Bạn ta!
“Hôm nay trời quá lạnh hoặc chưa năm nào lạnh như năm nay”. Câu nói quen thuộc mà bạn ta chắc đã nghe quen. Bạn ta cảm thấy “lạnh” vì đã quên cái lạnh năm ngoái, mà cảm cái lạnh ngay trước mắt, dù theo những “ghi nhận” thì “biến thiên” nhiệt độ mùa Đông của mọi năm thì vẫn bình bình, không lên không xuống. Tokyo ít khi nào xuống dưới 0 độ.
Nhưng năm nay thì lạnh thiệt, cái lạnh 10 năm mới trở lại. Miền Bắc Nhật Bản như Hokkaido, Niigata, Akita, Aomori… thì khỏi nói, có nơi xuống đến -30độ, miền Nam như Kyoto, Nagoya ….thì – 6 độ. Ngay tại nơi tôi ở sát Tokyo, bên ngoài cũng giá rét, bây giờ đang là -4 độ, buổi trưa có thể “ấm” lên đến 3, 4 độ rồi sẽ tiếp tục lạnh dài dài cho đến khi nào thì…..trời biết. Ngồi nhà, ôm cái lò sưởi, đầu miên man nghĩ lại vài chuyện đã qua. Xin kể 2 câu chuyện.
----------
Ngày đình chiến.
Hôm nay là ngày 28/1/2023. Cũng ngày này 50 năm về trước, 8 giờ sáng ngày 28/1/1973 là ngày có hiệu lực hiệp định đình chiến Paris (ký ngày 27/1/1973). Tôi nhớ rất rõ, lúc đó đang chuẩn bị thi vào đại học sau khi học tiếng Nhật 1 năm. Đêm hôm “ký hòa bình”, thì bọn sinh viên tụi tôi cả hai phe “hữu” và “tả” hơn trăm mạng đã tụ tập tại hội trường, cư xá sinh viên Kokusai để cùng nhau bày tỏ nỗi niềm. Có 2 luồng suy nghĩ trái ngược: Nghi ngờ và tin tưởng vào hiệp định. Tôi nhớ cha Vũ Đình Trác có nhắc nhở: “Ngay sau những giây phút vừa ký hiệp định thì cộng quân vẫn tiếp tục tấn công một vài nơi, mình phải cẩn thận theo sát tình hình”. Sau một hồi góp ý, tranh luận cũng khá căng thẳng vì cả 2 phía đều giải thích dựa trên chính kiến của mình. Dù thế tụi tôi cũng cảm thấy vui, vì lần đầu tiên mới có sự "họp mặt" như vậy và vui hơn chút nữa vì tạm thời tiếng súng sẽ ngừng nổ, cả 2 bên sẽ không còn người bị hy sinh oan uổng. Hy vọng này có thể dẫn đến niềm tin là dân của 2 miền Nam-Bắc sẽ từ từ bắt tay nhau xây dựng quê hương lại đổ nát. Tụi tôi nắm tay nhau quay vòng trong hội trường, tôi nhớ là tôi đã cầm đàn để cùng mọi người hát bài “Giọt Mưa Trên Lá” và “Việt Nam-Việt Nam”.
Ngày tháng trôi qua. Nhưng sự thể đã không như thế, “Hôm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui”. Ngày Ký Hiệp Đình Chiến Paris cũng chính là hồi chuông báo tử cho sự mất miền Nam với bao tang thương, mất mát đã xảy ra và 30/4/75 đã đến. Mấy tên bạn cùng lớp đã lên đường tòng quân vào tháng 4/72, tên thì Nhảy Dù, tên thì Biệt Động Quân, tên thì Thủy Quân Lục Chiến….đều đã bỏ mình nơi chiến trận. Ông em rể Bộ Binh tôi cũng bị bắt làm tù binh trong những trận đánh cuối mùa. Gia đình nào cũng ly tan và mất mát. Nghĩ lại thấy bùi ngùi và thấy hơi mặc cảm, khi những anh em đồng lứa đã đem cả tuổi thanh xuân mình lao vào cuộc chiến giữ quê hương, còn mình thì vẫn “ấm yên” nơi xứ người. Giả sử nếu tôi không lên đường du học thì số phận tôi sẽ như thế nào nhỉ? Tôi không dám nghĩ tiếp.
