Nhật Bản hay gọi văn hoa một chút là Thái Dương Thần Nữ là nước có người theo Thiên Chúa Giáo ít ơi là ít, chỉ chiếm 0,35% tức là khoảng 445,000 trên 124 triệu người. Tại những nhà thờ địa phương thì ngày lễ “Mừng Chúa Ra Đời” này có nơi giáo dân xứ “ngoại” lại đông hơn giáo dân xứ “Nội” , nhưng Noel hay Christmas đã trở thành ngày lễ quốc tế nên toàn thể “quân dân cán chính” trên khắp “4 vùng chiến thuật”, ai nấy đều hân hoan chào đón. Người Công Giáo và người không Công Giáo tuy tâm tình chào mừng hơi khác, một đằng thì xem ngày Chúa giáng thế trong đêm lạnh lẽo là một hồng ân của Thượng Đế ban cho để cứu rỗi nhân loại. Người không phải Thiên Chúa Giáo thì đón mừng trong một tâm trạng hân hoan, lạc quan vui vẻ, tận hưởng những khoảnh khắc đầy ý nghĩa bên gia đình và người thân, nhưng có một điểm chung vì đây là dịp hạnh ngộ, là dịp tỏ tình, là dịp cho quà cho con cháu là dịp…trả lễ cho nhau.
Harajuku (Tokyo) là nơi có một chỗ linh thiêng với đền (明治神宮)Meiji Jingu, sinh viên du học của tụi tôi thời thập niên 60, 70 ở Kanto thì chắc chắn ai cũng biết và đã từng ghé qua. Gọi là linh thiêng vì ngay đêm giao thừa Tết Tây (31/12) họ đến đây với hy vọng “cầu gì được đó”, đông nghẹt vì đoàn người phải di chuyển từng bước một, nối đuôi nhau đi đến chánh điện, chấp tay lâm râm khấn nguyện vài câu và rút lui để người khác tiến lên. Đây cũng có thể xem là hình thức hái lộc đầu năm, đi xin xăm xin quẻ như quân ta ở Việt Nam đi Cầu Thanh Đắc Lộc ở Lăng Ông vậy. Nhưng vào mấy năm nay, ngoài ngày giao thừa, vào mùa Giáng Sinh Meiji Jingu cũng rợp trời với từng đoàn người qua lại. Những ánh đèn chớp tắt, các ông già Noel râu trắng “chào hàng” không ngừng nghỉ, các hàng quán đông nghẹt, bà con chen nhau chúc vui, đánh tay nhau, ôm chầm lấy nhau làm như đã ….bao ngày xa cách. Nói tóm lại không khí Noel cùa Meiji Jingu nói riêng và toàn Tokyo nói chung rợp trời ánh sáng. Đẹp lắm bạn ta, không ngôn từ nào có thể diễn tả được cái đẹp muôn màu ấy.
-----
Suốt ngày hôm qua, hôm nay tôi nhận được khá nhiều lời chúc của đông đảo bạn bè, nào là chúc vui, chúc khỏe mạnh, đón Noel yên ấm bên gia đình vân vân và vân vân. Chân thành cám ơn tất cả. Xin có một vài chia sẻ với bạn ta về hai bản nhạc.
Jingle Bells
Có lẽ quân ta, quân bạn trên toàn “vũ trụ” này không ai là không biết tuyệt tác “Jingle Bells”, có thể đã nghe, có thể hát theo và có thể nhép và nhịp theo như …tôi chẳng hạn, vì âm điệu rộn ràng, vui tươi của bài hát. Theo bác Google thì bài này do nhạc sĩ James S. Pierpont, người Mỹ sáng tác từ….200 năm trước (1840), dành riêng cho dịp Lễ Tạ Ơn, nhưng không hiểu vì sao nhạc phẩm này lại được cất vang vào dịp “Mừng Chúa Ra Đời”. Tên ban đầu của Jingle Bells là One Horse Open Sleigh nhưng qua thời gian đã được sửa lại thành Jingle Bells... Có thêm một điều khá thú vị là lời hát tiếng Anh, không hề có một chữ nào nói về “Christmas” hay “Noel” cả, hay những “ngôn từ” nào biểu hiện cho Giáng Sinh cả, ngoại trừ…..”Snow” (Tuyết). Xem nhé:
“…Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh what fun, it is to ride
In a one horse open sleigh
Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh what fun, it is to ride
In a one horse open sleigh…”
“…Dashing through the snow
In a one horse open sleigh
O’er the fields we go
Laughing all the way
Bells on bob tails ring
Making spirits bright
What fun it is to laugh and sing
A sleighing song tonight…”
https://www.youtube.com/watch?v=4YBGRGBj7_w
Bài hát được chuyển ngữ sang cả trăm thứ tiếng. Tiếng Nhật cũng có, Tiếng Việt cũng nhiều chắc bạn ta đã nghe qua, tôi không nhắc lại. Từ bài này tôi lại nhớ bài Thánh Ca của Việt Nam mà không người nào là không biết:
Hang Bê Lem.
