Tôi viết những giòng chữ này sau những “chuyến đi” “truy tìm” những “rơi rớt” còn sót sau mùa hoa anh đào nở rộ. Sáng nay trời trong veo, khung cảnh hai bên đường dọc theo hai hàng cây dù vẫn còn những loại hoa gì đó mà tôi không biết. Đẹp thật, tôi luôn có cảm giác tương tự này khi vào cuối Thu trước khi chuyển sang mùa băng giá. Tôi vừa đi vừa nhớ, vừa luận về chuyện quá khứ và chuyện tương lai. Mà thôi, chuyện tương lai thì ai mà biết trước nên đành tạm gác, nhớ và nói chuyện ngày xưa chắc có lẽ hay hơn hơn vì là chuyện đã trải qua và là chuyện thực.
---------------------------
Tôi sống ở Nhật đã lâu lắm và đã thành dân xứ người cũng đã 1/3 thế kỷ. Trong những lần tình cờ gặp gỡ lại mấy tên bạn cùng lứa chung quanh chén rượu dạo chưa “thân tàn mà dại”, thế nào lời chào mở đầu cũng chỉ là vài câu quanh quẩn: “dạo này lưng bớt đau chưa?” hoặc là “vẫn uống thuốc đều chứ” v.v…..tích cực hơn chút nữa thì “thôi chịu khò đi bộ mỗi sáng đi người thấy đỡ hơn trước”, xong xuôi mới bắt đầu vào chuyện chính, mà thực tình cũng chẳng có chuyện gì là chuyện chính để luận bàn ngoài ba cái lăng nhăng của đời sống, không lẽ nói về chuyện quê nhà, chuyện hải ngoại? Có gì sáng sủa đâu mà nói. Rốt cục thì cũng quanh đi quần lại là những chuyện linh tinh, chuyện tầm phào.
Rượu vào thì lời ra và tôi thường là người “phát ngôn” nhiều nhất, thế là có bạn nhậu “xúi dại”: “Lão làng như ông, chuyện gì ở đây mà ông chả biết, hơn nữa ông lại viết lách được, tại sao ông không “hệ thống hóa” lại rồi kể cho người “mới tới” như tụi tôi nghe về những gì ông đang nói đó”. Nói là “mới tới”, nhưng cha nào cha nấy ít ra cũng ở đây cả hơn chục năm, mấy cha lười suy nghĩ rồi cứ bán cái cho thiên hạ lấy cớ là “chân ướt chân ráo”. Tôi biết hết đấy, nhưng vẫn ậm à ghi nhận “lòng thành” của các cha cho qua chuyện, vì lúc tôi vui và hứng thú thì xuống bút, buồn thì…. gác bút, vì không ai biết mình bằng mình: bệnh lười mà nó đến cơn thì có trời mả cản.
Nghĩ lại thấy Vừa Vui và Vừa Buồn!
----------------------
Tôi có một cô em ở cái xứ khi mà mùa đông băng giá của xứ tôi thì xứ cô lại là mùa nóng như lửa đốt Cô đang hành nghề “y sĩ”, cô vấn kế cho tôi rất nhiều về sức khỏe, nhất là sau lần tôi “lên cơn” tung cột đèn 3 năm trước khiến chân không động, tay không đậy. Cô tỉ tê viết chuyện từng ngày kể về nơi cô sinh ra cùng những mối tình yêu người, yêu cuộc sống dạo còn ở quê nhà. Cứ tối tối trước khi đi ngủ thì mẹ cháu là người chịu khó đọc lại chuyện từng ngày của cô cho tôi nghe để tôi mau bình phục. Tôi nghĩ là tôi là người may mắn vì ngoài hai bác sĩ ruột trong nhà (một cậu em và một cháu ruột) còn có cô “cứu hộ”. Ngoài ra, cô còn sắc bén trong lý luận, cô lý lắc trong đối đáp. Nhưng cả hơn năm nay, cô lặng tiếng, cô biến mất. Tôi dọ hỏi, thì được biết cô đang buồn…..vì “tình người phân liệt”, cần thời gian lắng đọng. Chả biết nói sao? Nhưng tôi mong là cô sẽ trở lại một ngày gần đây, với mọi người, cô vẫn sẽ là cô với giọng cười nắc nẻ cùng giọng nói líu lo rặc mùi Nam Bộ.
