“ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà “
Phạm Hữu Quang
Tôi đã thật sự cảm thấy lòng bồi hồi, rung cảm, khi có dịp đọc được bài thơ “ Giang Hồ “ của tác giả nhà thơ Phạm Hữu Quang nổi tiếng ở trong nước, và tôi cũng tin rằng, những ai có hoàn cảnh xa quê lâu năm như tôi đây, cũng sẽ có những rung cảm, đồng nhịp với tôi sau khi đọc được tác phẩm này.
Toàn bộ bài thơ chỉ để diễn tả tâm trạng của tác giả khi ông bỏ nhà ra đi giang hồ, nhưng đến đoạn cuối của bài thơ “ nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà “ mọi cảm xúc như vỡ oà, lan tỏa chạy theo từng mạch máu, những rung cảm, thổn thức như cuốn theo từng sợi khói lam uốn éo bốc lên, trong một không gian của một buổi chiều, trong một căn nhà quê ọp ẹp, theo trí nhớ cứ bay cao...... bay cao theo về quê cũ.
Tiếng cơm sôi ở đây không phải là thứ tiếng kêu xì xì của cái nồi cơm điện ( vô duyên ) ở bên này. Tiếng cơm sôi ở đây phải là thứ tiếng đầy âm ấp hồn quê, phải là thứ tiếng của nồi cơm được nấu bằng củi, và bằng nước giếng nằm ngay trước sân nhà, được đặt trên một cái kiềng ba chân trên nền đất, phía dưới nồi cơm đang sôi là tiếng nổ lách tách của từng thân cây củi, từng đóm hoa củi đỏ hồng bung ra theo những tiếng nổ. Theo tiếng sôi lụp bụp của nồi cơm, từng chiếc bong bóng bên trong nồi cũng theo đó mà nổi lên trên một màu trắng đục, đưa tay khua nhẹ bằng đôi đũa Cái, chắt nước cơm vào cái chén nhỏ để dành chút nữa cho thêm tí đường cát vào là sẽ có một thứ ( chè ) của con nhà nghèo, đảo thêm một vài vòng cho nồi cơm được đều nước, gạc than hồng ra phía ngoài chiếc kiềng, đặt nồi cơm lại lên nhóm than hồng để sấy khô chờ cơm chín. Nồi cơm nấu theo kiểu này sẽ đem lại mùi thơm đặc trưng, và lớp cơm cháy dưới đáy nồi vàng hực, giòn tan mà chỉ có nồi cơm quê mới có được, tiện tay sẽ cho thêm vào nồi cơm dăm ba cái hột mít đã rửa sạch để hấp chung cùng với cơm, những hạt mít nhỏ thật nóng, vừa được hấp chín trong nồi cơm có vị thật bùi cũng là niềm vui tuổi nhỏ của tôi.
Thả hồn thêm một chút nữa, đưa tay nhóm lại bếp lửa phía bên trong chiếc kiềng, bắt lên nồi canh rau tập tàng, nếu không thì là nồi cá kho trong một cái nồi được làm bằng đất nung, trước mắt tôi đã hiện lên một góc của căn bếp ngày xưa, nơi có bà nội tôi ngồi thổi lửa bằng một “ ống thổi lửa “ bằng một loại tre già được khoét rỗng ruột. Theo cơn mơ hồn tôi lại chơi vơi trở về với tuổi thơ nhọc nhằn, ở một vùng quê yên ả trên đất Việt còn nằm sâu kín trong tiềm thức.
“ giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà “
Hơn nửa đời phiêu dạt, tưởng rằng quê hương chỉ còn nằm đâu đó trong cái trí nhớ đã bắt đầu lạng quạng, nhưng tiếng cơm sôi của nhà thơ Phạm Hữu Quang đã làm tôi ngã quỵ. Quả thật, giang hồ chi khi chỉ nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. Tôi đâu có bỏ nhà ra đi giang hồ như ông nhà thơ, để rồi ghé nhờ cơm bạn, và trong một phút chốc ( yếu lòng ) nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con. Nhưng ít ra, thì ông vẫn còn có một nơi chốn để mà về mỗi khi nhớ. Còn tôi thì không, tôi không có bỏ nhà để đi giang hồ như ông, tôi bỏ nước ra đi mà không hẹn ngày về, tôi ra đi là mất hết, mất luôn cả đường về. Được nghe tiếng cơm sôi của ông đã giúp tôi tìm lại được chút hương xưa cũ của quá khứ. Tiếng cơm sôi của ông đã giúp mang tôi về lại quê hương, dù chỉ là quê hương trong trí tưởng tượng qua tiếng của nồi cơm sôi, nhưng cũng đủ để làm cho lòng tôi xao xuyến khi nhớ về nơi chốn cũ.
Ngoài kia trăng đã lên, soi bóng hàng cau trước ngõ, mâm cơm cũng đã được dọn lên một chiếc chiếu cũ đã rách viền. Nói là mâm cơm cho ra vẻ một bữa ăn đầy đủ thôi. Thực ra thì chỉ có tô canh rau tập tàng được hái nhặt từ quanh nhà, hoặc là tô canh rau mồng tơi, thi thoảng thì mới có được tô canh nấu với trái đu đủ chín hườm, đa phần các món canh đều được nấu với loại cá mối phơi khô lâu ngày, khô quắc quéo, trước khi nấu phải đem đi ngâm nước. Bên cạnh tô canh là dĩa cá kho mặn nhiều nước, cùng với dĩa rau luộc, cũng được nhặt hái quanh nhà, tiêu biểu nhất là đọt non của khoai lang.
Mâm cơm được dọn ra trước sân nhà, dưới ánh trăng, cây đèn ( hột vịt ) đốt bằng dầu lửa được đốt lên đặt gần bên mâm cơm, tạo ánh sáng vừa đủ để mọi người nhìn thấy thức ăn. Ăn cơm ngoài sân dưới ánh trăng là để tiết kiệm dầu đốt đèn, và để ( ăn cho nó mát mẻ ) theo như lời ông nội tôi nói.
Và cứ thế, tuổi thơ của tôi lớn dần theo năm tháng, cùng với tiếng cơm sôi trên bếp, cho đến một ngày tôi bỏ quê lên phố để đi học. Năm tôi 20 tuổi, do hoàn cảnh đất nước, tôi lại phải bỏ quê một lần nữa. Lần này không phải là bỏ vùng quê để lên thành phố như trước kia, lần bỏ đi này là bỏ quê hương để đi, đi là không hẹn ngày về “ một lần đi là mất lối quay về “ để rồi sau hơn 40 năm phiêu dạt xứ nơi xứ người, chiều nay ngồi đọc thơ của tác giả Phạm Hữu Quang.
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.