Có những hình ảnh đến rồi đi, cũng có những hình ảnh con người sẽ lưu giữ hoài trong ý ức. Tôi cũng thế, đã có những hình ảnh mà mỗi khi trở về vẫn cho tôi nhiều cảm xúc. Những hình ảnh mà đã tạo nên tôi ngày hôm nay.
Tôi nhớ về những ngày thơ ấu, được bế ngồi trong lòng bố tôi, tham dự những buổi tiệc giữa ông và các bạn, những buổi tiệc mà chỉ có đàn ông hiện diện, nghe những câu chuyện cuộc đời chiến binh ngang dọc của ông và các bạn dù không hiểu gì.
Tôi nhớ hình ảnh sau 1975, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh Tế Công Nghiệp XHCN và đi làm, những buổi trưa đạp xe từ sở làm từ Khánh Hội về nhà ăn cơm mẹ nấu. Ăn xong, trước khi quay trở về sở làm, tôi đã tận dụng thời gian ít ỏi, cùng đại gia đình: các bác các dì, mẹ và các em gái ngồi quây quần bên những thúng gạo nếp trắng tinh đã vo và nhặt sạch sạn, những khay đậu xanh đã được hấp chín giã nhuyển và được nắm lại thành viên, những khay thịt heo tươi đã xào chín nóng hổi, thơm ngát mùi hạt tiêu hành tỏi, những mẹt lá chuối xanh đã được rửa sạch và lau khô thật kỹ, các bó dây lạt cũng được rửa và lau khô, tất cả được đặt nằm ngay ngắn trong phòng khách, trên mặt gạch đá hoa vân, để gói những chiếc bánh chưng vuông vức. Lợi tức từ những bánh chưng này đã giúp cho mẹ tôi nuôi đại gia đình chúng tôi sau những ngày Việt Nam thay chính thể.
Tôi nhớ hình ảnh ông Phó Giám Đốc sở nơi tôi làm việc, bảo tôi về nhà thu xếp hành lý để tuần sau đi thoát ly cùng ông sang một thành phố mới mà ông được thuyên chuyển tới.
Tôi nhớ ánh mắt mẹ tôi xót xa bảo: con phải lên tầu ra nước ngoài. Nếu chết thì sẽ chết trên biển chứ không để cuộc đời chết trong vòng tay của tên cộng sản háo sắc đó.
Tôi cũng nhớ hình ảnh tôi đói khát, say nắng say sóng, nóng sốt không khả năng đi đứng, được người đi chung khiêng vào một khoang trống cuối con tầu nằm chờ chết. Nhưng phép mầu đã đến. Tôi đã sống khỏe sống tốt trong suốt cuộc hành trình vượt biển sau đó sau khi tôi trong cơn mê man không biết trời biết đất, đã với tay mở nắp một chai nước đen nhỏ bằng ngón tay trỏ mà ai đó đã đánh rơi bên chỗ tôi nằm, uống cạn …
Tôi không quên hình ảnh tôi ngồi trong xe đậu trước garage là nơi trú ngụ của tôi trong suốt một thời gian sau hai tháng đến Mỹ, khóc nức nở vì nhớ mẹ, nhớ anh em…
Tôi nhớ tôi đã rất vất vả, phải làm hai việc bán thời trong cùng lúc đi học đại học toàn thời, nhưng vẫn quyết giữ hạng cao trong quyết tâm sẽ tìm được việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp để có khả năng bảo lãnh mẹ và các anh chị em sang Mỹ định cư.
Tôi nhớ tôi đã ứa lệ khi được người thơ ký của cuộc thi tuyển thông báo tôi đã trúng tuyển trong cuộc thi kiểm tra khả năng tính toán nhanh không dùng máy tính, và trao giấy hẹn cho tôi đến phỏng vấn. Và tôi đã được nhận vào làm việc trong công ty sau cuộc phỏng vấn của 5 người.
Sau nhiều năm chờ đợi tôi rồi cũng đã đón được đại gia đình các anh chị em con cháu sang Mỹ, nhưng trái tim thì tan nát vì mẹ tôi đã nằm lại trên quê hương trong giấc ngủ miên viễn, trước ngày ra đi.
Tôi cũng không quên, đầu thập niên 1980s, vào một buổi sáng xuống phố, tim tôi đã như thắt lại, khi thấy những người Việt Nam tay cầm cờ vàng, tay giương cao biểu ngữ đòi “Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam” đi tuần hành trên đường phố. Từ lúc nhỏ ba tôi thường căn dặn, thấy đám đông là anh em chúng tôi phải tránh xa. Tôi đã lựa một chỗ đứng khuất xa, đủ để quan sát, và cũng đủ tránh được đám đông. Nhưng người tính cũng không bằng trời tính. Có một người trong ban tổ chức đã dừng lại khi đi ngang qua chỗ tôi đứng, nhận ra tôi là người Việt Nam, và khi tôi vừa kịp có phản ứng, một tấm biểu ngữ “Chống kinh tài Việt Cộng” và “Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam” đã được đeo vào cổ tôi.
Sau này tôi được biết MTQGTNGPVN (Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam) đã tổ chức những cuộc biểu tình này.
Và như một cơ duyên, tôi sau đó đã đến với tổ chức MT, đã tìm hiểu về mục đích của MTQGTNGPVN của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Tâm phục, kính phục, tôi đã trở thành một thành viên của MTQGTNGPVN từ đó.
Cũng từ ngày đó cuộc đời tôi đã thay đổi. Từ một con người chỉ biết có gia đình, tôi đã hướng đến tha nhân, đến những con người bất hạnh dưới chế độ cộng sản, đã nghĩ về đất nước, dân tộc. Tâm hùng của những con người mang chí cả, khẳng khái lìa bỏ công danh sự nghiệp để trở về núi rừng kháng chiến trong hy vọng đem lại tự do dân chủ, tương lai hạnh phúc cho giống nòi đã chinh phục trái tim tôi.
35 mùa thu trôi qua, những anh hùng kháng chiến Mặt Trận Hoàng Cơ Minh tuy nhiên đã ra đi không trở lại. Họ đã nằm xuống vào ngày 28 tháng 8 năm 1987 trên vùng rừng núi Nam Lào. Máu xương của họ đã hòa thắm vào lòng đất mẹ cho hoa tự do một ngày sẽ nở trên quê hương. Riêng tôi vẫn còn đó bên cuộc đời, kiên cường trong ước mơ một ngày sẽ được nhìn thấy đất nước Việt Nam có tự do dân chủ, con người Việt Nam được phát triển toàn diện và hạnh phúc.
Tuệ Vân
Tháng 8/2022.