Hôm nay mồng 6 tháng 2 Nhâm Dần quốc lịch 4901 ( tức ngày 8 tháng 3/2022), lễ giỗ Hai Bà Trưng, xin kính mời quý vị và các bạn đọc bài viết Tiếng Trống Mê Linh của Bùi Đức Tính
**
Năm 1951, nhạc sĩ Văn Giảng soạn nhạc và Võ Phương Tùng viết lời, ca khúc Đêm Mê Linh chào đời. Đêm Mê Linh hát cho đồng bào miền Nam nghe về cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng; cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống lại chế độ Bắc thuộc, đánh đuổi thế lực cai trị của Đông Hán và giành lại nền độc lập cho dân tộc trong suốt 3 năm.
Sự tích hai Bà Trưng thì không xa lạ gì với những người đã được lớn lên ở Nam Việt Nam, vào thời trước ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Hơn 70 năm sau, Đêm Mê Linh vẫn còn là những thao thức trong lòng người dân Nam. Nhất là những năm sau này, khi thảm họa lệ thuộc phương Bắc đã và đang trở thành sự thực.
Tiếng trống Mê Linh hãy còn vang vọng trong lòng người Việt Nam!
. . .
Như hàng năm, người Việt Nam nơi đây mướn một trung tâm sinh hoạt, để tổ chức Hội Chợ Tết. Trung tâm này chứa được hơn cả ngàn người. Vào cửa, bên trái là khu chợ Tết chính; nơi bày bán các thứ cho người Việt mua sắm và ăn uống vào dịp Tết. Phía bên phải có thêm chỗ bán hàng và một Hội trường chứa đến 800 ghế, cùng sân khấu rất khang trang, dùng làm nơi trình diễn văn nghệ. Chính giữa có cầu thang rộng lớn, vì ngoài phạm vi thuê mướn nên không dùng để đi lên lầu; chỉ có trẻ con thích tụ tập để chơi đùa trên mấy bậc thang phía dưới. Hồi sáng này, quý vị phụ huynh, võ sư và huấn luyện viên đã phải mượn khu cầu thang hết một lúc; để làm chỗ giúp hóa trang cho các môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo, trình diễn hoạt cảnh Hai Bà Trưng. Hầu hết các diễn viên đều còn trong tuổi tiểu học và trung học. Y phục do phụ huynh giúp may sắm và các Hội đoàn bạn cho mượn. Hóa trang cho các em trong toán dân chúng bị giặc bắt thì khá dễ, áo quần chỉ cần tạp nhạp, xốc xếch, mặt mày bôi lem luốc. Nhìn lính mặc áo quần màu đen, thì đoán ra ngay là các em làm quân giặc Đông Hán. Diễn viên mặc áo lụa đỏ bệ vệ, vẻ mày đậm và thêm các bệt râu đen càng trông hắc ám, thì biết chính là Tô Định, tướng giặc Tàu bạo tàn. Quân Nam thì mặc áo nâu, thắt lưng màu vàng. Nữ tướng nước Việt uy nghi với áo lụa vàng, thắt lưng gọn gàng. Hai bà Trưng có đội vành khăn đóng. Trưng Trắc áo dài lụa đỏ, thắt lưng vàng. Trưng Nhị áo dài lụa vàng, thắt lưng đỏ….
Sau khi hoàn tất các việc về y phục, vũ khí, hóa trang, thì cái giang san cầu thang được trả lại cho các em nhỏ. Còn hơn hai tiếng đồng hồ mới đến lúc trình diễn; cho nên quân ta và giặc cùng vui vẻ phụ nhau đem trống, cờ xí và vũ khí để gọn vào một góc bên trong Hội trường; rồi kéo nhau sang khu chợ Tết để ăn uống hay ngồi lại xem văn nghệ.
. . .
- Ê,… Hai bà Trưng kìa!
