Biển là con bé trôi sông lạc chợ, lang thang, quần áo tơi tả, đang đứng khóc mếu máo tại bờ biển Nha trang, được mẹ tôi thương hại đem về nuôi.
Con bé không biết tại sao nó bị lạc cha lạc mẹ, trong một đoàn người tản cư, chạy tán loạn, khi con tàu của Pháp vừa cập bến Cầu Đá, Nha Trang, hồi năm 1941.
Mẹ tôi hỏi nó từ đâu đến, nó cũng không biết. Hỏi tên, nó cũng ngơ ngơ ngác ngác, chẳng rõ tên mình. Do đó mẹ tôi đặt tên cho nó là Biển. Vì mẹ lượm nó trên bờ biển.
Ngày đầu tiên khi nó rón rén theo mẹ tôi bước vào nhà, nó như con mèo mướp, quần áo ướt mèm, mặt xanh men mét như tàu lá chuối vì phải đứng dưới cơn mưa mùa hạ vừa chợt đổ xuống.
Nó sợ sệt không dám bước lên bực thềm bốn cấp của nhà tôi.
Mẹ phải bước xuống, nắm tay dìu nó lên. Nó bước theo mẹ tôi, chân tay run lập cập.
Mẹ dẫn nó vào bồn tắm, giặt gịa, và lấy quần áo của em gái tôi, bé Ngân vừa chết vì bị ung thư máu, cách đây mấy tháng, cho con Biển mặc.
Tôi hơi ngạc nhiên thì mẹ bảo:
- Con bé này, nó thay thế con Ngân, để mẹ bớt buồn! Nghen con.
Trưa hôm đó, ba đi làm về, mẹ nói nhỏ với ba điều gì đó, tôi không nghe, nên chẳng biết mẹ đã nói gì với ba. Tôi thấy ba xoa đầu nó.
Ba hỏi mẹ:
- Bà cho nó ăn cơm chưa?
Mẹ đáp:
- Rồi.
Tối hôm đó, con bé ốm rẹo rọc suốt đêm. Sáng hôm sau, nó cũng còn bệnh rèo rẹo suốt ngày. Tôi thấy nó lạnh run lập cập, nằm kềnh trên giường, nói lăng nhăng mấy câu vô nghĩa rồi ngủ thiếp cả ngày.
Ba tôi cho nó uống mấy viên thuốc cảm và nói với mẹ:
- Nó chỉ bị cảm lạnh. Một vài ngày nữa nó sẽ hết bệnh thôi.
Đúng như lời ba tôi nói, hai hôm sau, tôi thấy nó bước xuống giường, nhìn ngơ ngác như người tiền sử, quan sát căn nhà tôi một cách kỹ lưỡng.
Thế là sau đó không bao lâu, tôi thấy tên nó được ghi vào Sổ Gia Đình:
- Nguyễn Thị Thiên Thanh, sinh ngày 20 tháng 9 năm 1938.
Tôi đưa ngón tay lên đếm:
- Như vậy, con bé này nhỏ hơn mình ba tuổi.
Tôi tò mò hơn và thấy ở cột liên hệ với gia chủ, ghi: - Cháu họ của vợ.
Từ ngày đó con bé lọ lem là thành viên chính thức trong gia đình tôi. Nó dần dà làm quen với lối sống mới.
Lúc đó tôi chín tuổi, đang học lớp Ba, tại Trường Nam Tiểu Học Nha Trang.
Còn con Biển, chưa biết đánh vần.
Lúc bấy giờ vì chiến tranh, nên có những vùng Nha Học Chánh Trung Nguyên Trung Phần ấn định "bảy tuổi" mới được thu nhận vào lớp Một.
Ba năm sau, tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất, trường Trung Học Nha Trang.
Tôi còn nhớ, hồi đó lũ trẻ học trò chúng tôi, chưa nói và viết thông thạo tiếng mẹ đẻ, nhà trường dã dạy cho chúng tôi Pháp Văn và một ít ngữ vựng tiếng Anh rồi.
