khiến tổng bí thư Đỗ Mười phải hứa hẹn là rồi chẳng bao lâu khi thực hiện xong sản xuất xã hội chủ nghĩa, cả nước sẽ dư nước mắm để xuất khẩu. Dân trong con hẻm nhỏ cách chợ Trương Minh Giảng không xa này sẽ ra khỏi cảnh cùng túng khốn khổ giật gấu không đủ vá vai… Bà tổ trưởng dặn dò Hồng Liên. “Thời đại nào kỷ cương nấy, em ạ. Chị làm tổ trưởng tổ khâu may nhờ có bà dì ở ngoài Bắc quen lớn giới thiệu, tuy rằng ba chị là sĩ quan cấp tá phải đi Cải tạo ra bắc, lên tận trại Cổng Trời Hoàng Liên Sơn”.
Bà còn dặn Hồng Liên rằng những túi sách này mình sản xuất có dư phẩm chất. Vì vải đã do chính phủ cung cấp, tốt xấu gì cũng không có thể chê. Đường kim mũi chỉ là do những người chọn lựa kỹ càng trong đám vô số những tay rành nghề may nhưng thất nghiệp từ cuối năm 1975 sau khi đổi tiền, 500 đồng tiền VNCH lấy 1 đồng tiền “ngân hàng nhà nước”. Còn hình thêu hoa lá chim chóc đẹp đẽ thì em đã trách nhiệm rồi. Tức là “tổ hợp mình sống bằng gia công, nhưng khi lên đến sở em cũng phải biết khéo léo ngoại giao, mới được”. Hồng Liên nghe mà lòng không khỏi nghĩ tới những điều được hướng dẫn trong các sinh hoạt học tập ở trường. Là trong xã hội Cộng sản, mọi người “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”… “Không ai bóc lột ai”. Nhưng rồi lại tự nhủ trước những hiện tượng trái tai gai mắt thường ngày để tự an ủi “Dù sao thì bây giờ còn mới, trong giai đoạn khởi đầu sơ khai của thời kỳ quá độ, còn nhiều tồn tại”…
Trời đã khuya. Hai bả vai Hồng Liên mỏi âm ỉ và nặng chĩu sau một ngày chúi đầu làm cho xong những cái túi sách. Mệt nhưng chưa buồn ngủ. Một tối đầy. Nhưng không phải là “một tối đầy” của Xuân Diệu trong bài thơ “Với bàn tay ấy…”:
Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ,
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy.
Mà là một buổi tối trời ơi, khó ngủ. Với những suy nghĩ lan man.
*
Người phụ nữ cán bộ ngồi ở bàn ngoài tiếp khách có vẻ không mấy thiện cảm với Hồng Liên, bảo nàng ngồi chờ rất lâu. Cả hơn tiếng đồng hồ dù không có ai tới trước. Có lẽ vì cái áo dài trắng học sinh của nàng không hòa hợp với y phục của bà lúc bấy giờ là áo cánh xám và quần đen. Hồng Liên đã mặc như vậy vì nghĩ rằng vào sở ngoại thương phải ăn mặc nghiêm chỉnh đàng hoàng. Người trách nhiệm tiếp nàng là người đứng tuổi thái độ điềm đạm. Ông ta dở chồng túi sách ra xem khen đẹp, và các tranh hoa cỏ chim chóc thêu khéo léo. Ông tự giới thiệu tên là Toàn, đã từng đi Nga du học và tu nghiệp quan sát các nước Âu châu, trong đó có Pháp, cho nên nghĩ rằng các túi này có thể kể là thích hợp với nhãn quan người Tây phương. Tuy nhiên đó chỉ là ý kiến chủ quan của ông, mà nguyên tắc làm việc của sở là cá nhân phụ trách, tập thể chỉ huy, cho nên hai chục túi sách này sẽ được phân phối cho các giới chức liên hệ xem xét, thảo luận và quyết định tối hậu. Khi được biết Hồng Liên là sinh viên đại học Kinh thương, là người phác thảo các mẫu tranh và cũng là người thêu hoàn chỉnh các túi mẫu này thì ông tỏ vẻ ngạc nhiên. Hỏi học may bao giờ, học thêu ở đâu, học vẽ tranh trường nào. Hồng Liên thành thật trả lời chẳng học ở trường mỹ thuật nào cả. Mà chỉ lấy ý từ những phim ảnh và truyện được đọc. Còn thêu thì học lúc theo lớp phổ thông gia chánh bà Nguyễn Văn Thiệu bảo trợ ở trường Regina Pacis.
