Hoa Hòe Hoa Sói!
Sáng thức dậy thấy nháy hoài đôi mắt trái
Có niềm vui chợt đậu trên mi!
(Thái Tú Hạp)
Mà thật vậy, một ngày đầu tháng 6, sáng mới mở mắt thì thấy một hình ảnh “hoa” đập vào mắt, nhìn kỹ hơn thì thấy cái avatar của một cô gọi tôi bằng chú đã thay đổi. Quân ta thích “Hoa” ghê nhỉ! Đi đâu cũng gặp “Hoa”. Cậu em ruột của tôi và cô em đã quen năm ngoái học cùng trường Thăng Long cũng rất thích Hoa. Dạo một vòng chung cư Phây thì thấy hầu như hơn một nửa, nhà nào nấy cũng trưng bày đủ các thứ hoa, lúc nào trong lời “bộc bạch” cũng nghe nhiều tên gọi Hoa và Bông bằng tiếng Việt ….suốt.
Tôi có mấy ông bạn cùng lớp, hoặc trên tôi vài lớp, dạo “giặc cô vi” ập vào khiến cả thế giới lao đao, tránh bệnh thì cứ ai ở nhà người nấy. Chắc có lẽ bó tay, bó chân các ông đâm ra…. giở chứng. Suốt ngày say sưa bàn bạc chuyện xới đào vun để trồng hoa, trồng…. rau còn trồng cả cây ăn trái.. Ông thì ở Canada, kẻ thì ở Cờ Hoa, người thì ở Úc, lẽ dĩ nhiên là người đầu têu là cái ông ở Nhật. Trồng được hoa gì, hái được trái gì thì cứ khoe nhặng xị rồi phải thế này, thế kia hoa mới đơm bông kết trái, cá mới sống lâu hơn và…phải thay nước đều đặn vào hồ nuôi cá, cho thêm thứ thuốc…thứ thang gì thì nước hồ nuôi cá sẽ trong veo, cá mới sống hùng, sống mạnh.
Trong nhóm có một ông cùng năm, một đại gia thứ thiệt, bát phố Tokyo lúc nào cũng chơi xe “ngoại”, ông khoe ông đã sắm một cái xe chạy điện Tét La hay Tét Liếc gì đó tôi không rõ, để thực hiện đúng chương trình của toàn thế giới đang kêu gọi là dùng….năng lượng sạch. Ông có một nhà hàng cực to ở Shinjuku, cũng là nơi nhóm sinh viên exryu tụi tôi gặp mặt. Uống thả cửa, ăn thả dàn, “lệ phí” giống như cho. Ông đã mướn hẳn một mảnh vườn quá rộng ở Karuizawa, nơi nghỉ mát thật đẹp của xứ Phù Tang, rộng gần 2200 mét vuông đấy. Ở đâu thì không biết, chứ ở Nhật có miếng đất như thế tại một vùng đất nghỉ mát nổi danh thì chỉ có mà mơ. Ông nói để làm chốn dưỡng già, đón anh em Exryu toàn thế giới đến thăm khi cơn dịch lui vào dĩ vãng, rồi ông huy động người, đào, xới, trồng, lát ván, xây viền ven đường bằng những loại gạch mua tít từ Việt Nam. Ông…giàu quá, chả bù cho tôi suốt ngày chỉ quẩn với quanh trong cái nhà bé xíu chưa đầy 30 tsubo với cái Ipad rẻ mạt. Urayamashi na!
Nghe nói mấy ông còn âm mưu cả chuyện chăn nuôi, chỉ chưa thấy mấy ông tính chuyện nuôi bò…..Kobe. Thứ “bò” của thế giới, được massage, được cho uống lúa mạch, thịt có vân mỡ trắng xen kẽ với những thớ thịt đỏ với tỷ lệ đồng đều, ít béo và có độ mềm như tan ra trong miệng.
Khi đó thì tôi sẽ chính thức góp tiếng, chứ chả giữ quyền tịnh khẩu như bây giờ đâu. Cũng chỉ là để xin ké mấy ông một chút, vì bò Kobe tôi chỉ nghe chứ chưa được nếm mùi. Nghe kể là hôm Hội Ngộ 2012 ở Kobe, mỗi người sẽ có một miếng bò….cực bé, mà phải có phiếu mới được cung cấp. Tàn tiệc, tôi hỏi: “Ơ bò Kobe đâu?” vì chưa thấy ai kêu mình trình phiếu. Một ông đáp gọn: “Có rồi mà, đĩa đem ra lần thứ ba để chung với wagyu đó. Thấy phiếu phung cực quá, tôi yêu cầu nhà hàng làm và đưa luôn ra một thể”. Tôi ớ người ra, cố nhớ lại trong lúc “tay đàn hàm nhai” có còn chút mùi vị dù là thoang thoảng không thì hoàn toàn không cảm thấy. Vậy là có ăn đấy nhưng coi như không ăn vậy. Thiệt tình.