Hai đứa nhỏ từ bên trong Hội trường, chạy ùa ra khu cầu thang hối hả báo tin. Nghe vậy, đám trẻ con ngưng chơi đùa, rồi gọi chuyền lên mấy đứa còn đang tụ tập ở các nấc thang bên trên:
- Xuống! Xuống nhanh đi!
- Dô! … Hai bà Trưng tới kìa!
Thực ra, không phải chỉ có phe con nít, mà người lớn cũng mong chờ tiết mục này lắm. Mấy người đứng gần đó nghe vậy, bèn nhanh chân bước sang khu bán hàng để báo tin và gọi bạn bè sang Hội trường. Ban Tổ Chức đã có ý sắp hoạt cảnh của Vovinam vào phần sau trong chương trình Văn Nghệ của Hội Chợ Tết, làm cho mọi người lớn nhỏ càng nôn nao trông mong.
Ngày Tết, trẻ nhỏ cũng mặc áo quần tươm tất cho ngày Tết, không Âu phục thì cũng áo dài cổ truyền, chỉ có mấy em môn sinh thì mặc võ phục màu xanh trùng dương của Vovinam. Hồi sáng này, sau nghi thức Khai Mạc, được quan khách tặng cho phong bì có tiền xong, thì nhóm trẻ con tung tăng rủ rê nhau ra bên ngoài chơi đùa, để yên cho người lớn thưởng thức các tiết mục ca hát bên trong Hội trường; bây giờ nghe vậy thì ùn ùn chạy vào bên trong Hội trường. Trong phút chốc các hàng ghế đều đầy kín hết. Mấy người vào sau, phải đứng dọc theo ba lối đi, chính giữa và hai bên vách. Ngó thấy chỗ tập họp của Vovinam bây giờ trống trơn; cái trống lớn, cờ xí, côn kiếm, quân ta, lính giặc, Tô Định và hai bà Trưng,… đều đã lên trên sân khấu hết rồi, phe con nít bèn lom khom luồn lách giữa những người đứng xem, mà kéo nhau lòn tuốt lên khoảng trống gần sân khấu và ngồi bẹp trên sàn nhà, để không bị người lớn che và nhìn thấy diễn viên rõ hơn.
Đứng sau bục gỗ bên góc trái của sân khấu, người điều khiển chương trình nán chờ cho khán giả ổn định thêm chút ít, rồi mới lên tiếng:
“Kính thưa quý vị, tiếp theo đây là một màn trình diễn rất đặc biệt trong chương trình văn nghệ mừng Xuân năm nay. Đó là hoạt cảnh Hai Bà Trưng của Võ Đường Vovinam …. Và đây!… VO-VI-NAM!...”
Anh Công, người điều khiển chương trình văn nghệ mừng Xuân Mậu Dầu năm 1998, nâng cao giọng cuối câu với ba chữ Vovinam. Thế là tiếng vỗ tay đã bừng lên vang dậy; không cần anh nói thêm “xin cho một tràng pháo tay” chi cả!
. . .
Màn nhung đỏ kéo mở ra!
Sân khấu vẫn giữ nguyên trang trí với bàn thờ Tổ Quốc. Tiếng trống nhỏ, như từ xa vọng về, chầm chậm, lưa thưa, nghe mà buồn quá. Rồi lính giặc xuất hiện, nghênh ngang la lối và lôi kéo đoàn người tù bị trói tay, cột thành xâu dài… Tô Định vênh váo bước đi với hai tên hầu cận. Một tên lum khum, khúm núm vác cây đại đao của tướng giặc, cao quá đầu mình.
- Quân bay! Roi đâu? Quất cho chúng nó đi nhanh lên coi!