Thân phụ ông là giáo sư triết trường trung học Chu Văn An. Toàn được học bổng du học Pháp vì thi tú tài đỗ bình là điều hiếm hoi thời đó. Bây giờ gặp hoàn cảnh đất nước thống nhất thuận lợi có điều kiện phát triển nên ông về nước phục vụ. Dưới mắt ông, ở những nước tư bản tuy là phồn vinh, nhưng xã hội đầy tệ trạng, vì quá tự do buông thả, hành động theo thúc đẩy cá nhân. Quyền lực nằm trong tay thiểu số đại tài phiệt chủ các công ty đa quốc, giả đạo đức, kiểm soát mọi người bằng chủ nghĩa tiêu thụ, nhân danh tự do dân chủ nhân quyền để mở ra chiến tranh, cung cấp võ khí cho các dân tộc nhược tiểu Á Phi Mỹ châu chém giết nhau. Ông ngạc nhiên vì thấy nhiều người Việt bỏ nước ra đi, khi nước nhà thống nhất, hòa bình, nghĩa là có điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy không biết gì về những nguyên do sâu xa phức tạp của các cuộc chiến tranh, có phần nào Hồng Liên đồng ý với ông rằng chiến tranh không thực sự giải quyết được các vấn đề của con người. Mà chỉ tạo ra vấn đề cho con người. Cuộc chiến ít ra đã lấy đi một thanh niên dễ mến mà nàng biết qua những trao đổi chuyện trò. Một bạn cùng trường, Viễn đã thương nàng và bày tỏ tình yêu với Hồng Liên. Để bày tỏ sự thành thật, mà Viễn nghĩ là cách chinh phục tốt nhất, Viễn đã nói cha mẹ đến nhà nàng ngỏ ý. Sự vội vã dẫn tới đường đột của người bạn đồng học làm nàng sợ. Và nhẹ nhàng nói thẳng trước mặt người lớn rằng ở tuổi 17 nàng thấy chưa sẵn sàng để vội vã có những quyết định dài lâu về cuộc đời tình cảm. Nàng thấy rõ sự ngỡ ngàng của cha mẹ Viễn. Và sự thất vọng trên mặt Viễn. Viễn bỏ học, tình nguyện nhập ngũ, vào binh chủng Nhảy dù. Vài tháng sau khi mãn khóa huấn luyện nhận đơn vị, Viễn tử thương trong trận Mùa Hè đỏ lửa năm 1972.
**
Con hẻm tối với vài cột đèn vàng tù mù vắng ngắt, không một bóng người. Nhà nào nhà nấy đóng cửa, tắt đèn. Nhưng từ căn gác Hồng Liên ở, nhìn đến căn nhà bỏ trống cách nhà nàng 5 căn phía bên kia đường của người cán bộ Xây dựng nông thôn chết vì xuất huyết bao tử trong trại cải tạo, vợ con vượt biển đi Mỹ, Hồng Liên như không tin mắt mình. Vì có cảm giác như trong nhà có ánh sáng nến chập chờn hắt qua cánh cửa sổ mở. Cho thấy sau chấn song cửa sổ có dáng một người đàn ông quần áo đen ngồi cặm cụi trước bàn viết. Hồng Liên nhận ra ngay bộ mặt trái xoan hơi dài trắng trẻo của người cán bộ Xây dựng nông thôn. Chẳng lẽ người cán bộ Xây dựng nông thôn mà người ta nói là đã chết chỉ ít ngày sau khi vào trại cải tạo nay trở về? Chẳng lẽ có hồn ma ở thời đại này? Cũng chẳng biết được. Các cụ vẫn nói những trường hợp chết tức tưởi oan khiên, người quá vãng không thể dời xa nơi sinh trưởng. Ngoài ra thì dân mấy con hẻm này vẫn hay bàn tán về những trường hợp ma ám. Như hẻm Lưu luyến (vì có tiệm chụp hình Lưu luyến nối tiếng chụp các ca sĩ trong đó có Kim Loan bồ bịch với tổng thống Thiệu), ở cách hẻm Tổ hợp Khâu may không xa, nhà cửa đắt tiền có nhiều cặp chồng ngoại quốc như Mỹ, Đại Hàn, mà cũng phải dọn nhà đi sau khi ở ít tháng. Vì bị ma quấy phá. Và người làm bị ma ám. Càng nghĩ Hồng Liên càng sợ. Nhưng trấn tĩnh bằng cách bấu chặt vào đùi để thấy đau mà biết là mình tỉnh táo, và quay sang chuyện khác thực tế: Nghĩ đến cái quyết định sẽ đến đối với những cái túi sách tay của sở ngoại thương. Viễn tượng công ăn việc làm cho dân cái xóm nhỏ này, không biết bao giờ sẽ có. Và Toàn, người cán bộ trách nhiệm từ Pháp về có lối nói năng già dặn gây hy vọng mà không hứa hẹn sẽ đóng vai trò như thế nào trong cái chung quyết của tập thể, quan trọng cho cái viễn tượng này? Cuối cùng quá nửa đêm sau một cơm mưa rào ngắn trời bớt oi Hồng Liên cũng chìm vào giấc ngủ.
