“Hành vi của bị cáo Trang gây nguy hiểm cho xã hội”…
Nhận định của tòa án Việt Nam dành cho một cô gái chỉ cầm viết và cầm đàn nó chẳng khác gì tố cáo chế độ “chúng ta” đàn áp những con người có lòng với đất nước.
Tôi cứ tự nghĩ, một cô gái yếu đuối như vậy, nếu không có các hoạt động tố cáo những bất công của xã hội thì đã có cuộc sống thảnh thơi và bình yên như những cô gái khác; có ai bắt cô phải làm như thế để rồi bước vào cuộc sống gông cùm tù tội!
Bản án tháng 8 khiến tôi nhớ một người bạn, đúng hơn là người anh đến Nhật cùng thời với tôi.
Anh hơn tôi tới năm, sáu tuổi mà lúc nào cũng mày tao với nhau, tên Lâm.
Một ngày năm 1985 anh đưa tờ giấy thông báo của Tổng bộ tị nạn Nhật Bản, cho biết thủ tục bảo lãnh vợ con đã hoàn tất. Đồng thời cũng thố lộ là trước đó anh đã có quyết định về Việt Nam.
-Mày cho ý kiến, tao phải làm sao bây giờ? Bảo lãnh vợ con qua sống hay về đấu tranh với cộng sản độc tài?
Tôi nghe người bạn thân của Lâm kể lại thôi mà sững sờ, anh đã từng bị thương tật ở chân thời còn trong quân ngũ, từng là một thiếu úy nên cũng phải đi tù cải tạo. Anh đã làm tất cả bổn phận của một người trai đối với tổ quốc và bây giờ là lúc anh cần dành trách nhiệm cho gia đình.
Nhưng cuối cùng anh lấy cái tên mới là Lâm Thao để trở về. Các bạn trẻ bây giờ sẽ không thể nào lý giải được tại sao có một số thanh niên hồi đó vượt biên bỏ nước ra đi, sau tìm đường về chỉ với mục đích thay đổi chế độ cho tốt hơn dù phải hy sinh mạng sống.
Dễ hiểu nhất là anh ấy không muốn thấy thế hệ trẻ (như Phạm đoan Trang) sau này phải thay các anh làm công việc chọn con đường gai góc mà đi.
Tôi tự mắc cỡ với anh nên cũng chọn một con đường, nhưng nó nhẹ nhàng hơn nhiều lắm. Con đường mấp mem chút tình yêu nước đó chỉ có chừng mực, tính toán để khi có một mái ấm gia đình thì buông bỏ vì cảm thấy sự hy sinh của mình đã đủ sau khi cống hiến hết tuổi thanh xuân.
Nhưng mỗi khi nhìn về đất nước, hình ảnh Lâm lại hiện ra; mỗi khi có những bản án dành cho những những người đấu tranh trẻ tuổi như Trần Huỳnh Duy Thức hay Phạm đoan Trang thì tôi lại thấy day dứt.
Một ngày hè năm 1986, Lâm hy sinh trên con đường từ Thái hướng về đất mẹ.
Thương tật cũ ở chân khiến anh kiệt sức, không thể di hành cùng đồng đội. Thân xác anh bỏ lại nơi rừng già sâu thẳm trước khi kịp nhìn thấy quê hương lần cuối.