Tôi chả có một tí kiến thức gì về “hoa”, về “cây” về “trái” cả, chỉ biết ngắm và khen: “Đẹp quá, Ngon Quá” mà “Đẹp” thế nào? Mùa nào, lúc nào thì Hoa nở và lúc nào thì tàn? Trồng thế nào thì ra trái ngọt? Tôi hoàn toàn mù tịt về ba cái lãnh vực này nên đành ngậm tăm im lặng ngồi nghe. Thấy mấy ông vui tôi cũng đang“cố vui lên mà sống, lâu rồi đời mình cũng…đi”.
------------
Ơ, sao tôi lại lạc qua tới chuyện hoa hòe, chuyện bò, chuyện biếc này nhỉ. Thôi trở lại chuyện thay Avatar. Tôi có hỏi lý do thì được cô bên đó trả lời: “Vì tháng sáu trời mưa rồi không dứt mà chú”. Nhắc đến mùa này thì lại nhớ đến bài hát “Tháng Sáu Trời Mưa” và “sự tích cái mái che mưa”:
----------------------
“Nhật Bản là một nước “Một năm có 4 mùa rõ rệt: Xuân Hạ Thu Đông”. Đúng là như thế nhưng “thiếu” một mùa nếu phân tích cho rành mạch. Đó là “Tsuyu- 梅雨” có nghĩa là mùa….mưa. Và bây giờ mùa mưa đang khởi sự. Cái mưa của Nhật Bản cũng tương tự như Việt Nam với nhiều “chủng loại”, chỉ khác nhau tên gọi và cách diễn giải: mưa cục bộ, mưa du kích, mưa nhè nhẹ v.v….vẫn có thể biến thành “sông” thành “hồ” khi mưa lớn, khác Việt Nam chút chút là nước sẽ rút nhanh rút mạnh, chứ không phải là nơi mà quân ta có thể bơi và lội và câu…cá., nhưng cái khác lớn nhất là xứ “nước mắm” có cái mà dân “Shoyu” không có: cái mái che mưa, “căn nguyên” dẫn tới những mối tình thơ mộng mà chính mình đã từng là “nhân chứng”.
Gần trường Thăng Long, nơi tôi học Toán Lý Hóa vào những năm 1969, 70 gần cuối đường Hồng Thập Tự, lúc đó trường mới mở mà 2 thầy Vũ Bảo Ấu và Phạm Huy Ngà là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ông Dương là Giám Học. Cách trường 2 căn, 2 biệt thự thì đúng hơn, có một mái hiên của một tòa nhà hay gọi là nhà ông Thi, hay ông thầu khoán. Sau những cơn mưa “đột xuất”, mặt đường nổi đầy bong bóng thì các PC, Honda dam, xe đạp mang theo những tà áo dài ướt đẫm hình như từ Nguyễn Bá Tòng hay Hưng Đạo rủ nhau tấp vào “trú ẩn”
- “Nè, anh xích qua một bên cho tui trú với”.
- Được mà Dzô đi.
Hôm sau trời cũng mưa và suốt tuần mưa… suốt và trú… suốt. Thế là từ từ sẽ có màn trao qua đổi lại, bắt đầu từ những con mắt có đuôi, bằng những câu chuyện thật bâng quơ, rồi len lén trao những quyển vở kèm theo xác những con “bươm bướm nguyện chết khô trên giấy học trò”. Rồi những chuyện gặp nhau diễn ra thường xuyên hơn, nơi hò hẹn không còn là nơi tránh mưa mà là cái Vườn Bông Khải Định nằm đối diện, sau đó thì họ hẹn hò ở đâu thì tôi….không biết. Chàng lên đường tòng quân và nàng ngóng chờ “Anh về một chiều mưa”. Từ “Giữa lòng mưa chiều người đã về đây” rồi “Em đến thăm anh một chiều mưa” và cả hai đã nên duyên vợ chồng nhờ những cơn mưa nặng hạt và cái mái che mưa. Sau tháng 4/75, thì tôi nghe tin: một câu chuyện rất rất buồn “Anh trở về trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng”. Tình cảm của cái thời bắt đầu bằng những sôi nổi đầy ắp hẹn hò bị thay bằng những giọt nước mắt của người góa phụ. Buồn. Thôi không nhắc chuyện này nữa.
