Đôi khi tôi cần một người đàn ông,
Để sai vặt chuyện trong nhà ngoài phố,
Hay những lúc trời chuyển mùa đổi gíó,
Tôi có người để tâm sự buồn vui.
**
Mới đây trên mạng điện tử giang hồ thấy truyền đi một bài viết ký tên Nguyễn thị Thanh Dương kể chuyện một vị nữ lưu đứng tuổi lấy chồng là để giải quyết những “cần thiết” của mình. Thí dụ cụ thể đưa ra là biết cầm búa đóng đinh để mình khỏi loạng quạng đóng búa trật vào ngón tay chẩy máu. Chuyện vui vui để đọc thì được, nhưng quan niệm tình yêu nẩy sinh ra từ nhu cầu giải quyết những “cần thiết” cho mình không khỏi gây ra giật mình cho nhiều người. Vì nhìn quanh thực tế, những điều chứng kiến trong cuộc đời không cho thấy như vậy. Thuần lý mà xét thì rất nhiều nhu cầu cá nhân, có thể mua được dễ dàng chẳng đắt đỏ gì. Như muốn ăn mì ra tiệm mì, muốn ăn phở đi tiệm phở. Ăn mì, ăn phở thường xuyên chẳng vì thế mà phải yêu tiệm mì tiệm phở. Trong cuốn Đông lai bác nghị ngày xưa của Lữ Đông Lai đã nói ra cái ý rằng người ta đi chợ vì cần, không phải vì yêu. Nói khác đi thì đi chợ hàng ngày chẳng thể nào trở thành yêu chợ.
Nhìn sang một góc khác, đàn ông cần giải quyết tình dục thì tìm đĩ điếm đủ hạng, tùy số tiền có trong túi. Từ vài chục tới vài trăm đô la, hay hơn nữa như Donald Trump vài trăm ngàn đô la. Đàn bà thời nay, nhất là ở Mỹ này cũng có thể hành xử tương tự, giai cấp nào kiểu cách đó. Sinh viên nam cũng như nữ bận rộn học hành và làm việc, không có nhiều thì giờ, lúc “cần” giải quyết nhu cầu thứ ba theo tục ngữ Việt Nam, có thể dở điện-thoại-khôn hay laptop ra tìm đối tác để mà tiến hành “hook up” chẳng tốn phí, rồi bye-bye, và ngay cả chẳng cần nhớ mặt. Sau đó, không nhất thiết có gì xa hơn, như đi ăn đi uống tiếp tục (dating). Rõ ràng những loại tình “cần” này không hẳn dẫn đến tình yêu. Hillary Clinton (*người suýt nữa làm tổng thống thứ 45 Hoa kỳ nếu không có thủ tục tính phiếu vòng vo) có thể tiếp cận thân mật dễ dàng với đại tài phiệt Harvey Weinstein (*nhà sản xuất phim ảnh chủ hãng Miramax bị xử 23 năm tù năm 2017 vì tội lạm dụng tình dục hay/và hiếp dâm 80 phụ nữ) như hình trên mạng điện tử cho thấy mà sau đó chẳng có gì khác. Nói cho rõ, từ những cuộc tiếp xúc vì “cần” này, dù chủ động là nam hay nữ, cũng khó thể nói là sẽ tiến tới tình yêu - mà đơn giản biểu hiện ra như Nguyễn thị Thanh Dương nói là lấy nhau.
Ở Việt Nam trên nửa thế kỷ trước, chuyện lấy đĩ (người giải quyết cái cần) làm vợ cũng có, nhưng hãn hữu, với những lý do đặc biệt, mà không phải vì lý do “cần”.
Một nghiên cứu cách đây chừng vài chục năm của một tác giả Ăng Lê cho biết trong đời một người Mỹ trung bình, bất kể nam hay nữ, những cuộc tình “cần”qua cầu tính ra có thể lên tới con số 15. Một thí dụ như đi họp hành hội nghị nghề nghiệp rồi tiếp tân, móc nối trao đổi địa chỉ liên lạc để làm ăn tiếp, thì có thể nổi lên cái “cần” tức thì mà có quan hệ tình dục. Ít khi có chuyện tiếp theo là tình yêu, như NTTD nói.
Nhân thống kê này, một nhà báo quá cố nổi tiếng chuyên bàn luận hàng ngày mọi vấn đề, là Mike Royko ở Chicago vào thập niên 1980’s đã có ý kiến rằng chuyện ngăn ngừa bệnh dịch HIV (bệnh liệt kháng) mới phát hiện ở Mỹ trong đám đồng tính luyến ái không biết nguyên nhân khó mà chặn đứng, dựa theo các tính toán số học và phép xác xuất. Nói cho rõ hơn, hai người quan hệ tình dục với nhau không nhất thiết thực sự chỉ là giữa hai người, mà có ít nhiều dính líu với những siêu vi trùng từ những người lang chạ khác. Dĩ nhiên tiên đoán này không đúng vì các bô óc siêu việt Mỹ và Pháp không muốn con người bị mất cái nhu cầu chủ yếu thứ ba đã ngày đêm nghiên cứu và tìm ra siêu vi HIV năm 1983 (viện Pasteur Paris), xác định bởi Gallo ở Mỹ năm 1984.
Trở lại với câu chuyện của Nguyễn thị Thanh Dương, nếu mà là thật thì đúng ra là của một nữ nhân hơ hớ tuổi 45 bị chồng bỏ và một người đàn ông bạn của gia đình, có vợ chết. Cuộc chắp nối theo như các cụ ta gọi là “rổ rá cạp lại” này xét ra không phải là vì cần, mà vì như một câu nói của Pháp “la nature craint le vide” (Thiên nhiên sợ sự trống rỗng).
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 17 tháng 7/2022)