Ngày 11/3/2011, Nhật Bản đã bị một thiên tai kép: động đất và sóng thần kinh khủng chẳng ai muốn nhớ. Chi tiết về thiên tai kép tôi đã viết khá tường tận trong bài viết “Nhớ Lại Thảm Họa” và đã được giới thiệu với bạn ta nhiều lần, tôi không nhắc lại. Bạn ta muốn tìm hiểu thêm xin vào đường link.
https://www.facebook.com/takenaga.hisahide/posts/pfbid02v8oegCWkWpM3s9j1WkrQXyv3BEE3kSzAK9FG635PB16tPiQ574Bm8Sers3nQPxCnl
Hôm qua đúng 1 con giáp (12 năm) 11/3/2023 người Nhật lại âu sầu và xúc động. 2 giờ 46, phút, giờ định mệnh, Tất cả mọi nơi, mọi chốn, mọi người đều cùng nhau chấp tay im lặng để tưởng nhớ đến những người đã chết và cầu nguyện cho hơn 2000 người mất tích sẽ sớm “quay về” với gia đình, sự quay về này có thể là vật dụng liên quan, có thể là xương cốt. Các cơ quan Nhật Bản vẫn tiếp tục đi tìm với mong ước là mau chóng trả lại cho gia đình những người có thân nhân mất tích. Vì chỉ có thế tâm tư của người sống mới an tâm, ổn định và linh hồn người chết mới thanh thản ra đi.
Hôm nay, xin giới thiệu với bạn ta những tiếp nối ngay sau 1 tháng thảm họa xảy ra nghĩa là vào tháng 4 và tháng 5/2011. Những chi tiết ngày tháng trong bài viết xin hiểu là vào năm 2011.
-----------------------------
Nhật Bản vẫn tiếp tục rung chuyển (Vũ Đăng Khuê)
Dư Chấn (余震 - Yoshin) hay Hậu Chấn là các chấn động có cường độ nhỏ hơn, phát sinh sau chấn động chính (本震 - Honshin) xảy ra bất cứ lúc nào và chỉ chấm dứt khi áp lực (ứng suất) sinh ra trong các phần nứt-đổ được cân bằng. 11.30 tối ngày 7/4, và 5 giờ 6 phút chiều ngày 11/4, 2 cơn dư chấn cường độ trên 7 tại Miyagi, Fukushima đã làm 6 người chết và vài chục ngôi nhà bị sụp đổ, kéo theo 58 chuỗi chấn động cường độ trên dưới 5 kéo dài suốt trong 2 ngày đó tại ngay Miyagi, Fukushima, Nagano, Shizuoka. Sở Khí Tượng Nhật Bản cho biết: tiếp theo “東北大地震Tohoku Dai Jishin” là hàng trăm chuỗi chấn động xảy ra, những chấn động này không phải chỉ là dư chấn mà còn là động đất vì “Tohoku Dai Jishin” đã (Du Phát - Yuhatsu - 誘発) nghĩa là “mở đường” hay “tạo cơ hội” cho các trận động đất khác tại Ibaraki, Saitama, Tochigi cường độ 5 vào những ngày 16, 17/4.
Bước sang tháng 5 thì số cơn dư chấn, động đất tuy đã giảm nhiều, nhưng tại một vài khu vực Đông Bắc thì vẫn còn rung chuyển với cường độ nhỏ hơn. Một địa danh bỗng được nhiều người biết đến là Fukushima Hamadori (福島浜通り) vì hầu như mỗi khi có tốc báo là tên địa danh này thường ở đầu bảng. Tính luôn tất cả những chấn động nhỏ-lớn, thì trong vòng 2 tháng 4 và 5, Nhật Bản đã phải hứng chịu hàng trăm cơn rung chuyển. Chưa hết, từ giờ trở đi dân Nhật sẽ còn phải cảnh giác dài dài vì xác xuất một cơn động đất lớn gọi là Tokai Jishin (東海地震) mà tâm chấn được tiên đoán là nằm đâu đó trong khu vực Kanto có thể xảy ra trong vòng 30 năm tới. Sở khí tượng vẫn thường xuyên nhắc nhở là phải chuẩn bị đối phó làm sao để ít bị thiệt hại nhất vì có thể “nó” sẽ đến vào ngày mai, tuần sau, tháng tới, sang năm hay lúc nào không biết trước.
Tai nạn lò nguyên tử
Sau khi được thế giới nhất là Pháp và Hoa Kỳ tích cực trợ giúp bằng cách cung cấp các “người máy” gọn và nhẹ điều khiển từ xa, các máy móc để lọc nước bị nhiễm xạ, dụng cụ thanh tẩy bụi phóng xạ v.v.. Tính cho đến nay, tình hình 4 lò nguyên tử của nhà máy Fukushima-1 tuy chưa trở lại tình trạng an toàn, nhưng so với trước thì đã có một vài dấu hiệu sáng sủa. Đầu tháng 5, nhân viên Công Ty Điện Lực Tokyo (TEPCO) đã có thể vào bên trong kiểm tra trực tiếp và những hư hại đã lần lần sáng tỏ.