Chúng tôi học được vài câu tiếng Anh, khi tan trường, đứa nào đứa nấy cũng vênh váo lập cà lập cập như ta đây là người thông thái. Do đó, tôi rất coi thường con Biển.
Ba Mẹ tôi đặt tên nó là Thiên Thanh, nhưng tên thường gọi là Biển. Tôi hay gọi nó là "lọ lem".
Cũng như những đứa trẻ khác trong xóm, con Biển phải chờ đến bảy tuổi mới được đi học.
Những lúc rảnh rỗi, Mẹ thường bảo tôi:
- Con viết cho em... nó mấy chữ cái, để nó học trước. Vài tháng nữa mẹ sẽ gởi nó cho thầy Cường.
Tôi không ưa con Biển chút nào. Dưới mắt tôi, nó là con bé lọ lem.
Tôi không muốn dạy nó học, nhưng vâng lời Mẹ, nên tôi cũng đành viết cho nó mấy chục chữ cái của vần Quốc Ngữ. Tôi đọc thoáng qua vài lần cho nó nghe và bảo nó học cho thuộc, đến trưa tôi sẽ dò bài.
Trưa đến, chờ mẹ tôi đi chợ về, tôi gọi con Biển lên dò bài. Lẽ dĩ nhiên là nó không thuộc nên đọc không thông.
Tôi hét lớn, trợn mắt như một thầy giáo:
- Có ba chữ cái mà mày lặp mãi cũng không nhớ! Đồ con lọ lem!
Tôi cố quát cho thật to, để mẹ tôi biết, nó là đứa ngu đần.
Mẹ tôi lúc nào cũng bình tĩnh, nhỏ nhẹ, nói với tôi:
- Nó còn nhỏ, từ từ nó sẽ học thuộc mà con.
Nghe mẹ nói, tôi càng ghét con Biển hơn:
- Cái thứ ngu si, dốt nát, u mê, hủ lậu, sống ăn hại xã hội, chết không có tên để lại hậu thế, cũng đều do con đường ngu si, dốt nát mà ra cả.
Mẹ tôi ôn tồn:
- Đừng mắng nhiếc nó thậm tệ như thế con.
Tôi càu nhàu với mẹ:
- Con có dạy nó suốt đời, nó cũng ngu như vậy đó mẹ ơi!
Con Biển nghe tôi nói như vậy song nó vẫn lặng thinh.
Một chặp lâu sau, nó mới lắp bắp nói:
- Anh Hai, dạy em ba chữ này thôi.
Nó vừa nói vừa chỉ vào ba chữ ABC.
Tôi bực mình chỉ tay vào ba chữ ABC và đọc lớn, rồi hất quyển vỡ, bảo nó học đi.
Con Biển ren rén cầm vở đi học không nói gì. Sau đó, mẹ có công việc nên vắng nhà.
Một hồi lâu, tôi mở cửa kho mà mẹ hay để đường và đậu xanh hột, định nấu chè ăn.
Tôi thấy con Biển vừa sàng sảy gạo vừa đọc lâm râm ba chữ cái.
Tôi hét lớn:
- Cái con lọ lem này, sao mày không ra chỗ sáng sủa ngồi học, mà chun đầu vào chỗ tối mò tối mịt như vầy mà học, hèn gì mày tối dạ là phải!
Nó đáp:
- Anh Hai, em sãy gạo để chiều mẹ nấu cơm mà!
Tôi nghe con Biển gọi tôi bằng Anh Hai và mẹ tôi bằng mẹ, nên càng tức thêm.
- Tao mà là Anh Hai của mày hả? Mẹ tao chứ mẹ mày sao?
Nó nụng nịu đáp:
- Mẹ chung mà Anh Hai! Cho em kêu mẹ anh Hai là mẹ nghen anh Hai?
Tôi bỏ ra khỏi kho quên lấy đường và đậu xanh, nên quay lại hỏi nó:
- Mày biết nấu chè đậu xanh hột không?
Nó mừng rỡ, đáp vội:
- Dạ, em biết.
- Mày mà cũng biết nấu chè đậu xanh hả?
