Dễ cũng đã hơn 3 năm, kể từ cái lúc “Dịch từ xứ lạ sang đây” thì anh em trong đại gia đình chúng tôi vẫn chưa có cơ may tái ngộ dù cũng có những lúc trao đổi qua Viber hay Messenger. Nhân ngày lễ Chúa Lên Trời ngày chủ nhật vừa qua (29/5). Hôm đó trời trong đẹp, không khí dễ chịu vì đang là lúc giao mùa giữa mùa Xuân và mùa Mưa (Tsuyu). Cả nhà đã cùng đọc lời cầu nguyện, xin Chúa và xin ông bà bố mẹ đang ở trên cõi ấy, cầu nguyện cho con cháu luôn mạnh khỏe và hanh thông.
Hài cốt ông bà được đặt ở nhà thờ Hatsudai của quận Shibuya. Từ nhà ga Yoyogi Hachiman của đường tàu Odakyu cách nhà thờ khoảng 10 phút đi bộ nếu đi thư thả. Khác với mẹ cháu, nếu đi siêu thị lùng mua đồ sale, hay đồ nửa giá thì luôn luôn “Em đi chàng theo sau”, nhưng khi vượt qua chỗ ở “tạm dung” là cái quận Sagamihara nhỏ bé, giáp ranh Tokyo rộng lớn, thì tôi chủ động. “Nè, nhớ theo tôi, coi chừng lạc đó” và luôn luôn “Tôi đi trước, bà lẽo đẽo theo sau”. Vốn đi nhanh, có cái tật “vừa đi, vừa lủi” (một cái "tật” xấu của tôi trời ban không bỏ được), tôi bỏ bà xa cả đoạn. Đi một lúc, lại phải giảm tốc độ để chờ để đợi, thỉnh thoảng có tiếng nhắc nhở: “Anh phải đi thẳng lưng, vạch trước cho mình hai đường thẳng song song, đừng lạng sang bên phải rồi bên trái”. Đi bộ theo kiểu Lê Thiệp với ông sư gốc Biệt Động hay đi bộ với ông Ngô Vương Toại của “Suối Nguồn Tươi Trẻ” thì tôi chưa đạt được, nhưng cứ đi cứ lủi như tôi thì thế nào mà chả tới nơi. Tôi phì cười tự hỏi: “Đi bộ mà cũng phải tập à”.
Nhắc lại chuyện nhà ga Yoyogi Hachiman là tôi nhớ ngay đến những lần “đột kích” hay những lần tụ họp “đòi tự do dân chủ” mà mục tiêu là sứ quán bên thắng cuộc. Thường thì phải ra khỏi nhà ga xong leo lên cái cầu ngang đi bộ mới ra con đường chính, nhưng bây giờ thì không, bước ra khỏi xe điện có cái thang máy dẫn ta ngay ra con lộ chính. Trời! mới 3 năm mà thay đổi khá nhiều.
Địa điểm đặt hài cốt của ông bà được đặt ở dưới một cái hầm rất rộng, được thiết kế lại với những bức tường bao quanh được trang điểm màu xanh da trời trông rất dịu, khiến ta có thể tưởng tượng đến ngay nước Chúa. (Trước đây cũng là nơi tôi đã tổ chức buổi hát với Thanh Lan-Phạm Duy tháng 11/1974). Anh em chúng tôi đã đọc kinh và từng người cầu nguyện, mất khoảng 30 phút. Lẽ thường thì sau buổi cầu nguyện, chúng tôi sẽ có một buổi ăn trưa, nhưng tìm hoài cũng không thể có một nhà hàng nào dám chứa vài chục người nếu chưa đặt trước trong thời buổi dịch bệnh này. Đành trao gửi nhau vài câu thăm hỏi, chụp với nhau vài tấm hình, trao cho nhau vài món quà tặng vì gia đình cô em ở bên Úc cũng có mặt. Còn cậu em thì bận công việc, gia đình 2 cô em, thì mãi ở tận xứ Cờ Hoa chắc chỉ được nghe kể qua “mạng” gia đình. Anh em tụi tôi đã hứa với nhau khi nào hết “dịch” sẽ có buổi gặp gỡ cả nhà. Chúng tôi tạm chia tay nhau. Ai về nhà người đó và mong ngày tái ngộ sẽ gần hơn vì ai nấy cũng đã gần đến tuổi…..
