Xin giới thiệu với bạn ta một bài viết cũ nói về một sinh hoạt của người Việt tại Nhật thưở còn sơ khai ở một trại tạm trú tị nạn Kasahiwazaki tỉnh Niigata phía Bắc nước Nhật của cơ quan Caritas. Những "nhân vật" được nhắc đến trong bài viết có kẻ đã ra đi, trẻ nhất cũng tay bồng tay bế. Nếu ai "lỡ" tạm cư tại trại này chắc chắn sẽ nhớ. Người viết cũng bồi hồi khi đọc lại những hàng chữ này. Thân tặng ông Hội Trưởng Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật, người cũng xuất thân từ trại tị nạn lạnh lẽo này.
------------------------------
Người Việt tại Kashiwazaki chiếm trọn tình cảm người Nhật qua “Buổi Văn Nghệ Dậy Tình Dân Tộc” (Vũ Đăng Khuê)
28/12/1986
Sau hơn 2 tháng thăm dò, chuẩn bị, tập dượt buổi văn nghệ đầu tiên của người Việt tị nạn vùng Niigata được tổ chức tại nhà thờ Kashiwazaki hôm 28/12 vừa qua đã kết thúc trong tiếng “mừng vui chiến thắng”. Thật vậy, không khí của hội trường nhà thờ ngày hôm đó tưởng như vỡ tung vì tiếng reo vui hể hả của những diễn viên Việt Nam đã đem tất cả tấm lòng mình để trình diễn, để “hớp hồn” hơn 150 quan khách Nhật tham dự ngồi chật hội trường. “Bà Hiệu Trưởng trường tiểu học chắc bà không ngờ mình ngon lành như vậy”, anh Tiền hể hả, “Ngài (cha Leo) chắc phục mình sát đất” anh Thưởng cười nói vang. Để có một cái nhìn đầy đủ hơn, xin mời bạn đọc hãy cùng chúng tôi theo dõi quá trình chuẩn bị, ra quân cho đến lúc thành công của buổi văn nghệ “rửa mặt để đời” này, kết quả của một sự kết hợp chặt chẽ giữa Tổ Tiếp Vận Kashiwazaki và Ban Văn Nghệ Chi Bộ Tokyo.
CHUẨN BỊ,
Sinh hoạt của đồng bào ta tại vùng đất lạnh lẽo này đã có những dấu hiệu khởi sắc từ khoảng đầu năm 1986, xuyên qua những lần sinh hoạt về thể thao, văn nghệ, trại hè có tính cách giao lưu với người bản xứ. Giới truyền thông Nhật bắt đầu chú ý đến số người Việt nhỏ bé này khi cháu Tường Vi được chọn làm đại diện cho Á Châu lên đường sang Ý, tham dự 1 chương trình văn nghệ tại đây. Tuy nhiên, giới báo chí này cũng chỉ hiểu rất lờ mờ về hoạt động của đồng bào ta. Lợi dụng ngay cơ hội tốt này, anh em trong trại bàn nhau, đưa ý kiến lên cha Leo về một buổi văn nghệ ra mắt người Nhật tại đây. Cha chấp thuận, nhưng có lẽ còn hơi ngại nên đã xúc tiến và thúc đẩy một buổi trình diễn “vừa vừa” (theo lời đoán của anh Thưởng là cha đang dò dẫm “thử sức” mình xem tới đâu). Xong được một bước, vấn đề còn lại là ai sẽ đảm trách 1 chương trình văn nghệ đầy đủ như vậy? khi kinh nghiệm về tập dượt, văn nghệ của mọi người thì hầu như không có, lại nữa hai tay văn nghệ chiến của trại thì một đã lên đường định cư là anh Ánh, một đã nhập viện: anh Vinh. Làm thế nào bây giờ? “Hay ta bàn với Xứ Bộ”. Và rồi kết quả của những chuyến công tác ngược xuôi, điện thoại viễn liên từng ngày một: đoàn văn nghệ của Chi Bộ Tokyo sẽ “nắm tay” Ban Văn Nghệ của Trại thực hiện cho thành công lần ra quân đầu tiên này. Không khí trong trại thật khẩn trương nhưng không kém phần vui nhộn, các cháu bé, ngày đi học, tối về miệt mài tập từ ngày này qua ngày khác, Chị Phụng, người giáo viên yêu nghề dẫu đầu tắt mặt tối với công việc hàng ngày nhưng đã phải thức hàng đêm đến mờ đôi mắt may từng chiếc áo dài, kết từng chiếc khăn cho ban vũ, chị Liên Hương mặc dù cháu nhỏ bị bệnh phải nhập viện nhưng vẫn không từ nan bất cứ một công tác nào đưa đến. Anh Thưởng, Anh Tiền, Anh Hùng, Anh Thịnh, Anh Bửu: những linh hồn của trại chạy đôn chạy đáo lo từng việc nhỏ cho đến việc lớn. Đây phải nói là một kỷ lục, chỉ có thể có nơi những người còn nhiệt tình với quê cha đất tổ. Khí thế “Toàn Diện Đấu Tranh” đã lan tràn khắp trại trong những ngày chuẩn bị. Rồi những lo âu, sốt sắng đã vượt qua tất cả khi đoàn văn Nghệ từ Tokyo bay xuống đêm 27/12/1986 cùng với những chuyên viên “kỹ thuật” “số 1”: kinh nghiệm thì cạn nhưng tấm lòng thì đầy ắp: đó là Dân, là Thạnh, là Hay. “Tập dượt lại lần cuối cho ngon lành”, và chương trình ngon lành thật, tuy nhiên ai nấy đều không giấu nổi nỗi âu lo.