Xin được tóm lược về các hệ quả cũng như các đối sách trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến tai nạn lò nguyên tử.
Hệ quả
Tai nạn này đã làm những khu vực nông nghiệp nằm trong vòng bán kính 30km của nhà máy Fukushima-1 trở thành đồng không hiu quạnh. Dân trong vùng phải di tản khiến thành phố hoang vắng đến lạnh người, chỉ còn một số gia súc bò, heo, chó, ngựa, gà v.v... chạy lung tung khắp thành phố kiếm ăn, một số đã bị chết vì đói, số còn lại đã, đang và sẽ được “đưa về bên kia thế giới” bằng những mũi chích nhẹ nhàng sau khi được sự đồng ý của khổ chủ. Bụi phóng xạ bay tứ tung lan rộng trên đất liền và biển cả, chính phủ Nhật Bản đã phải ra lệnh ngưng xuất kho sản phẩm nông-thủy sản, ngưng trồng trọt trên các phần đất bị nhiễm xạ. Thảm trạng này kéo theo nhiều tai hại khác mà tiếng Nhật gọi là Fuhyo-higai風評被害, nghĩa là thiệt hại vì tin đồn. Sản phẩm như rau quả, thực phẩm, sữa... của những vùng lân cận Fukushima dù không nằm trong khu vực nhiễm phóng xạ hoặc không nằm trong danh sách bị cấm xuất kho cũng đành phải đem đổ vì chẳng ai dám mua. “Fuhyo higai” này không chỉ trong nước Nhật mà còn lan ra cả nước ngoài. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chế độ kiểm tra thật gắt gao hay tạm ngưng nhập các sản phẩm từ Nhật Bản.
Hàng công nghiệp của Nhật cũng bị hạn chế khá nhiều vì các nhà máy năng lượng, xe hơi, điện tử và nông - hải sản bị thiên tai tàn phá. Một số công xưởng lọc dầu lớn, nhà máy phát điện nguyên tử bị hư hại phải ngừng hoạt động đã đẩy Nhật Bản vào tình trạng thiếu điện trầm trọng, các tuyến đường xe điện phải giảm chuyến, nhiều công trường chế tạo xe hơi, phụ tùng phải ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Các ngành chế tạo hàng điện tử và linh kiện của khu vực đông bắc chiếm 12,2% sản lượng cả nước Nhật cũng đành chịu chung số phận, vì thế nền công nghiệp điện tử Nhật Bản nói chung và thế giới nói riêng đã bị sút giảm nặng nề.
Các tàu đánh bắt thủy sản lớn nhỏ cũng đành phải buông neo nằm chờ vì nước biển bị nhiễm phóng xạ, vì có đánh bắt được cũng chả có nơi tiêu thụ.
Những người dân nằm trong vùng phải di tản dù nhà cửa nguyên vẹn không bị động đất-sóng thần tàn phá tự dưng phải nằm không trong các trại lánh nạn hết tháng này sang tháng nọ. Có nhà không được ở và có đất lại không được cày. Khổ ơi là khổ!
v.v....
--------------------
Đối sách
*Ngày 11/4, Chánh văn phòng nội các Edano thông báo quyết định của chính phủ về phạm vi lánh nạn.
[Khu vực lánh nạn theo kế hoạch] cho những khu vực ngoài vòng bán kính 20km của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 vì lượng phóng xạ tích tụ trong 1 năm có thể trên 20 milli sievert. Các vùng này nằm trong tỉnh Fukushima gồm làng Katsurao mura, xã Namie machi, làng Iitate mura, một phần của xã Kawatama machi và một phần của thành phố Minami Soma. Trong vòng 1 tháng kể từ trung tuần tháng 5, toàn bộ dân cư ở vùng này phải lánh nạn. Ngày 15 tháng 5, kế hoạch này đã được thực thi, ngoại trừ một số ít người nhất định không chịu “rời quê cha đất tổ”, còn lại hầu hết đã được chuyển sang các vùng lận cận.
[Khu vực cần chuẩn bị lánh nạn khi khẩn cấp] là những vùng ngoài từ bán kính 20km cho đến bán kính 30km không nằm trong [Khu vực lánh nạn theo kế hoạch]. Các vùng này cũng thuộc tỉnh Fukushima. Chính phủ khuyến khích những người đang ở khu vực này, nếu có điều kiện tự lánh nạn được thì nên đi. Nếu ở lại thì nên chuẩn bị sẵn để lúc nào cũng có thể lánh nạn ngay được. Các trẻ em, người mang thai hay người đang nhập viện được khuyến cáo nên rời khu vực này..