Tuy không đầy đủ nhưng Đại Gia đình tôi đã có một buổi gặp gỡ “mặt đối mặt” rất cảm động.
Lợi dụng hiếm có dịp ăn cơm chung, Gia đình tôi 4 người đã rủ nhau ra Shinjuku ăn trưa. Đúng là Shinjuku, một thành phố hoa lệ nhất nhì Tokyo thật sinh động, đầy ắp người là người, khác hẳn với những “thinh lặng” vào 1 hay 2 năm trước. Từng cặp, từng đôi, từng đoàn, xe cộ tấp nập lượn qua lượn lại, các tiệm ăn ở các tầng cao nhất không còn chỗ trống. Chúng tôi phải “ghi danh” chờ đợi. Mẹ cháu suốt ngày ở cạnh “nương khoai bãi sắn” thấy sự vĩ đại của “Shinjuku” cứ đòi chụp hình ….lưu niệm. Tôi và 2 cô cậu thì đã quá quen, nhưng cũng phải công nhận Shinjuku đã trở lại trong tình trạng “bình thường mới”, chỉ khác một điều mà ai nấy cũng nhận ra: “người người đeo khẩu trang, nhà nhà đeo mặt nạ”. Chỉ có một điều tôi hơi tiếc không được phép “lai rai” vài ly lúa mạch. Ôi Kirin, Sapporo, Yebisu….người ở đâu thế. Trong lúc “hàn huyên”, cậu con tôi đột nhiên hỏi: “Bố thích màu gì”? Chưa kịp trả lời thì mẹ cháu “nhảy vào”: “Cho bố màu xanh da trời đi”. Tôi cũng chả biết thế nào nhưng cũng đoán là sắp đến ngày của Bố thì cô cậu đang dự tính cho tôi cái gì, cũng giống như đến ngày của Mẹ, thế nào nhà cũng có vài cành hoa đỏ.
Bố con tôi đã có một bữa cơm chung lần thứ nhất trong năm nay. Tụi tôi ăn thật chậm, vừa ăn vừa nói chuyện. Một khung cảnh thật hiếm có dù đã ở chung một nhà mấy chục năm. Mai này, các cô cậu rồi sẽ mỗi người mỗi ngả. Nhà chỉ còn 2 con khỉ già. Một con khỉ “tật” lo cho một con khỉ “bệnh”. Tonikaku. Bữa ăn cơm chung đáng nhớ!
Thôi ta sang chuyện khác.
Từ ngày có em về…..nhà mình bớt ê chề!
Trời tuy đã sơ hạ, chuẩn bị cho mùa mưa (tsuyu) sáng dậy vẫn còn hơi lành lạnh, chả muốn rời lớp chăn mỏng vừa đủ ấm, cố tiếp tục dỗ lại “những giấc ngủ vùi” nhưng mắt cứ trắng ra…vì lứa tuổi đã bắt đầu từ con số 7. Ngước cổ lên thì thấy “em” nằm ngay trên đầu bất ngờ “tỏa sáng”, vài giòng chữ hiện ra hoặc một hình “minh họa” kèm theo lời chúc: “thứ hai yêu đời, thứ ba thành công, thứ năm an lành…. thứ sáu ngủ ngon”, “Mọi sự an lành trong một ngày bình mình rực sáng"…., hoặc những clip nhạc nghe đủ tái người. Hình như mấy lời chúc hay clip này của bạn ta gửi vào nửa đêm… về sáng vì thỉnh thoảng đang say giấc mộng có một vài tiếng “lích” nho nhỏ vừa đủ lọt tai.