RA QUÂN.
“Sắp đến giờ trình diễn rồi, tất cả check lại một lần chót”, Anh Hoàng: sân khấu, Dân: âm thanh, Hoá: ánh sáng, Anh Thịnh, Anh Hùng: liên lạc viên, chị Phụng: trang điểm. Tất cả những người Việt yêu nước nồng nàn đang chuẩn bị cho buổi xuất quân đầy khí thế. Đúng 1 giờ, sau lời giới thiệu ngắn gọn của cha Leo, Màn từ từ mở, gần 20 thiếu niên, thiếu nữ Việt Nam xuất hiện với những y phục Việt Nam với đầy đủ màu sắc, khán giả trầm trồ: “Quần áo họ may ở đâu đẹp quá nhỉ?”, Bài hát Việt Nam Việt Nam bằng 2 lời Việt-Nhật đã được hát thật đều thật đúng, tiếng vỗ tay hòa nhịp của khán giả làm ban văn nghệ lên tinh thần hát to hơn nữa. Bài hát đầu tiên đã chấm dứt với những tràng pháo tay không ngớt. Kế tiếp, cô bé Thùy Trang xinh đẹp tha thướt trong chiếc áo dài trắng với nón lá cầm tay đang uyển chuyển theo nhịp điệu bài hát, hôm nay Trang xinh ra phết, Trang đẹp quá chừng, Trang đang thu phục cảm tình nơi khán giả, điệu vũ nón kết thúc trong sự tiếc nuối của rất nhiều người. Hai bài hát tiếp theo của một bé trai với lời lẽ mộc mạc đã làm nhiều người rưng rưng nước mắt, vũ khúc Reo Vang Bình Minh của 4 bé gái lại một lần nữa làm cho sân khấu như bừng lên sức sống. Ban vũ của mấy thiếu nhi Nhật đã đáp lễ lại bằng một vũ khúc vui, phe ta trả lễ bằng những tràng pháo tay vang dội. “Một buổi sáng mùa Xuân” của cô Lý bằng hai lời Việt-Nhật, màn ảo thuật số 1 của Điền đã thu hút sự chú ý đặc biệt cho những ống kính của các đài truyền hình đang hiện diện. Điểm bất ngờ và thích thú nhất là đây: Ban Văn Nghệ Tokyo đã góp mặt với vũ khúc Múa xòe, vũ khúc ăn khách số một tại Đông Kinh, khán giả trầm trồ, chắc hẳn ngạc nhiên với sự điêu luyện của 8 cô gái xinh đẹp đó. Tiếng vỗ tay tán thưởng lại vang lên từng chập, miệng 8 cô cười tươi như hoa ngày Tết. Phần đầu của chương trình đã chấm dứt với lời “phán” của cha Leo: Wonderful, very good, ganbatte kudasai.
Không ai bỏ ra về sớm, khán giả Nhật tiếp tục ngồi lại cho đến cuối. Vũ khúc Con Chim Non, “Trăng Chiến Khu” của bé Nga lại được tiếp tục, khán giả lắng nghe, có người đã rơi nước mắt. Cháu Tường Vi, hôm nay trong một khuôn mặt vui tươi mạnh khỏe đã xuất hiện lại lần đầu sau chuyến công tác dài 2 tháng, mọi người vỗ tay theo bài cháu hát, cha Leo chạy tới chạy lui cố thu những bức hình đẹp nhất của cháu vào ống kính. Vũ khúc Múa Trống của Tokyo lại đến, hình ảnh những cô gái Việt rộn ràng tiếng trống Mê Linh chắc sẽ để lại trong lòng người bản xứ những ghi nhận khó quên, nhạc cảnh Hòn Vọng Phu do anh Vũ và chi Hương thủ diễn cũng thành công không ít, và cuối cùng thể theo lời của khán giả Vũ khúc Múa Xoè lại được trình diễn thêm một lần nữa, và đúng 2.45 (giờ dự định), chương trình văn nghệ đã kết thúc. Khán giả lục tục kéo nhau ra về trong cảm mến.
THÀNH CÔNG.
“Thành công, thành công rồi bà con ơi”, tiếng reo lớn của mọi người đã làm tôi cảm động. Cha Leo bắt tay người này, ngợi khen người khác, “có lẽ cha đang dự định một chương trình lớn hơn vào mùa Xuân năm nay”, anh Thưởng cười cười cho biết, các em thiếu nhi, các anh các chị tươi vui như ngày Tết. Tối hôm đó, khuôn mặt của Trại rộn ràng hơn bao giờ hết. Tôi tin chắc là sẽ thành công, tôi biết ngay từ đầu khi chúng ta ước hẹn. Cám ơn bà con cô bác, cảm ơn Tổ Tiếp Vận Kashiwazaki, tụi tôi phải về lại Tokyo, nhưng tôi và các em trong ban văn nghệ sẽ không bao giờ quên được những chân tình đầy ắp của các anh các chị sau 3 ngày gần gũi. Mình sẽ còn gặp lại, mình sẽ còn sát cánh. Phải thế không các anh các chị?
V.Đ.K ghi