Tôi bắt đầu những dòng chữ này sau chuyến “bộ du”… không định kỳ với đích đến là cái công viên ở gần nhà. Tôi gọi “không định kỳ” có nghĩa là chuyện “đi bộ cho khỏe người, đừng ngồi yên một chỗ, rú rú cả ngày thì người sẽ thành lú lẩn, đầu óc lúc nào cứ “ì” ra đấy thì cái xác làm sao động đậy?” được dặn đi dặn lại từ người có đầy đủ “thẩm quyền” đã không được tôi triệt để… thi hành. Dạ vâng, tôi biết chứ, “lỗi tại tôi mọi đàng”. Và cũng chính vì cái “tôi” thế đấy đã làm tôi buông bút khá lâu, chả bao giờ nghĩ mình sẽ cầm bút lại, mặc cho những nhắc nhở xung quanh.
Hôm nay sau khi vừa xong 12000 bước, tôi vào nhà, ngồi xuống cái sofa quen thuộc, nếu cứ như mọi ngày thì mắt thế nào cũng sẽ dán vào cái TV, lâu lâu chìa tay với cái cell phone bên cạnh tay vuốt lên vuốt xuống. Nhưng hôm nay thì khác, cũng với động tác tương tự thì có tiếng âm thanh trỗi ra, nhìn kỹ thì gặp những khuôn mặt khá quen thuộc của những thằng em đã lâu không gặp, tên nào tên nấy cũng dày dạn phong sương, trên 6 bó mà khuôn mặt và….tiếng đàn, tiếng kèn vẫn cứ như ngày xửa ngày xưa, bồi hồi không thể tả. Cảnh tượng này đã khiến tôi….cầm lòng không đậu, đầu óc miên man nghĩ về chuyện xưa tích cũ, lúc tóc chưa điểm đốm trắng, khoanh đen, tay cầm đàn, miệng “phát ngôn” không ngơi nghỉ, tôi đã cùng những tên này xuôi nam ngược Bắc. Bây giờ thì dấu chân chim trổ đầy trên mặt, mái tóc đã bạc, cái đầu thì đã-đang-sẽ từ từ trở thành …..đồng không nhà trống, thân thể thì tàn tệ và hình ảnh và âm thanh của những chú em này đã làm lòng tôi xao xuyến. Chuyển cả cái thân hình lười biếng sang cái bàn bên cạnh có cái laptop để cố gắng có vài hàng, nhưng tôi sẽ không nói về những kỷ niệm với mấy tên em này, vì tôi đã nói và đọc khá nhiều “những kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn đó”. Tôi sẽ linh tinh lang tang những câu chuyện chả đâu vào đâu. Tôi bắt đầu….lang thang.
***
Nhật Bản, đặc biệt là Tokyo và vùng phụ cận đã trải qua một mùa hè đỏ lửa, một mùa hè lịch sử chưa từng có với cái nóng cháy da, đốt cháy cả mặt đường, Tính từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 9 thì
-夏- Hạ (từ 25 đến 30 độ C, nóng bình thường – 140 ngày
-真夏- Chân Hạ (từ 30 trở lên đến 35 độ C, nóng... ra nóng – 86 ngày
-猛暑- Mãnh Thử (35 độ C trở lên - nóng kinh khiếp), - 15 ngày
-(酷暑) - Khốc thử (nóng tàn nóng khốc (trên 40 độ) – 15 ngày
Bây giờ đã cuối tháng 10, trời đã vào thu. Sáng nay, trời trong xanh, lấp lánh những cụm mây trắng lững lờ, khí trời đã có cái lạnh phơn phớt thịt da, cây lá đã bắt đầu chuyển màu. Tôi bước ra khỏi nhà để bắt đầu cho chuyến trường chinh 12000 bước.
Trước nhà, cây lá bã trầu vẫn sống hùng sống mạnh mặc cho thời tiết xung quanh, lá đã chuyển sang màu bạc. Ngắm nhìn “em” và chụp vài tấm hình, tôi bắt đầu bước, gặp bà hàng xóm và bà có câu chào và một câu nói khiến tôi khá bất ngờ: “Chào ông, dạo này ông có vẻ đi nhanh hơn trước!”. Vậy là mình vẫn còn khỏe, vẫn còn động đậy được.