-----------------------
Tôi có một bà bạn đang ở xứ cùng với cô em bác sĩ. Bà này thì viết nhiều, từng là Chủ Bút một tờ Nguyệt San tại Mỹ với “full color 8 màu rực rỡ” và những bài viết được chọn lọc kỹ càng. Có dạo bà vắng mặt một thời gian, dạo này thấy bà đã cầm bút lại.
Nhớ lại mấy mươi năm trước khi bà còn tung hoành bên xứ Cờ Hoa, chắc đang là một “đặc phái viên” của một chương trình phát thanh nào đó. Bà là người hỏi và tôi trả lời. Tôi nhớ bà có một giọng nói khá nhỏ nhẹ, tiếng hát chắc là trong trẻo vì nghe nói bà cũng từng đứng trong “hàng ngũ” của một “Tốp Ca” (chữ dùng trong nước) khi tham gia các chương trình ca nhạc của một đoàn thể mà tôi cũng đã từng đứng chung dưới một mái nhà. Có lần tôi giới thiệu một Bản Tình Ca Nhật (22 sai no wakare-Chia tay lúc tuổi 20), bà bảo “nhất định” sẽ tập cho bằng được. Không biết “chương trình yêu người như cuộc sống” này đến đâu rồi nhỉ bạn ta?
Bà luôn “chê” tôi viết sao ngắn thế. Tôi cũng chịu chả biết làm sao? Nhưng xin bà tiếp tục “nhả chữ” cho thiên hạ nhờ trong đó có ….tôi.
——————
Tôi có hai thằng em tạm gọi là kết nghĩa, vì đã thân và quen nhau cũng trên dưới 40 năm. Hai tên này có nhiều tài nhưng cũng lai rai vài tật. Một thằng thì “nhả chữ” nhanh như chớp, không biết lấy “tài liệu” đâu mà nhanh thế, chớp nhoáng là có vài hàng ngay lập tức. Những bài viết của tên này đã “khai sáng” cho rất nhiều người trong đó có….tôi. Thỉnh thoảng gọi là xả stress hắn đưa lên một vài bài hòa tấu nghe …..lịm cà người.
Còn một thằng thì nhỏ tuổi….râu ria xồm xoàm, có biệt tài bình về thơ cổ hay không thể tả. Cũng khoảng mấy chục năm trước khi Phạm Duy sang Nhật, hắn có viết một bài “bốc” PD. Năm sau, khi PD sang Nhật, liên lạc với tôi có nhắn: “Cậu nói cái cậu gì viết cho tôi một bài nhé”. Tôi hỏi ông: “Hay thế sao Bác”. Ông trả lời: “Cậu ấy và tôi gặp nhau tại….một điểm chung là cậu hiểu ý tôi nói trong bài hát” Hắn có một tật là phải nói, phải đòi “xử tử” hắn mới chịu viết. Tên này cũng là một loại lúc tôi còn văn nghệ tung hoàng ngang dọc, tôi không bao giờ để ý, nhưng bây giờ lại là một tên soạn nhạc, đàn và hát những bài… làm nên lịch sử.
Cùng với hai tên này mà bộ ba chúng tôi dưới cái tên “Phù Tang Tam Bút” đã có loạt bài “để đời” của mùa Olympic đầy Covid! Nhớ lại bồi hồi ghê.
Anh mong là hai chú cứ tiếp tục như thế dài dài nhé.