Nghe tướng giặc chỉ chỏ la mắng và thúc dục, quân lính dang thẳng tay mà đánh đập đoàn người tù. Tiếng la hét, tiếng roi quất chan chát, cảnh tượng hỗn loạn, thật bi thảm! Mấy người dân không may ở gần bên Tô Định thì bị hắn co chân mà đá đạp, mà té chúi nhủi…
Chị Hậu, vợ chồng anh chị Danh-Hậu cũng trong nhóm các Võ sư và Huấn luyện viên của Võ đường, cất tiếng đọc:
“Thuở Đất Nước dân ta nô lệ
Sống u hoài trong cảnh lầm than”
Lời dẫn cho hoạt cảnh của chị đã len thấm vào lòng khán giả thêm nỗi u hoài trong cảnh lầm than của dân tộc mình. Và rồi tiếng hò hét của quân giặc, tiếng kêu than của dân Việt mình cũng xa khuất bên kia sân khấu.
Sân khấu bây giờ đìu hiu, trống vắng, hoang tàn, không một bóng người!
Ánh nến, nhang khói trên bàn thờ lung linh theo nhịp tim thổn thức. Hội trường yên lặng, lòng người ngậm ngùi theo vận nước. Khán giả trẻ con cũng thấm thía nỗi nhục nhằn của dân tộc. Mấy đứa nhỏ ngồi yên lặng, đứa vòng tay ôm lấy gối, đứa ngồi buông thỏng cánh tay, ngước nhìn lên sân khấu mà mặt buồn hiu, xuôi xị!
“Việt Nữ Hai Bà Trưng Nữ Vương.
Anh Thư thuở trước phất cờ Vương.
Ba năm diệt hết loài lang sói.
Dựng lại San Hà rạng bốn phương.”
Nối tiếp lời dẫn, hồi trống thật dồn dập hùng hồn.
Thủ kỳ của quân Nam xuất hiện “phất cờ Vương”. Trong đôi tay của em, lá cờ ngũ sắc của nước Việt uốn lượn như rồng Nam hiển linh. Kỷ thuật đảo tay, luân thân, vòng cờ tròn qua lưng một cách khéo léo, gọn gàng. Em đã làm cho khán giả quên đi khuôn mặt và vóc dáng hãy còn thấp nhỏ của một thiếu niên; tưởng như mình đang được chứng kiến một tráng sĩ nước Việt bốn bề thọ địch, đôi cánh tay uy dũng tung hoành với thanh đại đao:
Tứ diện huy đao kình thiên trụ
Thủ hoàn yêu cảnh đảo hùng tinh
Luân thân hổ giáng tam hoàn vũ
Truy địa long thăng tứ giác minh
Khi Thủ kỳ thu cờ về đứng bên phải bàn thờ Tổ Quốc, thì chị Hậu tiếp lời:
“Hởi Đồng Bào Trăm Họ,
Giặc Đông Hán đang xéo dày Đất Nước!
Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang?
Thà chết mà đứng thẳng!
Không cam chịu sống quỳ!
Đất Nước ta cẩm tú.
Người dân Nam anh hùng.
Trước đền thờ Quốc Tổ.
Thề hy sinh diệt giặc cứu Non Sông!”
Tiếng trống hưởng ứng lời thề, càng dồn dập, thôi thúc. Nhịp trống làm lòng người sôi sục bầu nhiệt huyết và đồng loạt vỗ tay vang dậy; khi thấy nữ tướng dẫn đầu đội quân Nam ra dàn quân, đứng chống trường côn, nghiêm trang nghênh đón hai Bà Trưng.
Hào khí ngất trời!
Người dân Nam anh hùng, đã quyết không cam chịu sống quỳ!
Thề rèn chí quét quân thù đang cướp nước, đồng một lòng đánh đuổi giặc Đông Hán, cứu Non Sông!
Sau khi hai bà Trưng và hai nữ cận tướng tiến đến kính cẩn lễ bái trước bàn thờ Tổ Quốc, Trưng Trắc bước ra trước, oai nghiêm truyền hịch với quân dân:
“Hởi Đồng Bào Trăm Họ!
Thù Nhà, Nợ Nước đang gánh nặng trên vai!
Ngày đêm thao tập trui rèn,
Văn võ song toàn, sao cho xứng đáng dân Nam!
Hởi các Danh Hào Tướng Sĩ!
