Xưa nay nếu nói đến tình báo ta thường liên tưởng đến những nhân vật thông minh tài trí như kiểu điệp viên 007.
Thật ra tình báo chính là công việc thu thập và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, để làm công việc này rất cần sự thông minh, óc phân tích sắc sảo và tư duy phản biện, cùng nhiều kỹ năng khác nữa mà không phải bất cứ một người thông thường nào cũng dễ dàng có được.
Chính vì thế chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và hãnh diện khi được biết cô Fecility Lê, một sinh viên trẻ người Việt vừa được trao giải thưởng Emerging Intelligence Professional Award, tức là Tình báo Chuyên nghiệp Triển Vọng Nhất Trong Năm của AIPIO - Australian Institute of Professional Intelligence Officers (Viện Tình báo Chuyên nghiệp của Úc). Và càng xúc động hơn khi được biết nguyên nhân vì sao cô theo đuổi ngành nghề này.
Sinh ra và lớn lên tại Brisbane, Felicity đang học năm tư double degree ngành Luật và Công lý của The Queensland University of Technology. Cô hiện đang làm việc tại một cơ quan tình báo tư nhân. Xin mời quý thính giả làm quen với Felicity Lê.
Hưng Việt: Xin chào cô Felicity Lê
Felicity: Xin chào bác Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả đài SBS.
Mỹ Dung: Xin chào Felicity
Hưng Việt: Trước hết, Xin cô vui lòng cho biết chút ít về tổ chức AIPIO – là một cái viện chuyên viên về Intelligence của Úc này ?
Felicity: AIPIO là tổ chức quy tụ những người làm việc trong ngành Intelligence về bất kỳ lãnh vực nào nhằm phát triển ngành Intelligence, không phải chỉ như là một nghề nghiệp mà còn như một tập thể và một lãnh vực nghiên cứu các môn khác về luật pháp, công lý hay tội phạm.
Chúng tôi cổ vũ cho ngành Intelligence qua việc liên hệ với cấp lãnh đạo, kết hợp với người cộng tác, các sự kiện và hội nghị để kết nối nhau.
Hưng Việt: Khi chúng ta nói đến các chuyên viên về Intelligence, người ta thường hay nghĩ đến các tổ chức gián điệp hay các cơ quan về an ninh quốc gia.
Vậy thì chúng ta phải hiểu ý nghĩa của từ “Intelligence” mà mình đang nói chuyện hôm nay ở đây ra sao?
Felicity: Khi nhắc đến từ “Intelligence” em muốn nghĩ về từ này như một động từ hơn là một danh từ, bởi vì Tình báo, hay Intelligence, là việc thu thập các dữ kiện qua con người hay qua mạng. Điều mà em rất ưa chuộng, đó là “tình báo mở ngỏ” – tức là kết hợp việc thu thập dữ liệu từ những những nguồn kín đáo và những nguồn công khai.
Nếu bạn là một nhân viên hay một phân tích gia, bạn sẽ sử dụng những dữ liệu này, phân tích chúng, thẩm định chúng để đi đến kết luận cho nhiều mục đích, từ lãnh vực công cộng như an ninh quốc gia cho đến lãnh vực tư nhân như các cuộc điều tra về tài chánh.
Hưng Việt: Như cô vừa nói thì có bao nhiêu loại “tình báo”? Quân sự? Kỹ nghệ? Trí tuệ? Tội phạm? Hay còn gì nữa chăng?
Felicity: Các lãnh vực tình báo mà người ta thường nghĩ đến là về tội phạm và an ninh quốc gia. Nhưng cũng có các ngành tình báo về y tế, tài chánh, kỹ thuật và ngay cả môi sinh.
Một thí dụ lý thú là tình báo về môi sinh mà Dịch vụ Công viên và Đời sống Hoang dã của Queensland (tức Queensland Parks and Wildlife Service) của bộ Môi sinh và Khoa học thực hiện. Họ đang điều tra việc săn thú bất hợp pháp cũng như trộm cắp thú vật. Qua cuộc phân tích của họ, họ khám phá ra rằng nếu những người này có thể di chuyển thú vật một cách phạm pháp như vậy, họ cũng có thể nhập cảng vũ khí hay ma túy chăng?
