(Nhân ngày của Bố)
Tôi không biết và rõ những loại ngày như thế này xuất hiện từ bao giờ: Ngày Thầy Giáo, Ngày Phụ Nữ, Ngày của Mẹ và Ngày Lễ Tình Nhân, Ngày Của Bố v.v… vì thời của tụi tôi, làm quái gì có những ngày thế này. Các cụ của ta có câu: “Phú quí sinh lễ nghĩa”, áp dụng trong trường hợp này chắc có lẽ không sai vì ảnh hưởng nhiều với thế giới bên ngoài, nên ngôn ngữ đã bị Tây hóa, Mỹ hóa, Nhật Hóa rồi thành Việt hóa.
Lịch đỏ Nhật có một ngày gọi là “Kodomo no Hi” (こどもの日)(5/5) dịch sát sang tiếng Việt thì gọi là “Ngày Của Con”.
Thuở còn đi dạy học, tôi bị một học trò nêu câu hỏi:
- Ngày của Con thì thầy mua gì tặng cho các cô các cậu?
- Việt Nam tôi không có loại ngày này. Ngày này là ngày dành cho tất cả cho trẻ em, chứ không phải dành cho con cái trong nhà. Ông không thấy là vào ngày này thì tại Nhật lễ hội Matsuri tổ chức rợp trời đó sao? Chính xác là Ngày Lễ của Trẻ Em chứ không phải là Ngày Của Con.
- Thế ngày của Bố hay ngày của Mẹ, vợ chồng thầy có nhận được quà gì từ các con thầy không?
- “Có” và “Không”. “Có” là vì khi các cô các cậu nhớ, “Không” vì các cậu các cô quên.
Thú thực tôi và mẹ cháu cũng chẳng bao giờ để ý đến những ngày như vậy. Không có cũng chả sao. Nhưng mẹ cháu thường thì nhận “quà” nhiều hơn tôi.
Nhưng năm nay thì các cô cậu lại “nhớ”. Ngày 19/6 là “Ngày Của Bố”. Cách đây 1 tháng, khi thấy mẹ cháu và cô cậu hỏi:
- “Bố thích màu gì”.
- “Thích màu xanh”.
Tôi cũng chả biết “nội dung” sẽ là gì, có người bạn tưởng là tôi sẽ nhận được cái Iphone màu xanh, nhưng không phải, hôm nay tôi nhận được 2 cái áo Polo màu xanh sặc sỡ, 1 chai rượu vang trắng nho nhỏ 250CC, đúng là…. Chỉ dính răng, ực vài hớp thì đã hết ngay không đủ.
Nhưng Bố cám ơn con giai và con gái. Nhận quà các con xong thì rồi….bố để đó “chưng” cho vui chứ đi đâu mà mặc. Còn chai rượu vang thì bố đã làm…đẹp trong bữa cơm chiều với thực đơn quá “giản đơn” vì luôn phải “cân đo đong đếm”.
Cũng vui! nhất là được hưởng trong giai đoạn “chật vật” về tình trạng健康 (kiện khang) này, phải kiêng cữ đủ thứ. Thôi thì “hãy cứ vui lên mà sống, thế nào đời mình cũng đi.”
Nhưng, cái mà tôi cho là ý nghĩa nhất là cũng trong cái ngày này, tôi đã tìm được “nửa bên kia của Washoku”. Chuyện thế này.
Hôm qua trên đường đi thăm “em” định kỳ, kết quả cũng có vẻ khả quan với câu kết luận: “Em hẹn anh chín tuần, chờ anh nơi chốn cũ” giống như bài hát “Bảy Ngày Đợi Mong” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trên đường về nhà, cậu con đi cùng rủ tôi ăn trưa.
- “Bố thích ăn gì”.
