LỊCH SỬ VIỆT NAM
Thơ Nguyễn Sơn Đảo
North Carolina, ngày...tháng...năm Nhâm Dần 2022
*
"Tục truyền rằng giống Tiên Rồng
Bao đời tắm gội máu hồng sử xanh
Mẹ hiền sinh đấng hùng anh
Xây nền tự chủ rạng danh nước nhà"
NƯỚC VĂN LANG
Kể từ lịch sử dân ta
Vua Hùng dựng nước tên là Văn Lang
Lập ra phép tắc vua quan
Võ quan Lạc Tướng văn quan Lạc Hầu
Quan Bồ Chính nhỏ đầu tàu
Địa phương mỗi vị dịp cầu dân gian
Nam con vua gọi Quan Lang
Nữ con vua gọi Mỵ Nương tước đời
Cha truyền trai trưởng nối ngôi
Chăm lo việc nước thay Trời trị dân
Dưới vua là các quần thần
Chung tay xây dựng góp phần mai sau
Đóng đô ở đất Phong Châu
Chia mười lăm bộ kề nhau nối vì
Đến đời mười tám vận suy
Xui ông Thục Phán cướp đi ngai vàng
HỌ HỒNG BÀNG
Cứ vào truyền sử Hồng Bàng
Đế Minh là cháu Thần Nông ba đời
Phương Nam tuần thú vui chơi
Thương nàng tiên Ngũ Lĩnh thời kết duyên
Sinh trai Lộc Tục ngoan hiền
Phong con trưởng thứ mỗi miền một vương
Đế Nghi trai trưởng Bắc phương
Thứ trai Lộc Tục, Nam phương vẫy vùng
Kinh Dương Vương Lộc Tục xưng
Nước tên Xích Quỷ đất trưng bản đồ
Bắc biên giới Động Đình hồ
Hướng Nam biên ải nước Hồ Tôn ranh
Đông, Nam Hải bể bao quanh
Phía Tây, Ba Thục rừng xanh cõi bờ
Cưới nàng Long Động Đình hồ
Phu thê hòa thuận ước mơ thế trần
Sinh Sùng Lãm Lạc Long Quân
Lên ngôi kết mối tình thân tiên rồng
Cùng Âu Cơ nghĩa vợ chồng
Sinh ra một bọc Lạc Hồng trăm con *
"Người dưới nước, kẻ trên non"
Sống chung xung khắc hao mòn lạt phai
Lạc Long Quân mới chia hai
Mỗi bên tìm kế sinh nhai một vùng
Năm mươi lên mạn núi rừng
Năm mươi mạn bể thôn đồng miên man
Thuận Trời con trưởng sai sang
Phương Nam dựng nước Văn Lang vua Hùng
Tục ăn trầu với nhuộm rang
Xăm mình múa trống nông tang ở sàn
* Lạc Hồng = Lạc Long Quân, họ Hồng Bàng.
TRUYỆN CỔ TÍCH HỒNG BÀNG
Tìm về cổ tích Hồng Bàng
Đời vua thứ nhất sử quan chép rằng
Làm nghề chài lưới ven song
Bị thuồng luồng hại vua Hùng bảo dân
Giã chàm pha mực vẽ thân
Để lừa giống ấy khó phân biệt mình
PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
Hương Phù Đổng bộ Vũ Ninh
Đời Hùng thứ sáu dân tình nguy nan
Giặc Ân hung mạnh tràn sang
Không ai chống nổi vua ban lệnh truyền
Sứ rao dân chúng mọi miền
Tìm người tài đức dẹp yên giặc này
Tới làng Phù Đổng lạ thay
Anh nhi ba tuổi xung tay tưởng đùa
Bế về tâu lại cùng vua
Vua cười vui vẻ bảo đưa bé vào
Hỏi nhà ngươi biết ra sao
Giặc Ân hung bạo kế nào phá đi
Thưa rằng bệ hạ lo chi
Một roi ngựa sắt thần thì dẹp tan
Chờ roi ngựa đúc sẵn sàng
Vươn vai một cái kinh hoàng vua quan
Thân cao một trượng hiên ngang
Vung roi thúc ngựa lên đàng đánh Ân
Hai bên tướng sĩ dạ rân
Giặc Ân sợ hãi lui quân cấp thời
Đuổi xuôi xả giặc yên đời
Ngựa người biến mất vào trời Sóc sơn
Nhà vua cảm động tiếc thương
Phong là Phù Đổng Thiên Vương lập đền
Hiện nay còn vẫn lưu truyền
Tháng Tư mồng Tám hội đền nhớ ơn
BÁNH DÀY BÁNH CHƯNG
Sau khi đánh dẹp giặc Ân
Vua Hùng chú trọng việc tân quân đành
Truyền Quan Lang đến dự tranh
Ai làm được món ngon lành lạ hay
Nói lên ý nghĩa cỗ bày
Thì vua sẽ chọn lên ngai nối giòng
Các Quan Lang thế như rồng
Đua nhau đi tới núi rừng đảo xa
Sơn hào hải vị tìm ra
Với hy vọng được vua cha hài lòng
Riêng con mười tám vua Hùng
Tiết Liêu hiền hiếu thảo cùng mẹ cha
Chọn nơi thôn dã là nhà
Mẹ đà mất sớm cậy bà vú chăm
Ngày đêm lo lắng buồn tâm
Một hôm mộng thấy thần thầm mách cho
Này con đừng có âu lo
100. Không gì bằng gạo ấm no con người
Lấy làm bánh tượng Đất Trời
Sinh thành dưỡng dục ở đời lá, nhân
Nhớ lời chỉ dạy của thần
Tiết Liêu ngâm gạo nếp mần bánh chưng
Tượng hình Đất bánh hình vuông
Lá dong xanh gói nếp nương nhân vàng *
Tượng hình Cha Mẹ cưu mang
Thương yêu đùm bọc hết lòng vì con
Giã xôi làm bánh hình tròn
Tượng hình Trời trắng ngần non bánh dày
Đến ngày chấm điểm sum vầy
Của ngon vật lạ cỗ đầy mâm bưng
Tiết Liêu hai bánh dày chưng
Vua cha thấy vậy hỏi chừng là sao
Liền đem chuyện mộng thần vào
Kể ra chi tiết Trời cao Đất dày
Công ơn Cha Mẹ là đây
Ngụ trong ý đẹp bánh dày bánh chưng
Vua cha nếm thử vui mừng
Ban cho ngôi báu truyền chung Tết này
Cúng Trời Đất Tổ Tiên bày
Trên mâm của lễ bánh dầy bánh chưng
* Nếp nương hay (nếp cái hoa vàng) trồng ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Phần.
SƠN TINH, THỦY TINH
Tích đời mười tám Hùng vương
Mỵ Nương tính nết khiêm nhường đẹp xinh
Chàng Sơn Tinh với Thủy Tinh
Cả hai đều muốn có tình ý riêng
Vua rằng ai có nhân duyên
Ngày mai tới trước con hiền ta ban
Hôm sau sính lễ đem sang
Sơn Tinh lẹ bước kiệu vàng Mỵ Nương
Thủy Tinh để mất người thương
Làm ra gió nổi mưa tuôn lũ trào
Sơn Tinh làm núi lên cao
Nước dâng nhiêu trượng núi bao nấy tầm
Và dùng sấm sét ầm ầm
Từ trên liên tiếp búa tầm sét vung
Thủy Tinh rút nước về song
Hẹn Thu sau lại mưa tuôn sấm đùng
Học về truyền sử Lạc Hồng
Là tìm gốc tích cội nguồn dân ta
Ban đầu mờ mịt sử gia
Tục truyền ôn lại viết ra cho đời
Nước nào cũng vậy mà thôi
Có Thần Tiên Thánh chủng nòi vẻ vang
"Ai thì biết thuở hồng hoang
Ta từ đâu đến vương mang cõi phàm"
THỤC PHÁN - AN DƯƠNG VƯƠNG
(257 TCN - 207 TCN)
Lật trang sách họ Hồng Bàng
Xem tình thế của ngai vàng Thục gia
Thục trong sử sách dân ta
Không là Ba Thục người Hoa đến mà
Dẫn y như sử China
Nhà Tần ngày ấy chiếm Ba Thục rồi
Thêm vào đường sá xa xôi
Núi sông ngăn trở khó thời làm nên
Thục là họ Phán là tên
Họ nào độc lập ở liền nước ta
Sử Hùng mười tám ghi là
Mỵ Nương nhan sắc mặn mà dễ thương
Có người danh phận Thục Vương
Nghe tin sai sứ cầu hôn không thành
Sinh lòng đố kỵ tranh giành
Dặn con cháu lấy kinh thành Văn Lang
Cháu là Phán dẫn quân sang
Đánh thua nhiều trận bị tan rã về
Vua Hùng rồi cứ lề mề
Bỏ bê triều chính rượu chè vui chơi
Khi quân Thục kéo đến nơi
Say mềm chưa tỉnh bề tôi đầu hàng
Vua Hùng mất nước Văn Lang
Tự trầm xuống giếng tỏ lòng ăn năn
Sau này vua Thục nhớ ơn *
Xây đền quốc tổ Hùng vương lưu đời
Tháng Ba âm lịch mồng Mười
Hàng năm làm lễ giỗ Người thượng hương
* "Đền thờ quốc tổ Hùng Vương được xây ở phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt từ đời vua
Thục, An Dương Vương". (Trích Anh Hùng Nước Tôi, trang 44, NXB Đông Tiến).
NƯỚC ÂU LẠC
Dẹp yên binh loạn bốn phương
Lên ngôi niên hiệu An Dương cầm quyền *
Hai năm bảy trước công nguyên (257 TCN)
Nước tên Âu Lạc đô miền Phong Khê
Dân cư trù mật đi về
Tiện nghề chài lưới chăm bề ruộng nương
Đến năm Bính Ngọ Thục Vương (255 TCN)
Đào hào đắp lũy xẻ mương xây thành
Ngoài vào trộn ốc xoáy quanh
Cho nên ta gọi là thành Cổ Loa
Thăng trầm vận nước trải qua
Vẫn còn dấu tích thành Loa Lạc Hồng
Tục truyền vua Thục khởi công
Yêu ma quấy nhiễu xây xong đổ thành
Lập đàn vua khẩn cầu lành
Thần Kim Quy giúp xây thành mới nên
Lại cho một cái móng chân
Làm cò lẫy gọi nỏ thần Kim Quy
Giặc vào bắn phát thị uy
Tên bay hàng loạt giết đi chục ngàn
An Dương khai phá mở mang
Rộng lên phía Bắc sang phần Quảng Tây **
Biên cương Âu Lạc đo đầy
Một phần Tượng Quận cấy cày nông gia
* Thục Phán làm vua 50 năm (?).
** "Lãnh thổ nước ta dưới thời Thục Phán đã mở rộng lên phía Bắc, gồm một phần đất
Tượng Quận của Quảng Tây". (Trích Anh Hùng Nước Tôi, trang 44).
