Khai bút đầu xuân
Từ khi biết đọc báo Xuân, nghĩa là cách nay chừng hơn một hội (60 năm) theo lối tính thời gian Trung Hoa cổ xưa, tôi đã nhớ rằng các nhà nho ta ngày đầu năm thường có lệ khai bút. Tôi đã nhiều phen tính bắt chước nhưng không dám. Vì trên báo Xuân đầy ắp đủ chuyện thì còn gì để viết nữa.
Từ những bài không thể thiếu - như 12 con giáp biểu trưng cho mỗi năm, đến năm con nào bàn chuyện con đó, đến chuyện nhắc lại những biến cố xẩy ra cho những năm cùng tên suốt giòng lịch sử dân tộc. Nghĩa là sống đủ lâu thì thấy toàn là “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Và những sáng tác liên quan đến xuân. Có những bài tôi còn nhớ nội dung mà không nhớ đầu đề với tên tác giả, và ngược lại. Thí dụ như một bài của Vũ Khắc Khoan, bàn về hai chữ giao thừa. Với cái bàn ba chân. Tôi không hiểu tác giả muốn nói gì lúc đó. Ông Vũ Khắc Khoan là giáo sư Việt văn ở trung học Chu văn An của tôi một thời gian ngắn. Tôi nhớ ông người thâm thấp, da ngăm ngăm đen, mặt tròn tròn, lúc nào cũng tỉnh queo, hút thuốc lá. Có vẻ lập dị. Và tôi thích điều này. Về sau tôi nghe nói ông có viết truyện “Thần Tháp Rùa” được chú ý, báo chí giới thiệu nhiều. Nhưng tôi không đọc. Vì tự nghĩ rằng bài tùy bút về giao thừa với cái bàn ba chân của ông đã đủ đặc biệt đối với tôi. Và cũng vì tôi đi vào một giai đoạn tự nhiên không thích đọc truyện bất kỳ ngắn hay dài nữa. Lúc sang Mỹ, tôi nghe ông định cư ở Minnesota, và để ý theo rõi ông qua báo chí và mong mỏi có ngày gặp lại, nhưng không xong cho tới khi ông mất. Bài tùy bút về giao thừa của ông đã trở thành một loại “công án” trong đầu tôi. Tương tự như một bài tùy bút khác của Hồ Hữu Tường trong một tờ báo Xuân, nhan đề “Con thằn lằn chọn nghiệp”. Cũng là một công án khác đối với tôi. Vì nó khó hiểu. Khó hiểu như đời ông Tường. Một người trí thức xuất sắc. Đi Pháp du học. Cùng các nhà hoạt động thời đó biểu tình trước điện Elysée tức là dinh tổng thống Pháp xin giảm án tử hình cho các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân đảng, cho nên bị truy nã, phải trốn sang Bỉ. Theo nhóm Cộng sản đệ tứ. Rồi về Việt Nam, bị chính quyền thuộc địa bắt đầy ra Côn Đảo. Kể hết thì thật dài dòng. Vắn tắt chỉ bằng mấy chữ là “một cuộc đời phức tạp”: Theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ các giáo phái Cao đài Hòa hảo Bình Xuyên, chống tổng thống Diệm, bị xử tử hình nhưng được các nhân vật quốc tế can thiệp nên bỏ án tử và phải đầy ra Côn Đảo. Sau khi ông Diệm bị đảo chính, ông Tường được thả ra khỏi tù. Trở thành Dân biểu đối lập trong thời đệ nhị VNCH năm 1967. Bị VC bắt học tập cải tạo sau tháng 4/1975, đến năm 1980 khi bị bệnh quá nặng được thả về nhà, vài ngày sau thì chết.
Lại có những bài tôi còn nhớ đầu đề. Như bài bàn về cái may có tên “Thứ nhất thì đỗ thám hoa, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn”. Nhưng không hiểu tại sao tác giả lại cho cái may thứ nhất là đỗ thám hoa, trong khi thám hoa là chức vị tiến sĩ thứ ba, sau trạng nguyên và bảng nhỡn trong kỳ thi Đình vua làm chủ khảo, cùng với các quan giám khảo xem xét đủ mặt, xếp hạng cân nhắc kỹ lưỡng. Nghĩa là không có vấn đề may rủi. Trong khi “may” là tiếng chỉ cái người ta có được một cách không ngờ. Như tục ngữ nói mèo mù vớ cá rán. Ba người đứng đầu kỳ thi đình là tam khôi có vị trí cao quý khác hẳn các tiến sĩ khác. Vì tính đặc biệt này nên thời vua Minh Mạng còn thêm chức phó bảng, cho những tiến sĩ không đạt mọi tiêu chuẩn khó khăn như tam khôi. Nhưng cũng là người học giỏi, mà tiếng vua Minh Mạng gọi là có “ thực học”.