Thế là mắt nhắm mắt mở, ôm “em” vào lòng trong tư thế trùm chăn rồi “vuốt qua kéo lại”…. và một ngày mới bắt đầu.
---------------------
“Từ ngày có “em” về…thì thế giới hình như nhỏ lại tiện lợi vô cùng. Chỉ với ba cái đồ “quẹt quẹt” của “Táo khuyết”, Android đủ loại ta có thể biết được mọi chuyện chung quanh rõ ràng, hình như cả thế giới nằm trong tay ta vậy.
Tiện lợi quá chứ bạn ta, nhưng có một chút kẹt nho nhỏ là cứ phải lướt lên lướt xuống, quẹt qua quẹt lại, link tới link lui, mỏi cổ lại thêm mỏi mắt, rồi đôi khi không thể nào trở lại phần “nguyên gốc”, nhất là khi muốn tìm hiểu tận tình một vấn đề nóng bỏng, thỉnh thoảng lại bị “trớt quớt” khi say mê, nên nhiều khi xe điện “vượt quá làn ranh”, qua luôn cái ga mà mình muốn xuống, hoặc khi bước vào vùng “không phủ sóng”.v.v…
Nói thì nói thế, nhưng những lúc muốn “lên mặt thầy đời” với ai đó, với mẹ cháu chẳng hạn, luôn luôn dặn lòng: phải tìm hiểu rõ ràng tận cùng câu chuyện để mà giải thích rành rọt cho có bài có bản, sensei (thầy giáo) mà. Lơ tơ mơ là lãnh ngay bữa cơm với rau “đay”, thịt “bầm” “xả” ớt, thịt “nghiền” mướp “đắng”...... vì thế “nhu cầu” có một tờ báo giấy hay sách giấy cũng là điều không thể thiếu. Một cựu luật sư trong nước bị nhà nước “trù dập” đã có nhận định khá hay về.... “giấy”: "Hôm nay lại mua một đống sách để đọc. Ngồi ngắm nhìn sách, đưa tay chạm vào sách, là khoái cảm lớn nhất của tôi. Thú thật, không thích Kindle lắm là bởi thiếu khoái cảm nói trên."
Thú đọc và sờ sách giấy này thì mình cũng có từ lâu, thỉnh thoảng vẫn nhận được sách từ tủ sách Tiếng Quê Hương do Uyên Thao, một đàn anh của cố ký giả Lê Thiệp chủ trương sáng lập năm 2001.
3 năm trước, nghe lời rủ rê của một thằng em, tôi đã có tên trong tuyển tập “Ký Ức Vụn Vặt, Chuyện Xứ Phù Tang”, một đặc tập ra đời sau 30 năm cầm…. phấn. Buồn buồn lấy ra ngắm, giở vài trang…chán thì xếp vào. Mà thôi cũng đủ, chả còn đòi hỏi gì nữa.
----------------
Thú thật là nhờ “em” nhiều lắm. Mấy năm trước, suốt mấy tháng trời nằm một chỗ, ngoài cái TV, thì không còn “thú vui gì khác”, để “em” ngay bên cạnh, buồn buồn với tay quẹt quẹt vài cái là có thể tạm hiểu….., tình trạng bệnh hoạn của công nương mà nay đã thành hoàng hậu có khá hơn trước hay lâu lâu vẫn còn một mình một bóng? nghe lại tiếng hát của cái cô ca sĩ có cái dáng huyền mà mình thích từ thuở “ngày hai buổi cắp sách đến trường. Yêu T.L qua từng bài ca nhỏ” ….và còn được đọc lời bộc bạch “Chuyện tình của cô Út”, một tác giả chưa một lần gặp mặt từ xứ “Chuột túi”, chuyện lạm phát, chuyện tàu chìm, chuyện “đậu mùa khỉ”, chuyện tình không suông sẻ của công nương Masako và anh chàng búi tó Komuro….. và còn nhiều lắm kể hoài không hết….