Chúng tôi ghé vào một tòa nhà cao trong những tòa nhà cao khác ở cái phố Machida, thường thường tầng cao nhất sẽ có những quán ăn theo kiểu nửa Tây, nửa Mỹ và nửa Nhật, không phải là một nhà hàng thuần Nhật, không có cảnh nhân viên phục vụ mặc kimono, mà chỉ thấy các cô, các nàng trong bộ đồng phục, không phải ngồi bệt mà ngồi trên ghế. Giá rất phải chăng. Ở những chỗ này, không có giàu hay nghèo, sang hay trọng, có cả những bác lái xe, những cặp đôi trang điểm rực mùi Shiseido, các cô các cậu tuổi “tin” hay “teo” gì đó, những nhóm của mấy bà “okusan” thích tán.
Sau khi rảo một vòng để chọn món, tôi đã tìm thấy nửa kia của “washoku” mà tôi đã vừa giới thiệu trong một bài trước đây, lẽ dĩ nhiên “washoku” …. bao la lắm, “nửa kia” là những thứ tôi ăn được chứ không phải “nửa này”.
Một Zaru soba lạnh, một bát “gyudon”, một tô “miso”. Oh. Vui quá, hoàn toàn hợp với sở thích của tôi mà không âu lo gì hết. Xin giải thích một cách “giản đơn” về mùi vị của từng món.
----------------
Soba là tiếng Nhật, sợi có màu nâu. Được làm từ bột kiều mạch, theo bác Google thì “Kiều mạch là 1 loại ngũ cốc nguyên hạt giàu protein và chất xơ, được chế biến thành dạng tấm, hạt không đồng đều và thường có màu nâu”, độ dày của sợi soba có thể nói là ngang ngửa với cọng spaghetti của Ý, hoặc giống như mì cọng nhỏ của quân ta, có thể ăn nóng và lạnh tùy theo mùa”.
Căn bản nhất là Mori Soba, sợi sau khi luộc chín được nhúng và rửa bằng nước lạnh. Loại này thường được ăn cùng với một tô súp nóng, có nơi sẽ để ngay trước mặt một bình chứa một loại “chất lỏng” vừa nóng vừa đục gọi là Sobayu, tức loại nước còn dư lại sau khi trụng sợi Soba. Sobayu này dùng để hòa vào phần nước chấm thừa còn lại sau khi ăn xong bát mì, đổ ít hay nhiều sobayu tùy theo khẩu vị mỗi người.
Nước súp dashi có hương vị với sự “kết hợp” của kombu, vảy cá ngừ và các loại gia vị thông thường của Nhật Bản như mirin, nước tương shoyu và rượu sake. Khi những sợi mì kiều mạch hòa mình vào nước dùng nóng hổi, bạn ta sẽ có được một tô mì thanh thoát nhẹ nhàng nhưng không thiếu vị đậm đà. Húp xong tỉnh cả người.
Soba lạnh thì có một rổ đựng sợi soba, một đĩa nhỏ đựng hành xanh và wasabi, một bát nước chấm nước tương đậu nành "tsuyu", trước khi ăn thì cho một chút wasabi và hành xanh vào bát nước rồi cứ thế vừa gắp vừa chấm vừa “tùn tụt”.
Điểm độc đáo là ta nghe rõ những tiếng “tùn tụt” đầy rẫy xung quanh, điều này đối với quân ta ở quê nhà thì không hợp lắm, nhưng với người Nhật thì âm điệu “tùn tụt” này sẽ làm tăng vị ngon và đậm đà hơn của những sợi soba. Quân ta cũng chả cần thìa hay muỗng đưa tay bưng nguyên tô mì làm một hơi 100% mà không phải mang tiếng là bất lịch sự, vì đó là điều quá bình thường ở các quán ăn Nhật.