- Dạ, em biết. Tuần trước mẹ nấu chè, mẹ có dạy em cách nấu, nên em cũng biết nấu chè đó anh Hai.
Tôi ra lệnh:
- Ừ, thì mày nấu chè đi!
Tôi trở lên nhà trên học bài, một chặp sau, con Biển bưng lên cho tôi một ly chè thật nóng. Nó đặt ly chè trước mặt tôi và nói:
- Chè đây anh Hai, ăn cho nóng!
Tôi hỏi nó:
- Mày nấu có nhiều không? Cho mày một ly đó.
Con Biển đứng yên một chỗ rồi thỏ thẻ nói:
- Em chỉ nấu đủ một ly cho anh Hai ăn thôi. Em no lắm.
Tôi hơi ngỡ ngàng:
- Thôi cũng được. Lần sau nhớ nấu nhiều hơn để cho mày một ly nghen!
- Dạ.
Một hôm nó và con Bích Thủy đang chơi ngoài sân. Tôi nghe con Bích Thủy nói:
- Mày đẹp hơn tao. Mày làm công chúa ngủ quên trong rừng. Còn tao làm người hầu công chúa cho.
Bích Thủy nói tiếp:
- Mày vào lấy cái áo đầm, váy xoè, hôm Tết mày mặc đó, diện vào thì mới giống công chúa chứ.
Con Biển vội vàng chạy vào nhà, lấy cái áo đầm, có nhiều ren, màu bạc, óng ánh như kim cương. Con Biển định mặc vào, nhưng nó khựng lại, ôm chiếc áo đầm. Nó thất vọng, thở ra:
- Thôi tao không làm công chúa nữa đâu! Mày làm đi! Để tao làm người hầu công chúa cho.
Con Bích Thủy ngạc nhiên hỏi:
- Ủa! Sao vậy?
Biển nói rất khẽ nhưng tôi vẫn nghe:
- Mày đẹp hơn tao! Sạch sẽ hơn tao! Tao là con "lọ lem", anh Hai thường bảo tao như thế!
Tôi không biết con Bích Thủy, có họ hàng gì với mẹ tôi không, nhưng nó gọi mẹ tôi bằng chị. Thỉnh thoảng tôi nghe con Bích Thủy bảo con Biển gọi nó bằng dì Út.
Tôi ngồi phía sau cửa sổ, nghe con Biển nói như vậy, nên tôi nói vọng ra ngoài cho hai đứa cùng nghe:
- Biển! Mày không phải là con lọ lem đâu! Mày là bà tiên lọ lem! Từ rày về sau, tao sẽ gọi mày là "Bà Tiên Lọ Lem". Mày có chịu không?
Con Biển suy nghĩ một hồi, rồi trả lời:
- Anh Hai ơi! Tiên rất đẹp, sao còn lọ lem nữa, anh Hai? Em không chịu đâu!
Tôi hỏi con Biển:
- Chứ mày muốn tao gọi mày là con gì?
Nó đáp nhanh:
- Em còn nhỏ, sao anh Hai gọi em là bà Tiên? Sao không gọi là Tiên, hay cô Tiên?
- Có ai lại gọi cô tiên bao giờ? Thôi để tao gọi mày là "Tiên lọ nghẹ", chịu không?
Nó bình tĩnh đáp:
- Anh Hai muốn gọi em thế nào cũng đuợc, miễn là anh Hai vui thôi!
Tôi thấy mình đuối lý, nên nói bâng quơ một câu, rồi bỏ đi:
- Lọ lem, lọ nghẹ ơi! Mày là con mén, chỉ lanh mồm lanh mép thôi!
Nói xong tôi nguây nguẩy bỏ đi. Phía sau, tôi nghe tiếng con Biển nói vọng theo.
- Đúng rồi anh Hai! Em là con lọ nghẹ! Lọ lem! Anh Hai vui chưa?
Tháng ngày chậm chạp trôi qua ...
Khi tôi học lớp Đệ Tứ, con Biển cũng vừa lên lớp Năm. Một hôm nó đem bài toán "Quy tắc tam xuất Thuận và Nghịch" nhờ tôi giảng. Tôi giảng cách nào, con Biển cũng một mực trả lời, nó chưa hiểu.