NHÀ TẦN XÂM LƯỢC
(214 TCN - 210 TCN)
Cùng thời vua Thục bên ta
200. Nhà Tần thống nhất China bỉnh quyền
Hai mười bốn trước công nguyên (214 TCN)
Thủy Hoàng nhòm ngó đất miền Lĩnh Nam
Sai Đồ Thư tướng chinh Nam
Đánh quân Bách Việt chiếm thành lấy dân
An Dương Vương cũng phục Tần
Vua Tần sắp đặt quan quân chia làm
Quế Lâm quận hướng Tây Nam
Hướng Đông quận thứ hai Nam Hải và
Hướng Nam Tượng Quận nước ta
Nhưng dân bản xứ lánh xa người Tàu
Giống giòng Bách Việt rủ nhau
Kéo vào rừng ở ít lâu quân Tần
Không quen thủy thổ suy dần
Tinh thần sa sút bịnh hành liên mien
Người dân Bách Việt nổi lên
Chém Đồ Thư chết Lâu Thuyền vỡ tan *
* Lâu Thuyền = thuyền có lầu
MƯU KẾ TRIỆU ĐÀ
Năm Tân Mão vận Tần tàn (210 TCN)
Thủy Hoàng thác bọn quyền thần nôn nao
Bấy giờ quan úy Nhâm Ngao
Quận Nam Hải muốn vươn cao cơ đồ
Chiếm Âu Lạc nhập dưới cờ
Lập nhà nước tự chủ bờ cõi Nam
Nhưng hoài bão lớn chưa làm
Úy Nhâm Ngao mất Triệu Đà lên thay
Rắp tâm đeo đuổi việc này
Dùng con Trọng Thủy ý bày thầm sâu
Cưới công chúa Thục Mỵ Châu
Dò la sự thể tình đầu nước ta
Nghĩ phò mã hỏi vui qua
Mỵ Châu mau miệng nói ra nỏ thần
Trúng ngay diệu kế hòa thân
Nào hay chồng tráo móng chân lẫy cò
Khư khư Trọng Thủy giả đò
Tôi về bên nớ âu lo cho nàng
Sợ mai chiến địa đôi đàng
Người Nam kẻ Bắc tìm nàng ở mô
Mỵ Châu lòng vẫn ngây thơ
Áo em lông ngỗng phòng hờ bên ni *
Bứt lông em rải đường đi
Chàng theo dấu ấy có chi buồn rầu
Giã nàng muôn dặm vó câu
Linh Quang Kim Trảo... Nỏ tâu Triệu Đà **
Biết rành tình thế nước ta
Nhằm năm Quý Tỵ Triệu Đà xuất quân
Thục Vương cậy có nỏ thần
Đợi quân Triệu áp đến gần bắn ra
Không ngờ thua trí sui gia
Lẫy cò bị tráo nỏ đà hết linh
An Dương Vương bỏ cung đình
Vội cùng công chúa bôn trình vào Nam
Tới chân Mộ Dạ - Nghệ An
Kề nơi bờ biển khấn thần Kim Quy
Triệu Đà bám sát lâm nguy
Xin thần chỉ dẫn đường đi lánh nàn
Kim Quy báo ngã ba đàng
Mỵ Châu để dấu cho chồng nga mao
Vua An Dương tức nghẹn ngào
Vung gươm chém Mỵ Châu nào được an
Nỗi niềm bào xé tâm can
Biển xanh Mộ Dạ - Nghệ An gieo mình ***
Nóng lòng Trọng Thủy xua binh
Ngựa phi kíp quá khắc tình phu thê
Gặp nhau trong cảnh não nề
Lặng ôm xác vợ trở về Cổ Loa
Sai người cấp táng hương hoa
Rồi ra nhảy giếng thành Loa theo nàng
Triệu Đà sao nỡ phũ phàng
Tranh nhau thế lợi chả màng con duyên
* bên ni bên nớ : bên này sông, bên kia sông. Không biết ranh giới thời Triệu Đà - vua
Thục. Xin mạn phép dùng hai từ Ni và Nớ của người miền Trung để nhớ về sông Gianh
và sông Bến Hải thời Trịnh-Nguyễn phân tranh và Quốc-Cộng chia lìa.
** Nỏ Thần còn gọi là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ.
*** Nay ở trên núi Mộ Dạ, gần xã Cao Ái, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An có đền thờ
An Dương vương. Ở đấy có nhiều cây cối và chim công, cho nên tục gọi là đền công
hay cuông.
NƯỚC NAM VIỆT
(207 TCN - 111 TCN)
1)- TRIỆU ĐÀ - TRIỆU VŨ VƯƠNG
(207 TCN - 137 TCN)
Hai không bảy trước công nguyên (207 TCN)
Mưu gian Trọng Thủy thắng liền Thục Vương
Triệu Đà xưng Triệu Vũ Vương *
Lên ngôi cai trị quần hùng phương Nam
Nước ta Nam Hải lân bang
Nhập thành Nam Việt hiên ngang cứ hùng
Đóng đô ở đất Phiên Ngung
Ung dung việc nước dập khuôn mẫu Tàu
Tinh thần độc lập phai mau
Chư hầu nghi vấn gốc Tàu mà ra
* Triệu Đà làm vua 70 năm (?).
XÃ HỘI NƯỚC TÀU
(đời tam đại và đời Tần)
PHONG KIẾN
Tạm thời gác chuyện Triệu gia
Lướt xem phong kiến ngàn xa xưa Tàu
Mỗi châu một vị đứng đầu
Gọi là vua nước chư hầu địa phương
Phải thần phục cống Tàu vương
Mỗi đời số tiểu quốc thường khác nhau
Như vua Hạ hội chư hầu
Có hàng vạn nước đến chầu Đồ Sơn
Khi nhà Chu thắng Trụ Vương
Tám trăm cả thảy Vũ Vương chia làm
Công Hầu Bá Tử và Nam
Bảy mươi người được vua ban chư hầu
Nước trăm dặm tước Công Hầu *
Bảy mươi tước Bá tước cầu Tử Nam
Nước năm mươi dặm lại ban
Phụ Dung nước nhỏ hơn hàng Tử Nam
* Nước hơn 100 dặm gọi là đại quốc (tước Công và tước Hầu), hơn 70 dặm lả trung quốc
(tước Bá), hơn 50 dặm là tiểu quốc (tước Tử và tước Nam) và nước nhỏ hơn 50 dặm gọi
là nước Phụ Dung.
QUAN CHẾ
Nhà Chu quan chế sáu Quan *
Mỗi Quan có sáu mươi quan đổ đồng
Là ba trăm sáu mươi ông
Địa Thiên Xuân Hạ Thu Đông lục giòng
Thái: sư, phó, bảo tam công
300. Thiếu: sư, phó, bảo tam cô đại thần
Để bàn việc nước an dân
Chứ về hành chính không can dự phần
* - Sáu quan là Địa quan, Thiên quan, Xuân quan, Hạ quan, Thu quan và Đông quan.
- Tam công là thái sư, thái phó, thái bảo.
- Tam cô là thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo.
PHÁP CHẾ
Ân Chu pháp chế chặt chân
Đánh roi da xích tù nhân gọt đầu
Lăng trì mổ muối vạc dầu
Xé thây phơi xác bêu đầu .v.v....
BINH CHẾ
Về binh chế của Chu quân
Năm người một Ngũ, Ngũ nhân năm là
Hăm lăm một Lượng chia ra
Tốt là bốn Lượng, Lữ là năm trăm
Một Sư là Lữ nhân năm
Nhân năm Sư lấy số làm một Quân
Nước Thiên Tử có sáu Quân
Chư hầu lớn, nhỏ, vừa phân biệt là
Ba Quân cho đại quốc và
Hai cho trung quốc tiểu là một Quân
Việc binh chế ở trong dân
Tám nhà một Tỉnh, Tỉnh nhân bốn là
Băm hai một Ấp tính ra
Khâu là bốn Ấp, Điện là bốn Khâu
Điện thì phụ trách như nhau
Binh xa một cỗ số đầu quân tram
Tải khiêng đồ nặng hăm lăm
Bảy hai bộ tốt, giáp dăm ba còn
Bò mười hai, ngựa bốn con
Lúc cần phục dịch nước non mọi miền
ĐIỀN CHẾ
Ân Chu dùng phép tỉnh điền
Chia hình chữ Tỉnh tư điền tám khu
Công điền ở giữa một khu
Tám nhà một tỉnh công tư cày bừa
Công chừa hoa lợi đức vua
Tới đời Chiến Quốc các vua Ngụy Tần
Lý Khôi nước Ngụy canh tân
Đất không định hạn bắt dân rán mần
Công Tôn Ưởng tướng nhà Tần
Mở thiên mạch bỏ Chu Ân tỉnh điền
Mọi người tự tiện làm nên
Phép chia từ đó dần liền mất đi
HỌC THUẬT
Học linh hai cấp Chu ghi
Tiểu thì tám tuổi, đại thì mười lăm
Thi thư lễ nhạc siêng chăm
Kính trên ứng đối trọng tăm tiếng đời
Nhà Chu học đã thịnh rồi
Đến Xuân Thu có lắm người tài danh
Khổng bàn hiếu đễ nghĩa nhân
Dương Chu vị kỷ thiệt thân không làm
Lẽ kiêm ái Mặc Địch bàn
Hàn Phi, Thân Bất Hại bàn trị dân
Lão bàn đạo các triết nhân
Điền Biền, Quỷ Cốc.v..v...mỗi người
Xướng ra một thuyết dạy đời
Để cho hậu thế những lời lẽ hay
PHONG TỤC
Nước Tàu gốc sự cấy cày
Nuôi tằm dệt lụa thêu may vá rành
Bán buôn họp chợ tinh lanh
Lưới chài săn bắn đồ sành sứ quen
Gia đình nghiêm lắm dưới trên
Yêu nhau cùng họ cấm duyên vợ chồng
Con theo cha, vợ theo chồng
Gái trai bảy tuổi là không được nằm
Ăn ngồi một chiếu một mâm
Việc thờ phụng Tổ Tiên tâm chí thành
Nhà vua thường cũng lập đàn
Nam Giao tế Thượng Đế ban thái bình
Xem thì tam đại văn minh
Cuối Chu suy nổi đao binh chư hầu
Xuân Thu, Chiến Quốc chia bâu
Sau Tần thống nhất nước Tàu biến thiên
Bỏ phong kiến phép tỉnh điền
Lập ra quận huyện cấm truyền bá nho
Cốt dùng pháp luật trợ cho
Uy quyền chính trị mà gò bó dân
Đang khi phong tục cải lần
Xảy tranh chấp Hán Sở Tần xót xa
VŨ VƯƠNG THỤ PHONG NHÀ HÁN
Vào triều vua Triệu Vũ ta
Tình hình chiến sự China thoái dần
Bá Vương Hạng Võ trừ Tần
Lưu Bang diệt Sở dân lành thở yên
Hai không hai trước công nguyên (202 TCN)
Lên ngôi xưng Trẫm bỉnh quyền Bắc phương
Tức Cao Tổ Hán gia vương
Định quan chế đặt kỷ cương trị đời
Tới năm Ất Tỵ đương thời (196 TCN)
Thấy nhà Triệu cứ đất trời Lĩnh Nam
Lưu Bang nổi tiếng dâm tham *
Bèn sai Lục Giả sang đàm thí vương
Vũ Vương bản tính quật cường
Không thần phục Hán nhậm vương chư hầu
Đến nơi Lục Giả vô chầu
Vũ Vương tĩnh tọa cưỡng cầu cạnh căng
Bấy giờ Lục Giả nói rằng
"Nhà vua nguyên gốc tóc răng người Tàu
Họ hàng mồ mả cuống nhau
Ở châu Chân Định lẽ nào ganh đua
Nay nhà Hán đã làm vua
Triệu vương kháng cự sứ thừa lệnh phong
E là Hán đế không dung
Ba đời mồ mả họ hàng chẳng an"
Vũ vương nghe thế vội vàng
400. Đứng lên làm lễ tạ ân nói là
"Chắc gì Hán đế hơn ta
Nếu ta khởi nghiệp bên nhà một khi"
* Dựa theo sử sách và phim ảnh của Tàu
VŨ VƯƠNG XƯNG ĐẾ
Thời gian cống phẩm trôi đi
Một vài năm nhẫn nhục thì cũng qua
Hán Cao Tổ đế băng hà
Lâm phiên bà Lã hậu ra đoạt quyền
Nghe lời xàm tấu nhỏ nhen
Cấm thương buôn bán vàng điền khí kim
Bao ngày nuốt hận nằm im
Bỗng nay bà Lã hậu kìm kẹp thêm
Vũ Vương bực tức trổi lên
Tự xưng hoàng đế ở miền Lĩnh Nam
Rồi đem binh mã tràn sang
Chiếm Tràng Sa quận danh vang nức vùng
Hán triều nổi giận đùng đùng
Đem quân sang đánh tranh hùng một phen
Đường xa thủy thổ không quen
Quân Tàu thảm bại ho hen kéo về
Vũ vương thanh thế trăm bề
Oai phong lừng lẫy cận kề trước sau
Đi đâu xe ngựa quân hầu
Làm theo nghi vệ vua Tàu kém chi
VŨ VƯƠNG THẦN PHỤC NHÀ HÁN
Đến khi bà Lã hậu thì
Thác vua Văn đế trị vì Trung Hoa
Bèn sai Lục Giả đưa qua
Thư khuyên vua Triệu Vũ ta thán rằng:
"Trẫm là con trắc thất vua Cao đế
phụng mệnh ra trị nước Đại
vì non sông cách trở, thẹn mình phác lậu
Cho nên lâu nay chưa từng đưa thư sang hỏi thăm nhà vua
Từ khi đức Cao đế xa bỏ quần thần
đức Huệ đế qua đời
bà Cao hậu lâm triều không may bị bệnh
để cho họ Lữ chuyên quyền
toan đem con họ khác để nối vì đức Huệ đế
May nhờ nhà Tông miếu linh thiêng
các công thần ra sức dẹp kẻ tiếm nghịch
Trẫm vì các vương hầu cùng bách quan cố ép
cho nên phải lên ngôi hoàng đế
Mới rồi trẫm nghe nhà vua
có đưa thư cho Long Lư hầu nhắn tin
và xin anh em họ hàng ở quận Chân Định
và xin bãi binh ở quận Trường Sa
Trẫm cũng nghe lời thư của nhà vua
thì đã bảo tướng quân Bác Dương hầu bãi binh về
còn anh em họ hàng nhà vua ở Chân Định
thì trẫm đã cho người thăm nom
lại sai sửa sang phần mộ nhà vua thật là tử tế
Thế mà vừa rồi trẫm nghe nhà vua
còn đem quân quấy nhiễu ngoài biên
quận Trường Sa thật khổ
mà Nam quận lại còn khổ hơn
Làm như thế, nước nhà vua
có chắc lợi được một mình không
Tất là tướng tá quân sĩ chết nhiều
làm cho vợ người goá chồng
con người mồ côi bố
cha mẹ mất con
được một mất mười
trẫm không lòng nào nỡ làm như vậy
Vả lại được đất nhà vua cũng không lấy làm to
được của nhà vua cũng không đủ làm giàu
Vậy từ phía Nam núi Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự trị lấy
Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu
hai bên cùng là đế quốc
mà không sai sứ giao thông
thế chẳng hoá ra ganh nhau ư
ganh nhau mà không nhường
thì người nhân không làm
Trẫm nay xin cùng nhà vua gác bỏ điều cũ
từ rày trở đi thông sứ như xưa
Vậy trẫm sai Lục Giả sang đem ý trẫm
khuyên nhà vua nên nghe
chứ làm chi nhiều sự cướp bóc tai hại "
Đọc thư hoàng đế Tàu xong
Những lời tử tế xiêu lòng Vũ vương
Nay nhờ bệ hạ đoái thương
Lão phu dẫu chết xương không nát rời
Vậy xin thần phục con Trời
Và xin cống phẩm y lời đã khuyên
2)- TRIỆU VĂN VƯƠNG
(137 TCN - 125 TCN)
Một băm bảy trước công nguyên (137 TCN)
Vũ Vương tạ thế ngôi truyền đích tôn
Tên Hồ tức Triệu Văn Vương *
Tính tình nhu nhược tầm thường việc quân
Hồ làm vua được nhị xuân
Vua Mân Việt quấy phá dân biên thùy
Án binh không dám động gì
Sang Tàu cầu cứu hành vi lạ đời
Hán triều sai tướng Vương Khôi
Và Hàn Anh Quốc tới nơi biên thùy
Quân Mân Việt khiếp sợ uy
Giết vua đem thủ cấp quy hàng Tàu
Bình yên Mân Việt vua Tàu
Bèn cho Trang Trợ dụ chầu Văn vương
Nhưng đình thần cản khuyên lơn
Để Anh Tề thế phụ vương sang chầu
Anh Tề sống ở bên Tàu
Phải lòng Cù Thị vui bầu lương duyên
3)- TRIỆU MINH VƯƠNG
(125 TCN - 113 TCN)
Một hăm lăm trước công nguyên (125 TCN)
Triệu Văn Vương quá cố bên Tàu về
Lo cha an táng giữ lề
Lên ngôi cai trị Anh Tề xưng vương
Lấy niên hiệu Triệu Minh Vương
Lập con Cù Thị là Hưng kế vì
Lập con bà vợ lẽ thì
Bàn dân thiên hạ xầm xì tất nhiên
4)- TRIỆU AI VƯƠNG
(113 TCN - 112 TCN)
Một mười ba trước công nguyên (113 TCN)
Triệu Minh Vương chết bước lên bệ nhường
Cải nguyên là Triệu Ai vương
Có An Quốc Thiếu Quý sang dụ chầu
Thỏa lòng mong đợi đã lâu
Người tình xưa gặp gỡ nhau nơi này
Lửa gần rơm bén chẳng hay *
Tư thông thái hậu thẹn thay sứ Tàu
Cả hai ý hợp tâm đầu
Xúi Ai vương hiến cho Tàu nước ta
Bấy giờ tể tướng Lữ Gia
Can ngăn không được mới ra hịch rằng
Vua và Cù thái hậu dâng
Nước Nam cho bọn ngoại bang Hán rồi
Lữ Gia tụ tập mấy người
Bàn nhau đem cấm binh mời Ai Vương
Sứ Tàu, Cù Thị giết luôn
Đoạn tôn Kiến Đức nối nguồn Triệu Vương
* Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.
