Hàng năm cứ vào vài ngày trước Tết Âm Lịch là tôi đi đến hai chợ Mỹ-Việt để mua hàng chuẩn bị nấu cúng Giao Thừa và mừng Tết cho các con giữ được truyền thống về Tết Việt Nam. Tại chợ Mỹ, tôi mua những hộp “bánh tây” ngon, đẹp mắt; tại chợ Việt thì tôi mua trái cây, hoa quả, và thức ăn tươi để nấu cúng tổ tiên ông bà. Năm nay cũng thế, chuẩn bị đón một năm mới đến, tiễn một năm cũ đi qua, tôi đã mua một nhánh Cúc vàng, và lần đầu tiên một chậu hoa Thủy Tiên, thay cho hoa Huệ và hoa Lay Ơn (Gladiolus) mỗi năm. Nhìn mâm hoa quả bánh trái bầy trên bàn chuẩn bị cúng Tết, lòng tôi xôn xao, nhớ thương lắm về những cái Tết năm nao ở quê nhà.
Những ngày xa xưa đó, Tết đến đối với anh chị em chúng tôi là một sự kiện rất lớn vì được thấy nhà cửa thu xếp làm mới, làm sạch, đẹp đẽ từ trong ra ngoài. Ngày 30 Tết được thấy gia đình nhộn nhịp trong các nghi lễ cúng tổ tiên, ông bà, cúng Giao Thừa long trọng. Cũng tối 30 sau khi tiếng pháo nổ vang mừng năm mới thì mẹ tôi xuất hành, anh chị em chúng tôi tụ tập trong phòng khách, hân hoan trong quần áo mới, đứng chờ mẹ tôi trở về xông nhà (vì mọi người đều nói mẹ tôi vía tốt do tính cởi mở, vui vẻ, hiền hậu) thì chúc tết ba mẹ tôi và các bác, sau đó là chúng tôi được nhận bao lì xì với những lời chúc theo tuổi từ ba mẹ và các bác. Chẳng hạn như mau lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, thành đạt, công việc ổn định vân vân. Sang ngày mùng một thì anh chị em chúng tôi được theo ba mẹ đi chúc Tết họ hàng, mùng hai thì ăn tiệc ở nhà, mùng ba thì theo người lớn đi chúc tết hàng xóm và nhận bao lì xì.
Những ngày Tết mẹ tôi nấu đủ các món ngon cho gia đình thưởng thức. Các món truyền thống Tết không thiếu món nào. Mẹ tôi vốn nổi tiếng nấu ngon, làm cỗ giỏi. Ngoài Bắc, mẹ tôi có một nhà hàng Pháp nổi tiếng ngon và đông khách. Trong Nam, tiệc cỗ đãi đám cưới các anh và chị tôi hơn hai trăm người, đã chỉ có mẹ tôi và bác chị mẹ tôi là hai nhân vật chính đứng chỉ huy hàng chục người phụ nấu. Có thể nói ba ngày Tết là ba ngày mà anh chị em chúng tôi được tha hồ thoải mái, vui chơi, hưởng thụ.
Tôi vẫn nhớ không khí ngày mùng một Tết khi lên nhà “bà tôi” (thực sự là em của bà ngoại tôi, người vẫn còn kẹt lại ở ngoài Bắc) rất vui, nhộn nhịp, rất ồn ào. Tại đó không những được ăn ngon, nhận được nhiều tiền lì xì, chúng tôi lại gặp được những họ hàng xa gần, có cả đến trăm người. Gặp nhau, các bà đa số cùng xuống nhà bếp phụ tay nấu nướng. Các ông thì kéo nhau ra phòng khách vang vang nói chuyện. Nhà trên, nhà dưới đủ các sòng. Người lớn thì có sòng của người lớn, trong đó, nhóm các bà, các ông được tách riêng biệt. Trẻ con thì có sòng của trẻ con. Từ bài chắn, đến tổ tôm, xệp, bài cào, cát tê, bầu cua cá cọp, nhẩy “hula hoop” có thưởng, vân vân, trò chơi nào cũng rộn ràng những tiếng nói, tiếng cười của đám đông người tham dự.