---------------------------
Mấy hôm sau thì được đọc bài viết của một ông bạn, ông tả tình tả oán, ông phân tích về cái mùa mưa Nhật Bản (Tsuyu) thấm quá chừng chừng, lòng cảm thấy rộn ràng có chút niềm vui vì được biết thêm được nhiều điều và thêm một từ ngữ mới: “yarazu no ame” (やらずの雨) mà bạn tôi tạm dịch thành “mưa cầm chân người”, “mưa níu áo”. Hay!
Hóa ra ngôn ngữ Nhật cũng có cơn mưa có hẳn một cái tên như vậy.
Lục lọi trên mạng để “trau dồi thêm…. tiếng Nhật”, để đi tìm những câu chuyện mưa, về cái mái che mưa thì đọc thấy bài thơ dưới đây "lịm" cả người, quá ư là thấm.
Xưa còn bé, lá sen làm ô nhỏ
Che trên đầu, ù chạy dưới cơn mưa
Lá mong manh, khéo mấy cũng chẳng vừa
Mưa tội nghiệp nên mưa chừa hai đứa
(Không biết tác giả)
Quá tình, Nhật Bản làm sao mà có được! Bởi vậy làm gì thì làm, đi đâu thì đi tôi vẫn một lòng chung thủy và thương cái mái vô cùng, “thương Việt Nam và mưa nắng hai mùa”, “….Dẫu cho khó thương” là vậy!
Ta lang thang sang chuyện khác!
Chuyện nước....
Cũng dễ là có hơn 30 năm nay trở lại, chuyện nước lọc đóng chai, đóng bình mới bắt đầu xâm lăng vào Nhật Bản. Đi đâu cũng thấy thiên hạ thủ sẵn một bình nước..... lọc, đủ kiểu, đủ tên, đủ dung lượng từ 300 ml, 500 đến 1 lít rồi 2 lít, được làm từ Nhật, từ Pháp và từ những tên nghe lạ hoắc. Hoặc ngay trong nhà cũng có một máy lọc nước, mấy ông “bán nước” khôn thấy mẹ, tiền cho mướn máy thì “miễn phí”, nhưng tiền nước thì tính thẳng cẳng, lại còn có người định kỳ đem đến tận nhà thay nước để nước lúc nào cũng “được” tinh khiết, và có cảm tưởng như mình lại được uống một loại nước lọc an toàn nhất... trần gian.
Theo suy nghĩ cá nhân tôi thì lại có điều hơi ngược đời... một chút. Nước nào mà uống chả được, nhất là nước uống ở Nhật, trừ nước “ở các quốc gia chưa phát triển” chưa được đun sôi, nước kỹ nghệ, nước thải và nước.... biển. Tôi có cảm tưởng là uống nước lọc đóng chai vào lúc trời hơi nóng tuy chưa được ướp lạnh hay ngay như vừa được ướp lạnh cũng chả thấy khác gì với nước.... từ trong vòi mà tiếng Nhật gọi là 蛇口 (jaguchi) chảy ra.
Nhớ lúc mới sang khoảng năm 1972, vào tiệm ăn bình dân xin một ly nước: Hiya kudasai (Cho tôi ly nước lạnh), ông chủ tiệm hay nhân viên của quán “vô tư” lấy cái ly gần đó, kề vào cái vòi rồi đưa ra cho khách. Đầu tiên thì thấy hơi kỳ kỳ, nhưng xung quanh ai cũng thế riết rồi cũng quen, mà có điều lạ là uống vô vẫn thấy ngon không thể tả. Bây giờ thì văn minh hơn, họ cho nước vào một cái bình có vài cục đá, kế đó rót ra hoặc cho ly vào một cái máy rồi ấn và nước-đá sẽ tuôn ra, cứ thế phe ta nốc ừng ực và cũng chẳng ai đế ý nước trong bình là nước máy hay lấy từ “suối nguồn cao cả”.