5)- TRIỆU DƯƠNG VƯƠNG
(112 TCN - 111 TCN)
Là con trưởng của Minh Vương
Lên ngôi niên hiệu Triệu Dương cầm quyền
Một mười hai trước công nguyên (112 TCN)
Có quan thái phó tôi hiền Lữ Gia
Phò vua giữ nước non nhà
Hán đà tức giận sai Hàn Thiên Thu
Đem quân sang đánh báo thù
Lữ Gia đón chém Thiên Thu trận tiền
Nhận tin Hán Vũ Vương truyền
Tướng quân Lộ Bác Đức miền Quế Dương
Tướng Dương Bộc huyện Dự Chương
Tướng quân Hạ Lại quận Thương Ngô cùng
Quân Qua Thuyền huyện Linh Lăng *
Và quân Việt nước Dạ Lang năm miền
Chia làm ngũ đạo bộ thuyền
Tiến sang Nam Việt lấy Phiên Ngung thành
Quân Nam Việt quyết phân tranh
Nhưng không chống nổi bỏ thành vào Nam
Triệu Dương Vương chạy dọc đàng
Hán quân đuổi bắt vua quan chịu hình
Nhớ xưa lập quốc phân minh
Dân Nam kiến tạo triều đình riêng ta
Đến nay giặc Hán vô nhà
500. Ách tròng lệ thuộc dân mà được yên
Một mười một trước công nguyên (111 TCN)
Non sông Lạc Việt rồng tiên ngậm ngùi
* Qua thuyền = thuyền có gắn mũi qua.
BỘ GIAO CHỈ
(111 TCN - 203) BẮC THUỘC LẦN THỨ NHẤT
(111 TCN - 39)
Vua Tàu chiếm nước Nam rồi
Đổi Giao Chỉ Bộ di dời mốc ranh
Chia ra làm chín quận thành *
Bổ quan thái thú điều hành cơ ngơi
Thêm quan thứ sử trông coi
Lăng xăng giám sát mọi nơi dân lành
Riêng Giao Chỉ quận Tàu đành
Để quyền thế tập các quan Lạc mìền **
* Nam Hải, Hợp Phố (Quảng Đông). Thương Ngô, Uất Lâm (Quảng Châu) Giao Chỉ,
Cửu Chân, Nhật Nam (Bắc và Bắc Trung Việt). Châu Nhai, Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam).
** Thế tập = hưởng tước vị của ông cha truyền lại.
NÔ LỆ NHÀ TÂY HÁN
(111 TCN - 9)
Viên quan thứ sử trước tiên
Tên là Thạch Đái cầm quyền Bộ Giao
Họ sang cai trị thế nào
Người dân lam lũ ra sao thời này
Sử không ghi chép từ đây
Khi Tây Hán mất về tay quyền thần
NHÀ TÂN
(9 - 23)
Lập ra triều đại nhà Tân
Một vua duy nhất bỉnh quyền China
Từ năm chín đến hăm ba
Rồi Vương Mãng bị giết nhà Hán lên
Vua Canh Thủy Đế Lưu Huyền
Xích Mi hạ bệ đưa Bồn Tử lên
NÔ LỆ NHÀ ĐÔNG HÁN
(25 - 220)
Sau vua Quang Vũ dẹp yên (25)
Lục Lâm, phe đảng cầm quyền ít lâu
Tính gần thế kỷ rưỡi đâu
Vào năm hăm chín sử Tàu mới ghi (29)
Là vua Vương Mãng lên ngôi
Các quan Giao Chỉ không rời quận châu
Không thần phục cống phẩm Tàu
Đến khi Quang Vũ khởi mào trung hưng
Thì ông Đặng Nhượng, Tích Quang
Và ông Đỗ Mục mới sang cống chầu
Có hai quan thái thú Tàu
Trị dân nhân chính thuở đầu công nguyen
Một là thái thú Nhâm Diên
Dạy dân trồng lúa canh điền khẩn hoang
Còn người tên gọi Tích Quang
Lấy điều đạo lý luân thường dạy dân
Dạy về tương ái tương thân
Lễ nghi hiếu đễ nghĩa nhân học hành
Cứ vào sử sách Hoa đình
Lần đầu Bắc thuộc dân tình vẫn an
Thấy không chứng cớ lạm bàn
Nước Tàu pha chủng nhà Nam để nòi
Xa xôi hiểm trở núi đồi
Hồ đầm sông suối ở đời Hán cai
Trí chưa thấu hiểu đường dài
Tâm còn gắn bó đoái hoài cố hương
Ông bà cha mẹ thân thương
Vợ con cô bác họ hường khúc nhôi
BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA
Đến năm Kiến Võ thứ mười
Là năm băm bốn đổi đời dân Nam (34)
Tay Tô Định thái thú sang
Bạo tàn dữ tợn gian tham hết lời
Vào năm Canh Tý tháng Hai (40)
Giết Thi Sách thủ lĩnh người Châu Diên
Vợ ông Trưng Trắc thay quyền
Cùng em Trưng Nhị nổi lên chống Tàu
Đuổi Tô Định chiếm Luy Lâu
Các nơi hưởng ứng đứng sau hai bà
"Tinh thần quật khởi vang ca
Lên đường đánh giặc cứu nhà lầm than"
Cửu Chân, Hợp Phố, Nhật Nam
Chẳng bao lâu hạ sáu lăm thành trì
TRƯNG NỮ VƯƠNG
(40 - 43)
Giang sơn quằn gánh bước đi
Nam hoa họa dải biên thùy bình minh *
Đóng đô ở đất Mê Linh
Xưng Trưng Vương chú việc chinh chiến Tàu
Đúng như dự liệu lo âu
Cuối xuân Tân Sửu vua Tàu sai sang (41)
Phục Ba Mã Viện khôn ngoan
Đi men bờ bể làm đàng tiến quân
Dưới thuyền trên ngựa vác khuân
Tới vùng Lãng Bạc đụng quân vua Bà
Hai năm giáp mặt can qua
Giặc Tàu mạnh ép quân ta rút về
Bài binh bố trận Cẩm Khê
Giặc vây thít chặt tứ bề nguy nan
Quân ta yếu thế vỡ tan
Hai bà tuẫn tiết nơi vàm Hát giang (43)
Cuốn trong hồn nước sông Nam
Tấm gương Trưng nữ phá hàng ngoại xâm
Như trăng tỏa sáng đêm rằm
Ánh đăng soi lối thuyền dầm đêm mưa
Ba năm khởi nghĩa tranh đua
Vua tôi Quang Vũ sớm trưa ủ rầu
Đủ là để tiếng thơm lâu
Nữ anh hùng Việt đối đầu Hán vương
Đời đời con cháu tiếc thương
Xây đền ghi tạc thắp hương nhị Bà
Ngày mồng Sáu tháng Hai ta
Hàng năm làm giỗ vua Bà nhớ ơn
* Nam: phương Nam, nước VN, người VN. Hoa: bông hoa, chỉ người con gái. Nam hoa
là gái nước Nam, phụ nữ Việt Nam. Trích "Cao Đài Tự Điển. soạn giả Đức Nguyên".
BẮC THUỘC LẦN 2
(43 - 541)
Phục Ba thắng được Trưng Vương
Đem Giao Chỉ Bộ thuộc Đông Hán rồi
Khởi binh đàn áp các nơi
Đến đâu thành lũy cải đời xứ ta
Dập khuôn chính trị China
Dựng cây đồng trụ truyền là Cổ Lâu *
Sáu từ bện lại một câu
600. "Cây đồng trụ đổ mất Giao Chỉ nòi" **
Dân Nam phản ứng rạch ròi
Mỗi lần hòn đá vun bồi lúc qua
Lâu ngày chỗ ấy còn là
Núi Giao Chỉ phủ Phục Ba cột đồng
Mưu mô Mã Viện uổng công
Không còn ai biết trụ đồng ở đâu
Kể từ Mã Viện mà đau
Dân lam lũ vất vả sầu khó phai
Lớp mò đáy biển ngọc trai
Lớp sừng tê giác ngà voi giữa rừng
Lê dân Hợp Phố khốn cùng
Nhọc nhằn tìm chốn tạm dung lánh nàn
Cơ hàn tay xách nách mang
Đắng cay chịu đựng khóc than ai màng
Cho nên trộm cắp lan tràn
Khổ càng tân khổ điêu tàn xác xơ
Quan cai trị cứ tha hồ
Hè nhau vơ vét thừa cơ hại người
* Tương truyền ở động Cổ Lâu, châu Khâm làm giới hạn nhà Hán.