Bất cứ lãnh vực nào cần một số lượng thông tin phải được thu thập và phân tích thường có một bộ phận tình báo. Đó là một kỹ năng dễ thích ứng.
Hưng Việt: Như vậy theo cô lãnh vực nào về intelligence có nhiều khía cạnh đáng quan tâm nhứt?
Felicity: Theo em thì an ninh quốc phòng và tội phạm là những lãnh vực tình báo quan trọng nhất. Tuy nhiên dân chúng thường không thấy hết những gì mà nhân viên nhà nước phải đương đầu và giải quyết để giữ cho cuộc sống của chúng ta an toàn, tốt đẹp.
Hưng Việt: Cô có thể cho biết tại sao mà cô đi theo ngành nghề này?
Felicity: Lãnh vực chuyên môn của em là luật quốc tế, an ninh quốc gia và công pháp cùng đạo đức về chiến tranh, vì lý do có sự liên hệ trực tiếp của em với các đề tài này. Cha mẹ em là những di dân, họ vượt biên từ cuộc chiến ở Việt Nam để đến đây tìm một đời sống tốt hơn và an toàn hơn. Họ rời bỏ Việt Nam vì đất nước bị xâu xé bởi chiến tranh và dù ra đi, thật khó khăn biết bao khi họ phải thích ứng với cuộc sống hoàn toàn xa lạ nơi xứ người trong khi vẫn phải đối đầu với tang thương và hội chứng hậu chấn động.
Cho nên dù em không ở đó để trải qua cảnh ấy, về mặt tình cảm, chiến tranh vẫn là điều gắn bó với em vì những hậu quả của nó cũng như cách mà nó đã định hình cho đời sống của em và gia đình em.
Thế nên theo đuổi ngành nghề này cũng là cách để em cám ơn cha mẹ em và cám ơn đất nước này đã cung cấp một mái nhà bình yên để bây giờ em có thể giúp duy trì nền hòa bình nơi chốn này, hầu có thể trở thành mái nhà cho những người khác nữa.
Hưng Việt: Đó là một câu trả lời mà chúng tôi hơi bất ngờ bởi vì cô đã chọn ngành này như là một cách để cô cảm ơn nước Úc để duy trì nền hòa bình của nước Úc này.
Mỹ Dung: Em có phải qua lớp huấn luyện về học vấn hay là chuyên môn như thế nào khi mà em theo đuổi ngành học này không?
Felicity: Cá nhân em vẫn còn là sinh viên, hiện đang theo ngành Luật và Công Lý. Nhưng một phần lớn bằng cấp của em chú trọng đến những kỹ năng cần thiết mà một nhân viên tình báo phải có, như là kỹ năng nghiên cứu, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và dĩ nhiên là kỹ năng viết lách. Cho nên bạn cần có kinh nghiệm áp dụng chúng hay trải nghiệm trong đời sống thưc thụ hoặc qua một bằng cấp đại học.
Sau đó, tùy theo ngành tình báo nào mà bạn hứng thú muốn theo đuổi, bạn sẽ cần thêm những kỹ năng khác, chẳng hạn như kỹ năng điều tra cho tình báo về tội phạm.
Mỹ Dung: Và em nghĩ là bản thân em có năng khiếu hay thế mạnh nào mà nó phù hợp nhứt với ngành nghề này?
Felicity: Tuy không hề có ý khoe khoang, nhưng em nghĩ kỹ năng tốt nhứt của em có lẽ là tư duy phản biện (critical thinking) và kỹ năng viết. Do đó việc học của em nặng về phần nghiên cứu và đa số thời gian là về lý thuyết. Một phần công việc đó là phê bình sự kiện và “đọc giữa những dòng” để suy luận được ý nghĩa sâu sắc hơn của các lý thuyết hay ý niệm và để hiểu xem người viết hay nghiên cứu viên đang thực sự muốn nói gì. Hiểu được điều đó xong rồi thì đặt những lời đó vào thành chữ viết, nhứt là thành từ ngữ mà những người không biết về Intelligence có thể hiểu được những ý nghĩa ở cấp bậc cao mà nó thường gây ra sự lẫn lộn hoặc đã quá lỗi thời.