Kimi ga yo (君が代),
Tôi tiếp tục bước, được vài chục mét thì tai nghe văng vẳng bài quốc ca Nhật Bản, đang trỗi ra từ cái nhà trẻ nằm cách nhà vài dãy. Như phản xạ tự nhiên, Tôi dừng bước và đứng thẳng, mắt hướng về cái nhà trẻ, nơi đang tổ chức ngày “Undokai” cho các cháu bé. Nhớ lại một lần thượng kỳ vào 40 năm về trước, tại một trại hè do Hiệp Hội tổ chức, trong lúc thượng kỳ, thì thấy có một nhóm học sinh trung học đệ nhất cấp (cấp 2) đang di chuyển đứng lại, các em đứng thẳng, khuôn mặt trang nghiêm tay để lên ngực. Tôi vô cùng xúc động và có cảm tưởng như họ đang chia sẻ với chúng tôi về những lời và tiếng hát cất cao. Tôi nhớ hoài và nhớ mãi khung cảnh đó.
Trong khi bài quốc ca trong lòng tôi thì hùng tráng “Vì tương lai quốc dân, Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền” thì quốc ca Nhật có vẻ trầm buồn, sâu lắng. Theo bác Google thì được biết:
“Kimi ga yo (君が代), là một trong những quốc ca ngắn nhất thế giới, chỉ có 32 chữ. Lời bài hát dựa trên một bài thơ waka cổ trong thi tập Cổ kim Hòa ca tập được viết vào thời kỳ Heian (khoảng thế kỷ 10).
Bài thơ được viết theo thể waka, một thể thơ Nhật Bản cổ truyền gồm 31 âm tiết được chia thành 5 dòng. Dòng đầu tiên và thứ hai có 5 âm tiết, dòng thứ ba có 7 âm tiết, và hai dòng cuối cùng có 5 âm tiết mỗi dòng.
Nội dung của bài thơ là lời cầu nguyện cho sự trường thọ của Thiên hoàng và sự thịnh vượng của đất nước. Lời bài hát như sau:
君が代は
千代に八千代に
さざれ石の
巌となりて
苔のむすまで
Dịch nghĩa:
Nguyện cho triều đại của ngài
Kiếp này, kiếp sau, kiếp sau nữa
Trở thành hòn đá cuội nhỏ
Mọc lên thành núi
Cho đến khi rêu phủ kín
Bài thơ thể hiện lòng kính trọng và biết ơn của người Nhật đối với Thiên hoàng, người được coi là biểu tượng của đất nước. Bài thơ cũng thể hiện niềm tin của người Nhật vào sự thịnh vượng và trường tồn của đất nước. (hết trích).
Mặc dù bài thơ được viết cách đây hơn 1.000 năm, nhưng nó vẫn được người Nhật coi là một tác phẩm văn học cổ điển quan trọng. Bài thơ được dạy cho học sinh Nhật Bản từ khi còn nhỏ, và nó thường được hát trong các dịp lễ hội và sự kiện quan trọng.
Hỏi thăm vài người Nhật quen biết thì họ nói:
• "Họ cảm thấy rất tự hào khi nghe Kimigayo. Bài hát nhắc nhở người Nhật về lịch sử và truyền thống của đất nước, và nó khiến họ cảm thấy như mình là một phần của đất nước."
• "Họ cảm thấy xúc động khi nghe Kimigayo. Bài hát nhắc nhở họ về những người thân yêu, và nó mang lại cho họ cảm giác bình yên và an toàn."
------
Tiếng gọi thanh niên!
Tôi cũng nhớ lại lễ thượng kỳ trong trại tị nạn Fujisawa vào khoảng năm 1978. Lúc vừa cất tiếng hát thì thấy Lê Thiệp nước mắt tuôn rơi. Hỏi thì anh cho biết, đó là lần đầu tiên anh được hát và đứng thẳng người. Cả mấy năm nay, anh muốn hát bài này nhưng không có dịp. Nay, nơi xứ sở tự do anh đã xúc động và nước mắt chảy ròng ròng. Xung quanh ai cũng nhìn thấy. Tôi cũng nhìn thấy và tôi cũng khóc theo.
Viết đến đây, tôi mở youtube và nghe lại bài quốc ca. Tôi lại xúc động chực khóc và quyết định không viết tiếp, tôi sang chuyện khác.
Các món tận cùng bằng chữ “don”
Nguyên thủy của chữ “don” (丼)là chữ viết tắt của chữ “Donburi”, mô tả hình hài một cái tô tròn có cái đáy sâu và trên có nắp đậy, khi cần phải di chuyển đường xa mỗi khi demae (出前)hay còn gọi là ship bằng “Uber-Eat” bằng xe đạp hay xe gắn máy thì cái nắp sẽ giữ được độ nóng cho món ăn y độ nóng khi ăn trong tiệm. Cho cơm vào hơn nửa phần "don", phủ một món nào đó còn gọi là topping lên trên “mặt bằng” của cơm là ta có ngay “cái gì đó “don”.