** "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt".
ĐẤU TRANH CỦA LÝ TIẾN VÀ LÝ CẦM
(184 - 189)
Dân đen bất hạnh rã rời
Cộng thêm trí thức cuộc đời buồn tênh
Học hành đỗ đạt tinh anh
Không cho bổ nhiệm công danh như Tàu
Mãi hơn một thế kỷ sau
Đến thời Linh Đế bên Tàu mới ban
Một người bản xứ làm quan
Là ông Lý Tiến không an phận đành
Vào chầu tấu sớ lên trình
Ta và Tàu có sự bình đẳng nhau
Bổ làm quan ở Trung Châu
Nhưng Linh Đế đọc vài câu phán truyền
Mậu tài và đậu hiếu liêm
Chỉ làm lại thuộc quanh miền đất Nam
Lý Cầm túc vệ chẳng cam
Rủ vài Bách Việt vào toan giập đầu
Kêu cầu thảm thiết vua Tàu
Mới ưng phê thuận sớ tâu khiếu nài
Hiếu liêm hoặc đỗ mậu tài
Được làm quan lệnh trong ngoài các châu
Hạ Dương, Lục Hợp xanh màu
Đến Trương Trọng thái thú châu Kim Thành
Tiền nhân ta có học hành
Dù trong lồng vẫn đấu tranh nước mình
Cuối đời Đông Hán tình hình
Bốn phương loạn lạc triều đình bó tay
Dân Giao Chỉ bộ lúc này
Có ông Sĩ Nhiếp đức dày mưu cao
Họp anh em ruột bảo nhau
Giữ yên các quận binh đao tạm thời
Vua giờ tợ thể áo tơi
Gian thần nhiếp vị mím môi nhún nhường
Sử ghi Đổng Trác dọc đường
Thấy dân tụ hội Lạc Dương rước thần
Trác bèn sai bọn quan quân
Là nam giết sạch nữ phân nô tì
Lôi về tướng sĩ tuỳ nghi
Để làm nô lệ bán đi mặc tình
Mới hay giặc giã nảy sinh
Nổi lên cướp bóc hoành hành xấu xa
GIAO CHÂU
(203 - 264)
Vào năm Hiến Đế thứ ba (203)
Trương Tân, Sĩ Nhiếp cùng hoà sớ tâu
Bộ Giao Chỉ cải Giao Châu
Vua Đông Hán duyệt sớ tâu thuận là
Đa phần ngòi bút sử gia
Thường khen văn học của nhà Việt ta
Khởi từ ông Sĩ Nhiếp ra
Nhưng e không vững ý đà khác sau
Hán sang Giao Chỉ đã lâu
Trải ba thế kỷ chữ Tàu học hay
Dân rày có lắm mậu tài
Hiếu liêm suốt quãng đường dài Bắc phương
Chắc là cần dụng hiền lương
Thì ông Sĩ Nhiếp chủ trương hợp quần
Để tâm khai trí cho dân
Nên nhà viết sử tri ân cạn lời
Tổ tiên Sĩ Nhiếp xưa rời
Vấn Dương, Lỗ đến Thương Ngô lánh nàn
Cha làm thái thú Nhật Nam
Cho ông theo đuổi học hành kinh sư
Sách chuyên Lã Thị Xuân Thu *
Hiếu liêm đỗ đạt thượng thư lang đầu
Việc quan phải cách về sau
Mậu tài thái thú thấm sâu đất minh
Là người phấn chí công minh
Tận tình dẫn dụ dân sinh học đường
Tư văn làng nước mến thương
Tôn là học tổ Sĩ vương với đời
* Sĩ Nhiếp về kinh sư theo học Lưu Tử Kỳ, người Dĩnh Xuyên, chuyên trị sách Lã Thị
Xuân Thu là sách của thừa tướng Lã Bất Vi, nhà Tần.
ĐỜI TAM QUỐC
(220 - 265)
Khi nhà Đông Hán mất ngôi
Bên Tàu tình thế khắp nơi rối bời
Bắc, Tào Tháo chiếm thiên thời
Phía Nam địa lợi cơ ngơi Tôn Quyền
Nhân hòa Lưu Bị, Tây Xuyên
Thế thành chân vạc nhắm miền trung nguyên
NÔ LỆ ĐÔNG NGÔ
(222 - 280)
Giao Châu thuộc đất Tôn Quyền
Tuy rằng Sĩ Nhiếp uy quyền bấy lâu
Vẫn theo lệ cống vua Tàu
Nay nhà Hán mục nát cầu Đông Ngô
Làm quan đức độ dân nhờ
Quy tiên Bính Ngọ mập mờ Sĩ Huy (226)
Con trai Sĩ Nhiếp kiêu kỳ
700. Xưng làm thái thú lờ đi Tôn Quyền
Tôn Quyền ngồi đứng chẳng yên
Đem Giao Châu cắt hai liền như sau
Bắc ranh Hợp Phố, Quảng Châu
Nam ra Hợp Phố, Giao Châu vạch đường
Quảng Châu, Lữ Đại một phương
Giao Châu thứ sử Đái Lương một vì
Và sai thái thú Trần Thì
Sang thay Sĩ Nhiếp kể gì Sĩ Huy
Đái Lương đi với Trần Thì
Đến thành Hợp Phố Sĩ Huy cản đàng
Tức thời Lữ Đại tiến sang
Dàn quân áp đáo chiêu hàng Sĩ Huy
Bất tài không khéo tính suy
Cùng năm huynh đệ Sĩ Huy đầu hàng
Sĩ Huy, Lữ Đại chém ngang
Anh em phải tội gông quàng về Ngô
Tôn Quyền trong bụng mở cờ *
Quảng, Giao nhâp lại cõi bờ một châu
Ban cho Lữ Đại công đầu
Chức quan thứ sử Giao châu góp phần
Đem binh mã đánh Cửu Chân
Phong Giao châu mục trụ thần Đông Ngô
* Mừng như mở cờ trong bụng.
BÀ TRIỆU KHỞI NGHĨA
(245 - 248)
Quan cai trị Hán hay Ngô
Thảy đều rặt giống tham ô bạo tàn
Dân tình đói khổ lầm than
Quặn lòng trai tráng tìm đàng hiến thân
Bấy giờ Nông Cống - Cửu Chân
Nam hoa họ Triệu mộ quân phất cờ
Bồ côi từ thuở ấu thơ
Anh quyền thế phụ chăm lo đỡ đần
(Chắc Bà tự học võ văn
Mới nên việc võ việc văn để lời) *
Tuổi đôi mươi ước mơ đời
Thương dân mến nước lẻ loi dặm trường
Là người chí khí quật cường
Có nhiều mưu kế đảm đương binh quyền
Khi vào trong núi tụ hiền
Cùng ngàn tráng sĩ thề nguyền tử sanh
Người anh Quốc Đạt khuyên ngăn
Thì Bà khảng khái muốn rằng tôi đây
"Cưỡi cơn gió mạnh tuông mây
Bể đông đạp sóng dữ xoay chém kình
Cõi bờ quét sạch Ngô binh
Cứu dân thoát cảnh điêu linh giặc Tàu
Chứ không bắt chước cúi đầu
Cong lưng tì thiếp để hầu người ta"
Ba năm rèn luyện đã qua
Hai trăm bốn tám anh Bà xuất quân (248)
Đánh thành Tư Phố - Cửu Chân
Giúp anh Bà cũng đem quân lấy thành
Quần hùng dưới trướng của anh
Thấy Bà can đảm dụng binh lạ thường
Giáo gươm lớp lớp đường đường
Cưỡi voi mặc áo giáp vàng xông pha
Cổ cao ba ngấn nõn nà
Oai phong dáng dấp tiên nga mỹ miều
Ba quân tin phục mến yêu
Tôn làm chủ gọi Nhụy Kiều Tướng Quân
Sợ quân khởi nghĩa lan dần
Ngô sai Lục Dận đem quân làm càn
Sẵn quân tăng viện tám ngàn
Cậy đông thế mạnh dốc toàn lực công
Tiên phong hậu tập xây vòng
Tiếng la át tiếng trống đồng Cửu Chân
Hai bên từng bước tranh phân
Đánh nhau sáu tháng Ngô quân chết nhiều
Chua cay Lục Dận làm liều
Nhắm về đức hạnh Nhụy Kiều Tướng Quân
Bắt quân lính cởi áo quần
Xua vô chiến trận đụng quân cố cùng
Giở trò "ở lỗ ăn lông"
Thế bà Triệu thẹn tránh đàng hiển nhiên
Lui quân tới xã Bồ Điền
Thì Bà tuẫn tiết giữ tuyền đoan trinh
Cùng anh giong ruổi chiến chinh
Hai mươi ba tuổi quên mình vì dân
Nhớ ơn trung dũng tiền nhân
Sau vua Nam Đế sai dân lập đền
Phong là "Trinh nhất phu nhân **
Tài năng xuất sắc hiến thân cho đời
Võ công giúp nước tạo thời
Cương cường oanh liệt rạng ngời non sông"
Đến nay Triệu Lộc núi Tùng
Vẫn còn di tích đề công trạng Bà
Ngày Hăm Mốt tháng Hai ta
Hàng năm làm giỗ nhớ bà Triệu ơn
Thắng quân Lệ Hải Bà Vương ***
Quan Ngô vẫn thói viêm lương bạo tàn
Người Giao Châu tụ tập bàn
Giết Ngô thái thú ra hàng Ngụy vương
* "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông, quét
sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu
khom lưng làm tì thiếp cho người ta.
** "Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân".
*** Lệ Hải Bà Vương môt tên khác của bà Triệu được dân tôn.
GIAO CHÂU KHUYẾT
(264 - 679)
Hai trăm sáu bốn lệ thường (264)
Các vua Tàu vốn lo lường dã tâm
Ngô Tôn Hạo lấy Uất Lâm
Thương Ngô, Nam Hải chia làm Quảng châu
(Thật thì không biết thời nào
Có câu cảnh giác với Tầu lòng tham)
Còn là Hợp Phố, Nhật Nam *
Cửu Chân, Giao Chỉ chia làm Giao Châu
Đặt Phiên Ngung trị Quảng Châu
800. Long Biên châu trị Giao Châu mỗi rường
Nước Nam Việt Triệu Vũ Vương
Từ đây đôi ngả lụy phường Hán nhơn
* Hợp Phố: không biết nhập vào lãnh thổ Tàu từ khi nào (?).
NGÔ - TẤN CHIẾN TRANH
Vào năm Ất Dậu Tấn Vương (265)
Cướp ngôi nhà Ngụy lấn đường Giao Châu
Sáu năm Ngô, Tấn chém nhau
Hai trăm bảy mốt Tấn cau mày về (271)
Đất lành cây trái sum sê
Chim kêu ríu rít bờ đê ngõ làng
Chức Giao Châu Mục giần sàng
Lọt tay thứ sử Đào Hoàng, Đông Ngô
NÔ LỆ NHÀ TẤN
(280 - 420)
Đến năm hai tám zéro (280)
Vận nhà Tấn thịnh nhà Ngô mạt tàn
Quan Giao Châu Mục Đào Hoàng
Nghe lời Tôn Hạo xin hàng Tấn Vương
Được vua Tư Mã Viêm nương *
Cho lưu chức cũ chăn vùng dân ta
Sau khi thống nhất sơn hà
Thấy nhà Nguỵ mất chính là thế cô
Tấn Vương mộng lớn cơ đồ
Đại phong chức béo bở cho họ hường
Sai ra giữ các địa phương
Nhưng vì lẽ ấy thân vương lộng hành
Làm cho cốt nhục tương tàn
Mà ngôi vua cũng dần dần nhược đi.
* Tư Mã Viêm là vị vua đầu tiên của nhà Tấn.
LOẠN NGŨ HỒ
Gặp thời Tấn nội loạn suy
Người Nhung Địch lợi thế thì nổi lên *
Như ong vỡ tổ đua chen
Khắp vùng Tây Bắc đến miền Trường giang
Thảy mười sáu nước dọc ngang **
Yên Tần Hạ Hán Triệu Lương...tranh giành
** Ngũ Hồ là 5 rợ: Hung Nô và rợ Yết (Mông Cổ), rợ Tiên Ti (Mãn Châu), rợ Chi
và rợ Khương (Tây Tạng). Gọi chung là người Nhung Địch.
*** Nước Triệu, nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, nước Hán. ...v.v...
Cả thảy trước sau đến 16 nước. Gọi là loạn Ngũ Hồ.