Các món tận cùng bằng chữ “don”
Nguyên thủy của chữ “don” (丼)là chữ viết tắt của chữ “Donburi”, mô tả hình hài một cái tô tròn có cái đáy sâu và trên có nắp đậy, khi cần phải di chuyển đường xa thì cái nắp sẽ giữ được độ nóng cho món ăn. Cho cơm vào hơn nửa phần "don", phủ một món nào đó lên trên “mặt bằng” của cơm là ta có ngay “cái gì đó “don”. Nhiều lắm, ta có gyudon (bò), katsudon (heo), Oyakodon (trứng và thịt gà), Unagidon (lươn), Tempuradon (tôm, các loại rau) và “linh tinh.... don”. Tôi thì khoái nhất là gyudon mà có ông bạn đổi tên thành “cơm đại hội”, mới nghe thì đớ người, giải thích một hồi mới hiểu, sở dĩ có chuyện thay tên đổi họ này là vì các phần ăn này rất tiện lợi cho những “đại hội” đông người, nhanh và gọn chả ai “giành” ai vì một mình một chợ.
Miso!
Theo bác Google thì:
Miso, hay tương miso, là một loại gia vị, thực phẩm được làm bằng phương pháp lên men đậu nành, gạo, lúa mạch, trộn cùng với muối và nấm Koujikin. Sau khi lên men sẽ trở thành một loại sốt có màu nâu đậm, sánh đặc dùng để làm tương, nước sốt, muối rau cải, hoặc pha với nước dùng để tạo ra món canh Miso Nhật Bản (miso-jiruー味噌汁). Miso có vị đậm, có thể ngọt hoặc mặn, có mùi rượu đặc trưng của thực phẩm lên men.
Miso được yêu thích không chỉ vì hương vị đậm đà thơm ngon của nó mà còn là vì đây là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Miso chứa rất nhiều axit amin thiết yếu, vitamin B, có nhiều chất chống oxy hóa cũng như các khoáng vi lượng tốt cho cơ thể chúng ta. Sử dụng với liều lượng vừa phải, tương Miso Nhật Bản hỗ trợ chúng ta tiêu hóa tốt hơn, giúp làm giảm các cholesterol có hại, phục hồi rất nhiều vi khuẩn có lợi trong việc …giữ gìn sức khỏe.
Súp Miso là loại canh thông dụng nhất trong các quán ăn Nhật Bản. Chỉ cần nấu súp Miso Nhật Bản với nước dùng theo sở thích, cho một chút rong biển, cá khô, vảy cá ngừ. Gọi chung những thứ thêm này là “dashi”. Ngon hay không ngon là cách nêm nếm các dashi này, thêm một chút hành lá cắt khoanh nhỏ là ta có ngay một chén canh Miso Nhật Bản cực kì ngon lành và thanh đạm.
Tôi khoái nhất là mỗi bữa cơm, bên cạnh là một chén miso nóng hổi. Mẹ cháu nhà này cũng nghiên cứu cách làm này mà hình như là nêm nếm theo kiểu Việt Nam, cho cái này một chút, cái kia một ít, mà cũng chả biết “một chút” hay “một ít” là bao nhiêu, hỏi thì bảo cứ ang áng thôi, và cũng vì thế nên không thành miso chính gốc cũng như Phở Việt mà lai chút Nhật thì chả ra chi.
Nói tóm lại là tôi đã có một “Ngày của Bố” trọn vẹn với Zaru SoBa, Gyudon, Miso. Mong cho một năm có thêm vài ngày của Bố nữa chắc là vui lắm.
Một lần nữa, cám ơn các con của bố. Mai này khi các con “ôm cầm sang thuyền khác” liệu bố mẹ có được “hưởng” những ngày vui qua mau như thế này không nhỉ!
“Ôm “em” trong tay mà đã lo cho ngày sắp tới”
Thấy cái cổ lại lên cơn, quay qua quay lại cứ kêu răng rắc, thôi đứng lên tìm lấy miếng salonpas dán đỡ để rồi ngày mai…. dỡ ra và lại gián tiếp và cứ tiếp tục theo cái “qui trình” lẩn quẩn ấy.
Xin ngừng bút
V.Đ.K