Theo những thông tin từ Cục cung cấp nước cho biết: Nhật có nhiều hồ chứa nước tích tụ từ nước nguồn, nước mưa trên toàn cả nước.... những loại nước này được cho chảy qua vài chục cái máy gì đó, rồi phân tích đo độ cao, độ thấp của chất này, chất nọ và cuối cùng trở thành nước “thanh khiết”, sẽ chảy vào tận mọi nhà qua các ống dẫn nước, uống được ngay mà không cần phải đun sôi gì ráo, bảo đảm... là an toàn. So sánh với thời xưa một chút thì không khí trong lành hơi giảm vì công nghệ càng ngày càng phát triển, sự độc hại sẽ tăng tiệm tiến, nhưng với kỹ thuật “lọc” tân tiến ngày nay thì nước “trong lành” sẽ vẫn là.... “trong lành”.
Xin kể tiếp từ chuyện ngay trong nhà mình... chứ chả đâu xa cả.
Từ khi nước “trên vùng cao xuất hiện” được các siêu thị khuyên dùng... thì tôi là thằng... lãnh đạn đầu tiên. Cứ 1 ngày hay 2 ngày là phải gian khổ “đoạn đường chiến binh” xách bình (hôm thì bình 4 lít, hôm thì 2 bình 8 lít) ra super market gần nhà lấy nước mới đã được “lọc” kỹ càng, “nếu không thì hại cho sức khỏe” mà mình cũng không biết là “thế nào thì hại cho sức khỏe”.
Thú thật là cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ nghe nói có người Nhật nào bị trúng .... độc vì uống nước đã lọc. Tôi cố cãi, trưng đủ bằng chứng nhưng xem ra vô ích vì quả là “miệng nhà quan.... có gang có thép” với loại... lý luận trên trời dưới đất: “có bà làm cùng hãng nói độc lắm” và “trên mạng thiếu gì tin nước bị nhiễm độc”, tôi tìm hoài không thấy, và cuối cùng tôi đành phải tuân theo cái qui định “bất thành văn” cho xong chuyện: “Nước từ vòi chỉ dùng để tắm, để rửa.... còn nước uống thì đôi khi là Uroncha (trà thanh long giá cũng chẳng khác bao nhiêu) và nước lọc đóng chai, mua, hay lấy từ tiệm”. Công nhận các cô các cậu nhà tôi uống nước kinh khiếp, vừa xong bình này lại “bố, hôm nay .... chưa lấy nước", đó là chưa kể trên đường đi làm hay đi học, cô cậu tiện thể bấm thêm mấy chai từ trong máy bán nước tự động bày đầy phố xá! Cứ mỗi thứ năm là đổ rác chai mệt mà phải trước 8 giờ sáng. Mệt thấy mẹ!
Từ giờ trở đi có lẽ sẽ vắng vẻ hơn nữa vì thế nào cũng có ngày cô cậu con nhà tôi lìa xa bố mẹ “ôm đò sang thuyền khác”. Hỏi cậu con:
- “Có “ghệ” chưa”.
- “Đang tsukiai?”
- “Rồi có tính đến chuyện lấy nhau không”,
- “Có chứ bố”.
- Có ở với bố mẹ không?
- Chắc là….không!
Thế rồi ngày nhà chỉ còn 2 khỉ già chắc sắp đến. Lấy ai đi mà lấy nước hàng ngày? Hay là ta mướn cái máy lọc để đó, vì mấy loại mới ra nghe nói là tiện lợi tối tân lắm, cứ bấm nút đỏ thì máy tuôn ra nước sôi đủ cho một chén trà, một tách cà phê , bấm cái nút xanh là có ngay một ly nước mát tinh khiết cứ thế mà ừng ực. Rồi nấu cơm bằng nước đó thì cơm chín sẽ có hương thơm “tinh tế ngọt dịu”, Hạt gạo sẽ Dẻo vừa trắng cơm, hạt cơm đều, đậm vị để nguội không lo bị cứng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì sao vẫn còn tức tức vì “Nước cũng phải mua à?” trong khi “Nước máy nhà cũng ngon ra phết đó chứ”.
Tôi cứ bị luẩn quẩn trong cái vòng tròn đó. Khổ ơi là khổ. Nỗi lòng biết tỏ cùng ai? Có bạn nào.... giống tôi không?
Thôi ngừng đây vì cái lưng sao dạo này đau thế, dán bao nhiêu là salonpas, uống bao nhiêu là thuốc giảm đau, chụp X-Ray đều đặn mà cũng chẳng ăn thua. Thôi đứng lên một chút cho giãn gân giãn cốt.
Vũ Đăng Khuê