Tôi viết mấy giòng này khi nghe được một clipvideo rất hay “mẹ đàn, con hát” bài Rước Đèn Tháng Tám với “bè trên bè dưới” rất phân minh và cũng mới đây, tôi đã đánh máy lại bài viết “Trăng Quê Em Đẹp Nhất”của mình vào 32 năm trước, tả lại một không khi tươi vui thật hiếm có của một buổi tổ chức Trung Thu tại Trung Tâm Shinagawa. Bạn ta nếu là những người ở Nhật dù chỉ ghé bến tạm cư hay định cư nhất định phải biết Trung Tâm này. Mới đó mà đã mấy chục năm. Các em, các cháu, các anh, các cô chú ngày đó nay đã thành người lớn tay xách nách mang, các ông các cụ với dâu rể, cháu chít đầy đàn, có cụ đã chầu trời và có cụ vuốt râu chờ đợi ngày….Chúa gọi. Lại lan man sang chuyện “không may xui sẻo”. Thế nào cũng bị “dũa” nếu bị “cấp trên” kiểm duyệt. Xin nói sang chuyện khác vui tươi hơn nhé bạn ta.
Dựa theo những tài liệu “chôm” trên mạng thì Nhật Bản có ngày “5 tháng 5 - Kodomo no Hi”. Nếu dịch chính xác là “Ngày của các trẻ em” chứ không phải là “ngày của con cái” như mấy học trò của tôi hay… nhầm lẫn. Nguyên thủy của ngày này là Ngày của các bé trai ở Nhật vốn được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch giống như Tết Đoan Ngọ của Việt Nam vậy. Tên gọi ban đầu của ngày này là Tango no sekku (端午の節句), theo tiếng Hán cũng có nghĩa là Đoan Ngọ, đánh dấu sự khởi đầu của một mùa hè, mùa mưa mới. Khi người Nhật chuyển sang dùng Dương lịch, ngày này cũng được chuyển sang tổ chức vào ngày 5/5 Dương lịch hàng năm cho… tiện bề sổ sách. Sau đó, để tránh sự phân biệt…. giới tính, trở thành một trong những ngày lịch đỏ (ngày nghỉ) ở Nhật.
Ngày của các trẻ em 5/5 gắn liền với hình ảnh cờ cá chép Koinobori đầy màu sắc bằng vải (Koi nghĩa là cá chép, Nobori nghĩa là lá cờ, biểu ngữ) dài hơn 3m được treo trên các cột cao trước ban công hoặc ngoài sân nhà hay tại các khu đất rộng lớn.
Nguồn gốc những lá cờ cá chép này xuất phát từ một truyền thuyết cổ xưa của Trung Quốc khi loài cá chép đã bơi vượt qua dòng sông Hoàng Hà hung dữ để hóa rồng. Vì thế, hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm vượt thác dữ, khó khăn để đạt được những thành công trong cuộc sống. Tục lệ treo cờ cá chép trong “ngày của các trẻ em” của mỗi gia đình Nhật Bản nhằm cầu mong cho các trẻ em sự khỏe mạnh, thành công như cá chép vậy.
Ngày này trên khắp đất nước Phù Tang có nhiều “sự kiện” tranh đua đủ kiểu được các Quận Tỉnh Thành tổ chức chuyên dành cho các em. Rợp trời.
Nhưng Việt Nam ta thì lại có một ngày khác dành cho cả các em gọi là: Tết Trung Thu. Năm nay nhằm ngày thứ Bảy 10/9/2022. Ngày Tết Trung thu hay còn có tên gọi khác là Tết Thiếu nhi, Tết Nhi Đồng... là ngày tết dành cho trẻ em, thể hiện sự chăm lo cho đời sống tinh thần, vật chất đủ đầy cho thế hệ tương lai vốn là truyền thống của dân tộc Việt.