*Ngày 17/4, TEPCO công bố lộ trình 3 bước để giải quyết tai nạn này. Bước 1 kéo dài từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7, bước 2 mất từ 3-6 tháng và sau đó là bước 3 tập trung giải quyết vào việc hủy bỏ lò nguyên tử. Mục tiêu căn bản của lộ trình này là kiểm soát, duy trì việc làm nguội các thanh nhiên liệu hạt nhân và bể chứa chất thải hạt nhân đã sử dụng, ngăn chặn tối đa lượng phóng xạ thải ra bên ngoài và tẩy trừ ô nhiễm. Tuy nhiên chỉ gần 1 tháng sau, khi phát giác các thanh nhiên liệu trong lò nguyên tử 1 bị tan chảy (melt down) và cũng có thể lò nguyên tử 2, 3 cũng trong tình trạng tương tự, ngày 11/5, TEPCO lại công bố bản lộ trình mới với nhiều thay đổi, nhưng thời gian dự định khắc phục vẫn cố gắng được duy trì như đã công bố trong bản lộ trình trước. Trong khi đó, Hãng Toshiba – công ty chế tạo lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản cho rằng cuộc tháo bỏ các lò nguyên tử của Nhà máy Fukushima-1 sẽ phải mất đến 10 năm.
*Ngày 06/05, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã đề nghị công ty Điện lực Chubu ngưng vận hành nhà máy nguyên tử Hamaoka tại Shizuoka với lý do an toàn cho người dân quanh khu vực. Ông Naoto Kan giải thích: kết quả nghiên cứu của các nhà địa chấn học cho biết, trong vòng 30 năm tới thì xác xuất mà khu vực của nhà máy điện này sẽ phải hứng chịu một trận động đất mạnh 8 độ Richter là 87%. Hơn nữa, nhà máy Hamaoka nằm gần trục giao thông chính 2 miền Kanto và Kansai, nối liền Tokyo (Kanto) và Osaka, Kobe (Kansai). Nếu động đất-sóng thần xảy ra thì sự thiệt hại sẽ gấp nhiều lần so với nhà máy nguyên tử Fukushima, đưa đến những tác động không lường cho toàn thể Nhật Bản.
Theo lời yêu cầu của chính phủ, công ty Điện Lực Chubu đã cho ngưng hoạt động lò số 4 và số 5 của nhà máy phát điện tử Hamaoka. Nhà máy này có 5 lò nguyên tử, lò số 3 đang trong tình trạng tạm ngưng để kiểm tra, còn hai lò số 1 và số 2 đã ngừng hoạt động từ năm 2009. Và như vậy thì toàn thể 5 lò đã ngừng hoạt động từ ngày 14/5. Nhưng việc ngưng hoạt động này chỉ là tạm thời. Nhà máy sẽ hoạt động lại khi công ty điện lực Chubu hoàn tất việc xây dựng đê chắn sóng thần, cải thiện các thiết bị an toàn để ngăn ngừa sóng thần. Thời gian tạm ngưng được dự tính là 2 năm.
*Ngày 10/5 Thủ Tướng Kan Naoto cho biết sẽ xem xét và thay đổi toàn diện chính sách năng lượng hiện tại vốn đặt nặng năng lượng hạt nhân (theo chính sách này thì cho đến năm 2030, Nhật sẽ xây thêm 14 nhà máy điện hạt nhân mới và lượng điện cung cấp từ các nhà máy điện nguyên tử sẽ là 50%). Thay vào đó, sẽ đẩy mạnh và xúc tiến việc sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời, gió v.v... Cho đến năm 2020, mục tiêu mà nguồn năng lượng tự nhiên đạt được sẽ là 20% so với 1,2% trong hiện tại. Dịp này, để nhận một phần trách nhiệm trong việc giải quyết không ổn thỏa tai nạn lò nguyên tử, ông Kan Naoto đã tự nguyện không nhận phần lương thủ tướng kể từ tháng 6 (khoảng 11,000 mỹ kim/tháng)
*Ngày 11/5, sau khi tuyên bố chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả tai nạn lò nguyên tử, Chính phủ Nhật Bản đã công bố chương trình bồi thường cụ thể vì chính sách năng lượng hạt nhân là chính sách quốc gia. Trên nguyên tắc, TEPCO sẽ phải chịu hoàn toàn ngân khoản bồi thường, nhưng vì số tiền quá lớn nên chính phủ sẽ dùng ngân qũy quốc gia ứng trước và TEPCO sẽ phải trả dần dần. Theo dự định thì trong tháng 5 sẽ trả xong các khoản bồi thường tạm thời cho những người phải lánh nạn, từ cuối tháng 5 sẽ trả khoản bồi thường tạm thời cho nông dân và ngư dân. Và việc chi trả toàn bộ tiền bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện vào mùa Thu năm nay. Cho đến giữa tháng 7, sẽ tổ chức kiểm tra sức khỏe ngắn hạn, dài hạn cho người lánh nạn, đến giữa tháng 8 sẽ hoàn tất việc xây dựng 15.200 căn nhà tạm cho những người phải đi lánh nạn hay sẽ đi lánh nạn.
