Mỗi năm cứ vào dịp cuối tháng 12 “giờ này thành phố chợt bùng lên”, khi cái lạnh thấm vào da thịt, thì câu chào đầu môi chót lưỡi lúc gặp nhau thường là “Merry Christmas”.
“Merry” là một niềm vui, niềm hân hoan, mang cảm giác ấm áp hạnh phúc còn Christmas là kết hợp của 2 chữ “Christ” (đấng cứu thế Kito) và “Mas” (thánh lễ). Nói tóm lại Merry Chritsmas là lời chúc gắn liền với ngày mừng chúa ra đời.
Happy cũng là một lời chúc mừng, mang ý nghĩa sung sướng, thoải mái, cảm giác có vẻ nhàn hạ, đối với gì ta vừa đạt được hay đang được hưởng. Cũng có nơi người ta dùng chữ Happy Christmas như tại Ireland, Anh Quốc, cái xứ Nữ Hoàng Elizabeth thứ hai vừa qua đời mấy tháng trước.
Ở đây ta không phân tích về mặt chữ nghĩa, chỉ nói về cách dùng quen thuộc và cách cảm nhận. Người ta sẽ không nói là “Merry Newyear” hay “Happy Christmas” dù trên ý nghĩa cũng là lời Chúc Mừng mà phải nói là
Merry Christmas- Happy Newyear
Thỉnh thoảng, bạn ta thường rất hay nghe ai đó khi “bình” về cuộc sống ngon lành cũng của một ai đó. “Ông, bà, anh, chị, cô đó rất là Happy với cuộc sống lứa đôi”. Ta không thể thay thế Happy bằng Merry được.
Lòng vòng đã đủ, tối hôm qua là 24/12. Thường thường thì vào những ngày “đất nước còn thanh bình thịnh trị, chưa đầy hình bóng cô vi”, gia đình tôi sẽ có mặt tại một nhà thờ gần đó để cùng với dân xứ khác đón mừng ngày “Hội Lớn”. Tuy nhiên, đường xá tuy không xa xôi, vẫn còn là mùa Cô Vi, mình tuổi đời ngày càng chồng chất, nên tránh được chỗ đông nào hay chỗ đấy. Hơn nữa, năm nay trời lạnh quá, Tokyo có lúc dưới 0 độ, tôi đành xem lễ qua online. Đợi mãi, đợi mãi xem hết lễ cũng không thấy 2 bài hát “căn bản” của mùa Giáng Sinh là “Cao Cung Lên” và “Hang Bê Lem” để 2 “khỉ già” cùng cất theo, nhưng mãi không có. Sau mới hiểu lễ đêm hôm qua là “Lễ Vọng” chứ không phải “Lễ Giáng Sinh”. Phải hôm nay mới là lễ chính sẽ được cùng nhau ca chung các bài Thánh Ca Lịch Sử không ai là không biết.
Nhưng đêm qua 24/12, theo truyền thống, chắc chắn phải có đêm reveillon chứ. Từ chiều, Mẹ cháu cũng đã chuẩn bị vừa phải cho một bữa hoàn toàn không đình đám vì chỉ có 2 “khỉ già” dựa trên căn bản các phần ăn phải cân đó, đong, đếm. Đã lâu tôi không được “nếm” cái vị nồng nồng có men của một thứ “chất lỏng màu đỏ”, hôm nay thấy có vị chan chát, quá đã. Tôi vừa nhấp từng ngụm vừa ngẫm sự đời. vừa trả lời mail của con cháu, bạn bè ở phương xa gửi lời chúc liên tục: “Chúc Bác, Chúc Bố, Chúc Anh…., Quên cả thời gian, tôi hơi mạnh tay rót….bạo, thì lại nghe tiếng lầu bầu. “Mặc, một năm chỉ vài lần, chắc sẽ không sao”. Người cảm thấy lâng lâng, thích “phát ngôn” nhiều hơn những ngày thường.
Đã lâu, nhà chỉ có 2 khỉ già ngồi chung mâm, tụi tôi vừa nói chuyện, vừa nghe các chương trình giáng sinh trên You Tube, vì tôi phải tìm cho bằng được mấy bài hát mà đã lâu tôi không được hát, rồi khen cô này, anh nọ. Theo tôi thì, Hát Tân Nhạc là phải giọng Bắc, hát cổ nhạc là phải giọng miền Nam. Nhưng trong các dàn ca sĩ quen thuộc tôi chấm và thích nhất là giọng Họa Mi và Thái Hòa. Thích là vì 2 người này là dân Nam rặc mà hát tiếng Bắc chuẩn không chê vào đâu được. Người Bắc mà hát tiếng Bắc thì khỏi nói, nhưng người Nam hát tân nhạc, nghe kỹ thì thấy còn âm hưởng tiếng Nam trong đó qua cách phát âm, mặc dù giọng hát rất hay.
Tôi với cái đàn đã bỏ quên khá lâu, tôi bảo bà xã cất tiếng “Cao Cung Lên” rồi tôi đánh trật đánh vuột đệm theo. Đàn hát xong tôi hỏi.
- Nghe nói, ngày xưa em đi hát?
- Lúc còn đi học mình cũng hát hò chút đỉnh, khi tụi nó vào, em bị kéo đi hát hết từ xóm, tổ, phường. Đi nhiều thì gặp mấy đứa cùng nghề trong ban nhạc, nó kéo mình theo để hát giúp vui cho phường, cho khóm rồi hát luôn cho các tiệc mừng đám cưới.
- Vậy em là ca sĩ à?
- Không, em là ca sĩ hát lót đường để chờ ca sĩ chính tới.
- Tập dượt thì sao?
- Chả cần, chỉ nói bài mình hát và tông là đủ vì cả 2 đều có thể bù trừ cho nhau, Mình vô chưa kịp intro thì nó đợi mình hay ngược lại,
- Sao em nhớ nhiều bài quá vậy?
- Phải học đó ông. Mình phải cố nhớ để được kêu và hơn nữa, trong giấy tờ đi thăm nuôi ba, nó có chứng nhận cho gia đình là có con cái đóng góp vào các chương trình văn hóa thì dễ dàng cho thủ tục thăm nuôi luôn.
Tôi lại với cây đàn, đệm bài hát “Hang Bê Lem” và thấy cũng ngà ngà vừa đủ, đi ngủ với lời dặn dò với theo.
- Ông phải dợt lại đi đánh bấm không ra tiếng mà đàn với địch gì?
- Ừ! Thì tập!
Sáng nay dậy sớm đang đợi xem Lễ Chính để cùng mẹ cháu đồng ca bài Hang Bê Lem.
Hai cô cậu nhà tôi thì hẹn nhau họp mặt ngay ngày mồng 1. Nghe nói mẹ cháu lại sắp đi chợ mua thêm vài thứ nữa để làm một lễ cúng gia đình, và khi đó toàn gia đình mới có cơ hội ăn cơm chung, sau cả năm hồn ai người đó giữ.
Thôi, chuẩn bị làm thêm ly cà phê nữa chờ giờ xem lễ.
Merry Christmas và Happy Newyear bạn ta!
V.Đ.K