***
Bà tổ trưởng Tổ hợp Khâu may hớn hở đến báo cho Hồng Liên biết là sở ngoại thương đã nhận đặt mua các túi sách sau khi duyệt xét các túi mẫu. Và chuyển ý ông Toàn muốn thảo luận thêm với Hồng Liên để xem chuyện sản xuất số lượng lớn trong một thời gian ngắn có khả thi không, vì vấn đề thêu trang trí cho túi sách có thể đòi hỏi thời gian và nhân công nhiều hơn may túi. Bà cho biết ông Toàn ở ngay trong hẻm Lưu Luyến, sân nhà đủ rộng để chứa vô số cuộn vải may túi sách và nhà hai tầng có chỗ cho nhiều người thêu. Ông sẵn sàng đóng góp vào tình trạng khó khăn chật hẹp phương tiện lúc khởi đầu. Với những hiểu biết về ông Toàn qua vài lần giao tiếp của bà với ông Toàn, bà lạc quan nghĩ rằng mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp. Mấy con hẻm gần nhau này sẽ trở thành một vùng nhỏ sản xuất phồn thịnh trong cái hiện trạng thất nghiệp lan tràn của năm 1977 này chỉ có cách chữa tuyệt vọng là đi vùng kinh tế mới, để rồi ít lâu sau lếch thếch đói rách trở về.
Đến trước căn nhà có hai cánh cổng sắt trước cái sân rộng, Hồng Liên nhìn đúng số rồi bấm chuông. Cánh cửa bên trái của căn nhà kiểu biệt thự cuối sân mở ra. Ông Toàn xuất hiện đon đả bước ra đón Hồng Liên, đưa nàng vào.
-“Cám ơn cô đã đến để xem xét địa điểm và bàn việc khởi động chuyện thêu túi sách, với số lượng lớn do yêu cầu mới, ngoài tổ hợp khâu may của bà Tổ trưởng Tổ hợp khâu may”. Hồng Liên chỉ biết đáp bằng một tiếng “dạ”.
-“Tôi có đi dự buổi đại hội văn nghệ liên khoa trường đại học Kinh thương chào mừng ngày quốc khánh cách đây ít bữa. Và được nghe cô hát. Hai bài mà tôi rất thích là bài “Tự nguyện” và “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Không ngờ cô vẽ giỏi mà còn hát hay nữa. Hát rất tự nhiên, hợp tình hợp cảnh hai bài với tình ý và nhịp điệu khác hẳn nhau. Một bài đơn ca, một bài hợp ca 3 người”. Hồng Liên không tránh khỏi thích thú trong lòng với lời khen này nhưng cũng không biết nói gì, trước người đàn ông từng du học nước ngoài và bặt thiệp, ngoài tiếng “dạ”. “Tôi nghĩ rằng phải dùng chữ ‘trình diễn’ mới đúng hơn là chữ ‘hát’. Theo tôi, có nhiều ca sĩ thực ra chỉ là người có giọng. So sánh đơn giản thì họ chỉ như một dụng cụ phát âm, một nhạc cụ. Hát mà không hiểu sâu sắc ý nghĩa bài hát. Hát sai lời làm trật ý nghĩa bài hát, hay làm cho bài hát trở nên vô nghĩa. Cho nên để bù lại họ hát bằng quần áo, son phấn, giáng điệu lơi lả mời mọc…” Rõ ràng Toàn là một người lẻo mép, Hồng Liên tự nhủ thầm.
Vào đến phòng khách, Toàn mời nàng ngồi vào chiếc sofa bed, rồi ngồi vào chiếc ghế bên cạnh đặt trước chiếc bàn cà phê. Nhìn đồ đạc của căn nhà, Hồng Liên nghĩ chắc chắn căn nhà là của một gia đình hỗn hợp Việt ngoại quốc đã bỏ đi.