Nói tóm lại, nếu “without you” thì…. “que sera sera” và mọi chuyện sẽ đi vào….. bế tắc, lâm vào…. “trầm cảm”, mà trầm cảm thì con người sẽ thành thế nào thì bạn ta đã rõ, nghe cái tên không cũng đã sợ.
Xin trân trọng tỏ lòng biết ơn “em” mãi mãi.
Chú thích: “Em” đây là cái Ipad, cái Tablet mà có một ông và một bà bạn “xúi” tôi mua phòng khi “cơn lười” đến, để ngay bên cạnh và bấm bấm khi đã đến cơn, nửa chừng hết ý thì để đó, khi lên cơn thì bấm tiếp. Tôi có rồi, ông bà ơi, tôi cũng đã sắm thêm một cái bàn phím nhẹ bâng ngay bên cạnh và nối qua nối lại bằng cái Bluetooth, nhưng bấm tiếng Anh, Nhật thì không có vấn đề, nhưng sang tiếng Việt thì bó tay và tôi cũng trăm lần van xin bác Google chỉ dẫn, nhưng cũng chả ăn thua. Quân ta có ai biết thì làm ơn chỉ dẫn. Tôi sang chuyện khác.
Chân thành cám ơn “ông”!
Tôi nghe tên “ông” và nhiều “ông” khác nổi tiếng không thua kém gì “ông” cũng cả 10 năm rồi, dạo đó tôi chưa “đăng ký” vì cảm thấy chưa có nhu cầu, nhưng có vài người bạn biết rõ về “ông” đã vấn kế và bảo tôi nên mau mau gia nhập cái chung cư do “ông” quản lý, để may ra “ông” có thể tìm hộ tôi cái dấu vết của những người ngày xưa cũ, rồi lại biết được thêm nhiều điều “mới lạ”. Nghe cũng có lý, tôi đã “chính thức” làm đơn xin là một thành viên của “ông” từ ngày đó. Mà thật vậy bà con cô bác ơi!
Năm nào cũng vậy, cứ đến cái ngày tôi có mặt trên cõi đời này mà tôi “lỡ dại” thành thật khai báo khi làm đơn xin gia nhập, “ông” cũng báo trước, thế là tôi nhận được bao nhiêu hoa quả, bia rượu, lời chúc, hoa cả mắt.
Tôi có thể nhận được ngay câu trả lời từ những gì mình muốn biết, thỉnh thoảng lại được “chít chát” cho qua thời giờ với người chưa quen biết hoặc đã từng “nhẵn mặt” không tốn ...xu teng nào cả.
“Ông” thật tài tình, không hiểu “ông” có “bí quyết” gì không mà “ông” còn biết cả những người mà “ông” bảo là tôi đã từng quen biết. Không biết “ông” dựa trên “tiêu chuẩn” nào mà “định vị” hay thế nhỉ? Tôi tìm bạn cũ, đánh đại vài giòng chữ trong mục “tìm người” thì ông sẽ cho ra bao nhiêu là “bạn” và tôi cứ thế là tha hồ chọn “bạn” để “giao lưu”.
Thế là tôi đã biết người đó, thời đó, nay ở đâu và đang làm gì.
“Ông” mang cả thế giới “kiến thức” vào đời sống riêng tư của từng nhà, từng người. Bạn tôi hôm nay ăn gì, bà kia đang mua sắm ở đâu, món này nấu theo kiểu này mới đúng là món “Hà Thành” hay thức uống kia “pha” theo kiểu nọ mới bật ra được cái sành sõi của giới “nhâm nhi” và còn nhiều lắm.