NHÀ HẬU TẤN
Năm mươi năm Tấn quyền hành
Giang sơn còn lại tòa thành Kiến Khang
Do Tư Mã Duệ tướng quan
Là người cai trị chu toàn Giang Nam
Được nhiều mưu sĩ trung cang
Xả thân ủng hộ ngai vàng Tấn vương
Dựng lên đế nghiệp triều cương
Tức nhà hậu Tấn tự cường Đông Nam
Giao Châu vẫn thuộc Tấn quan
Cũng như quan Hán Ngô gian một thày
Làm cho dân khổ đọa đày
Xem ra chẳng có người ngay nhân từ
Trong quan nhiễu hại mệt đừ
Ngoài người Lâm Ấp quấy nhừ phía Nam
Tràn sang cướp bóc tan hoang
Cửu Chân với quận Nhật Nam nhiều lần
Sau Lâm Ấp gọi Chiêm Thành
Ranh Chân Lạp đến Nhật Nam bấy giờ
Khi nhà Tấn lấy Đông Ngô
Điều quân số hợp thế cờ quận châu
Đào Hoàng dâng sớ về tâu
"Phạm Hùng Lâm Ấp tâm đầu Phù Nam
Thường hay đánh phá Nhật Nam
Nay tài binh sẽ mưu toan chiếm thành"
Dân ta chất phác hiền lành
Khác người Lâm Ấp lấn cành lân bang
Sách Khâm Định Việt Sử bàn
"Vào đời Hòa đế, Nhâm Dần, Nhật Nam (102)
Phía Nam có huyện Tượng Lâm
Hay sang cướp của hiếp dân đốt nhà
Vua Đông Hán bổ quan qua
Điều hành huyện ấy dần dà mới yên"
CHIẾN TRANH TÀU VÀ LÂM ẤP
Đến thời Hán mạt Khu Liên
Vốn sinh trưởng Tượng Lâm bèn nổi lên
Giết quan huyện lệnh đổi tên
Nước là Lâm Ấp vương quyền thị oai
Võ văn tả hữu nhân tài
Giang sơn một dải Mã Lai ngợ nòi
Theo tôn giáo Ấn Phật Hồi
Văn minh cường thịnh tạo thời lắm phen
Về sau giòng dõi Khu Liên
Thất truyền nên cháu ngoại tên Phạm Hùng
Nối ngôi dựng nghiệp giống giòng
Chết con Phạm Dật ngai vàng thế cha
Đến khi Phạm Dật băng hà
Gia nô thân tín tên là Phạm Văn
Cướp ngôi củng cố quyền hành
Rồi đem quân đến đánh thành Nhật Nam
Thế hung như ngựa bất kham
Quan quân Đông Tấn kẻ hàng người vong
Vua quan Lâm Ấp thong dong
Đòi biên giới vượt quá vòng Linh giang
Phạm Văn khí phách anh hùng
Chết con Phạm Phật chững chàng nối ngôi
Ba năm ba lại sục sôi (353)
Chiến tranh ân oán ở đời với nhau
Nguyễn Phu thứ sử Giao Châu
Đem quân đánh Phật không lâu Phật hàng
Năm mươi đồn lũy phá tan
Về sau Phật mất ngai vàng truyền cho
Cháu là Hồ Đạt thừa cơ
Ba trăm chín chín cơi to lửa hằn (399)
Lấy Nhật Nam, chiếm Cửu Chân
Rồi xua quân đến đánh thành Long Biên
Bấy giờ Đỗ Viện cầm quyền
Quận Giao Chỉ tấn công liền đối phương
Hai bên thi thố đao thương
Quân Lâm Ấp chạy máu tuôn dọc đường
Chức quan thứ sử Tấn vương
900. Phong cho Đỗ Viện quan trường xứ ta
Sau vào năm bốn một ba (413)
Phạm Hồ Đạt lại khởi đà chiến tranh
Thuở xưa Đỗ Viện can thành
Chết con Tuệ Độ quyền hành bấy lâu
Nay Lâm Ấp đánh Giao Châu
Thân làm thứ sử phải mau góp phần
Đem binh mã đến Cửu Chân
Để yên giặc giã giúp dân khỏi phiền
Tướng Lâm Ấp ở trận tiền
So tài vài hiệp thua liền đầu rơi
Tấn quan chém Phạm Kiện rồi
Bắt quân Lâm Ấp trăm người có hơn
Sau Hồ Đạt vẫn thường luôn
Sai đi cướp phá ruộng vườn Nhật Nam
Bốn hai mươi Tuệ Độ quan (420)
Đem quân sang đánh phá tàn sát Chăm
Bắt Hồ Đạt phải hàng năm
Cống voi vàng bạc ngựa trăn đồi mồi
Nối giòng Đạt được mấy đời
Phạm Chư Nông lại cướp ngôi trị vì
Phạm Chư Nông mất quyền uy
Truyền con Dương Mại kế vì cơ ngơi
NAM BẮC TRIỀU
(420 - 588)
Cũng vào năm bốn hai mươi (420)
Bên Tàu Lưu Dụ soán ngôi Tấn quyền
Dân đen đói khổ triền miên
Bắc Nam tranh chấp chia miền phân vương
Nguy, Tề, Chu chiếm Bắc phương
Lưu, Tề, Lương với Trần vương Nam triều
NÔ LỆ LƯU TỐNG
(420 - 479)
Giao Châu phụ thuộc Nam triều
Trong thời Nam Bắc chịu nhiều nhiễu nhương
Quan cai tri thấy cố hương
Mưu tìm độc lập một phương cho minh
Nổi lên tranh giữ quyền hành
Nảy sinh chém giết dân lành chia xa
Năm Văn đế bốn ba ba (433)
Phạm Dương Mại cử sứ qua cống Tàu
Xin cai trị đất Giao Châu
Nhưng vua Tống duyệt sớ tâu khước từ
Phạm Dương Mại giận báo thù
Ra quân tiến đánh lấy từ Nhật Nam
Dài sang tới quận Cửu Chân
Tống bèn sai thứ sử Đàn Hòa Chi
Và Tông Xác dẫn quân đi
Đánh tan Lâm Ấp tỏ uy Tống triều
Phạm Dương Mại vẫn cứ liều
Sai quân đánh với Tống triều một phen
Hòa Chi, Tông Xác đứng xem
Bày mưu chém tướng tràn lên lấy thành
Phạm Dương Mại với con đành
Bỏ cung điện chạy ngoài thành náu thân
Đàn Hòa Chi đến an dân
Tượng vàng lấy một ức cân có là *
Cũng vì thế bị gièm pha
Vua Tàu thuyên truất về nhà làm dân
* - số đếm trăm ngàn vạn ức triệu.
- Sử chép rằng: Đàn Hoa Chi lấy được một cái tượng bằng vàng mấy
người ôm không xuể, đem nấu đúc được hơn mười vạn cân.
LÝ TRƯỜNG NHÂN, LÝ THÚC HIẾN
KHỞI NGHĨA (468 - 485)
Bốn trăm sáu tám Trường Nhân (468)
Và em Thúc Hiến cùng dân họp bàn
Nhân ngày thứ sử lễ tang
Giết đi bộ khúc quân quan người Tàu
Tự xưng thứ sử Giao Châu
Rồi cho sứ giả sang Tàu cầu phong
Nhưng Lưu Tống đế bất đồng
Cử Ngô Hỷ, Phụng Bá sang ấy thì
Hỷ và Bá sợ không đi
Bèn sai Lưu Bột thị uy vua Tàu
Sang làm thứ sử Giao Châu
Lý Trường Nhân đánh phủ đầu Lưu quan
Cánh quân Lưu Bột vỡ tan
Tống đành chịu để Trường Nhân cầm quyền
Trường Nhân mất Thúc Hiến lên
Thay anh lèo lái con thuyền Giao Châu
Bốn trăm bảy bảy vua Tàu (477)
Lại sai Thẩm Hoán sang Giao Châu giành
Chỉ công nhận Thúc Hiến danh
Lĩnh quan thái thú Vũ Bình - Tân Xương
Lòng người cảm phục mến thương
Bày mưu Thúc Hiến cản đường Tống quan
Các nơi hiểm yếu sẵn sàng
Đánh quân Lưu Tống tiến sang đất minh
Nghe tin Thẩm Hoán ngừng binh
Uất Lâm vui sống giả thinh mọi bề
NÔ LỆ NHÀ TỀ
(479 - 502)
Bốn trăm bảy chín Nam Tề (479)
Soán ngôi Lưu Tống giải huề Giao Châu
Xá cho tội phản vua Tàu
Chức quan thứ sử trong châu tự quyền
Mặc dù vậy cũng chẳng yên
Nam Tề Cao đế vẫn phiền nuôi tâm
Sáu năm sau bốn tám năm (485)
Nam Tề Vũ đế để tâm phục quyền
Tổng binh ba quận ngựa thuyền
Cho Lưu Khải chỉ huy truyền tiến sang
Đánh Giao Châu phá tan hoang
Ép ông Thúc Hiến quy hàng Tề vương
NÔ LỆ NHÀ LƯƠNG
(502 - 541)
Nam Tề tại vị triều cương
Đến năm trăm lẻ hai Lương soán quyền (502)
Dân tình thống khổ vô biên
Các quan tranh chấp liên miên hận thù
Lại thêm thứ sử Tiêu Tư
Hung tàn bạo ngược gieo thù khắp nơi
Lòng người oán giận sục sôi
1000. Lý Bôn cùng nghĩa dũng thời nổi lên
Kể từ Mã Viện đêm đen
Sau năm thế kỷ thắp đèn bẻ gông (541)
Hán Hoa coi rẻ nhà Rồng
Giễu dân ta thuộc giống giòng "Nam Man"
Việc phân biệt giữa Hoa-Man
Thi hành chính sách Tàu đàn áp ta
Nhiều lần biến động can qua
Dân ta tìm tiễn người Hoa về trời
Hai lần Bắc thuộc tả tơi
Người Nam chứng kiến sự đời buồn len
Nước là Nam Việt đổi tên
Là Giao Chỉ Bộ sau truyền Giao Châu
Đến Đông Ngô kế cao sâu
Chia Giao Châu lấy Quảng Châu cho Tàu
Người Nam còn nửa Giao Châu
Dưới quyền cai trị quan Tàu ác gian
Mặc dù đô hộ nước Nam
Nhưng không khống chế được hàng xã thôn
Sử Tàu thừa nhận hương thôn
Do cừ súy Việt dân tôn cầm quyền *
Cứ vào sử sách lưu truyền
Lần hai Bắc thuộc vẫn yên Việt nòi
* Cừ suý: thủ lĩnh.
TỰ CHỦ LẦN THỨ HAI
(541-602)
1)- LÝ BÔN - LÝ NAM ĐẾ
(541 - 548)
Sống trong nanh vuốt cọp người
Tinh thần Trưng Lý Triệu rồi Trường Nhân
Người Nam nuôi chí trong tâm
Thời cơ thuận quyết toàn dân một lòng
Đến năm thứ bảy Đại Đồng (541)
Đời vua Vũ Đế nhà Lương quyền hành
Phủ Long Hưng huyện Thái Bình *
Có người văn võ danh thành Lý Bôn
Hợp cùng nghĩa dũng làm nên
Đuổi Tiêu Tư chạy lấy quyền Long Biên
Lý Bôn giòng dõi tổ tiên
Người Tàu lánh nạn ở miền Phong Châu
Dầm mưa dãi gió canh thâu
Hòa chung số phận vui sầu đó đây
Tính từ Tây Hán bấy nay
Thành người bản xứ sum vầy có nhau
Khi ông chiếm cứ Giao Châu
Sửa sang định lập nghiệp sau lâu dài
Nhưng là Nhâm Tuất Lương sai (542)
Tử Hùng, Tôn Quýnh sang hài tội ông
Ông và tướng sĩ không dung
Phục binh Hợp Phố phản công giặc Tàu
Tử Hùng, Tôn Quýnh thua đau
Không còn manh giáp vội mau chạy về
Người Giao Châu muốn yên bề
Trăng thanh gió mát thôn quê rộn ràng
Sống đời tự chủ vẻ vang
Ấm êm cùng các lân bang thuận hòa
Song trong quan lại China
Ngoài người Lâm Ấp cứ là ép ta
Vào năm trăm bốn mươi ba (543)
Quân Lâm Ấp lại sang ta tạo thù
Lý Bôn sai tướng Phạm Tu
Đem quân ra Cửu Đức trừ đối phương
Quân ta sử dụng đao thương
Kiếm cung nhuần nhuyễn chiến trường xông pha
Lần này Lâm Ấp đến ta
Giao Châu tự chủ tưởng là vận may
Đến khi giáp trận mới hay
Là may hay rủi đổi thay mấy hồi
Tỉnh ra thì đã muộn rồi
Lớp phơi thây lớp tả tơi xin hàng
* Cứ theo sách "Khâm Định Việt Sử" thì huyện Thái Bình thuộc về Phong Châu ngày
trước, nay ở vào địa hạt tỉnh Sơn Tây nhưng mà không rõ là chỗ nào chứ không phải
là phủ Thái Bình ở Sơn Nam mà bây giờ là tỉnh Thái Bình.