-“Tôi nghe bà tổ trưởng Tổ hợp khâu may nói chúng ta sẽ bàn chuyện sản xuất số lượng túi thêu lớn trong thời gian ngắn…” Hồng Liên đi thẳng vào đề để tránh khỏi phải nghe thêm những chuyện dông dài ngoài lề như chuyện hát hỏng và bàn tán về những ca sĩ mà nàng vốn không thích để ý. Giáo dục gia đình đã khiến nàng coi đó là chuyện ngồi lê đôi mách của những bà không có việc làm. Sự bặt thiệp, cái quá khứ du học biết nhiều hiểu rộng, cái vị trí quyền lực hiện tại của Toàn làm Hồng Liên đã rơi vào trong sự dụt dè thụ động lúc mới đến.
-“Xin lỗi, xin lỗi. Đúng vậy. Nhưng vấn đề giải quyết nhu cầu thêu cho một số lượng túi sách lớn thì nói cho đúng theo tôi, chẳng phải cần bàn. Mà chỉ là một câu hỏi. Câu hỏi cho cô, người trách nhiệm việc thêu. Ngắn gọn thôi, và trả lời dễ. Là có tìm được đủ người thêu có khả năng không. May túi thì không khó, vì số người biết ngồi may trước máy thì bà tổ trưởng tổ hợp Khâu may đã nắm vững và biết rõ. Chỉ riêng số người biết thêu là bà không rõ. Có lẽ cô rõ hơn, vì là người đã từng học lớp thêu may và gia chính bà Nguyễn Văn Thiệu bảo trợ. Đúng không cô?”.
-“Thưa đúng, tôi có biết một số người rành việc thêu”. Hồng Liên đáp. “Nhưng sau tháng tư 1975 thì số người này tản mạn khắp nơi và cũng không còn liên lạc, cho nên nếu muốn thì phải tìm. Chuyện tìm rộng rãi thì là chuyện tôi không làm được, mà phải là chuyện của thành phố. Thành phố mà không tìm thì chẳng ai tìm ra. Tìm ra những người này rồi thì việc mượn họ làm không khó vì tình trạng thất nghiệp tràn lan năm 1977 này. Chỉ cần nói lên một tiếng là họ xúm đến để mong được cung cấp việc làm theo khả năng ngay”
-“Cô nói có phần đúng. Đây là lúc mà mình có thể nói theo như sách vở là “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”. Nhưng một cách chính xác thì chỉ có nửa đầu của câu là đúng, nghĩa là “làm theo khả năng”. Còn hưởng theo nhu cầu thì không đúng, hay chưa đúng. Vì nhà nước không lấy gì để trả cho dân có thể hưởng phần nào theo nhu cầu. Theo chủ quan của tôi thì tất cả là bởi vì một quá trình loạn lạc chiến tranh đã kéo dài trên đất nước ta. Tiền nhà nước từ 500 đồng cũ đổi sang 1 đồng mới cũng không giải quyết gì được, dù rằng trên lý thuyết làm như thế là nhà nước thu tóm hết cả tiền của dân vào túi. Khổ nỗi là thu tiền vào túi mà không có khả năng sản xuất hay cung cấp hàng hóa gì cho dân dùng, qua câu nói dân gian “mua cái đinh cũng phải xếp hàng”, thì tiền đó có cũng như không.
“Vả lại, xét về mặt hoàn toàn lý thuyết thì dù cho không có loạn lạc, câu trên cũng chỉ đúng trọn vẹn ở giai đoạn Cộng sản. Mà chúng ta thì thực sự chỉ đang trong giai đoạn quá độ. Nghĩa là chỉ đúng một nửa trên. Nói cho rõ là làm tối đa theo khả năng, còn hưởng được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu”.