Một số món 丼 phổ biến nhất bao gồm:
• 天丼 (tendon): cơm với tempura
• 牛丼 (gyudon): cơm với thịt bò
• 親子丼 (oyakodon): cơm với thịt gà và trứng
• かつ丼 (katsudon): cơm với thịt heo lăn bột
• うなぎ丼 (unagidon): cơm với lươn
• いくら丼 (ikuradon): cơm với trứng cá hồi
• たらこ丼 (taradon): cơm với trứng cá ngừ
• かに丼 (kanidon): cơm với cua
• エビフライ丼 (ebi-fry don): cơm với tôm chiên
• チキンカツ丼 (chicken katsu don): cơm với thịt gà chiên
• 海鮮丼(kaisendon)cơm với hải sản
Tuy nhiên cũng có món ăn cũng tận cùng bằng chữ “don”, nhưng chả có một chút liên quan, nó sang một “phạm trù” khác và nếu có dịp chúng ta sẽ bàn sau. Đó là ......”udon”. Đọc chữ này chắc bạn ta đã hiểu.
Tôi thì khoái nhất là gyudon mà có ông bạn đổi tên thành “cơm đại hội”, mới nghe thì đớ người ra, giải thích một hồi mới hiểu, sở dĩ có chuyện thay tên đổi họ này là vì các phần ăn này rất tiện lợi cho những các “đại hội” đông người, nhanh và gọn chả ai “giành” ai vì một mình một chợ.
Ngoài Yoshino. Còn có Sukiya, Matsuya...nhưng theo tôi thì Yoshino là ngon nhất vì thịt bò. Phải là thịt bò nhập từ Mỹ mới ra mùi gyodon, nghe nói Yoshino đã ký khế ước đặc biệt với nông trại nuôi bò nào đó tại Mỹ. Nó là những lát thịt ba chỉ cắt dài, xen vào nhiều vân mỡ để tạo độ mềm của thịt, có vị béo thật dễ chịu. Trông thì thấy hơi bầy nhầy, nhưng khi cho vào mồm thì nó không “sần sật”, không “tụt tụt” mà nó “uyển chuyển” mềm mại, ngậy tan trong miệng và tuột hằn vào bao tử, đánh động thị giác, khứu giác, vị giác. Thú vị lắm.
Có dạo khoảng năm 2002, bò Mỹ bị.... điên (BSE), nên có lệnh cấm nhập bò Mỹ, phải thay thế bò Úc và bò Nhật, nhưng không được “ninki”. Trong lúc bò Mỹ cấm nhập, Yoshino không biết tìm đâu ra 1000 phần, và chỉ bán trong 1 ngày. Người người xếp hàng ăn cho bằng được, ai nấy đều tỏ vẻ hân hoan, Chỉ tới trưa là hết sạch. Dạo chưa mang “họa” vào người tôi thường ghé thăm nó, một tuần ít nhất 3 lần. Sau khi “bị” khuyên tránh chất có nhiều protein, tôi mới đổi sang soba đứng.
Khoảng năm 1979 thì một Gyudon có giá hơi cao, một “don” từ 500 đến 600, nhưng từ từ bò các nước ào ào nhập khi Nhật “mở cửa”. Giá trờ thành rẻ hơn, ngay lúc “giảm phát” thì lại càng rẻ hơn nữa. 500 hay 600 cho 1 “don” của những năm 1978, thời nay ta có thể làm 1 “don” rưỡi hay 2 “don”. No bụng luôn. Gyudon là một món ăn trở thành quá quen thuộc, bán trên Online từng bịch, về nhà chỉ cần cho vào lò viba quay chừng 3 phút, rồi phủ lên bát cơm là quân ta sẽ có một gyudon chính gốc. Tuy nhiên tôi vẫn khoái ngồi tại chỗ vì muốn trở thành....thượng đế để tùy nghi lựa chọn, chẳng hạn như lúc chờ giờ xe điện 復旧 (chạy lại) khi gặp “sự cố”, thêm một chai bia kèm theo đĩa thịt bò để riêng rồi cứ thế mà nhâm nhi là thấy cuộc đời trở nên tươi đẹp, quên cả lối về. 美味しくてたまない (Ngon chịu không thấu). Và còn rất nhiều món khác được biến dạng tùy theo người nấu vì như đã nói ở trên nếu quân ta cứ “sáng tác” ra được món nào đó theo ý mình rồi phủ trên mặt bằng của cơm là sẽ thành “cái gì đó don” ngay. Nhanh – gọn – lẹ!
Còn nhiều thứ “don” khác cũng tuyệt vời lắm, tôi xin để dành vào một dịp nào đó sẽ kể bạn ta nghe.
Tôi dừng bút ở đây và sẽ viết tiếp những câu chuyện dang dở này khi ....điều kiện cho phép.
Cám ơn các chú em đã cho tôi, chỉ trong chốc lát mà có vài hàng quá ngắn ngủi này.
V.Đ.K