Hãy khổ công luyện tập để đánh đuổi giặc cứu Non Sông!”
Lệnh đã truyền, quân và tướng một lòng cùng khổ công ráo riết tập luyện.
Trống nhạc hào hùng mở đầu cho hoạt cảnh rèn luyện quân binh của hai bà Trưng; gồm đủ quyền, cước, côn, kiếm; từ các thế võ cổ truyền của dân tộc đến kỷ thuật sử dụng vũ khí của môn phái. Sân khấu bừng bừng sống dậy với hào khí tiền nhân.
Hồi trống thôi thúc. Khí thế quân Nam ngất trời. Lòng người náo nức.
Và khi chị Hậu dõng dạc hô: "Hởi ba quân tướng sĩ, chủ tướng truyền lịnh tiến quân!" thì cả Hội trường đồng lòng hưởng ứng, vỗ tay vang dậy!
Đám trẻ con vỗ tay nhiệt tình lắm, nét mặt vui mừng rạng rỡ, tay vỗ không ngừng; tới cuối cùng vẫn còn nghe tiếng vỗ tay chách chách, ngây ngô thật dễ thương của mấy đứa nhỏ ngồi gần sân khấu. Mấy em làm tôi nhớ thời mình cũng còn con nít, cùng bạn bè đi xem phim, cũng vỗ tay hăng lắm khi người hùng xuất hiện cứu nguy, hay phe ta rượt đuổi kẻ gian tà,… Phim hay thì vỗ tay không biết đến mấy chập, vui lắm. Quên đau tay luôn!
. . .
Cảnh cuối với tiếng trống trận dồn dập và quân Nam đánh đuổi quân giặc.
Tiếng vỗ tay vang dậy từng chập; nhất là khi quân Nam rượt đuổi, đánh quân Đông Hán xâm lược té nhào, bò càng và ù chạy. Trận đánh giữa Tô Định và hai bà Trưng rất sôi động. Thanh đại đao trong tay Tô Định, dài gần 2 mét với lưỡi đao to bản, đâm chém vun vút từ xa; rõ ràng là có lợi thế nhiều hơn, so với thanh kiếm trong tay nữ nhi. Dù kém thế, hai chị em vẫn can đảm và khôn khéo hợp lực mà đối đầu với Tô Định. Trưng Trắc tung người nhảy cao lên thoát đường đao chém ngang chân và đảo kiếm chém trả đòn ngay, thì Trưng Nhị cũng nhập vào cùng chị đánh tướng giặc. Đại đao và đôi kiếm xoắn lấy nhau. Tiếng binh khí vang chan chát. Khi tướng giặc phóng mạnh đao đâm thẳng tới, Trưng Nhị xoay người tránh thoát, tay nắm chặt lấy cán đại đao mà nương thế kéo ghịt cho Tô Định tới gần, và tay kia lia kiếm chém vào đầu tướng giặc. Tô Định kinh hoảng, vừa hụp đầu thoát đường kiếm của Trưng Nhị, thì Trung Trắc đã thừa dịp chặt vào bàn tay còn cố cầm giữ cán đao. Tô Định hoảng sợ, co rụt tay, mà buông rơi thanh đại đao của mình. Không nương tay, trong chớp nhoáng, lưỡi kiếm của Trưng Trắc đảo vòng lại, chém bồi một nhát vào ngang người; làm tướng giặc thêm kinh hoàng, phải nhảy lùi nhanh ra sau để tránh. Thừa thắng, Trưng Trắc nhanh lẹ tung liên hoàn tam cước. Trúng cái đá thứ ba, Tô Định bị đá văng bỗng lên cao, rớt xuống, té lăn chiêng. Vừa mới gượng gạo đứng dậy thì lại thấy Trưng Nhị đón đường, vòng kiếm đâm chéo vào đầu hắn. Tô Định phóng chúi đầu xuống đất mà tránh, rồi cắm đầu cắm cổ chạy thoát thân cùng quân lính của mình…
Tiếng vỗ tay và tiếng hô hào cổ võ của khán giả vang dậy khắp Hội trường. Khán giả trẻ con hứng thích lắm, cả đám đứng hẳn lên mà vỗ tay và nhảy nhót tưng bừng từ nãy giờ!