Hưng Việt: Cô nói phần lớn công việc của cô là có tính cách lý thuyết như vậy thì phần thực hành thì sao?
Felicity: Hiện nay emchỉ là nhân viên tình báo không thường trực (casual). Và những thứ em đang làm khá thực tế có thể nói đến 90%. Nhưng tùy thuộc bạn ở vị trí cấp bậc nào nếu bạn là một chuyên viên tình báo, bạn có thể sẽ phải nói chuyện với dân chúng, với cổ đông, v.v… Nhưng nếu bạn chỉ là một phân tích viên thông thường thì bạn sẽ làm hầu hết công việc trên máy tính thí dụ như nghiên cứu điều tra, nghiên cứu trực tuyến, tham khảo sách, báo v.v…để đưa vào báo cáo.
Mỹ Dung: Và em đã làm gì để được giải thưởng nói trên và giải thưởng bao gồm những gì hả em?
Felicity: Giải thưởng được trao tặng cho một chuyên gia về tình báo dưới 30 tuổi hay có kinh nghiệm ít hơn 5 năm. Trong đơn ứng tuyển của em, em đề cập tới những bài tham luận em đã viết cho đặc san của AIPIO, công việc làm hiện nay của em trong lãnh vực tình báo tư, vai trò của em là thành viên của Ủy ban Tư vấn của phân khoa Công Lý ở đại học QUT và cách em dùng diễn đàn đó để cổ vũ cho sự tham gia rộng rãi hơn của sinh viên vào lãnh vực tình báo cùng các hoạt động của em như là một thành viên của AIPIO.
Giải thưởng là một Chứng Chỉ Khen Ngợi, mà em nghĩ cũng là điều hãnh diện. Em nghĩ có một cái khung hay gì đó nhưng em cũng chưa được thấy. Một điều nữa mà em thật cảm kích là tên em được nêu lên giúp em có thể kết nối với nhiều người, nhiều giới trong tổ chức (AIPIO), các nhân vật và tổ chức Intelligence khác vì tên người thắng giải được loan báo tại hội nghị quốc gia vào đầu năm nay.
Hưng Việt: All right, congratulations on that
Mỹ Dung: Em còn trẻ như vậy hẳn là em cũng có rất nhiều ước mơ trong tương lai, em có thể chia sẻ một chút về điều đó không?
Felicity: Ước mơ của em khi đang còn ở đại học là tạo nên một tấm gương để những nhân viên tình báo trẻ tuổi khác, nhất là các sinh viên, thấy đây là một lãnh vực tốt để bước chân vào, nhất là nếu bạn là một sinh viên về Luật, Công lý hay Tội phạm.
Về Hậu đại học, em mong mỏi được làm việc trong lãnh vực tình báo công và hy vọng sẽ tạo được sự khác biệt cho một thế giới đầy biến động này.
Hưng Việt: Em có nghĩ đến chuyện học lên thêm nữa không?
Felicity: Em đã có nghĩ tới điều đó. Như em đã nói, phần lớn công việc của em hiện nay nặng về phần nghiên cứu và em cũng khá thích nên em đã nghĩ tới chuyện học bằng Honours và sau đó lên Ph.D. Nhưng em thích làm những công việc thực tế và áp dụng những kỹ năng của em, nói chuyện với thiên hạ, thu thập dữ liệu hơn là nghiên cứu. Nó không nằm trong danh sách ưu tiên của em hiện nay, có thể trong tương lai sau khi em đã có kinh nghiệm nghề nghiệp.