Tôi đón cái Noel cuối cùng tại Việt Nam cũng đã 52 năm trước. Sau buổi chiều đi cùng với bố tôi ra nhà thờ Thánh Giuse Bàn Cờ để tập cầm nến, hát thánh ca cho ngày lễ lớn, về đến nhà có một tên bạn cùng xóm ở đơn vị “dù” về để đón giáng sinh, ông này là binh nhất Thủy Quân Lục Chiến tiểu đoàn 1 Quái Điểu. Nó đến nhà và rủ tôi bát phố Saigon. Bố tôi cho phép, nhưng dặn là phải về trước 11 giờ. Hắn dùng chiếc xe Honda 60 mượn của ai đó, lạng qua lạng lại quanh khu phố của Nhà Thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành. Công nhận những ngày này xe cộ đông như kiến, đường phố vang tiếng bóp còi từ các đoàn xe gắn máy. Khung cảnh thật náo nhiệt, tôi cố gắng ghi lại trong đầu những hình ảnh cuối của Giáng Sinh Saigon, vì 5 ngày sau tôi đã lên đường sang Nhật. Sau một hồi vi vút với tên bạn trên yên xe, tôi đã bình an vô sự về nhà và có mặt trong nhóm người cầm nến khi cha dâng lễ ở nhà thờ Bàn Cờ thánh Giuse. Đến cuối chương trình thì ca đoàn nhà thờ có cả bố tôi cùng với giáo dân cất tiếng khiến tôi lặng cả người:
https://www.youtube.com/watch?v=ppNq6je51QM
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Belem ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát Thiên Thần vang lừng
Đàn hát (réo rắt tiếng hát)
Xướng ca (dư âm vang xa)
Đây Chúa Thiên Toà giáng sinh vì ta
Người hỡi (hãy kíp bước tới)
Đến xem (nơi hang Belem)
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn
1.
Nửa đêm Thiên Chúa giáng sinh ra chốn dương trần
Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Belem Thiên Thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hoà
2.
Nửa đêm Thiên Chúa giáng sinh ra chốn gian trần
Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Belem chiên lừa thở hơi
Tan giá đêm đông ấm thân con người
Mùa Giáng Sinh thì thánh ca Việt Nam thường có 3 bài hát rất quen thuộc: “Cao Cung Lên”, “Trời Cao hãy đổ sương xuống” và “Hang Bê Lem”. Hai bài đầu thì mang tính thính phòng, nhưng bài hát Hang Bê Lem của nhạc sĩ Hải Linh khi “nhập” vào người thì bài hát thường mang đến cảm giác nhẹ nhàng và thư thái, cảm thấy bình yên và thoải mái đến lịm cả người. Lời ca tình cảm của bài hát có thể khiến người nghe có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng tràn đầy ấm áp. Tôi mê bài này như điếu đổ và lúc nào cũng chuẩn bị tư thế hát theo khi nghe bài hát,
Nếu “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương là một quốc ca cho ngày Tết, thì “Hang Bê Lem” của Hải Linh phải là một quốc ca cho ngày “Mừng Chúa Ra Đời”.
Và lễ giáng sinh năm đó (1971) cũng là lúc tôi xa hẳn cội nguồn, tên bạn Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh trong những trận chiến vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Trong hoàn cảnh hiện tại, rất khó cho tôi để tìm lại những tâm tình quá đẹp của những ngày tháng đó. Hôm nay 24/12, tôi xem lễ và cùng mẹ cháu hát theo bài hát “Hang Bê Lem” để tìm chút tâm tình ngày xưa được chút nào hay chút đó. Không phải, hôm nay chỉ là lễ Vọng, ngày mai (25/12) mới là lễ Giáng Sinh. Không dám xin Chúa mà chỉ mong Chúa tha thứ lỗi lầm vì đã bỏ chúa quá lâu.
Merry Christmas Bạn Ta!
Vũ Đăng Khuê
-----------------
Theo một tài liệu của web nhạcxưa.VN thì nhạc phẩm Hang Bêlem là của nhạc sĩ Hải Linh. Tuy nhiên sẽ có ít người biết về người nhạc sĩ sáng tác bài hát này. Nhạc sư Hải Linh, Tên thật là Trần Văn Linh, tên thánh là Phanxicô, sinh năm 1920 tại làng Ứng Luật, phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, địa phận Phát Diệm. Năm 20 tuổi, ông vào học tại trường Thầy Giảng (Bùi Chu) và sau đó được giữ lại để dạy Pháp văn và âm nhạc tại trường. Đây là thời gian ông bắt đầu sáng tác một số bài hát đạo cũng như đời. Nhắc tới Hải Linh không thể không nhắc tới nhạc phẩm “Hang Bêlem”, sáng tác cho mùa Giáng sinh 1945. Chính tác giả đã điều khiển ca đoàn nhà thờ chánh tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm ấy.