Tôi “thấy” bạn tôi dù đầu bạc trắng nhưng còn rất đẹp dù trải qua nhiều nỗi “phong sương”.
Tôi được ngắm những “bông hoa” dù tên chưa một lần nghe, hoặc những đồ “trang sức” rẻ nhất nhì “thế giới”.
Tôi muốn ăn của lạ, muốn uống vật hiếm chỉ qua vài hàng “inbox” là “quà” sẽ đến tận tay.
Tôi xa quê cũng lâu lắm, hình ảnh về nơi chôn nhau cắt rốn, Saigon, thành phố đã nuôi và dưỡng tôi suốt mấy chục năm chưa một lần ghé bến, con đường Nguyễn Thiện Thuật hẻm 16 nhà tôi, cái trường Thăng Long của 2 thầy Vũ Bảo Ấu và Phạm Huy Ngà mà tôi có mặt ngay từ lúc trường mới mở (1970) nằm gần cuối đường Hồng Thập Tự, đối diện là cái công viên Khải Định đã mờ nhạt hẳn trong đầu óc, nhưng nhờ ông nay thì tôi biết rõ tần tận qua những chương trình trực tiếp mà bạn ta gọi là con “chim lai” đọc ngược. Tôi chỉ cần một cái “lích” khe khẽ sau vài giòng hỏi mang tính cách “cầu may”.
Tôi cũng học hỏi từ “ông” thêm nhiều “ngôn từ” mà chưa được nghe bao giờ. “Ông” cũng là một cái “kho” lưu trữ tất cả những “vớ vẩn” của tôi sau khi tâm sự với ông từ ngày gia nhập vì cứ vài lần thay máy hay bị trục trặc là tất cả “biến mất” dù đã cẩn thận “bách ấp”, nhưng để đâu trong cái nhà “bé xíu” thì cũng không.... biết luôn nhưng nhờ ông thì “Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó”.
Ông giỏi ghê!
Nhưng bên cạnh có những hệ lụy khá “bất ngờ” vì những lời “kết bạn” đầy mơ hồ, hư hư ảo ảo từ những xứ sở chưa nghe tên bao giờ cả, hoặc những “hình bóng” đầy ma quái. Thuộc loại “Hai Lúa”, thỉnh thoảng bấm nhầm và tôi .....lãnh đủ. Điều này thì bạn ta chắc cũng dính không ít thì nhiều. Câu trả lời sẽ tùy từng trường hợp. Xin để phần trả lời dành cho bạn ta.
Cũng còn rất nhiều những “chức năng” trong “ông” mà tôi vẫn chưa biết dù đã nhờ các bác Google giải thích với loại “chữ Việt” ngày nay. Tôi vẫn đang đi tìm và tôi mong tôi sẽ gặp.
Nhưng nói trước là “niềm vui” cũng không thiếu và “nỗi buồn” thì đầy rẫy đó nhé. Bây giờ thì tôi cứ bị thế này, cứ vài tiếng lại hiện ra một vài chục cái “lai chim” ở cái xứ sở xa lắc, xa lơ. Thỉnh thoảng tôi cũng hay lỡ dại lích vào, nội dung thì cũng chả có gì là vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng chả hiểu họ đang làm gì, nói gì. Muốn chận lại, đã tìm đủ cách nhưng vẫn vô phương. Có cách nào hay bạn ta chỉ giáo.
Lâu lâu cũng có vài bạn “có lòng” giúp tôi: “Nếu muốn tăng like hay tăng độ “tương tác” gì đó thì xin cứ liên lạc.” Cám ơn bạn, đối với tôi thế cũng là quá đủ rồi, xin để “tấm lòng” đó cho người khác nhé.
“Ông” tên là FaceBook và nay đã đổi họ thay tên “Mê Ta hay Mê Tê” tùy theo cách đọc.
Vớ vẩn cho hết ngày, để chờ ngày mai rồi ….cũng thế.
Vũ Đăng Khuê