Phục hồi
Theo thống kê của chính phủ Nhật công bố ngày 23/3, thảm nạn vừa qua đã gây thiệt hại ước tính lên tới 25.000 tỷ yen (309 tỷ USD). Đó là chỉ mới tính những thiệt hại trực tiếp về hệ thống đường xá, nhà cửa, nhà máy và các cơ sở hạ tầng, chứ chưa tính thiệt hại về kinh tế bắt nguồn từ tình trạng thiếu điện hay ảnh hưởng của tai nạn lò nguyên tử Fukushima.
Và 2 tháng đã trôi qua, với cố gắng của “quân-dân-cán-chính”, nhất là của hơn 100.000 binh sĩ lực lượng Tự Vệ Đội, Nhật Bản đang nỗ lực phục hồi. Trừ một vài nơi bị tan hoang trọn vẹn, các tuyến đường giao thông nối tới các vùng bị nạn đã được khai thông, các ống dẫn ga (khí đốt), điện, nước, điện thoại... đã được nối trở lại, các nhà máy cũng đã đi vào hoạt động. Nhưng thiên tai lần này thật là khủng khiếp, vì thế dấu tích của sự tàn phá hầu như còn nguyên vẹn, những bãi rác khổng lồ dài hàng cây số vẫn còn chất đống trên đất liền hay ngổn ngang trên mặt biển, tất cả mới chỉ được vun lại thành đống cho gọn để lấy lối lưu thông. Công tác phục hồi đã gặp rất nhiều trở ngại, chẳng hạn như phải lấy đất trống ở đâu để “chôn”, để “đốt” khoảng 2 triệu 800.000 tấn rác đủ loại trong một thời gian tương đối ngắn để còn lấy .... đất phục hưng. Chưa hết, khó khăn lớn nhất của Nhật Bản hiện nay phải vượt qua là trích từ ngân khoản nào nguồn tài chính dùng cho việc phục hồi, tái thiết?
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, nếu dựa vào ngân sách dự bị hàng năm sẽ như muối bỏ biển, chắc chắn trong các niên khóa tài chánh sang năm hoặc nhiều năm sau nữa, chính phủ Nhật sẽ phải tính đến chuyện tăng thuế. Đa số người dân đều tán đồng việc tăng thuế, nhưng tăng như thế nào thì chính phủ cần phải có những giải thích hợp tình hợp lý. Trong lúc chờ đợi, sau nhiều lần điều chỉnh với các đảng đối lập, ngân sách bổ sung lần thứ 1 tài khóa 2011 là 4153 tỷ yên, đã được quốc hội thông qua ngày 2 tháng 5. Trong đó, 315,9 tỷ dùng để dọn dẹp rác rến trên đất liền và mặt biển, 1200 tỷ dùng để khôi phục đường xá, hải cảng, đất nông nghiệp và xây dựng 72.000 căn nhà tạm và những khoản khác.... Nguồn thu trong ngân sách bổ sung lần này được cắt từ các khoản: tạm ngưng lệ phí miễn cao tốc, hoãn tăng trợ cấp trẻ em thêm 7000 yen/tháng, giảm lương dân biểu quốc hội; giảm 10% ngân sách ODA (55 tỷ Yên), mượn trước ngân khoản quỹ tiền hưu bổng v.v...
Ngoài ra, phải cần 3 - 4 đợt ngân sách bổ sung và tổng kinh phí sẽ lên tới con số từ khoảng 10.000 tới 20.000 tỷ Yên (120 - 240 tỷ USD), gấp 3-4 lần ngân sách đã dùng cho trận động đất Hanshin - Kobe 1995.
-----------------------------------------------
Khó khăn về một cuộc phục hưng kể ra thì không hết, nhưng ý chí của toàn thể “quân-dân-cán-chính” là sẵn sàng “chấp nhận những điều không thể chấp nhận” rất mãnh liệt; vốn là một đất nước đã từng vươn lên từ đổ vỡ, cộng thêm nguồn lực kỹ thuật, kinh nghiệm dồi dào, mọi người đều tin rằng dân tộc Nhật sẽ vượt qua tất cả, nhanh chóng đưa Nhật Bản trở lại vị trí của một siêu cường mạnh hơn và ..... kinh nghiệm nhiều hơn trước.
Nhật Bản Cố gắng lên – Nippon Gambare.
V.Đ.K (tháng 5/2011)