——————-
Tôi cũng có một ông bạn tướng tá trông “ngầu” không thua gì Yakuza Nhật Bản. Có một lần, trong một c/t văn nghệ tại Mỹ, tôi có yêu cầu ông này “đóng góp”. Ông bật ngay câu trả lời: “Anh kêu tui đi quánh lộn thì tôi sẵn sàng, còn mấy vụ ca hát thì tôi xin miễn”. Nhưng nói thế nhưng không phải…dzậy. Một hôm tôi lại thấy clipvideo ông….hát với lời ….biện minh: “Tui cũng không biết lúc đó tại sao tui đang làm gì”? Rồi ông còn hứa với tôi: “Nếu tái ngộ sẽ tặng anh chị một bài”. Nhớ nhé!
Ngoài ra, về vấn đề “xuống bút” thì khỏi nói. Ông này cũng là loại “nhả chữ” nhanh như chớp, ông có mặt trên khắp “4 vùng chiến thuật” xâm nhập từng khúc cạnh. Ông phân tích tài tình, ông đặt vấn dề đúng chỗ. Bái phục
-------
Tôi có một cô gọi tôi bằng Chú, Tôi biết và quen cô này khoảng 3 năm trước khi tôi bị “gài” làm một Đặc Tập. Cô này dạo còn bé đã tạm cư ở Nhật, tôi ngạc nhiên vì cô bảo cô tìm hiểu và đọc những tài liệu của một Tổ Chức Đấu Tranh tại Nhật, những thứ mà tôi không dám rờ dù là một thành viên nòng cốt. Cô làm thơ hay lắm, cô có tài dụ khị thật ngọt ngào khi muốn ai vào cuộc làm chuyện chung. Hôm kia sáng ngủ dậy cô text cho tôi “gài” tôi cùng thực hiện một Đặc Tập Thi Văn “Thơ Thẩn Phù Tang”. Tôi rất ư là bối rối vì ba cái vụ “Thơ” tôi là thằng hạng bét. Chưa biết tính sao cho phải?
----------------
Sáng hôm qua ngủ dậy, tôi đọc được bài viết của cô em thứ ba trong nhà thật cảm động nói về “Mẹ tôi, Mẹ cháu” nhân ngày của Mẹ. Thú thật tôi cũng chả bao giờ biết ngày nào là ngày của Bố, ngày nào là ngày của Mẹ. Tôi đã viết nhiều bài về Bố, về Mẹ Cháu, nhưng Mẹ tôi thì chả có giòng nào. Đọc được bài viết của cô em, tôi như nhẹ hẳn người vì cô đã nói tất cả những gì tôi muốn nói. Nhưng bên cạnh tôi cũng không dấu nỗi bùi ngùi vì đã không có một lời nào về người Mẹ kính yêu của tôi đã ra đi 20 năm trước.
Kể từ sau khi bố tôi mất, bà như một người mất hồn. Hỏi một chuyện thì bà lại trả lời chuyện khác. Không biết Bà nghĩ gì trong đầu. Bà sống như không sống. 6 năm sau, có một buổi tối, thấy bà gõ cửa phòng tôi rồi ngã xuống, tôi dìu bà vào phòng rồi kêu xe cấp cứu. Kể từ đó 1 tháng sau, bà chả nói chả năng, nằm trên giường bệnh chỉ nhìn trừng trừng đàn con vây quanh trước mặt. Và bà ra đi nhẹ nhàng dưới sự chứng kiến của toàn thể anh em gia đình.
Mẹ ơi!
Trên cao chắc Mẹ đã gặp Bố. Xin Mẹ tha thứ và luôn cầu nguyện cho các con của Mẹ nhé.
--------------------------
Lang thang vài câu cho ngày càng…ngắn lại. Định viết nhiều hơn nữa, nhưng xin dừng ở đây với đôi lời với Bà Khuê:
Mình ơi! Tôi gọi là nhà
Nhà ơi! Tôi gọi mình là Nhà tôi....
(Bùi Giáng)
Chúng mình như đũa có đôi
Có đôi để gọi “Mình ơi, Mình à “
(Tú Lắc)
Cứu cánh cuối cùng tôi đó.
Bà đồng ý!
Vũ Đăng Khuê (Tháng 5/2022)