Hôm nay là mồng 6, vẫn còn nằm trong những ngày bắt đầu từ chữ “Mồng”, nó sẽ chấm dứt khi hết mồng 10, có nghĩa là quân ta vẫn còn ăn Tết, vẫn còn tiếp tục thưởng thức những...dư âm của ngày Tết như bánh Chưng, như nồi Thịt Kho, như những chén dưa hành nhỏ nhỏ. Hôm qua thì có bà bạn “khoe” là bà đã đón ngày mồng 4 Tết, bằng một phần cái bánh chưng bên chén Trà mang hương vị như cái tên của bà. Mẩu bánh chưng bà cắt rất khéo khiến tôi cứ tưởng nhầm là cái bánh cake mà con gái tôi hay ăn.
Dài giòng như vậy chỉ mang ý nghĩa là quân ta vẫn tiếp tục ăn Tết theo đúng tinh thần “Tháng Giêng là Tháng ăn chơi”. Riêng tôi thì đã mất Tết từ lâu lắm rồi, tôi chỉ đón Tết cho ra Tết vào ngày mồng 1, còn những “mồng” khác đối với tôi thì coi như....”bất khiển dụng”.
Sáng mồng một năm nay, mẹ cháu và các cháu thì vẫn còn phải giải quyết chuyện “cơm áo gạo tiền”, tôi đã một mình một cõi bên mẩu bánh chưng, một khoanh giò lụa và 1 cục thịt kho. Vừa ăn vừa ngẫm sự đời bằng cách nghe bản nhạc Ly Rượu Mừng, một bản nhạc mà nhiều người đã cho là một “quốc ca của mùa Xuân” Việt, nhưng bản tôi thường nghe phải là bản phải do chính Ban Thăng Long (Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh...) trình bày nghe mới đã, dù đã được nhiều người nhiều nhóm trình bày.
Bản nhạc này rất hay, nhưng rất khó để hợp ca khi được trình bày bất tử, vì có một đoạn trúc tra trúc trắc “...Chúc non sông hòa bình hòa bình, Ngày máu xương thôi tuôn rơi....”. Đoạn chuyển từ “hòa bình” sang “Ngày máu xương....” phải vững nhịp, nếu không thì sẽ....lòi ra ngay. Khi được “chỉ huy” tập bài hát này, tôi đã chọn ra 1, 2 người hát vững nhất cầm micro chính, còn những người xung quanh thì nhắc: Đến khúc đó, thì các bạn “lỉnh đi” một hai chữ, chờ có người bắt lên thì hát cũng chưa muộn”. Kinh nghiệm cho tôi biết, dù có tập đi chăng nữa, thế nào cũng....lọt nhịp.
Bài hát: Ly rượu mừng - Phạm Đình Chương - Ban hợp ca Thăng Long - YouTube
Trở lại chuyện quốc ca của mùa Xuân, có ông bạn gọi bản “Em đến thăm anh đêm 30” là quốc ca của giao thừa, khiến tôi nhớ lại một vài kỷ niệm khá.....đau thương.
Tôi sang Nhật cuối tháng 12/1971. Hơn 1 tháng sau (vào đầu tháng 2 thì phải), khi Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tổ chức buổi họp mặt đón mừng Tết, có chương trình văn nghệ tự phát. Trong chương trình, có một chị bạn cùng năm tình nguyện hát bài “Em đến thăm anh đêm 30”, nhưng chưa có ai đàn. Mấy tên bạn ở cùng phòng, học cùng Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo đẩy tôi ra vì tụi nó biết tôi có...khả năng, tôi đang nhóng nhóng chờ ...đợi, thấy ban tổ chức rù rà rù rì, cuối cùng thì người MC lại kêu anh Hoàng Thành Đô. Tôi quê quá. Đó là cái “quê” thứ nhất tôi gặp phải trong cuộc đời du học.
Còn một cái quê nữa. Vài ngày sau đó, ở cư xá Kokusai (chắc chắn dân du học thời đó sẽ biết) sinh viên quốc tế, bên dưới là nhà ăn, bên trên là phòng tụ họp đánh ping pong, tập văn nghệ... Trong lúc vào ăn cơm trong cư xá, tôi nghe tiếng nhạc “xập xình”, hỏi ra mới biết là ban văn nghệ của Hội Sinh Viên đang tập cho chương trình Tết vào cuối tuần. Nổi máu văn nghệ, tôi bước lên lầu để nghe ngóng, nhưng lại bị một người mời xuống: “Xin mời anh xuống, vì không có phận sự”. Thật sự quá là quê. Có thể là anh em chưa biết, vì mới qua Nhật hơn 1 tháng.
Đến tháng 4 năm đó, thì lại chính những người mời tôi xuống lại đến chỗ tôi, yêu cầu tôi “cộng tác” cho một chương trình của đài NHK, và nghiệp văn nghệ “hải ngoại” của tôi đã kéo dài mãi cho đến năm 2012 thì....giải nghệ.
Ngày Mồng 1 chỉ nhớ thế, mồng 2 cho đến mồng 10 cũng chả có gì. Vài hàng lẩm cẩm chả đâu vào đâu về cái tôi vừa già vừa ...lẩn.
VĐK