NỖI BUỒN CUỐI NĂM (Khánh Vân)
Sau ngày ThanksGiving, trời tối rất sớm, trong nhà già mọi sinh hoạt hầu như ngưng lại khoảng sau 6 giờ tối mọi người đều vào phòng riêng đóng cửa lại.
Mọi người di chuyển bằng gậy bốn chân hay bằng xe lăn đều về phòng ngủ rất sớm khoảng 6 giờ tối để ngày mai lại sinh hoạt thật sớm một ngày mớ , xuống phòng ăn để ăn sáng thật sớm để lại bắt đầu một ngày mới.
Phòng trong nhà già của chúng tôi chật chội, chỉ có đủ chỗ cho những gì thật cần thiết... vài khung hình nhỏ ngày cưới ,hình gia đình có đủ các con cháu hội họp và một số sách rất nhỏ.
Nhà Tôi rất thích đọc sách, đọc, viết và dậy là những việc Anh say mê. Trong nhà mấy năm trước tủ sách kê khắp nơi, bạn bè thường nói là nếu động đất thì không có chỗ mà bước vì quá nhiều sách. Ba năm trước chúng tôi đã biếu Viện Việt Học tủ sách của Nhà Tôi. Khi chuyến xe đầu tiên chở sách đi, tôi tránh mặt để âm thầm khóc... khóc vì biết rằng như vậy Nhà Tôi sẽ không viết nữa vì nghiên cứu mà không có sách thì làm sao viết được nữa, nhất là khi viết Anh ấy thường rất kỹ, có khi một chữ mà phải tra ba bốn cuốn tự điển. Tâm đầu ý hợp, thông cảm , Nhà Giáo Trần Thế Đức từ bên xa Úc Châu, đã viết cho Nhà Tôi khi biết chúng tôi biếu tủ sách cho Viện Việt Học “ Như Vậy Thày không viết nữa rồi! ”, nhăc lại chuyện này tôi không dằn được bùi ngùi xúc động vì với Nhà Tôi, với Phạm Cao Dương, viết và đọc là cả cuộc đời của Anh.
Chúng tôi vẫn giữ tấm thiệp chúc Tết năm Quý Mão của Ông bạn y sĩ lâu đời gần bẩy thập niên. Ông cùng tuổi với Nhà tôi, là Anh của cô bạn thuở học trò của tôi, Ông mồ côi Mẹ thưở lên mười, Nhà Tôi mồ côi Cha cũng vào tuổi lên mười. Ông là một y sĩ nổi tiếng, nguyên Giáo Sư Trường Đại Học Y Khoa Saigon đã trên xa tuổi 80, gần tuổi 90 mà vẫn hăng hái hoạt động như những người bạn trẻ hơn cả vài chục tuổi vì Ông vẫn mong có ngày được về lại quê hương Việt Nam thanh bình.
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao là câu hát có lẽ bao nhiêu người ở tuổi 70, 80, 90 ước nguyện mong ước trong đời.
Chiều nay sau khi đọc cuốn “Ba Sinh Hương Lửa” của Nhà Văn Doãn Quốc Sĩ Nhà Tôi hát đi hát lại bài hát “ Giã Từ Vũ Khí “ của Nhạc Sĩ Nhật Ngân
Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi
Ngoài con tim héo em ơi !
Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lổ châu mai với những địa lôi
Ðã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ
Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre
Ðã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong rêu
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống
Ðể có một ngày, có một ngày cho chúng mình
Ta lại gặp ta, còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao la.
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu.
Tôi vẫn biết sâu trong tâm tư Nhà Tôi luôn mong có một ngày Anh có thể đưa tôi về lại Nam Định để cùng nhìn ngắm con sông Nam Định, con sông mà hồi thơ ấu Anh hay bơi cùng các bạn của Anh. Từ năm 1954, từ khi rời xa dòng sông ấy, vài tháng nữa 70 năm, bảy thập niên, Anh đã không bao giờ trở lại ... Tôi thường nói đùa với Anh “ River Of No Return” ... trong trí nhớ tôi liên tưởng nhớ phim này đóng bởi tài tử nổi tiếng Robert Mitchum và Marilyn Monroe, nếu tôi nhớ không lầm cũng vào năm 1954 thì phải. Bây giờ thì muộn quá rồi, ước vọng “Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao “ mãi mãi không thành!.
Trường Đại Học Sư Phạm Saigon là nhiệm sở trước 30/4/1975 của rất nhiều người bạn cũng như của chúng tôi, bây giờ sau gần nửa thế kỷ rất nhiều vị đã vĩnh viễn ra đi.
Cuối năm thật là xúc động nhớ lại thời trước 30/4/1975, gần nửa thế kỷ !
(Khánh Vân Phạm)