Tôi hỏi nó:
- Nếu mẹ sai một mình mày sắp xếp lại kho cho trật tự, thì mày phải làm một ngày mới xong phải không?
- Dạ đúng.
- Còn nếu có tao cùng làm với mày thì có phải nhanh hơn không?
- Dạ đúng.
Tôi giải thích cho nó:
- Như thế là nghịch! Nhiều người thì thời gian ít hơn ... là nghịch!
Con Biển khăng khăng đáp:
- Như thế là thuận mới đúng đó anh Hai.
Tôi thở ra.
Tôi cho một ví dụ khác:
- Mẹ mướn mày làm một công việc nào đó rồi thưởng cho mày 1 đồng. Mẹ cũng mướn tao cùng làm với mày và mẹ cũng thưởng tao 1 đồng. Như vậy mẹ phải trả hết bao nhiêu tiền cho hai đứa.
- 2 đồng.
Tôi nói:
- Như thế là thuận đó. Càng thuê nhiều người thì mẹ phải trả nhiều tiền hơn. Như thế là thuận. Mày hiểu chưa?
- Theo em nghĩ, cái nào cũng thuận...
Nó nói thêm:
- Nhiều người cùng làm một công việc thì nhanh hơn. Là thuận. Mẹ mướn nhiều người, mẹ trả nhiều tiền... là thuận. Em chẳng thấy cái nào là nghịch cả.
Tôi giận quá, ném cuốn vở làm bài tập vào mặt con Biển, đuổi nó đi.
Biển vội vàng bước vào nhà kho.
Vài ngày sau, tôi bảo nó đem vở toán lên cho tôi xem. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Loạt bài về Quy Ttắc Tam Xuất - Nghịch và Thuận, nó đều đạt điểm 10/10. Tôi hỏi nó:
- Mày cốp-pi hả Biển?
- Không, em không có cốp-pi đâu anh Hai. Em tự làm đó.
Tôi vẫn không tin, nên ra thử 2 bài toán. Một Nghịch và một Thuận. Con Biển đều làm đúng cả.
Nó đặt quy tắc để giải quyết hai bài toán rất đúng phương pháp toán học. Thấy vậy, tôi cũng không thể bắt nạt nó được.
Ngày tháng cũng dần dần trôi qua!
Tôi đậu Tú Tài Toàn Phần năm tôi 19 tuổi. Vào dạo đó con Biển 16 tuổi và đang học lớp Đệ Tam.
Một hôm, mẹ bảo con Biển và tôi sắp xếp lại kho hàng của mẹ cho trật tự.
Vào kho hàng, tôi thấy con Biển ngồi làm bài tập trong đó. Biển đang ngồi trên một bao gạo thấp, trước mặt là một bao gạo khác cao hơn. Biển kê vở trên đó để làm bài.
Những vệt nắng chiều xuyên qua khe cửa, lăn tăn trên tóc con Biển, như một dải lụa mênh mông.
Tôi ngẩn ngơ vài giây rồi hỏi nó:
- Sao mày không ra nơi sáng sủa mà học?
- Kệ em anh Hai. Em ngồi đây học cũng đuợc mà. Ở đây nhờ ánh sáng của các khung cửa sổ, nên mẹ trả tiền điện ít hơn anh Hai à.
- Mẹ bảo mày và tao thu dọn kho lại cho sạch sẽ. Bây giờ mày đã rảnh rỗi chưa?
- Dạ em rảnh rồi. Nhưng anh Hai cứ lên học bài đi, để em làm một mình cho.
Tôi nghe con Biển nói vậy, nên rất mừng. Tôi định làm cho nhanh, xong công việc để còn tham dự trận "đá banh" chiều nay nữa.
Tôi nhìn con Biển, hỏi:
- Có thật vậy không Biển?
- Em nói thật mà. Anh Hai muốn làm gì thì làm đi. Em làm một mình xong ngay.
Tôi nghi ngờ:
- Chắc không Biển.