NƯỚC VẠN XUÂN
(544 - 602)
Lý Bôn Giáp Tý đăng quang (544)
Xưng Nam Việt Đế đô Long Biên thành
Đổi Giao Châu nước Vạn Xuân
Cải nguyên Thiên Đức triều thần trăm quan
Phong Triệu Túc, thái phó quan
Phạm Tu tướng võ, tướng văn Tinh Thiều
Lý Nam Đế dựng vương triều
Vua quan Lương mãi gây nhiều khó khăn
Vào năm trăm bốn mươi lăm (545)
Sai Dương Phiêu với tướng Trần Bá Tiên
Dẫn quân sang chiếm Long Biên
Một làm thứ sử một quyền binh nhung
Bá Tiên thừa thế tấn công
Lý Nam Đế thất thủ Long Biên đành
Kéo quân về giữ Gia Ninh
Bá Tiên theo đánh lấy thành Gia Ninh
Lý Nam Đế bỏ Gia Ninh
Đem quân về cố thủ thành Tân Xương
Bá Tiên vây đánh Tân Xương
Buộc Nam Đế phải mở đường máu ra
Đôi bên đánh giáp lá cà
Thế quân địch mạnh quân ta thí liều
Thoát vòng vây chắc hại nhiều
Rút lui về động Khuất Liêu trú phòng
Đợi khi chiêu mộ quân xong
Tích lương thảo sẽ đánh cùng Bá Tiên
Năm sau uy thế tăng lên
Quân binh hai vạn cung tên đủ dùng
Từ trên núi xuống đồng bằng
Chung lưng đấu cật nuôi lòng thứ dân
Tới hồ Điển Triệt đóng quân
Dưới thuyền trên trại nhử Trần Bá Tiên
Nhân ngày có thủy triều lên
Men theo giòng chảy Bá Tiên áp vào
Hồ Điển Triệt, nước dâng cao
1100. Quân Lương đánh trống múa đao reo hò
Quân ta ô hợp bất ngờ
Bá Tiên lập chiến công cho Lương triều
Đem quân về lại Khuất Liêu
Vua đưa dấu hổ phù giao binh quyền
Cho Quang Phục tả tướng lên
Chỉ huy quân sĩ chống Trần Bá Tiên
2)- VUA TRIỆU QUANG PHỤC
(549 - 571)
Là người quê ở Châu Diên
Theo cha giúp Lý Bôn trên bệ rồng
Chiến công hiển hách đã từng
Nay vâng thượng dụ tấn công vài lần
Thấy ta nhuệ khí tăng dần
Thế Lương còn mạnh là Trần Bá Tiên
Rút về Dạ Trạch - Châu Diên
Đầm lầy hiểm trở kề bên sông Hồng
Vào sâu nổi bãi đất giồng
Làm nơi trú ngụ cấy trồng trọt thêm
Trong đầm nhiều rắn cá chim
Xung quanh lau sậy mọc lên như rừng
Ban ngày ẩn núp canh chừng
Tối ra đánh úp cướp lương thực Tàu
Dùng thuyền độc mộc đêm thâu
Lướt trên cỏ nước sậy lau dễ dàng
Bá Tiên dù mấy giỏi giang
Cũng không biết phải dọc ngang thế nào
Lời qua tiếng lại xôn xao
Đồn rằng ông có đâu mâu móng rồng *
Là vua Dạ Trạch dân xưng
Mậu Thìn Nam Đế bỗng dưng băng hà (548)
Khuất Liêu - Dạ Trạch không xa
Quân Lương canh gác đường ra lối vào
Mất gần cả một năm sau
Nơi đầm lầy mới âm hao tỏ tưòng
Ông lên ngôi hiệu Việt Vương
Nhằm năm Kỷ Tỵ nhà Lương mạt tàn (549)
Giao quyền cho phó Dương Sàn
Bá Tiên trở gót dẹp loàn cứu Lương
Quân ta khi ấy phản công
Lấy Long Biên đuổi giặc Lương về Tàu
* Đâu mâu: mũ trận. Tục truyền rằng trong chằm Dạ Trạch có người tiên là Chử Đồng
Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời bay xuống trút cái móng rồng trao cho Quang Phục bảo
đem đính lên trên mũ trận để đi đánh giặc.
LÝ THIÊN BẢO
Hòa bình vui vẻ không lâu
Anh em họ Lý lại mau tranh quyền
Khi Quang Phục đến Châu Diên
Lý Thiên Bảo chạy vô miền Cửu Chân
Bá Tiên vào đánh Cửu Chân
Bảo thua thu thập tàn quân sang Lào
Tới đầu nguồn của sông Đào
Đắp thành ở đấy xưng Đào Lang vương
Dã Năng tên đất đặt luôn
Là tên nước, gọi chúa thường dân tôn
Là anh họ của Lý Bôn
Mất năm Ất Hợi không con nối giòng (555)
ÂM MƯU CỦA PHẬT TỬ
Bấy giờ viên tướng tùy tùng
Tên là Phật Tử họ hàng lên thay
Có quyền thế ở trong tay
Rèn binh khí chuẩn bị ngày xuống Đông
Năm Đinh Sửu bỏ Dã Năng (557)
Theo Hồng Hà đến đánh cùng Việt vương
So vài trận bét như tương
Mới xin chia đất Việt Vương nghĩ tình
Là người họ Lý, Thái Bình
Thuận cho Phật Tử ở thành Ô Diên
Việt Vương đóng ở Long Biên
Bãi Quân Thần địa giới miền Tây Đông
Cảo Nương ái nữ nhà rồng
Gả cho Phật Tử tình trong một nhà
Bao năm hòa hiếu con cha
Vẫn là cắm cúi dò la sự tình
Năm Tân Mão bất thình lình (571)
Sai quân đánh úp lấy thành Long Biên
Việt Vương vội vã lên yên
Tả xung hữu đột trận tiền thoát ra
Ruổi gìong tới cửa Đại Nha
Hết đường nhảy xuống sông mà quyên sinh
Trải qua một cuộc đao binh
Ơn vua Dạ Trạch thân tình Triệu gia
Lòng người cảm nhớ xót xa
Lập đền thờ bến Đại Nha lưu đời *
* Nay còn đền thờ ở làng Đại Bộ, gần huyện Đại An.
3)- VUA LÝ PHẬT TỬ
(571-602)
Long Biên Phật Tử chiếm rồi
Lên ngôi xưng đế đô dời Phong Châu
Hai thành khi trước chia nhau
Giao cho Phổ Đỉnh quan đầu Ô Diên
Lý Đại Quyền, giữ Long Biên
Sử không chi tiết cầm quyền ra sao
NHÀ TÙY XÂM LƯỢC
(602-618)
Năm trăm tám chín bên Tàu (589)
Nhà Tùy nối lại nhịp cầu Bắc Nam
Du chầu Phật Tử không sang
Tùy Văn đế muốn san bằng Phong Châu
Nhưng còn chấn chỉnh trước sau
Đến năm Nhâm Tuất nước Tàu đã yên (602)
Sai Lưu Phương tổng binh quyền
Quân hai mươi bảy dinh truyền tiến sang*
Lấy điều họa phúc khuyên can
Khuyên vua Phật Tử quy hàng Tùy vương
Sợ không địch nổi đối phương
Lý Nam đế gặp Lưu Phương xin hàng
Lý xưa lập quốc thi gan
Lý nay hèn hiến giang san cho Tàu
* mỗi dinh (doanh) khoảng 1000 người và có 1 tướng chỉ huy (?).
BẮC THUỘC LẦN THỨ BA
(602-931)
Lần ba Bắc thuộc Giao Châu
Hơn ba thế kỷ đỏ màu đao thương
Vào năm Ất Sửu Tùy vương (605)
1200. Nghe Lâm Ấp ở đàng trong lắm vàng
Vua quan Tùy nổi lòng tham
Sai Lưu Phương dẫn quân sang lấy về
Quân Lâm Ấp ở Đồ Lê
Đánh thua gom hết quân về bên song
Lưu Phương thừa thế tấn công
Vua Lâm Ấp cưỡi voi xông trận điều
Lưu Phương dụng trí ra chiêu
Đào hào phủ cỏ làm nhiều nỏ tên
Dụ quân Phàm Chí tiến lên
Voi sa xuống hố bắn tên ào ào
Cánh quân Lâm Ấp loạn cào
Xéo lên nhau chạy thoát hào hiểm nguy
Lưu Phương sau chẳng hơn gì
Bệnh phù thủng chết thị phi để lời
Vua Tùy Dương Quảng là người
Hoang dâm xa xỉ hại đời cha anh
Xây Tây Uyển tuyển gái xinh
Đào sông du lãm linh đình ăn chơi
Quần hùng nổi dậy tranh ngôi
Dân tình khổ sở sống đời chẳng yên
Đến năm Đinh Sửu Lý Uyên (617)
Cùng con khởi nghĩa Thái Nguyên phản Tùy
Lý Uyên dùng kế diệu kỳ
Chỉ vài tháng chiếm kinh kỳ Trường An
ĐÔ HỘ NHÀ ĐƯỜNG
(618 - 907)
Sáu trăm mười tám Tùy tàn (618)
Vua Dương Quảng bỏ cõi phàm quy tiên
Cha con họ Lý - Thái Nguyên
Lên ngôi xưng đế làm nên nghiệp Đường
Ba lần nội thuộc Bắc phương
Nhà Đường cai trị vô cùng khắt khe
Dân đinh vất vả e dè
Nhìn nhau ngán ngẩm quan đè thuế cao
Muốn an mà chẳng được nao
Vấu quân xâm lược lẽ nào nể ta
Năm Tân Tỵ tướng Khâu Hòa (621)
Trước làm thái thú bên ta thời Tùy
Nay Đường Cao Tổ vẫn thì
Để cho quan võ duy trì Giao Châu
AN NAM ĐÔ HỘ PHỦ
(679 - 866)
Vào năm Kỷ Mão vua Tàu (679)
Đặt An Nam gọi khởi đầu từ đây
An Đông, An Bắc, An Tây
An Nam đô hộ phủ rày chia ra
Mười ba châu có tên là
Giao, Phong, Chi, Lục, Võ Nga, Ái, Trường
Võ An, Phúc Lộc, Diễn, Thang
Hoan và Tây Bắc những Mường: Man châu
Mỗi châu một thứ sử Tàu
Lệ hàng năm phải cống chầu Bắc phương
Ấy là chính trị nhà Đường
Còn thì loạn lạc vẫn thường xảy ra
Khi thì hào kiệt xứ ta
Như Mai Hắc Đế như là Phùng Hưng
Khi thì Nam Chiếu, Hoàn Vương
Quân ngoài Bể với quân Đường khó phai
MAI THÚC LOAN KHỞI NGHĨA
Huyền Tông năm bảy hai hai (722)
Huyện Thiên Lộc có anh tài Thúc Loan
Thấy dân đói rét lầm than
Nổi lên chiếm đất mưu toan cơ đồ
Xây thành lũy lập kinh đô
Được nhiều người tụ dưới cờ hiến thân
Kết tình Lâm Ấp, Kim Lân
Và Chân Lạp để phá quân đại Đường
Da đen sì sức phi thường
Xưng Mai Hắc Đế ngữ vùng sông Lam
Vua Tàu uất ức không cam
Sai Dương Tư Húc vượt quan ải cùng
Quân Quang Sở Khách tấn công
Quân ta thế yếu trận vong cả ngàn
Hiện nay núi Vệ Nghệ An
Vẫn còn di tích Hoan thành Thúc Loan
Xã Hương Lãm huyện Nam Đàn
Đền thờ kiến trúc huy hoàng nhớ ơn *
* "Đền thờ vua Hắc Đế ở xã Đức Nậm, huyện Nam Đàn, kiến trúc rất huy hoàng". Trích
"Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn".
GIẶC CÔN LÔN, GIẶC ĐỒ BÀ
Năm Mùi kể lể nguồn cơn (767)
Có quân bể thói nết côn đồ là
Giặc Côn Lôn giặc Đồ Bà
Đi vào cướp phá hò la lấy thành
Bá Nghi cầu viện Chính Bình
Đánh tan giặc ấy xây thành Đại La
Quân Tàu quân Bể suy ra
Đều là giặc cả dân đà chẳng ưng
PHÙNG HƯNG KHỞI NGHĨA
Bảy trăm chín mốt Phùng Hưng (791)
Phất cờ khởi nghĩa quần hùng khắp nơi
Đổ về chung sức tạo thời
Cứu nhau thoát khỏi cuộc đời tối tăm
Từ căn cứ địa Đường Lâm
Mài binh chăm ngựa rắp tâm lấy thành
Tay đô hộ phủ Chính Bình
Hàng ngày gian ác sợ thành bịnh vong
Tiền nhân chống giặc long đong
Phùng Hưng đánh ngoại xâm công dễ dàng
Giặc vừa nghe tiếng mật tan
Không lâu ông mất con An kế quyền
Sinh thời nặng nợ sơn xuyên
Thác đời ái mộ lập đền tôn ông
Lên là Bố Cái Đại Vương
Kính như cha mẹ ngát hương khói thờ
Đức Tông kinh ngạc ngẩn ngơ
Sinh lòng đố kỵ dân thờ Nam vương
Sai đô hộ phủ Triệu Xương
1300. Đem quân chiếm lại phủ đường An Nam
Thế quân địch mạnh Phùng An
Liệu không chống nổi đầu hàng Triệu Xương
CHIẾN TRANH TÀU VÀ HOÀN VƯƠNG
Từ khi Lâm Ấp quốc vương
Thua Tùy tiến cống đến Đường Thái Tông
Vua Đầu Lê mất ngai vàng
Truyền cho con Phạm Trấn Long tức thì
Họ hàng thân thuộc giết đi
Lập Chư Cát Địa kế vì Phạm vương
Đổi tên là nước Hoàn Vương
Vua tôi Cát Địa không nhường Tàu quan
Thường sang quấy rối An Nam
Đánh Châu Ái với Châu Hoan nhiều lần
Trương Chu kinh lược phán quan
Vào năm Mậu Tý được lên chức làm (808)
Quan đô hộ phủ An Nam
Liền cho tu sửa lại thành Đại La
Sai quân chuẩn bị can qua
Đóng "mông đồng" chiến đĩnh là ba trăm *
Mỗi mông đồng lính hăm lăm
Hai thuyền trưởng phó tay giầm hăm ba
Năm sau theo thủy lộ qua
Đánh quân Cát Địa chết ba chục ngàn
Vua Hoàn Vương chạy vào Nam
(Ở vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam bây giờ)
Vua tôi dựng lại cơ đồ
Cải Chiêm Thành quốc sau đô Đồ Bàn
* mông đồng: thuyền hẹp mà dài dùng để xông đánh thuyền giặc.