------------
Tôi đi học
Tôi xin bắt đầu bằng một trích đoạn trong bài viết “Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh,
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Đoạn văn tả lại cảm tưởng ngày đầu tiên cắp sách đến trường của một cậu học trò. Cùng với mẹ, trên đường từ nhà đến trường, xuyên qua con đường làng dù rất quen thuộc, nhưng cậu lại mang tâm trạng: bỡ ngỡ và có điều gì khang khác với ngày thường vì lòng cậu đã có sự thay đổi lớn như cậu “thú nhận”: “Hôm nay tôi đi học”,
Thú thật là tôi không thể nhớ lại cảm tưởng ngày đầu “cắp sách đến trường” của tôi như cậu học trò của nhà văn Thanh Tịnh, vì đã quá lâu, nhưng tôi lại nhớ rất rõ cảm tưởng ngày “cắp sách đến trường lần 2” trên đất mới. Cảm giác của tôi giống và khác với cậu học trò của nhà văn Thanh Tịnh, con đường tôi đã đi qua không phải là con đường quen thuộc và cảnh vật xung quanh tôi đã gặp thì hoàn toàn lạ lẫm.
Vào một ngày cuối tháng 12 năm 1971, khi 19 tuổi, tôi đã được gia đình, bạn bè đưa tiễn để bắt đầu cho cuộc hành trình mới. Tôi đã lên đường với một niềm tin: “Tôi đi, tôi học, xong tôi sẽ trở về phục vụ và đóng góp cho nơi tôi đã sinh và dưỡng tôi suốt từ thời thơ ấu”.
----------
Tôi sinh ở một làng quê có tên là La Thiện, cách xa tỉnh lỵ Sơn Tây 18 km, cách núi Ba Vì đi theo phía ngược hay phía xuôi cũng khoảng 18 km. Làng tôi nằm ngay trên hữu ngạn sông Hồng Hà, phía trên sông Hát Môn - nơi 2 Bà Nữ Anh Hùng đã trầm mình - đi khoảng 21 km và cũng đối diện với thành phố Việt Trì là căn cứ quân sự lớn của Pháp, nằm ngay ngã Ba sông Hồng Hà và sông Tô. Về mùa nước thì sông nước mênh mông trông rất xa nhau khoảng 2 km. Nhưng về mùa khô thì đứng ở bãi cát bên này có thể nói chuyện với người đứng bên kia. Làng tôi quen thuộc với thành phố Việt Trì hơn là thành phố Sơn Tây”.
Dù chưa một lần ngắm núi Ba Vì in bóng trên giòng sông Đáy lặng lờ trong chiều xanh êm ả, nhưng tôi vẫn tưởng tượng và yêu mến vô cùng bức tranh quê hương đó, qua lời thơ của Quang Dũng, nhẹ nhàng mà gói ghém nhớ thương:
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Đôi mắt người Sơn Tây ngày xưa, chính là đôi mắt của tôi, của hàng triệu người xa xứ, vẫn ngày đêm thương nhớ bờ kia đất nước.
Xa quá rồi em người mỗi ngã
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Vào Nam năm 1954 khi còn bồng ẵm, qua lời kể của bố tôi và tâm tình của nhà thơ Quang Dũng nên chỉ biết nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là thế. Cho đến khi rời nước cuối 1971 hầu hết tôi sống ở Saigon, nên niềm nhớ quê hương tất cả đều là Saigon.
Tôi xa Saigon đã lâu lắm, nên đầu óc vẫn còn “hỗn loạn”, nhập nhằng với địa danh đã thay họ đổi tên của những con phố, của những con đường ngày xưa cũ. Ký ức con người rồi cũng phải nhạt nhòa theo nhịp sống hối hả, cơm áo gạo tiền trên đất mới. Nhưng tôi vẫn nhớ những con đường mà tôi đã đi qua của cái thuở còn:
Cho mùa Hè chim xưa vừa cánh trắng
Cho thênh thang em áo lụa khăn dài
Tôi tóc bay qua bao mùa phiêu lãng
Chút êm đềm trong gấu áo chưa phai
(Thơ Mường Mán)
--------
Nhà tôi ở cuối đường Hồng Thập Tự, trên đường Nguyễn Thiện Thuật, ngay trên con hẻm 16 khá lớn. Quẹo phải, đi vài căn là đến tiệm cơm Bình Dân Tân Thành, ngon nổi tiếng với món thịt ram và mì Quảng.