Giọng con Biển chắc nịch:
- Chắc mà anh Hai. Anh tin em đi. Anh vẫn còn lơ mơ chưa nhớ hả? Hôm nay là "lễ tình yêu" mà! Anh Hai đi qua nhà dì Bích Thủy dự tiệc đi. Em nghe dì Bích Thủy có mời anh Hai mà.
Giọng con Biển hơi nghẹn lời.
Tôi hỏi nó:
- Bích Thủy có mời mày không?
- Dạ không! Mà có mời em cũng không đi. Có mặt em, anh Hai và dì Bích Thủy mất vui.
Tôi hỏi:
- Sao vậy?
- Em là lọ nghẹ, lọ lem mà!
Tôi hối hận, thành khẩn bảo con Biển:
- Ngày rày về sau, tao không gọi mày như thế nữa. Chịu chưa?!
- Tùy anh Hai đó!
Tôi nói với con Biển:
- Được, để chiều nay, anh dẫn Biển sang nhà Bích Thủy dự tiệc cho vui nhé!
Biển đáp nhanh:
- Dì Bích Thủy không có mời em. Chỉ mời một mình anh thôi! Anh nên đi một mình! Anh mà dẫn "lọ lem", thì cả anh và dì Bích Thủy đều không vui.
Yên lặng! Hối hận! Nét mặt tươi vui của Biển vang vọng. Có điều gì đó bất ổn, đang âm ỉ khi tôi thấy bóng mình ngã trên bóng của con Biển.
Trong phút chốc hoảng sợ, tôi như đang đứng trên vực của một sườn đồi, nhìn xuống thung lũng sâu thăm thẳm. Hàng cây khô đang ngủ với nỗi buồn không tên.
Tôi nhìn Biển dài lâu, Biển có đôi mắt lớn và nụ cười thật hiền, cùng giọng nói nhỏ nhẹ.
Biển lớn lên trong cánh tay nuông chìu của mẹ với lòng ganh ghét của tôi.
Và rồi một hôm, tôi thấy nó vẫn ngồi trong cái kho có mùi tỏi, nước mắm, đường.... lẫn lộn. Tôi bắt đầu để ý đến nó.
Tôi lấy cái bàn cũ trong phòng ngủ của tôi ra kê bên cạnh giường của nó.
Tôi nói một nửa như an ủi, nửa như vỗ về:
- Anh cho Biển cái bàn này để học. Đừng ngồi trong kho nữa nhé!
- Dạ.
Biển đáp nhỏ nhẹ và lòng tôi cũng thênh thang, tình cảm ngọt ngào:
- Anh mà thấy Biển còn ngồi trong kho, anh không thích đâu!
Từ ngày đó, tôi thấy Biển càng lúc càng đẹp. Biển hiền, dịu dàng hơn bất cứ đứa con gái nào trong xóm tôi.
Từ ngày đó, tôi biết đôi mắt xinh đẹp của Biển đã loé lên, len lỏi trong tôi, bởi vì những ngày sau đó, tôi thấy Biển cũng vui hơn trước. Biết đâu trong những võng mạc của Biển cũng có bóng dáng tôi.
Rồi ngày tôi du học, Biển không ra phi trường đưa tiễn. Tôi biết Biển sẽ rơi nước mắt trước chỗ đông người.
Tôi còn nhớ, trước lúc tôi ra phi trường, Biển đã hỏi tôi:
- Khi nào anh trở về Việt Nam?
Tôi quay đi chỗ khác, giấu những hạt buồn chờ rơi rụng:
- Bốn năm nữa anh sẽ về thăm em.
Tôi nhìn Biển, ánh mắt thông cảm, cố nén tiếng thở dài.
Những ngày du học rất buồn.
Thỉnh thoảng tôi viết thư thăm ba mẹ và luôn tiện viết vài dòng vu vơ thăm Biển. Tôi sợ ba mẹ biết đuợc tình cảm của tôi đối với Biển.
Một hôm tôi viết thư cho ba mẹ, kể chuyện học hành...
Cuối thư tôi viết vài dòng cho Biển.