“Chị cùng em kết nghĩa binh
Tô Định bay hồn vang một trận
Lĩnh Nam mở cỏi rộng Thanh Bình”
Lời kết của chị Hậu, chỉ ba câu ngắn gọn mà thật xúc động!
Hết hoạt cảnh các diễn viên cùng ra chào khán giả. Quân giặc cùng quân ta đều vui mừng với thành công, tràng pháo tay vang dậy trong hội trường. Mấy đứa nhỏ lại lom khom kéo nhau chạy sang, để đón nhìn các thần tượng của mình rời sân khấu, tay hãy còn gươm, đao, côn, kiếm,… lòng ước mơ một ngày mình cũng “Đuổi giặc cứu non sông” như các anh chị lớn!
. . .
Tiếng trống Mê Linh hay sự tích Hai Bà Trưng thì không xa lạ gì với những người đã được lớn lên ở Nam Việt Nam, trước ngày 30 tháng Tư năm 1975. Thời đó, tuổi thơ đâu cần đọc sách cũng biết rành rành; như tác giả Nguyễn Nhơn có tâm tình trong bài viết “Hai Bà Trưng đánh giặc nào?” như sau:
“Mỗi năm mỗi lần nghe hè tới.
Khi ve sầu rã rít bên song cửa lớp,
Cây điệp già trỗ bông đỏ ối trước sân trường,
Lòng trẻ thơ rộn rả bồn chồn!
Rộn rả là khi còn ngồi lớp dưới, trông mau tới ngày lễ bãi trường để xem các anh các chị lớp trên diễn kịch. Bồn chồn là khi học lớp nhất, tự mình sắm vai diễn để các em lớp dưới xem. Mà có gì đâu! Năm nào cũng như năm nấy, gái thời diễn kịch Hai bà Trưng, trai thời Hội nghị Diên Hồng. Nhưng mà tâm trạng người xem mỗi năm mỗi khác.
Ở tuổi 7, 8 khi thấy quân Bà Trưng rượt Tô Định chạy sút giày, sút dép, quăng cả mủ mảng, áo bào thì reo cười hỉ hả. Lớn lên ở lớp nhì, lớp nhất, nghe lời truyền Hịch của Hai Bà đâm ra suy nghĩ:
“Một xin trả sạch nước thù
Hai xin thu lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẽn vẹn sở công lịnh nầy”
Tuy phận nữ nhi nhưng làm tướng cầm quân, chỉ rõ mục đích ra quân có lớn có nhỏ, có trước có sau: Trước tiên là thù nước, kế đến là sự nghiệp dòng họ Hùng Vương, sau rốt mới thù nhà. Chỉ xin được bấy nhiêu thôi!”
Về kịch Diên Hồng thì cũng như vậy. Lúc nhỏ, chỉ biết reo hò “quyết chiến” để đáp lại câu vấn “hòa hay chiến” trong điệp khúc Diên Hồng. Lớn lên, khi nghe câu mở đầu ca khúc, thấy rúng động trong lòng:
Toàn dân nghe chăng
Sơn hà nguy biến
Hận thù đằng đằng
Biên thùy rung chuyển
Vậy đó, tuổi thơ của tôi được dạy dỗ là như vậy: từ học hỏi tính tốt làm người cho đến lòng tự hào dân tộc chí đến truyền thống yêu nước, chống xâm lăng. Từ gia đình, cha mẹ, họ hàng cho chí đến thầy, cô đều hết lòng dạy bảo. Tuổi thơ của các thế hệ ở Miền Nam, trước ngày bị "giặc búa liềm cờ đỏ" xâm chiếm, là như vậy đó!”
. . .
Thời tuổi trẻ của tác giả Nguyễn Nhơn là vậy đó!