Nhà tôi cách quán cơm Tân Thành một con hẻm nhỏ, đi khoảng 2 phút là sẽ ra đường Hồng Thập Tự, quẹo trái thì đến trường Thăng Long và tôi bắt đầu học thêm Toán Lý Hóa từ ngay sau khi trường mới mở (1969). Quẹo phải là cái bùng binh, gần đó là trường Petrus Ký, bên cạnh là đại học Khoa Học mà tôi có dịp học vài buổi trước khi lên đường sang Nhật.
*Sang phía bên kia là hẻm 21 Nguyễn Thiện Thuật, có cà phê Năm Dưỡng. Cà phê quán này nổi tiếng khắp vùng! Quán này có một cô có lối ăn nói “trống không”, cặp mắt có cái đuôi dài mà có người đã ví “mắt đuôi dài là “sự “pha trộn” giữa mắt phượng và mắt bồ câu – vừa có độ ngây thơ, vừa mang vẻ quyến rũ”. Không biết có thật thế hay không vì tiếp xúc và gặp gỡ không nhiều, nhưng tôi cứ….tin là như thế để đời cảm thấy… màu hồng dễ chịu. Cứ thấy tôi ghé vào tiệm là quán lại vang vang những đĩa nhạc của Beeges, Ventures vì biết tôi ưa thích, tự động một ly cà phê “sữa nhỏ” bốc khói dậy mùi mang đến tận bàn với cái nhìn nằm giữa “nguýt” và “lườm”, hình như thay cho lời “nhắn”: Phần của anh nè. Tui biết quá mà.
*Cũng gần đó, trước tiệm mì Tân Nam Hưng có quán cơm tấm của Dì Năm, Dì có mấy người con, con đầu của dì thì học cùng năm và cùng thi Tú Tài với tôi, còn cô em kế thì có khuôn mặt và đôi mắt trông rất dịu dàng, có mái tóc không dài, không ngắn. Dạo về thăm nhà đầu 75, tôi dẫn cậu em và cô em ghé tiệm mì Tân Nam Hưng ngay trước sạp bán cơm tấm của cô, vừa ăn mì “xíu mại” và kêu một đĩa cơm bì chả. Thường thường thì em cô sẽ là người mang đến, nhưng hôm đó Cô tự tay mang đến nhìn tôi với ánh mắt vừa xa vắng như thầm trách móc: “Anh đi đâu mà biệt tăm vậy, không thấy anh nói gì, lâu quá mới thấy mặt anh”. Tôi nhớ hoài câu đó, lòng thấy nao nao chi lạ. Sau này có hỏi thăm thì hình như cô vẫn còn sống một mình. Không biết cô chủ trương như thế hay chờ ai, nhưng chắc chắn không phải là tôi.
*Cuối hẻm 16, có một tóc dài áo trắng chắc dân Nguyễn Bá Tòng. Ngày nào cô cũng đi ngang nhà người bạn, nơi tôi vẫn ngồi chờ…cô và nghêu ngao những bản nhạc của Nhật Trường, cô thường nhìn và lúc nào cũng nở với tôi một nụ cười. Riết rồi quen, không thấy nụ cười này hình như lòng tôi cảm thấy thiếu thiếu gì đó, không chịu được. Lúc về lại Saigon lần đầu, tôi có ý đi tìm nhưng bóng cô vẫn bóng chim tăm cá.
3 “dáng huyền” tôi vừa nhắc mà ngay cả cái tên cũng tôi không biết khiến tôi “cầm lòng không đậu” mỗi khi nhớ về quê nhà.
--------
Tôi học ở Nguyễn Bá Tòng (Bùi Thị Xuân), Hưng Đạo (Cống Quỳnh), Thăng Long (Hồng Thập Tự), mỗi sáng đến trường, vừa đi vừa nhớ lại cái vườn bông Khải Định cuối đường Hồng Thập Tự, nơi có những hẹn hò, bỡ ngỡ của những cặp nhân tình trẻ, của những mối tình đẹp như mơ của một cặp đôi mà mình đã từng là nhân chứng.
Trên đường Nguyễn Thiện Thuật có “Bánh Mì Hà Nội”, cạnh tiệm là quán bánh cuốn Thanh Trì mà tôi đã quên tên. Lên trên chút xíu là tiệm đàn Đức Thắng, nghe nói bây giờ là phố Đàn. Băng qua Phan Đình Phùng sang phía bên kia là Phở Tàu Thủy, đối diện là phở gà Hồng Hương. Nhà tôi gần chợ Bàn Cờ khoảng 10 phút đi bộ, có bún riêu bà Kiều, quán nổi tiếng không ai là không biết. Bà Kiều thường quấn khăn mỏ quạ khi bán hàng, nhanh nhẹn “phục vụ” cho từng khách một.