Trong cái mạch lý luận đó, thì lọt vào thứ ba cấp thám hoa phải kể là may mắn, như người cuối cùng trèo lên được chiếc thuyền vượt biển đã đầy ắp. Hay như gần đây ở Afghanistan được lọt vào chiếc máy bay vận tải khổng lồ US C17 Globemaster của không lực Hoa kỳ chứa 640 người rời khỏi phi trường quốc tế Kabul, khi quân Taliban chiếm trọn Afghanistan trong vòng nửa tháng, trước một lực lượng quân chính phủ 300,000 người được Hoa kỳ xây dựng, viện trợ quân trang võ khí và huấn luyện trong 20 năm.
Trở lại với cái may thứ nhì là chuột rúc thì tôi đã từng nghe chuột chù rúc, trong thời gian chạy loạn cuối thập niên 40, trong thời kháng chiến, ở Vinh tỉnh Nghệ An , đói khát, mà không thấy gì may, ngoài cơm độn với khoai khô. Hay có lẽ may mà không biết. Bây giờ nghĩ lại thì suy ra rằng vì tuy lúc đó chuột rúc không đưa lại cơm ăn, nhưng sau đó nhờ trời đưa đẩy mà thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu sinh tố A đến độ suýt mù, và rồi tiếp tục về quê nhà ông nội, sống sót một cuộc càn quét của lính lê dương Tây về làng hiếp đàn bà trong những tiếng van xin thảm thiết “lạy quan lớn ạ, con có chồng rồi” và “lạy quan lớn ạ, con già rồi”. Lớn lên mới cảm thấm thía được sự chua xót của những van lậy này. Vì có chồng hay già đâu có ý nghĩa gì đối với những tên lính da trắng, mặt đầy tàn nhang, nhóp nhép nhai kẹp cao su, những tên tây đen rạch mặt hay những tên da cà phê sữa của đoàn quân viễn chinh chỉ biết hành động và phản ứng theo thú tính. Chua xót vì khác văn hóa và không hiểu ngôn ngữ đã đành. Nhưng chua xót tuy cùng văn hóa cũng không phải là không có. Cũng thời gian đó, em ruột bà ngoại tôi từng đi lính thời Tây tới cấp chánh quản là cấp cao nhất cho người Việt nam thời đó trong vòng đô hộ của Tây. Hồi hưu ở nhà. Có lần lính tây càn quét về làng, bắt được người cháu ruột của cụ đang tuổi thanh niên không chạy trốn kịp. Ông cụ liền lên tiếng giải thích bằng tiếng Pháp. Người cháu được thả. Tây hỏi làng có Việt Minh không, cụ nói không. Khi Tây rút hết, cán bộ trở lại bắt cả ông lẫn cháu, buộc tội là Việt gian thông đồng với Tây bằng tiếng Pháp, đem xử bắn cả hai.
Còn hoa đèn thì có lẽ sau lớp tuổi của tôi không ai được trông thấy. Thực thế, thời thập niên 40 trở về trước nhà quê miền Bắc buổi tối không thắp đèn. Nhà khá một chút thì có chiếc đèn dầu tây có bầu đựng dầu to hơn quả trứng vịt chứa dầu hỏa. Đa số chỉ có thắp đèn dầu lạc đựng trong một cái đĩa với một sợi bấc bằng khoảng cái ruột bút chì mầu. Chỉ người dùng cái đèn dầu lạc này thì đôi khi mới thấy giữa ngọn lửa vàng cái đầu ngọn bấc đỏ hồng, và được gọi là hoa đèn. Vì hiếm, nên khi thấy hoa đèn thì được kể là may, trong cái hy vọng hão huyền là sẽ có gì may mắn xẩy đến cho cuộc đời thiếu thốn kinh niên, chạy được no cơm là đã đủ mệt. Thời nay, không còn đèn dầu lạc, cho nên tả ra như thế, nhưng khó có ai mường tượng được hoa đèn như thế nào, và không cảm được cái sung sướng của môt người sống trong hy vọng trước hình ảnh báo hiệu một điều may mắn sẽ tới.
Nhờ đọc báo Xuân tôi có được vài khái niệm đơn giản về cái may và không may trong cuộc đời. Cũng nhờ báo Xuân mà tôi để ý đến chữ Nghiệp với bài của Hồ Hữu Tường, một nhà chính trị, một nhà văn, một nhà hoạt động, mà cuộc đời cho thấy không chỉ là may với không may, nhưng gồm những mâu thuẫn không giải thích được.
Ấy là nói theo đa số người đời hay thắc mắc là như vậy. Nhưng nghĩ cho cùng thì cần gì phải giải thích, và giải thích để làm gì? Rút lại có lẽ cả cuộc đời an lạc chỉ cần biết có bài kệ Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tôn:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (Sống ở đời vui với đạo tùy hoàn cảnh)
Cơ tắc san hề khốn tắc miên (Đói thì ăn mệt thì ngủ)
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích (Trong nhà có vật quý rồi đừng tìm đâu nữa)
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Gặp bất trắc mà không động tâm thì chẳng cần hỏi đến thiền)
Trần Xuân Ninh
Mồng Một Tết Nhâm Dần 2022