Sang ngày mùng hai thì ba mẹ tôi đãi khách ở nhà. Đây là một dịp cho anh em chúng tôi nhận được nhiều bao đỏ. Có tiền các anh tôi hay chạy ra hàng xóm chơi bầu cua cá cọp, và phần lớn là các anh tôi bị thua tiền trong những trò chơi đen đỏ. Chỉ có mấy cô con gái nhà tôi là ăn chắc mặc bền, có tiền lì xì là đưa ngay cho mẹ giữ, hay bỏ vào heo đất để dành khi mẹ cần thì đưa cho mẹ.
Ngày mùng ba tết là ngày ba mẹ tôi đi thăm láng giềng, hàng xóm. Vì anh em đông nên chúng tôi chỉ ai còn nhỏ mới được theo ba mẹ và các bác đi chúc tết để nhận lì xì.
Sang sau ngày 30 tháng 4, 1975 gia đình tôi đã đông lại còn đông hơn trước, do các dì dưới quê chạy loạn đều lên nhà mẹ tôi xin tá túc. Lúc này ba tôi đã mất. Mẹ tôi không còn khá giả nhưng tính tình bà vẫn không thay đổi. Bà chẳng bao giờ nỡ từ chối hay xua đuổi một ai, cho nên nhà tôi đã đông lại thêm rất đông. Là người tảo tần rất giỏi để có thể nuôi nhiều nhân lực và hợp thức lao động XHCN, mẹ tôi đã nghĩ ra cách huy động các nhân sự trong nhà vào việc gói bánh chưng bỏ mối cho các cửa hàng trong khu vực. Bánh chưng mẹ tôi nấu ngon và tinh khiết cho nên rất đắt hàng, đặc biệt là vào những ngày trước Tết bánh đã gói thêm nhiều mà cũng không đủ giao vì khách cứ tiếp tục tới. Cuối cùng nhà tôi chỉ còn giữ lại được một chiếc bánh chưng để cúng ông bà.
Thời được sống với mẹ, từ nhỏ đến lớn tôi là người rất vụng về trong công việc nấu nướng. Lý do vì gia đình tôi rất đông phụ nữ. Ngoài mẹ và hai bác tôi, một là chị của mẹ, một là chị của ba tôi, gia đình tôi còn có hai chị gái lớn. Một chị là con gái của bác chị mẹ tôi, chị còn lại là do ba tôi nuôi từ hồi chị chỉ mới vài tháng tuổi do cảm thương trước tình cảnh của chị. Khi đó ba tôi là một quân nhân chưa lập gia đình, trên đường hành quân thấy được cảnh ba mẹ của chị nằm chết do bị Việt Minh giết, trong khi đó chị vẫn trườn mình lên người mẹ chị để tìm bầu sữa. Cạnh đó gia đình tôi lại có thêm hai người giúp việc. Công việc của tôi những ngày đó chỉ là lo học và ngoan ngoãn nghe lời. Khi lớn lên thì tôi được giao thêm nhiệm vụ lau nhà và soạn bát đũa vào mâm ăn cơm, và chỉ có thế.
Sang đến Mỹ, nhớ nhà tôi đã hồi tưởng lại những gì tôi đã được chứng kiến từ mẹ để làm theo. Cuối cùng tôi cũng đã biết nấu nướng tuy không giỏi như mẹ tôi. Tuy nhiên, có trải qua những vất vả vừa làm vừa học vừa nuôi con, tôi mới cảm thấu được những nỗi nhọc nhằn vất vả của mẹ tôi mà thấy thương yêu mẹ tôi nhiều hơn. Những ngày cận Tết tôi đã cố gắng giữ trọn phong tục Việt để các con tôi thấy được cái đẹp cái hiếu nghĩa, trong đạo làm con làm người Việt Nam. Gieo hạt tốt thì có trái ngọt. Có lẽ vì thế mà các con tôi ngày nay cũng quý trọng ngày Tết. Cậu thì chở mẹ đi các chợ để mua các vật phẩm cần thiết cho các ngày Tết. Cậu thì chu đáo lau dọn nhà cửa, lôi đồ cúng ra để mẹ dùng trong lễ Giao Thừa. Và đặc biệt năm nay, hạnh phúc tôi có thêm có lẽ là chậu Thủy Tiên, với các nụ hoa nở nhiều hơn ngày hôm qua và hương thì dịu dàng tỏa ngát.
Tuệ Vân