Khi con người thấy được những thay đổi đến đi trong cuộc sống, cảm nhận được sự vô thường của cuộc đời, thì đó là giai đoạn mà bản thân con người đã bước vào tuổi già. Không còn sự sôi nổi. Suy nghĩ đã đằm, nhìn sự việc chung quanh với sự bao dung, hiểu biết. Khác với tuổi trẻ là tuổi của sự năng động, với bầu nhiệt huyết sôi nổi, sẵn sàng cố gắng hết mình để đạt mục tiêu muốn tới.
Những mục tiêu này của tuổi trẻ, xa gần, cao thấp, lớn nhỏ khác nhau tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy gia đình, tùy xã hội. Ở một nước nghèo nàn, lạc hậu, chiến tranh…mục tiêu thường chỉ là làm sao vượt từng bước nhỏ, sống qua ngày. Ở một nước yên bình, công ăn việc làm dễ dàng, nhiều điều kiện thuận lợi để vui hưởng, như Mỹ và một số nước Tây phương phát triển, mục tiêu của đa số sẽ thiên về sự vui hưởng trước mắt. Tụ tập ăn uống cuối tuần hay mỗi khi rảnh rỗi, du lịch xa gần, hội họp gặp mặt ái hữu để gìn giữ mầu cờ sắc áo hay nguồn gốc tập thể…Ở trong trường hợp bấp bênh, bất trắc, ngoài chuyện lo cuộc sống trước mắt, đối với một số người có đầu óc, biết suy nghĩ, thì còn là tìm cách giải quyết chuyện bấp bênh đường dài, không phải chi cho cá nhân mà còn lo cho cộng đồng hay đất nước. Sự kiện mục tiêu này được chứng minh vào thập niên 1980s qua sự thành công nhanh chóng của những thuyền nhân trong sự thích ứng với đời sống mới ở nước được định cư, xa lạ, ngôn ngữ phong tục không rành. Nhiều người trong số này, không chỉ lo ổn định đời sống trước mắt mà còn quan tâm tham dự những hoạt động đấu tranh giải phóng Việt Nam. Với những Mặt Trận Quốc gia Thống nhất Giải Phóng VN và tướng Hoàng Cơ Minh, Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam với Trần Văn Bá, Liên Minh Quang Phục Việt Nam với Võ đại Tôn….
47 năm trôi qua, con cháu những người này, nam cũng như nữ – thuyền nhân hay tị nạn, hay di dân - trên những vùng đất tự do, bằng sức tài cá nhân, đã nắm được những địa vị trách nhiệm xứng đáng, ngay cả là lãnh đạo, trong các ngành nghề chuyên môn và ngay cả trong chính quyền sở tại.
Trong khi đó nhìn lại Việt Nam dưới chế độ độc tài Cộng sản biến thái, những thành phần trách nhiệm lo việc công quyền hay xã hội đa số là con cháu hay tay chân bất tài, tham nhũng thối nát của những kẻ quyền thế. Một cơ cấu hủ bại như vậy chỉ có thể tồn tại nhờ quán tính, tức là nhờ sự ù lì tĩnh lặng của môi trường. Bởi thế, chế độ đã tìm ra cách chuyển sự sôi nổi tích cực của tuổi trẻ thành những phản ứng cảm tính phù phiếm. Như lãnh đạo đảng và chính phủ mặt mày tươi rói nâng cao một cái giải thể thao hạng B, dân biểu quốc hội đề nghị mở khu nhà điếm công khai. Những trò chơi dâm đãng vô ý thức cho thanh thiếu niên trong các dịp vui chơi của các tổ chức thanh niên, đoàn đảng. Những thanh nữ cuồng nhiệt cởi hết quần áo, khỏa thân cầm cờ đỏ sao vàng chạy ngoài phố mừng chiến thắng trong các trận đấu U23, mà người ta có thể dễ dàng tìm thấy trên hệ thống mạng toàn cầu.
Cuộc sống như thế chẳng trách đã đưa đến phong trào “Lên Thuyền” tìm ra hải ngoại sinh sống để có thể bảo vệ sự phát triển lành mạnh của con em của một số đông người dân trong nước như bài viết của tác giả Nguyên Ngọc từ trong nước.
Một đất nước liệu có thể tiếp tục là một đất nước hay không khi đã phân rã và chém giết nhau vì một chủ nghĩa cuồng tín ngoại lai từ trên 70 năm. Những con người từng là sát nhân hay con cháu của sát nhân chỉ còn muốn “lên thuyền” ra đi để mà sống ở nước ngoài, bên cạnh những nạn nhân hay con cháu những nạn nhân? Những người này có phải chăng cũng là nạn nhân cộng sản?
Bình tĩnh hỏi như vậy thì có lẽ sẽ thấy câu trả lời không khó.
Tuệ Vân
Ngày 12 tháng 7 năm 2022.