Tuổi thơ của ông và tuổi thơ của miền Nam Việt Nam đã được dạy dỗ là như vậy: từ học hỏi tính tốt làm người cho đến lòng tự hào dân tộc chí đến truyền thống yêu nước, chống xâm lăng. Từ gia đình, cha mẹ, họ hàng chí đến thầy, cô đều hết lòng dạy bảo.
Thế nhưng, lịch sử của dân tộc Việt Nam trong các quyển sách gọi là “giáo khoa” trong chế độ hiện nay, đã cố ý viết sai lịch sử hay không dám viết rõ ra tất cả sự thật; chẳng hạn như quyển Tiếng Việt 3, tập 2, trang 4 và 5, có bài Tập Đọc tựa là Hai Bà Trưng. Bài giảng dạy về “Hai Bà Trưng” trong Sách Giáo Khoa ấy gồm có 4 đoạn. Qua suốt 4 đoạn của bài Hai Bà Trưng, sách đã không hề dám ghi đích danh quân xâm lược là ai; chính là quân Đông Hán nước Tàu. Thậm chí hai chữ “phương Bắc”, cũng không dám đặt sau nhóm chữ “kẻ thù”.
Vì sao Sách Giáo Khoa trong chế độ cộng sản đã không cho các cháu biết quân giặc nào đã bắt tổ tiên của mình lên non tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, để phải làm mồi cho hùm beo, thuồng luồng, cá sấu?
Tại sao nhà nước hiện nay đã không dám cho các cháu biết giặc ngoại xâm nào đã khiến “lòng dân oán hận ngút trời”?
Và vì sao Sách Giáo Khoa trong chế độ cộng sản ngày nay không chịu nói rõ cho các cháu biết Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược nào, bọn chúng đã từ đâu đến?
Không ai giảng dạy cho tuổi trẻ biết giặc Tô Định là ai, thì làm sao các cháu có được lòng tự hào dân tộc, các thế hệ trẻ Việt Nam không còn truyền thống chống giặc Tàu xâm lăng?!
Có phải chăng, nhà nước Việt cộng đã muốn như thế?!
Hỏi để hỏi, vậy thôi!
Chứ thật ra, không ai còn ngạc nhiên về cái nhà nước bán nước!
Hãy xem, từ hàng chục năm qua, khi ghe tàu đánh cá của người Việt mình đã bị tàu Trung cộng xả đạn bắn giết, hầm chứa cá phải dùng để chứa xác ngư phủ trên tàu. Thế nhưng, báo chí truyền thông và nhà cầm quyền các cấp trong nước, vẫn không hề dám gọi đích danh bọn chúng chính là tàu của Trung Cộng, cũng không dám gọi xách mé là tàu “phương Bắc”, mà chỉ khúm núm gọi là tàu… “lạ”
. . .
Cốt lõi của lịch sử là sự thật!
Mỗi dòng lịch sử nước Việt mình đều được viết bằng mồ hôi và máu của nhiều thế hệ. Mỗi trang sử là một mảnh hồn thiêng sông núi. Không thể chấp nhận những bài học lịch sử đã bị viết sai đi, hay không dám ghi đầy đủ sự thật.
Khi đã không viết trọn vẹn sự thật, tức là có ý đánh lừa mọi người, đã gian dối ... Và một nửa sự thật chưa phải là sự thật, mà thường là tất cả gian dối.
“Ai thấy chăng xưa hùng cường?
Ai thấy chăng nay xiềng cùm?
Đằng đằng nặng hận thù?”
Phải nói cho các thế hệ trẻ biết rằng bọn giặc xâm lăng nước ta đã bị Hai Bà Trưng đánh không còn manh giáp chính là giặc Hán, Trung cộng.
Hãy trả lại sự thật về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng!
Hãy trả lại sự thật cho lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam!
Tiếng trống Mê Linh hãy còn vang vọng trong lòng người dân Việt!
Bùi Đức Tính