Trong ngày này “quân dân” ta thường bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi còn tổ chức cuộc thi làm bánh nướng, bánh dẻo, làm mâm ngũ quả. Ngoài ra, trẻ em trong ngày này được phát quà, bày mâm cỗ, chờ giờ phá cỗ, rước đèn khắp xóm thỏa sức vui đùa.
Cũng theo nhiều tài liệu được “lan truyền” trên mạng thì Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia.
Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị. Nếu thật thế thì mấy năm nay trăng thu không những ở Nhật mà cả thế giới chắc là màu xanh hay màu lục vì đâu đâu cũng có mưa, bão, lụt, cô vi, cuồng phong….. Năm nay Trăng không biết màu gì vì tôi đâu có biết là có cái vụ này.
Nói về ngày Tết Trung Thu thì có rất nhiều bài hát, bài nào cũng hay và được “trình bày” khắp mọi nơi thuộc đủ mọi lứa tuổi. Nhắc đến Trung Thu là phải nhắc đến Chị Hằng, Chú Cuội. Trong đó không thể nhắc đến 3 bài tiêu biểu nhất là “Rước Đèn Tháng Tám”, “Thằng Cuội”, “Chú Cuội”.
Nhưng có cái điều tôi “phát giác” khi kiểm tra từng câu chữ một. Trong Bài “Rước Đèn Tháng Tám” của nhạc sĩ Đức Quỳnh được đặt với bút danh Vân Thanh thì không có một dòng chữ nào nhắc đến Chú Cuội cả. Bạn ta check lại hộ xem!
Rước đèn tháng 8
https://vn.video.search.yahoo.com/search/video?fr=mcafee...
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm.
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu.
Tít trên cao dáng tròn xinh xinh
Soi xuống trần ánh sáng dịu dàng
Rằm tháng tám bóng Hằng trong sáng
Em múa ca vui đón chị Hằng.
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Em rước đèn này đến cung trăng
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Em rước đèn mừng đón chị Hằng.
Tết Trung Thu bánh quà đầy mâm
Em bé nhà ưa đứng quây quần
Đòi hạt sen bánh dẻo đầy nhân
Em muốn ăn bốn, năm ba phần.
Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng
Ngọt cay như mứt gừng mứt bí
Ăn mát lòng lại thấy vui thêm
Hạt dưa nghe cắn nổ lốp đốp
Người vui hoan nói cười hấp tấp
Bao tấm lòng mừng đón trăng rằm
Thằng Cuội
https://vn.video.search.yahoo.com/.../video;_ylt...
Sang đến bài “Thằng Cuội” của nhạc sĩ Lê Thương thì lại không thấy nhắc đến “Chị Hằng” chỉ nhắc đến “Cuội” nhưng lại là “Cuội Già”, có nội dung “Chàng” tán “Nàng” van "Nàng" xuống thế, chắc phải hiểu ngầm “Nàng” là “Hằng Nga” nhỉ?
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta
Lặng nghe trăng gió bảo nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta
Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ
Đền công cho dế nỉ non,
Trời cho sao chiếu ngàn muôn
Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ
Sáng rơi xuống đời, sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây
Cùng trông ánh sáng cười vui
Chị em ta hãy đùa chơi
Sáng rơi xuống đời, sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Cho mượn cái thang ...
Chú Cuội
Chỉ riêng có bài “Chú Cuội” của Phạm Duy là có đủ 2 yếu tố: “Chú Cuội và chị Hằng”. Khác với Cuội Già của nhạc sĩ Lê Thương, “Chú Cuội” của Phạm Duy lại là một cậu bé chăn trâu chễnh mãng.
Nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát này năm 1948. Theo nhiều “nguồn tin đáng tin cậy”, ông viết nhạc phẩm bay bướm lãng mạn này khi phải lòng Thái Hằng, một nhân tố chính của ban hợp ca Thăng Long từng làm mưa làm gió suốt từ Bắc vô Nam. Thái Hằng, Thái Thanh và nhiều ca sĩ khác cũng đã từng hát bài này, tôi thấy đều hay cả, nhưng tôi ưng ý nhất khi bài này được hát bởi ca sĩ Ái Vân. Ngay cả Phạm Duy cũng phải công nhận: “Tôi phải đi tìm nhiều Ái Vân”. Không biết thế nào mà Ái Vân dạo này không còn thấy xuất hiện trên những chương trình âm nhạc nữa. Bài này nhiều người biết nhưng rất ít người hát. Cách đây khoảng 10 năm, tôi đã có dịp đàn cho một bà chị hát bài này trong lần Hội Ngộ Exryu 2012 ở Asakusa, Tokyo. Được biết chị cũng là một “học trò” của thầy dạy thanh nhạc Lê Hồng Quang, người được nhiều cô, nhiều bà….theo đuổi để có một giọng hát….hơn người.
https://www.youtube.com/watch?v=5jhLvlSUj8s
Chú Cuội
Trăng soi sáng ngời
Treo trên biển trời
Tình ơi
Một đàn con trai
Rủ đàn con gái
Ra ngồi nhìn trăng
Ra nghe chú cuội
Ngồi gốc cây đa
Cuội ơi
Để trâu ăn lúa
Nhìn mây theo gió
Miệng ca bồi hồi
Ta yêu cô Hằng
Đêm xưa xuống trần
Nàng ơi
Nàng về dương gian
Tìm người nuôi nấng
Cung đàn Hằng Nga
Xin đôi cánh vàng
Mượn chiếu mây non
Cuội ơi
Cuội theo ánh sáng
Cuội lên cung vắng
Cuội không về làng
Ánh trăng vàng bên người đẹp yêu chồng
Khúc nghê thường quên đường về dương gian
Ánh trăng vàng kìa là ánh trăng vàng
Đời dương thế có người trong đêm tối
Chờ sao chiếu mối tình của Hằng Nga
Đời đời mọc trăng tơ sáng loáng
Trăng soi tóc thề
Đưa trai gái về
Tình ơi
Nửa đường thôn quê
Gặp đàn em bé
Hát vè một câu
Câu thơ chú cuội
Mà lấy tiên nga
Cuội ơi
Để Trâu ăn lúa
Ngồi trên lưng gió
Tình yêu mặn mà.
Qua 3 bài hát trên ta thấy các tác giả sáng tác bài hát trong một bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Bài Rước Đèn Tháng Tám thì viết cho buổi rước đèn của các cháu. Bài của nhạc sĩ Lê Thương thì viết cho khung cảnh rất “Trung Thu” rồi ”Anh” dụ khị “Chị” xuống trần gian. Còn bài “Chú Cuội” của Phạm Duy được viết ra khi ông phải lòng “Mẹ Cháu của Ông”. Chả thế trong bài hát, ông đã đề vài chữ: “Tặng Chị Hằng”. Viết đến đây tôi lại nhớ đến cặp đôi “Komuro-Mako”. Mako tâm sự “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”: tôi bị hớp hồn về cái nụ cười rạng rỡ, tươi tắn của anh. Trong khi đó, Komuro đã miêu tả người vợ: "Cô ấy luôn lặng lẽ dõi theo tôi như ánh trăng trên trời. Mỗi khi nhìn thấy trăng, tôi lại gọi cho cô ấy". Quá tình luôn!
Cuộc sống 2 người tại Newyork không biết bây giờ ra sao nhỉ? Komuro khá lận đận trên đường học vấn vì đã rớt 2 kỳ khi thi lấy bằng luật sư…thực thụ. Tuy thế, Mako chắc là hạnh phúc bên chồng, dù quyết định chọn con đường….gai góc. Tôi mong là như thế.
Lẩm cẩm đã đủ vì tuổi già, sức yếu cộng thêm tội lười. Tôi xin chấm dứt ở đây vì không nghĩ thêm được nữa!
Gomen!