“Món tôi ăn càng ngày càng thanh đạm, đối mặt với mọi chuyện ở đời càng ngày càng khoan dung, sẽ không tùy tiện tức giận, học được cách nhẫn nhịn, dần dần có một trái tim trưởng thành. Cũng bắt đầu sợ hãi nghe thấy bất kỳ việc gì liên quan đến bệnh tật, ước mong lớn nhất là cả nhà mạnh khỏe. So với trái tim vội vàng muốn đi khắp chốn của 2 năm trước, giờ đây tôi càng hy vọng dùng 9/10 thời gian của mình để cùng mẹ ăn một bữa cơm dưới ánh đèn ấm áp”.
Đó là cái “tút” của một cô bé thực tập sinh viết ngày 18-6-2019; hai ngày sau cô thiệt mạng trong một tai nạn cháy xưởng may tại tỉnh Fukui, nơi cô làm việc.
Nếu như gần nửa thế kỷ trước, có những người tị nạn đi tìm tự do từ mảnh đất chữ S; thì thời gian sau này, những thanh niên thiếu nữ đi lao động nước ngoài, đối với tôi chẳng khác gì tị nạn.
Vì trên đất nước của họ đã không tìm được điều kiện để lo cho cuộc sống, các em ấy phải đi. Nếu như ngày xưa chúng tôi vượt biên gần nửa số bỏ thây trên biển cả, thì giờ đây, cũng không ít những em lao động phải thiêu xác trên xứ người.
Nếu như tôi không đi ngày ấy thì bây giờ tôi cũng sẽ đi như các em.
Và trong cái đi trước hay sau, đều có những bức tranh màu xám..
Có những cái chết từ tai nạn lao động, từ sức khỏe suy sụp, từ mũi dao của chính đồng hương và thê thảm… từ người bản xứ.
Chẳng hạn như một cháu bé bị chính tên hàng xóm giết hại gây nhiều bức xúc trong cộng đồng cách đây mấy năm; gần đây nhất là trường hợp một cô gái Việt hiền lành bị thiệt mạng do lòng tham từ một gã đàn ông mất tính người.
Đã là xã hội thì nơi nào cũng có cái thiện và cái ác. Vấn đề là cái nào tồn tại nhiều hơn để ta chọn nơi có thể sống. Các nạn nhân cũng chính là người hy sinh cho cuộc sống chúng ta vậy!
Nhưng không chỉ có đi, đường về bạn bè chúng tôi mấy mươi năm trước thất bại.
Hy vọng là trong số ba, bốn trăm ngàn lao động, du sinh… chỉ cần 1% sau này mang tư tưởng dân chủ, phát triển trí tuệ trên xứ người về để thay đổi tư duy trên đất nước thì may ra sẽ không còn trình trạng xuất khẩu lao động. Lúc đó Nhật hay quốc gia nào khác cần lao động, tự khắc họ phải thay đổi lại điều kiện thích ứng.
Cứ tưởng tượng nếu “nước lạ” xua quân đánh VN như Ukraina, thiếu lực lượng trai trẻ vài trăm ngàn đi lao động nước ngoài, gần bằng lực lượng của đất nước đang chống lại sự xâm lược Nga, thì rõ ràng là một con số đáng suy nghĩ.
Nếu ngày xưa đất nước có tự do, tôi không phải đi.
Nếu hiện tại quê hương có đời sống tốt đẹp, các em đã ở nhà.
Chùm khế ngọt chỉ là để nhớ, không thể thay cho tự do và việc làm.