Hưng Việt: Đối với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn có nguồn gốc sắc tộc như cô, lời khuyên của cô là gì cho việc lựa chọn nghề nghiệp, nhất là về lãnh vực “Intelligence”?
Felicity: Nếu bạn là một sinh viên muốn theo ngành Intelligence, lời khuyên của tôi là hãy bước ra và bắt đầu kết nối. Một phần lớn của tình báo là cộng đồng cũng như có thể chia sẻ kiến thức cùng kỹ năng với những người hành nghề tình báo khác, đó là phần lớn trong nghề nghiệp của bạn. Thấy được cách người ta sử dụng kỹ năng trong công việc có lẽ là điều mà tôi ưa thích nhất trong lĩnh vực này. Tất cả chúng ta có thể đồng hành cùng nhau, chia sẻ và xây đắp kiến thức và truyền nó lại cho thế hệ sau.
Thoạt đầu, điều này có thể khó khăn, đặc biệt là khi bạn là sinh viên trẻ thiếu kinh nghiệm, nhưng các cơ quan tình báo ngày càng có nhu cầu về sinh viên hơn vì lãnh vực này đang phát triển rất nhanh chóng.
Một phần lớn việc làm về tình báo là do truyền miệng bởi vì đa số các công việc không được quảng cáo rõ ràng như những công việc khác. Do đó, nếu bạn hiện nay đang là một sinh viên về Luật hay Công lý, hãy tiếp xúc với trường đại học, với các giáo sư của bạn v.v… để xem họ có biết có việc làm hay chỗ tập sự với tổ chức tình báo nào không.
Nếu không, tôi đề nghị bạn gia nhập AIPIO như một hội viên. Mỗi tiểu bang đều có một đại diện địa phương thường xuyên tổ chức những buổi kết nối cùng các sự kiện online, các cuộc hội thảo.
Đó là những cơ hội lý tưởng để kết nối nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu.
Hưng Việt: Lời khuyên đầu tiên của cô với các bạn trẻ muốn theo con đường intelligence này đó là mở rộng mạng lưới quen biết cũng như là những mối liên hệ thì theo cô nghĩ như vậy đó có cần người đó phải dạn dĩ không ngần ngại tiếp xúc với những người khác còn những người rụt rè thì không có thể theo cái ngành này hay không?
Felicity: Tôi nghĩ là dạn dĩ, hướng ngoại trong một chừng mực nào đó cũng khá hữu ích. Tuy nhiên nhớ về một sự kiện năm 2019. Tôi khi đó rất nhút nhát và tôi đoan chắc là mình trẻ nhất mà lại còn là người sắc tộc khác duy nhất tại đó. Tôi cảm thấy thật lạc lõng vì chẳng có chút kinh nghiệm nào. Mặc dù vậy, tôi nhận ra những người làm việc tại cơ quan tình báo là những người hết sức đam mê công việc. Họ đam mê bởi vì họ chọn một lĩnh vực chuyên biệt để thực hành những kỹ năng tình báo của họ.
Và nếu bạn nói đầy đủ về chuyên môn, họ luôn lắng nghe. Và tôi tin rằng bạn có khả năng và thông minh hơn bạn tưởng, nếu bạn để cho sự đam mê của mình chế ngự được sự nhút nhát và e sợ phản ứng của người khác. Tôi tin rằng, không hề gì nếu bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, vấn đề là bạn có niềm đam mê với cái bạn làm và chia sẻ niềm đam mê đó với người khác.
Hưng Việt: Cô là một người khai phá cho một con đường mới cho giới trẻ chẳng những của người bản địa mà còn cho những người trẻ tuổi sắc tộc nữa. Cô theo chỗ chúng tôi nhận xét là một người thông minh, hoạt bát và có một cái nhìn rất là chính chắn về đời sống.
Chúng tôi xin thành thật cám ơn cô Felicity Lê đã dành thì giờ cho cuộc nói chuyện này và thân chúc cô sẽ đạt được nhiều thành công và thắng lợi trong sự lựa chọn trên con đường nghề nghiệp của cô.
Felicity: Thank you for having me.