Xưa thời thịnh Đường Đỗ Phủ viết trong bài thơ Khả thán: “Thiên thượng phù vân như bạch y tư tu hốt biến vi thương cẩu” (Trên trời mây nổi như áo trắng phút chốc biến thành chó xanh) được tôn là thi thánh, vì nói đúng việc đời thay đổi, và chính nhà thơ đã sống vất vả trong cuộc đời thay đổi, mọi dự kiến không thành.
Lý Bạch viết trong Thanh bình điệu: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” (Áo như mây, mặt như hoa), nên được gọi là thi tiên, vì nhà thơ không sống trong cuộc đời mà sống trong cõi say, trong rượu, với tiên, mới thấy được mặt như hoa, áo như mây. Và chết đuối vì nhẩy ra khỏi thuyền ôm bắt mặt trăng dưới nước trong lúc say (mà thực tế là thường trực).
Hai nhà thơ, một trong cái thực một trong cõi mộng đã được kể như là dựng lên thời đại thi ca cực thịnh đời Đường.
Thực tế, ít ai có thì giờ mà nhìn mây thay đổi để thấy ra lẽ vô thường của cuộc đời. Mây trắng biến thành chó xanh như Đỗ Phủ, hay ruộng dâu biến thành biển xanh như trong vặn chương Việt Nam, thì cũng là diễn cùng một ý. Đã được viết ra trong Cung Oán Ngâm khúc bởi Ôn Như Hầu Nguyển gia Thiều “Khóc vì nỗi thiết tha sự thế/Ai bày trò bãi bể nương dâu” và Nguyễn Du, trong Truyện Thúy Kiều “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Cho nên mời quý vị và các bạn xem một góc ảnh mây chụp mới đây ở Florida Mỹ quốc, bởi một thiền gia, cho nên tạm gọi là Thiền vân.