Tôi nhớ là đã nói với bạn ta cách đây 4 ngày trong một cái tít nho nhỏ: “Yếu tố để vào vòng trong là Nebari Tsuyoi (Kiên Trì) và Ganman (Chịu đựng). 2 thứ này thì Nhật Bản có thừa”. Đúng là như vậy, qua các trận đấu của Blue Samurai với các đội nhất, nhì, ba, tư…. thế giới, ta đã thấy Blue Samurai chứng minh điều đó.
Khi tiếng còi chấm dứt trận Nhật-Spain sau 7 phút bù giờ đầy căng thẳng, bên cạnh những lắc đầu ngao ngán, mặt mũi ngẩn ngơ đầy vẻ hối tiếc của “Bên Thua Cuộc”, như đàn ong vỡ tổ, “Bên Thắng Cuộc” đã ào ra sân, ôm nhau, chúc mừng nhau, xoay quanh nhau như một vòng tròn để ăn mừng chiến thắng, Trong cái đám đông “hỗn độn”, Moriyasu Hajime đã “từng bước từng bước thầm” tiến ra sân, gặp thủ quân Yoshida Maya: “Cám ơn cậu đã nhẫn nại và chịu đựng suốt trận như lời tôi nói”. Yoshida nhìn ông, ngẩng lên trời, thở phào nhẹ nhõm: “Không nói được lời nào – Bravo xếp”.
Qua câu nói thân mật của Moriyasu, ta đã thấy hình ảnh, tính tính con người của ông. Trong suốt trận đấu, khác hẳn với những huấn luyện viên khác, “giận dữ, la mắng, chửi thề, hằn học”, chỉ thấy ông bình tĩnh, khuôn mặt không thay đổi, đi đi lại lại, thấy cảnh gì “trái tai gai mắt” trên sân, từ từ rút cuốn sổ tay và ghi ghi chép chép hay “bỏ nhỏ” vài câu với người đứng bên cạnh. Ông không la mắng, trách móc các cầu thủ mà ông chọn vì: “Tôi tin vào các tuyển thủ của tôi, họ đã làm hết mình khi thi đấu dù đôi khi thảm bại”. Ông chỉ “nhỏ nhẹ”: Nên thế này, thế nọ sẽ tốt hơn. Tinh thần “nhẹ nhàng” đã “thấm” vào các tuyển thủ. Họ đã chiến đấu hơn cả ông mong đợi. Ông chỉ “la lớn” với các tuyển thủ của ông khi xong trận đấu.
(Đổi ngay cảm giác, cố gắng hướng tới mục tiêu. Kiên Trì – Chịu đựng và Chịu Đựng” “Kimocho Kirikaete, Tsugi no mokuhyo, gambarisho 気持ち切り替えて、次の目標、頑張りましょう、粘り強くて、我慢と我慢
Moriyasu Hajime: ông là ai?
Sinh ngày 23 tháng 8 năm 1968, là một cựu cầu thủ và đang là huấn luyện viên túc cầu Nhật Bản. Đã có hơn 250 lần ra sân trong 14 năm trong đội J1 Sanfrecce Hiroshima, Sanga, Sendai. Từng khoác áo đội tuyển quốc gia 35 trận và đã từng là một nhân chứng trong Bi Hận Doha. Ở giải World Cup 2018 tại Nga, dưới sự hướng dẫn của Nishino Akira, ông mới chỉ là phụ tá, lúc đó Nhật đã vào được vòng 8, nhưng bị thua đau với Bỉ 3-2 nên Samurai uể oải xách gói ra về. Có lẽ được “trải nghiệm” thu thập từ “Bi Hận DoHa”, “Tiếc nuối Russia” và nhiều yếu tố khác trong suốt 29 năm đã dần dần tích lũy tạo ra con người Moriyasu “bình tĩnh-suy nghĩ” ngày hôm nay , một nhà dìu dắt “khéo” dụng binh nhất trong các nhà “dìu dắt” Nhật Bản từ trước tới nay. Nhìn “xuyên suốt” cách “bố trí” đội hình của ông qua các trận, tất cả các huấn luyện viên kỳ cựu sempai đều có chung kết luận:
1/ Hiệp 1 phòng thủ, chờ cơ hội
2/ Hiệp 2 tiến công
3/ Cuối Hiệp 2: giữ chặt khung thành
Ông đã thành công với chiến pháp này trong tinh thần Kiên Trì – Chịu Đựng.
Đến giờ này tháng này hôm nay, ông đã tạm trả thù được một phần mối hận năm xưa. Ông đã đạt được một phần dù chỉ là bước khởi đầu vì còn bao chông gai trước mặt.
“Tôi không muốn mọi người phải hối hận như chúng tôi vào những ngày hôm ấy. Tôi muốn các tuyển thủ dốc hết sức lực chiến đấu để chiến thắng. tôi muốn biến vùng đất của bi kịch sầu não thành vùng đất của niềm vui òa vỡ. "
Đúng vậy! Ngày 5 sắp tới, Blue Samurai sẽ đụng Croatia. Thế nào ông cũng sẽ điều phối, “bố trí” sao cho trọn vẹn với tinh thần Kiên Trì – Chịu Đựng. (Nebari tsuyoi – Ganman). Tôi cầu nguyện và tin rằng Nhật Bản sẽ tạo nên “kỳ tích”!
Nghe nói, bên mấy chú củ Sâm cũng đã mở champain. Vui ghê. Nào, chúng ta cùng “dzô”.
Chờ nhé bạn ta!
V.Đ.K