CHIẾN TRANH TÀU VÀ NAM CHIẾU
Hướng Tây Bắc giáp An Nam
Phía Tây của tỉnh Vân Nam đất này
Giống người nòi Thái ở đây
Gọi vua là Chiếu thường hay bất đồng
Chia làm sáu chiếu tranh hung
Đến năm Đinh Sửu đời Đường Huyền Tông (737)
Vua Nam Chiếu được quan Đường
Tên là Vương Dực giúp cường thịnh lên
Liền xin thống nhất giang sơn
Rồi đem quân đánh Thổ Phồn các Man
Về sau sang đánh An Nam
Hại dân sử chép mười lăm vạn người
Nhà Đường đương buổi mạt thời
Các quan như thể con trời một phương
Cứ vào những chợ Mán Mường
Giết tù trưởng lại vô lương làm bừa
Mua trâu bò ngựa dê lừa
Mỗi con một đấu muối đùa bỡn dân
Người Mường Mán giận phân trần
Nhờ vua Nam Chiếu diệt quân đại Đường
Bính Dần Nam Chiếu giúp Mường (846)
Sai quân lội suối băng rừng vượt quan
Viên kinh lược sứ An Nam
Bùi Nguyên Dụ đánh bị tan rã về
Tàn binh mỏi mệt lê thê
Không còn hứng thú lè nhè một ai
Năm Đinh Sửu tướng Chu Nhai (857)
Qua làm kinh lược được vài tháng sau
Đường cho về lại Quảng Châu
Thăng Vương Thức ở Tấn Câu lên làm
Quan kinh lược sứ An Nam
Trị dân phép tắc mọi mầm loạn yên
Đang khi Vương Thức cầm quyền
Bên Tàu có Cửu Phủ miền Tích Đông
Nổi lên làm loạn Ý Tông
Sai Vương Thức đến Tích Đông dẹp loan
Và cho Lý Hộ sang làm
Chức đô hộ phủ vào năm Canh Thìn (860)
Mặc dân năn nỉ kêu xin
Viên quan họ Lý liếc nhìn tráo trưng
Giết tù trưởng Đỗ Thủ Trừng
Quân Nam Chiếu lại đùng đùng tiến sang
Đánh quân Lý Hộ vỡ tan
Rồi vô chiếm giữ phủ thành An Nam
Đường sai ngự sử Vương Khoan
Sang thay Lý Hộ đuổi Nam Chiếu về
Đôi bên đâm chém văng-thề
Sụp tường đổ vách dân thê thảm dài
Mùa Xuân năm tám sáu hai (862)
Người Man chưa dễ nguôi ngoai hận thù
Dụ vua Nam Chiếu báo thù
Đem quân chinh phạt tiễu trừ ác quan
Vua Đường sai Thái Tập sang
Quan quân ba vạn giữ An Nam bình
Vua Nam Chiếu lại lui binh
Bấy giờ thứ tử Thái Kinh ngấm ngầm
Sợ công to ở An Nam
Về tay Thái Tập mới làm sớ tâu
An Nam ổn định bấy lâu
Đem quân tăng phái các châu trở về
Nhà vua kéo viễn chinh về
Viên quan kinh lược liền đề thỉnh xin
Để quân đồn trú năm nghìn
Vua không nghe các đại thần ngảng ra
Biết tình thế tám sáu ba (863)
Vua Nam Chiếu lại can qua với Đường
Sai người chuẩn bị binh lương
Tung quân năm vạn tràn sang lấy thành
Thế cô Thái Tập quyên sinh
Bốn trăm quân cứu viện Kinh Nam cùng
Nguyên Duy Đức tới bờ Đông
Thuyền bè đã hết chạy không được bèn
Hô hào sống mái một phen
1400. Đánh quân Nam Chiếu hai nghìn bỏ thây
Đêm Nam Chiếu siết vòng vây
Quân Kinh Nam cũng trơ thây chịu đòn
Dời An Nam phủ Hải Môn (?)
Đường sai dòng võ tướng môn Cao Biền
Thu gom lương thảo bè thuyền
Đem quân các đạo về miền Lĩnh Nam
Thế Long đánh bại Đường quan
Cho làm tiết độ sứ Đoàn Tù Thiên
Đặt quân hai vạn dưới quyền
Dương Tư Tấn để giúp Thiên giữ thành
Ý Tông ban lệnh xuất chinh
Vào năm Ất Dậu rời thành Lĩnh Nam (865)
Cao Biền với giám quân quan
Duy Chu đến đóng ở gần Hải Môn
"Hoa khoe sắc bướm chờn vờn
Quan trường mưa dập gió dồn đa đoan"
Hai người bàn định mưu toan
Cao Biền vượt biển tiền quân năm ngàn
Duy Chu hậu viện không sang
Mặc cho Nam Chiếu dọc ngang trận tiền
Tới Phong Châu cánh quân Biền
Thấy dân Man gặt lúa bèn tấn công
Giết người máu thấm loang đồng
Cướp luôn thóc gạo chất chồng đầy kho
Thế Long khi ấy âu lo
Tháng Tư, Bính Tuất dặn dò Nê Ta (866)
Nặc Mi, Tư Tấn cố mà
Xà luân chiến lấy ô sa Cao Biền
Bên Tàu, Trần Sắc phái thêm
Bảy ngàn lính kỵ cương yên vội vàng
Sai Vi Trọng Tể vượt quan
Giúp Cao Biền chiếm lại An Nam thành
Cao Biền thừa thế tiến binh
Đẩy lui Nam Chiếu vào thành Đại La
Nặc Mi, Tư Tấn, Nê Ta
Thực hư chưa dám mở đà phản công
Biền sai cấp báo Ý Tông
Lý Duy Chu chận tin mừng về kinh
Và còn tấu sớ triều đình
Cao Biền trì trệ ở thành Phong Châu
Không xua quân đến đối đầu
Với quân Nam Chiếu hầu thâu lại quyền
Ý Tông ngồi đứng chẳng yên
Sai Duy Chu với Án Quyền sang thay
An Nam chiến sự lúc này
Cao Biền vây đã mười ngày Đại La
Tin vui tất thắng không xa
Bỗng vua đòi để thẩm tra sự tình
Giao Vi Trọng Tể cầm binh
Cao Biền về đến triều đình mới hay
Lý Duy Chu bấy lâu nay
Ém tin thắng trận vạ lây tới Biền
Ý Tông mừng rỡ phán truyền
Cho Cao Biền tái nhậm quyền chinh Nam
Sau khi qua đến An Nam
Cao Biền đốc thúc chiếm thành Đại La
Tù Thiên, Cổ Đạo, Nê Ta..
Bị gông xiềng diễu tù xa chém đầu
An Nam thắng bại ra sao
Vẫn là tắm máu khổ bao dân minh
Mười năm chịu cảnh đao binh
Nhà tan cửa nát miếu đình giẹo xiêu
Nhìn đâu cũng cảnh tiêu điều
Không còn nghe tiếng sáo diều trẻ vang
TĨNH HẢI QUÂN
(866 - 968)
Cao Biền lấy lại An Nam
Đem về nội thuộc triều đàng Bắc phương
Mùa Đông Bính Tuất, Ý Tông
Đổi tên Tĩnh Hải Quân phong Cao Biền
Được vua tin cẩn giao quyền
Làm quan tiết độ sứ tiền của công
Bày ra sổ sách chi dùng
Diêm dân thuế muối nông tang thuế điền
Lập đồn ải ở mạn biên
Đề phòng giặc, vỗ về yên dân lành
Trùng tu lớn Đại La thành
Phá đi chướng ngại thác ghềnh các song
Xuôi chèo mát mái trên giòng
Mất sơn thủy đẹp hại long mạch nhiều
Tục truyền rằng cứ cưỡi diều
Lăm lăm yểm đất đặt điều ngoa ngôn
Vào năm Ất Vị, Hy Tông (875)
Sai Cao Biền đến vẫy vùng Tây Xuyên
Cho Cao Tầm cháu họ Biền
Sang thay thế chú cầm quyền Đại La
SỰ TRỊ LOẠN CỦA NƯỚC TÀU
Chẳng bao lâu nữa China
Triều đình bất lực cướp đà như rươi
Ngôi nhà vua sắp đổ rồi
Quần thần chia rẽ đổi đời xứ ta
Trung Hoa trị loạn xét ra
Kể từ nhà Hán trải qua đại Đường
Mỗi nhà giữ được ngai vàng
Vài trăm năm lại sa trường phân tranh
Bắc Nam khoảng mấy chục năm
Xong thời nhà khác xưng danh lập triều
Như khi nhà Hán xế chiều
Loạn tam quốc hết thì triều Tấn phiên
Tấn suy Nam Bắc triều lên
Tan Nam Bắc có Tùy lên rồi Đường
Đường tàn Ngũ Quý nhiễu nhương
1500. Cái cơ hội trị loạn thường giống nhau
Dân ta bị nội thuộc lâu
Nên luôn tỉnh thức lúc Tàu chiến chinh
Nổi lên tự chủ xứ minh
Song vì nước nhỏ tiền-trình gian lao
NGŨ ĐẠI THẬP QUỐC
(907 - 959)
Vào năm Đinh Mão bên Tàu (907)
Chu Ôn lật đổ Đường trào lập Lương
Năm đời mười nước tranh cường
Hậu Lương, Đường, Tấn, Hán cùng hậu Chu
Đánh nhau ngũ thập nhị Thu
Triệu Khuôn Dẫn soán hậu Chu khai triều *
* Triệu Khuôn Dẫn lập ra nhà Tống.
HỌ KHÚC DẤY NGHIỆP
KHÚC THỪA DỤ
(906 - 907)
Chín trăm lẻ sáu ít nhiều (906)
Vua Đường suy nhược thuận chiều ý ta
Một hào trưởng tính khoan hòa
Tên là Thừa Dụ quê nhà Hồng Châu
Lòng dân tin phục đã lâu
Nhân cơ biến loạn bảo nhau tôn làm
Tiết độ sứ, Tĩnh Hải quan
Triều Đường khi ấy không đàn hặc ông
Mà còn độ lượng gia phong
Đồng Bình Chương Sự để ông toại nguyền *
* chức quan đứng hàng đầu triều, tương đương với tể tướng.
KHÚC HẠO
(907 - 917)
Năm sau ông mất giao quyền
Cho con là Khúc Hạo lên kế vì
Trải bao toan khổ tào-ti *
Tinh thần tạo lập đến thì thăng hoa
Là nhà cai trị ôn hòa
Chín trăm lẻ bảy thay cha vững vàng
Việc sưu dịch thuế sửa sang
Bỏ đi lệ luật Tàu hằng ép ta
Xã, châu, lộ, phủ chia ra
Đặt quan lại xứ xở ta cầm quyền
Bên Tàu nhà hậu Lương lên
Phong cho Lưu Ẩn ở Phiên Ngung thành
Nam Bình Vương vói tay giành
Kiêm quan Tiết Độ Sứ thành Đại La
Giao Châu Khúc Hạo phòng xa
Quảng Châu Lưu Ẩn nhòm qua chực chờ
Còn đang dang dở ván cờ
Tân Mùi, Ẩn chết giao cho em là (911)
Lưu Cung nối nghiệp sẵn đà
Tự xưng đế lại bất hòa hậu Lương
Nước tên Đại Việt một phương
Sau Nam Hán quốc Phiên Ngung thị thành
Giao Châu thịnh đạt an bình
Lưu Cung ngó liếc mặt đanh lầm lầm
Bấy giờ Khúc Hạo âm thầm
Sai con Thừa Mỹ lưu tâm việc là
Bề ngoài đi sứ bộ mà
Bề trong hư thực dò la sự tình
"Hòa bình chuẩn bị chiến tranh
Khoan dung chính sự" sử xanh chép lời
Mười năm tại vị giúp đời
Cơm no áo ấm yên vui mọi nhà
* bên ti bên tào. Nói chung về sở làm việc của các quan thời xưa.