Hồng Liên chẳng ưa gì cái luận cứ bào chữa lan man cho những khó khăn thực tế nhà nước gây ra của nhà trí thức sống ở ngoại quốc mê say chủ nghĩa Cộng sản . Mà cũng không cần tìm hiểu làm gì cho mệt. Vì nghe qua là nàng đã biết mục đích cuộc gặp gỡ này rồi. Là ông Toàn chỉ muốn biết khả năng tìm người thêu của mình, khi cần. Cho nên nàng đứng dậy cáo từ đi về. Toàn vội vã nói “Còn chuyện nữa mình chưa có thời gian đề cập là tiếng hát và khả năng diễn tả của cô. Như tôi nói một cách rất thành thực, tự đáy lòng, ngay khi cô mới đến, là rất hay. Cô có thể hát cho nghe lần nữa được không? Bài Tự nguyện thanh thoát trong sáng tuyệt diệu…
-“Cám ơn ông đã quá khen. Nhưng để xin hẹn dịp khác”. Vừa nói nàng vừa tiếp tục tiến ra phía cửa. Toàn rảo bước vượt qua Hồng Liên, đứng chắn ngang trước cửa. Đến trước mặt Toàn, nàng ngừng lại buông mấy tiếng ngắn gọn : “Xin để cho tôi về”. Không nói không rằng Toàn giữ lấy hai vai nàng, nhìn thẳng vào mắt nàng, đổi cách xưng hô “Cho anh nói một câu. Tiếng hát của em, anh mê. Nhưng đúng hơn nữa là anh yêu em, như người ta nói bị sét đánh”. Hồng Liên hoang mang. Không biết phải xử thế nào đối với thái độ đột ngột bất ngờ của người đàn ông từng trải, hơn nàng gần hai chục tuổi, đã lang bạt qua nhiều nước trên thế giới trong đó có Liên Sô vĩ đại và kinh đô Ánh sáng Paris - để mà trả lời cho thích hợp. Thấy ngay sự đắn đo của Hồng Liên, Toàn ôm lấy nàng, hôn nhẹ lên trán Hồng Liên. Nàng xoay mặt, cúi đầu, dứt khoát đẩy Toàn ra. Nhưng không thể ngăn Toàn đẩy lùi nàng từng bước về phía cái sofa, đẩy nàng xuống, và sà xuống theo sát ngay bên. Ập xuống ngực Hồng Liên, tìm lên miệng nàng. Nói thành khẩn từng tiếng: “Rất thành thực, anh phải nói rằng anh không phải là một thanh niên mới lớn chưa hề biết đàn bà. Nhưng anh phải nói rằng anh chưa hề hôn yêu ai. Em có nghe tới cái hôn của người Pháp chưa (French kiss)?. Cái hôn đó anh giành hôm nay cho em. Em cho phép anh chứ?”. Hồng Liên không biết nói sao trước tình thế này. Nếu nói không biết thì tức là gián tiếp cho Toàn biết rằng nàng đồng ý. Còn nói không đồng ý thì liệu Toàn có sẽ sẵn sàng chấp nhận không hôn nàng kiểu Pháp hay không. Không biết. Nàng hối hận là đã nghe bà tổ trưởng tổ hợp Khâu may mà không suy nghĩ đến nhà Toàn, người đàn ông ở một mình, để sự thể đến nước này. Một cách máy móc, nàng cúi đầu xuống dấu mặt đi trong yên lặng. Toàn không vội vã cưỡng ép. Anh ta nhẹ nhàng hôn hít cổ và rồi khắp mặt Hồng Liên. Rồi rơ môi trên miệng Hồng Liên đang e ngại mím chặt. Rồi đẩy cái lưỡi qua làn môi mím của nàng đã lơi ra lúc nào chính Hồng Liên cũng không rõ. Và luồn nó qua giữa hai hàm răng vào tận sâu trong miệng…Khi Toàn lơi ra, thèm muốn nhìn vào mắt Hồng Liên, mà cũng để thấy tác dụng của cái French kiss, thì Hồng Liên như trường hợp một ngọn nến bừng lên rồi chợt tắt, dơ tay lên tát vào má Toàn một cái khá mạnh. Người cán bộ chính trị duy vật lão luyện, ở vị trí quyền lực, và già dặn kinh nghiệm trường đời giật mình biết rằng mình không ở những hoàn cảnh như trong quá khứ, từng hoàn toàn chủ động nắm vững tình hình để thưởng thức như một con mèo vờn chuột nữa. Mà bạo tợn dứt điểm, gấp rút lấn tới trước phản ứng tự vệ của người con gái.
Khi chiếc quần sì líp của nàng bị tụt xuống khỏi mông thì Hồng Liên giật mình níu lại. Và phản đối bằng những tiếng “Đừng! Đừng! Thôi mà!” Nặng tính van vỉ. Tất cả chỉ làm Toàn tăng mạnh ham muốn chiếm đoạt. Những gì xẩy ra tiếp theo và kéo dài bao lâu Hồng Liên không nhớ. Chỉ nhớ lúc thấy lành lạnh và ươn ướt dưới mông, với mùi là lạ ngai ngái đâu đó thoáng bốc lên, là khi trời đã chập choạng tối bên ngoài và trong nhà chưa bật đèn.
Thạch Trung Ẩn
(ngày 4 tháng 3/2023)