Và còn nhiều lắm……
-------------
Tôi đến phi trường Haneda Nhật trong cái lạnh buốt vào ngày cuối của năm 1971. Được ngắm người Nhật ăn Tết Nhật lần đầu với thật nhiều điều mới lạ. Tôi đi đền Meiji Jingu, ghé thăm phố Harajuku, nơi tổ chức Olympic 1964, thưởng thức yakisoba đầy mùi thuốc Bắc…, đi với mấy người bạn mà không biết là mình đang đi ở ngoài trời hay đi dưới lòng đất. Lạ lẫm và hoàn toàn choáng ngợp so với Saigòn tôi đã ở.
2 tuần sau tôi bắt đầu cắp sách đến trường học Nhật Ngữ. Tôi bỡ ngỡ và bắt đầu lạng quạng và chật vật với một thứ chữ hoàn toàn mới lạ. Để giải khuây, tôi đã rủ rê mọi người ca hát, tôi cầm đàn, lập ban tứ ca, tham gia các chương trình văn nghệ. Chỗ nào có nhạc là tôi nhất định chen chân, vì đó là thú tiêu khiển duy nhất của tôi ngay từ lúc còn ở quê nhà. Sau một năm “chơi nhiều hơn học” tôi đã may mắn vào một đại học ở Yokohama nằm cạnh Tokyo 1 tiếng 30 phút xe điện. Tôi vẫn học, vẫn cầm đàn ca hát. Cuộc sống của tôi khá bằng phẳng,…..trơn tru, bên cạnh những tin tức về cuộc chiến càng ngày càng dữ dội .
Khoàng tháng 2/1975, tôi có về thăm nhà. Saigon lúc tôi đi (1971) và lúc tôi về lần đầu cũng không nhiều thay đổi. Vẫn còn những phố xá thân quen, vẫn còn mùi rất “khó chịu nhưng dễ chịu” của chợ cá Trần Quốc Toản, những con đường lầy lội khi “mùa mưa về cũng lem nhem bước lên ngõ trơn” (Nguyễn Đức Quang). Ở Việt Nam được 1 tháng thì tôi phải quay về Nhật trên một chuyến bay tơi tả đã dùng để chở người di tản. Tin chiến sự tràn ngập trên mặt báo, trên truyền hình và cuối tháng 4/75 thì Saigon của tôi đã mất.
Điều tôi “ân hận” nhất là không được sống ngay trong những giây phút kinh hoàng khi quê hương đổi chủ. Tôi “cảm” được nhưng tôi hoàn toàn không “nhận” được.
Khác với những bước đi đầy tự tin lúc đầu, bước đi của tôi đã trở nên khấp khểnh, bấp bênh với con đường trước mặt. Tôi làm đủ nghề: anh bồi, rửa nhà, cu ly khuân vác, vét bùn nạo ống cống để tự sống khi sự học còn đang dang dở. Sau khi tốt nghiệp, tôi đi làm về máy tính, rồi tôi đi dạy học… và tôi đã xa hẳn cội nguồn cũng đã hơn 50 năm kể từ ngày đó.
Định mệnh đã đẩy đưa cuộc đời khiến tôi biết và quen được những người bạn mới đủ các thành phần “quân dân cán chính”: boat people, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, du sinh….Tôi đã sống những ngày có lúc nhọc nhằn, có lúc hào hùng-kiêu dũng nhờ và bằng “tâm sự” thật của các người bạn mà tôi đã gặp. Bạn ta có thể biết những “tâm sự thật” xuyên suốt qua các bài viết của bạn tôi.
Tuổi càng ngày càng cao, được ông bác sĩ gia đình khuyên thân thể nên vận động tại một phòng tập gần nhà. Một slogan thường gặp hàng ngày nơi tôi hay đến sẽ là “kim chỉ nam” cho tôi với cuộc sống hiện tại: “Kỳ vọng của tôi là sẽ tự đi bằng chính đôi chân của thân thể mình cho đến những phút cuối của cuộc đời”. Tôi đã, đang và sẽ cố gắng tiếp tục đi.
Tôi ngừng dòng suy nghĩ của tôi, và cám ơn bạn ta đã đọc.
V.Đ.K