KHÚC THỪA MỸ
(917 -923)
Năm Đinh Sửu quá cố và (917)
Khúc Thừa Mỹ kế vị cha cầm quyền
Bỏ Nam Hán nước láng giềng
Nhận Lương "tiết việt" ở miền trung nguyên *
Lưu Cung lấy đó làm hiềm
Sẵn tham vọng viện cớ bèn đánh ta
Mùa Hè năm chín hai ba (923)
Sai tay Khắc Chính tràn qua cướp thành
Khúc Thừa Mỹ bại trận đành
Để quân giặc giải về thành Phiên Ngung
* tiết là cờ tiết mao, việt là lưỡi búa lớn có cán dài. Khi xưa, vua phong ai làm đại
tướng thì giao cho hai thứ ấy làm tượng trưng cho sự thay quyền. Do đó, chữ "tiết-
việt" đã trở nên danh từ và các đồ vật ban cho ai khi cho người ấy làm một chức quan
to, đầu một xứ.
NAM HÁN XÂM LƯỢC
(923 - 931)
Giao Châu giờ của Lưu Cung
Non sông một dải tận cùng cuối Nam
Thỏa lòng cho Lý Tiến sang
Làm quan thứ sử nhưng không được bền
DƯƠNG DIÊN NGHỆ PHỤC QUỐC
(931 - 937)
Nhờ ơn phù hộ tổ tiên
Con dân Việt vững niềm tin diệt thù
Cùng nhau vẽ lại đồ-thơ
Dễ đâu vong bản làm nô lệ người
Một Dương Diên Nghệ anh tài
Thuở xưa của Khúc Hạo rày nổi lên
Mộ quân sĩ chuốt cung tên
Tích lương thảo khí giới rèn luyện quân
Thuận theo ý tướng lòng dân
Chín trăm ba mốt đem quân lấy thành (931)
Vượt qua từng lũy tre ngăn
Từng hào chông tiến lên thành giao tranh
Đánh quân Nam Hán tan tành
Chém tay Khắc Chính tướng thành Đại La
Lưu Cung sai cứu viện là
Tướng Trần Bảo cũng làm ma trận tiền
Còn tay Lý Tiến bạo quyền
Giả đàn bà trốn về bên nước Tàu
Ước mơ tự chủ vươn mau
Đặt quan thứ sử đứng đầu châu dân
Tiết Độ sứ, Tĩnh Hải Quân
Ông Dương Diên Nghệ không cần ai phong
KIỀU CÔNG TIỄN
(937 - 938)
Sáu năm vui nước thuận giòng
Tháng Ba, Đinh Dậu, Kiều Công Tiễn thì (937)
Mưu đồ quyền lực giết đi
Nhân tâm ngày ấy hỏi chi chính tà
Các châu thứ sử bất hòa
Như Đinh Công Trứ, Tam Kha, Ngô Quyền...
Con Kiều Công Chuẩn muốn yên
Đem con Công Đĩnh ra miền Phong Châu
Cháu Kiều Công Hãn ít lâu
Kéo quân vô đất Ái Châu tụ hiền
Nghe đâu thần phả lưu truyền
1600. Chỉ Kiều Thuận cháu dưới quyền Kiều ông
Thấy tình thế chẳng chiều lòng
Sợ Ngô Quyền cử binh công La thành
Xưa đà phản chủ cầu danh
Nay đành phản quốc cầu Nam Hán vào
THỦY CHIẾN BẠCH ĐẰNG
"Ngô Quyền mắt sáng như sao
Dáng đi như cọp" tài cao khác thường
Cùng quê Bố Cái Đại vương
Rể Dương Diên Nghệ sa trường lập thân
Ái Châu sắp đặt an dân
Mang quân ra đánh phản thần Đại La
Giết Công Tiễn báo thù nhà
Trước yên nội loạn sau là Bắc phương
Nhân Kiều cầu viện Hán vương
Sai con Hoằng Tháo theo đường thủy sang
Tàu to sông nước hiên ngang
Quan quân hai vạn liên hoàn thủ công
Vội và vượt vịnh Hạ Long
Ngày đi đêm nghỉ nhắm sông Bạch Đằng
Thủy quân "ngạo mạn hung hăng"
Lục quân "sát khí đằng đằng" áp biên
Thế Nam Hán mạnh Ngô Quyền
Dùng mưu chế ngự binh thuyền Bắc xâm
Dặn quân sĩ phải kiên tâm
Canh phòng cẩn mật đợi quân Hớn trào
"Bạch Đằng sông rộng núi cao
Sâu năm mét cửa ra vào biển đông
Suối ngòi chằng chịt ôm song
Hai bên bờ rậm sóng tung trắng triền"
Sức nâng bỗng đỉnh cửa Thiền
Trí tài thao lược định yên giống giòng
Hạ lưu sông Cấm - Bạch Đằng
Chọn nơi có lợi thế căng bẫy ngầm
Gió Đông mơn trớn căm căm
Vạt cây kẹp sắt cắm ngầm lòng song
Nhấp nhô cọc đổ nước ròng
Nước rông ba mét mênh mông vô bờ
Sai quân tinh nhuệ núp chờ
Soái Hoằng Tháo đến giả vờ đánh thua
Mặc quân giặc bắn như mưa
Trả đòn lấy lệ hòng lừa đối phương
Soái Hoằng Tháo ỷ binh cường
Lấy làm thích ý khi thường đuổi theo
Thúc quân sĩ gắng tay chèo
Bắt "Nam Man" nhát tợ cheo thập thò
Mải vui nhảy nhót hát hò
Chức Giao Vương bố phong hờ bấy lâu
Tới giờ "quỷ khốc thần sầu"
Thủy triều xuống vẫn để tàu cố đeo
Bỗng nghe trống giục quân reo
Hai bên thuyền chiến nhổ neo sấn vào
Cánh quân trước mặt ào ào
Dàn binh đánh ập thét gào dậy song
Dồn Nam Hán ở thế cùng
Mất chèo nhớn nhác phản công yếu dần
Vin giòng nước chảy thoát thân
Trôi vào bẫy cột gỗ đâm lủng thuyền
Soái Hoằng Tháo được cứu lên
Cơm ngon một bữa bị đem chém liền
Thương con Hán chủ ưu phiền
Khóc òa lên chạy về biên giới Tàu
Không còn dám việc đối đầu
Đem quân nhiễu hại vuốt râu Lạc Hồng
Chín trăm ba tám chiến công (938)
Ngô Quyền đuổi Hán trên sông Bạch Đằng
Làm nên sự nghiệp vẻ vang
Quẳng đi cái ách ngàn năm giặc quàng
KẾT QUẢ CỦA THỜI BẮC THUỘC
Kể từ Lộ Bác Đức sang
Trải qua Ngũ Quý cả hàng nghìn năm
Tinh thần độc lập kháng xâm
Vẫn luôn khắc cốt ghi tâm dân minh
Ba lần Bắc thuộc điêu linh
Mặc dù tiêm nhiễm văn minh của Tàu
Chứ không biến sắc phai màu
Mà còn nghị lực riêng hầu đứng lên
Tự cường tự chủ vang tên
Cháu Hồng con Lạc viết nên sử Hùng
Chỉ duy sự học vấn cùng
Cách cai trị với sự sùng tín thôi
Thì ta ảnh hưởng xứ người
Vua quan phép nước đạo trời như nhau
Vậy xem gốc tích từ đâu
Lão Nho Phật đã bao lâu lưu truyền
Cả ba có trước công nguyen
Vào thời Ngũ Bá tranh quyền nhà Chu
NHO GIÁO
Đạo Nho sách bộ Kinh Thư
Dịch, Thi, Ngũ, Nhạc, Xuân Thu chép lời
Những gì thực tế ở đời
Không điều huyền diệu vẽ vời bao la
Hiếu, Trung, Đễ, Thứ răn ta
Sửa mình làm cốt chính tà kiểm thân
Còn như các đấng qủy thần
Thì nên kính chẳng luận phân đặt điều
Đạo Nho lý tưởng theo chiều
Chính danh luân lý quy điều đức nhân
Dân thì làm việc của dân
Bồi thần thì cứ bồi thần bẩm thưa
Vua làm đúng bổn phận vua
Bác sãi ở chùa thì quét lá đa
Đạo từ đức Khổng Tử ra
1700. Vốn người nước Lỗ nay là Sơn Đông
Truyền nhân nối gót tinh thông
Tăng Sâm, Khổng Cấp qua giòng Mạnh Kha
Là thày Mạnh Tử triết gia
Bàn nhân nghĩa trọng khinh tà lợi danh
Tính người ta vốn làm lành
Lánh làm dữ có thể thành Thuấn, Nghiêu
ĐẠO GIÁO
Lúc đầu Đạo Giáo cao siêu
Về sau biến đổi hướng điều thần tiên
Sinh thời chiến loạn liên mien
Lý Đam nước Sở luận thiên địa bàn
Cho là "trời đất bất nhân
Xem chừng vạn vật như đồ chó rơm" *
Hoài nghi trách mạ oán hờn
Nêu ra một đạo danh thơm để lời
Trước khi mà có đất trời
Thì đà có đạo, đạo thời tự nhiên
Sống hòa hợp với thiên nhiên
Thông qua tu luyện cải duyên số minh
Sách chuyên luận Đạo Đức Kinh
Thuyết vô vi triết nhân sinh dãi bày
Giữ lòng thanh tịnh tâm ngay
Đừng nên thiết đến điều này việc chi
Về chính trị, cũng vô vi
Cứ ngồi yên chẳng làm gì cả đâu
Mà còn lo liệu lúc đầu
Phòng ngừa việc xảy ra sau mới cần
Không nhân lễ nghĩa dạy dân
Để dân giản dị tính trần tự nhiên
Sau nhà giảng thuật thần tiên
Phụ theo Lão Tử rồi truyền bá ra
Sự tu luyện biến đổi ta
Trường sinh bất tử cảnh đà siêu nhiên
Đạo thành phù thủy thần tiên
Nước bùa trị bệnh viết tên họ vào
Ba tờ một ném xuống ao
Một lên núi dán một đào đất chôn
Thịnh hành các xã cùng thôn
Người theo gọi đạo sĩ tôn bậc thày
* "Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật như sô cẩu"
PHẬT GIÁO
Thấy người ta thế gian này
Như sinh, lão, bệnh, tử đầy khổ đau
Vợ con cha mẹ quân hầu
Ngai vàng điện ngọc sang giàu lánh xa
Nguyên tên là Sĩ Đạt Ta
Ca Tỳ La Vệ vua cha nước nhà
Đi tu thành Phật Thích Ca
Để cầu phép giải thoát ra luân hồi
Theo ngài khổ não ở đời
Nguyên do cứ mắc luân hồi mãi thôi
Muốn ngăn ngừa khổ não thời
Làm sao thoát khỏi luân hồi mới yên
Luân hồi mà tránh được nên
Phải hòng cắt đứt nhân duyên thế trần
Thì lên đến cõi Niết Bàn
Tức là thành Phật bất phần tử sinh
Người ngoan đạo diệt vô minh
Chỉ còn cái sáng với mình nổi trôi
Khi chân lý đạo tỏ rồi
Cũng như ánh đuốc ngoài trời tối tăm
Chu du các nước sông Hằng
Ngài truyền dạy bốn mươi năm chẳng nề
Thuyết tinh tuý tứ diệu đề
Thực hành bát chính hiểu về nhân duyên
Do từ thập nhị trở lên
Cho khi tới đệ nhất nguyên nhân là
Vô minh lấy trí tuệ và
Lấy công đức phá đặng ra luân hồi
Tử sinh nghiệp báo ở đời
Thế là giải thoát đến nơi Niết Bàn
Vô cùng tịch mịch bình an
Đạo sau chia phái Bắc Nam kế thừa
Nam tôn giáo lý tiểu thừa
Trung Hoa, Đông Á đại thừa Bắc tôn
Đạo Phật gốc, Bà La Môn
Nhưng hai đạo khác nhau tôn chỉ thành
Phật viên tịch bốn trăm năm
Đạo ngài thịnh Ấn mới thành đạt xa
Xưa nay Phật Giáo dân ta
Theo đường Tây Tạng nhập qua xứ Tàu
Đại thừa triết lý cao sâu
Sắc không vô ngã thay màu Phật danh
Về luân lý trọng làm lành
Sống đời đức hạnh tu hành thánh nhân
Nguyễn Sơn Đảo.