Tái bút: Biển, anh Hai cũng nhớ em nhiều. Anh có mang theo ảnh của Ba Mẹ, nhưng không có hình của em. Em gởi cho anh một tấm ảnh nhé. Em ráng học, phải đậu Tú Tài 2. Em đừng quá để ý đến những việc lặt vặt trong nhà. Chúc em vui.
Anh Hai.
Hai tuần sau, tôi nhận được thư của Thiên Thanh và một tấm ảnh. Thiên Thanh mặc chiếc áo dài màu xanh da trời. Vạt áo cuốn hút theo gió biển.
Hằng ngày, tôi lấy tấm ảnh mà Thiên Thanh đã gởi cho tôi khi nàng vừa đậu Tú Tài 2 ra xem. Tấm ảnh của Thiên Thanh là cái vui duy nhất giúp tôi ấp ủ những giây phút kỷ niệm, những ngày đợi chờ, những ước mơ nho nhỏ trong cuộc đời.
Có lẽ cảnh vật trong thành phố nơi tôi đang cư ngụ là một bãi biển xinh xắn nào đó ở thành phố biển quê tôi, miền thùy dương, Nha Trang cát trắng. Tôi thấy thật vô cùng gần gũi, thân quen như con đuờng Lý Thường Kiệt, đâm ngay ra đường Lê Lợi, chạy thẳng tắp đến bưu điện, rồi quẹo ra biển, có sóng vỗ rì rầm, nơi Thiên Thanh đứng chụp hình... Mắt nàng đăm chiêu nhìn về một góc trời xa ơi là xa.
Những người con gái đã gợi cho tôi nỗi nhớ, những tấm ảnh cũ, những chuyến đi... và rồi tôi biết chỉ có Thiên Thanh, con Biển, con lọ lem, con lọ nghẹ, mới là người duy nhất tôi còn nhớ trong tâm hồn mình. Không ai có thể như Thiên Thanh được.
Tôi thương con lọ lem ơi là thương. Nhớ thương vô vàn.
Quê mẹ tôi đó. Nhà tôi còn có Thiên Thanh. Nơi Mẹ đã tìm thấy Biển, mười mấy năm về trước.
Mẹ tôi thì không sanh đẻ đuợc nữa vì khi sanh bé Ngân, Mẹ bị cắt bỏ buồng trứng.
Hồi đó, có một hôm, mẹ bảo tôi mang cháo cá thu nóng hổi về cho Ngoại ở Chợ Mới (Ngọc Hội).
Tôi đang buộc cà-mèn cháo vào yên xe đạp. Biển thấy vậy mới đề nghị với mẹ.
- Mợ ơi! Để con theo anh Hai, con ngồi sau giữ cháo cho khỏi đổ, chứ anh Hai đi một mình, đuờng đá gồ ghề, có nhiều ổ gà, khi đến nơi, Ngoại cũng chẳng còn được bao nhiêu cháo để Ngoại ăn.
Mẹ nghe Biển nói rất đúng, nên bảo Biển cùng đi với tôi.
Biển ngồi sau xe. Một tay bám chặt vào yên xe. Một tay giữ cái cà-mèn. Biển ngồi như một đứa trẻ sợ té. Tôi chỉ chờ Biển ôm vào thắt lưng. Tôi sẽ lái xe một tay, còn tay kia tôi sẽ đặt trên tay nàng. Cảm giác đó vừa mong vừa đợi. Nhưng Biển vẫn ngồi yên. Mà sao tôi thật là ngớ ngẩn, cần gì phải chờ Biển ôm lưng tôi. Sao tôi không đưa tay ra sau, đặt tay tôi lên bàn tay nhỏ xíu của nàng đang bám chặt yên xe. Tôi chờ Biển hay Biển đang chờ tôi.....
Cuối cùng tôi đã giữ đúng lời hứa...
“Anh không làm gì để Thiên Thanh... em... sợ đâu!"
Mà cũng có thể, Thiên Thanh đang nghĩ: "Em chờ anh mà!"
Nhà Ngoại cũng gần, chỉ khoảng 15 phút sau, chúng tôi đã đến nhà Ngoại. Nhưng với tôi và cũng có thể với Biển nữa... đó là thời gian rất dài đằng đẵng chờ mong...
Một đêm, sau bữa cơm tối, cha mẹ đi ngủ, còn lại một mình Thiên Thanh và tôi trong phòng khách. Tôi thẩn thờ bước đến cửa sổ, bên ngoài vành trăng tròn đang tỏa một vùng ánh sáng lung linh giữa lưng đồi. Trời mây bỗng dưng hạ xuống thật thấp để lắng nghe tiếng lòng tôi đang rạo rực...
Tôi về lại bàn, liếm từng giọt đắng trên tách trà nóng, Thiên Thanh đang ngồi học bài.
Đêm hôm đó, lần đầu tiên, trong ánh đèn mờ ảo, tôi thấy Thiên Thanh đẹp tuyệt vời. Tóc nàng buông xõa bờ vai gầy, tựa hồ như một dòng thác, sóng vỗ lăn tăn. Ánh mắt nàng đen lay láy. Thiên Thanh đẹp dịu dàng, tự nhiên, tươi mát ... và đêm hôm đó tôi tưởng mình đang thẩn thờ.
Những đóm sáng lờ mờ của ánh trăng phản chiếu, ẩn hiện trên suối tóc Thiên Thanh làm tăng thêm vẽ đẹp gọi mời, nên tôi cứ ngây dại trước dáng người vừa mộng mị vừa duyên dáng của nàng.
Khi trăng chiếu thẳng vào tóc Thiên Thanh, lóng lánh tựa hồ như những sợi tơ mong manh, trải dài trên vai nàng, bất giác tôi nói với Thiên Thanh:
- Tuyệt vời! Lần đầu tiên, anh mới thấy ánh trăng nằm ngủ trên mái tóc em, đẹp ra làm sao!
Tôi tiến lại gần Thiên Thanh, tha thiết:
- Để anh phủi trăng đang rụng trên mái tóc em... nghen ... nàng Tiên Ngủ Quên Trong Rừng?
Thiên Thanh ngững đầu lên, vừa nghiêm nghị vừa ôn tồn nhưng tôi vẫn thấy mắt nàng có chiều sâu hun hút, cuốn mất hồn tôi.
Thiên Thanh ân cần nói:
- Anh Hai, đừng làm em sợ!
Thở dài, mặt buồn thiu, không nói nên lời, tôi lặng thinh vài giây rồi như đã yêu Thiên Thanh từ thuở nào, tôi gọi Thiên Thanh bằng Tiên:
- Ừ... ! Anh hứa! Anh không làm gì... để Tiên... của anh... sợ nữa đâu.
Tôi thì lãng mạn, Thiên Thanh đoan trang, thanh cao như những người con gái của quê tôi, Nha Trang biển mặn, quê Mẹ tôi đó, hiền hòa như tấm lòng của Mẹ.
Nơi mà Mẹ tôi đã lượm được con Biển, mang về cho tôi mà tôi đã phải đánh mất nó trong cuộc đời vì gia phong nhưng tôi sẽ tôn trọng nó trong ngàn kiếp mai sau.
Bây giờ tôi nghĩ tôi đã hiểu cái cảm giác buồn tênh của một đứa con gái lạc cha lạc mẹ, ngồi chờ mong trong kho chứa hàng của mẹ tôi, mong được gặp lại cha mẹ trong niềm tin yêu và hy vọng, khắc khoải, thương nhớ vô vàn...
Tôi cũng đã khóc nghẹn ngào trong niềm tin, rồi sẽ có một ngày nào đó, tôi cũng sẽ đuợc ôm Biển vào lòng, vuốt từng sợi tóc dài trên lưng gầy của Biển.... Và tôi biết chỉ có Thiên Thanh là người con gái can đảm, chịu đựng, mà tôi rất yêu thương và kính trọng nàng.
Vì thế hồn tôi vẫn nguyên vẹn với nỗi nhớ xa xưa...
Duy Xuyên/Tacoma