Đọc tựa đề bài viết thấy có một chút phân vân. Nó mang ý nghĩa gì và tại sao lại ở chốn này? Xin cứ từ từ nhẩn nha bình tĩnh, mọi việc sẽ được giải thích đến nơi đến chốn.
Dạo này, bạn ta chắc đã nghe nhiều về từ ngữ “Bravo”, được phát ra liên tục từ mọi thành phần quân dân cán chính, từ trẻ em cho đến người lớn, từ những quan chức cấp cao cho đến thần dân….hạng… ghẻ. Ý nghĩa thế nào thì bạn ta đều hiểu, dịch ra sao cũng được, “hoan hô”, “hoan nghênh” vân vân và vân vân đều là “Bravo” cả. Nó là một từ ngữ bắt nguồn từ tiếng Pháp, được dùng để bày tỏ niềm vui, hạnh phúc khi thấy “thiên hạ” thực hiện một hành động tuyệt vời, rất đáng được nêu gương. Nó dậy sóng và được mọi người chú ý khi Nagatomo Yuto, một tuyển thủ Nhật Bản, người duy nhất dự 4 lần World Cup phát….biểu. Hỏi gì anh cũng cố kéo về và kết thúc bằng 2 chữ Bravo. Ngày nay, đối với mọi người thì khi nghe chữ Bravo là nhớ Nagatomo và ngược lại. Cũng có thể chữ “Bravo” được coi là từ ngữ thông dụng nhất trong giải World cup Qtar này, kỳ tới sẽ là chữ nào thì…..tôi không biết.
Nhưng vừa nghe được một câu chuyện cũng dzui dzui có liên quan đến “Bravo” kể bạn ta luôn cho đủ bộ.
Lúc đoàn quân chiến thắng ….lòng người trở về hôm 7/12, báo chí đã “bu” lại và hỏi hết người này sang người khác. Bạn ta chắc cũng đã nghe và xem nhiều tôi không nhắc lại. Chỉ xin kể một câu chuyện mà tôi cho là thú vị vì tôi cũng muốn hô to nhưng không được.
Phóng viên của một tuần báo Thể Thao đã đặt câu hỏi với Thủ Quân Yoshida:
"Đối với anh, World Cup Qatar mang ý nghĩa như thế nào?"
Thay vì bằng “hội thoại”, Yoshida quyết định viết câu trả lời ngay trên áo đồng phục của mình. Yoshida vừa đánh vần và vừa viết các ký tự "Bravo" mà Yuto Nagatomo đã lặp lại trong suốt giải đấu và “bỏ nhỏ:
"Nagatomo Yuto đang nhắc và nhắm đến một từ thông dụng, tui cũng đã cố gắng tìm một từ ngữ khác mà ý nghĩa nó thậm chí còn ngon lành hơn Bravo một bậc,
- Nghĩa là sao? Từ ngữ nào?
- Đó là 'Bravissimo'.
Người phóng viên tỏ vẻ ngạc nhiên.
Yoshida nói tiếp:
“Bravissimo cứ luẩn quẩn mãi trong tâm trí của tôi"
"Thực ra, tôi đã nói với Nagatomo Yuto và những tuyển thủ khác rằng nếu chúng ta lọt vào vòng 8 tôi sẽ nói: Bravissimo”.
Bravissimo là một chữ bắt nguồn từ tiếng Ý, nó mang ý nghĩa cao hơn một bậc so với chữ Bravo. Nếu mẫu tự cuối tận cùng bằng chữ “o” thì là… “giống đực” nếu là mẫu tự “a” thì là… giống cái. Tiếng Nhật thì là 優れた (sugureta), tiếng Việt thì là “siêu khủng”, “Hết sức….”.
Kết quả là Yoshida đã không nói được vì bi kịch PK với Croatia dù chàng muốn nói. Hỡi ơi “
Bravissimo…..Tên vẫn chưa quen người dân thị thành”.
Thật là đáng tiếc.
4 năm sau, nếu còn…..thở! chúng ta sẽ cùng nhau hô to nhé…..
Blue Samurai – Bravissimo (Bu-ra-vít-mô)!
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới!
Dù đã chấm dứt cuộc chơi, ai về nhà người đó, nhưng những nhà “chuyên môn” vẫn thay phiên nhau bàn đến một đội hình 11 người cho 4 năm tới. Ôi thôi thì đủ chuyện, đủ đội hình vì được bình luận tùy theo cái nhìn của từng cá nhân một, nhưng duy nhất có một điểm chung: “Giữ lại những thành phần trẻ và loại đi những kẻ già”. Như đội hình dưới đây thì ta thấy 2 dũng tướng cột trụ của Blue Samurai là Yoshida và Nagatomo không còn nữa, còn lại hầu hết là những người có mặt trong đội hình giải này vì trên dưới 25.
Nhiều ý kiến cho rằng huấn luyện viên Moriyasu Hajime vẫn nên được lưu giữ vì cách cầm quân của ông, nhưng cũng có ý kiến trái chiều, nhất là của một cựu tuyển thủ quốc gia 城 彰二(JO Shoji)một cột trụ chính của World Cup 1998, dựa trên “cơ sở”: “Kết quả là tất cả”, anh này chỉ cho Moriyasu Hajime 50 điểm vì theo chàng thì: Nhật Bãn cũng đã vào được vòng 16, 4 lần rồi bại. Mục tiêu vào vòng 8 thì không đạt được, nên đã không đánh giá cao Moriyasu và cho là nên thay huấn luyện viên mới, người ngoại quốc, vì các tuyển thủ có mặt trong giải lần đều là “tu nghiệp sinh”, thuộc diện “xuất khẩu lao động”, nên huấn luyện viên xứ người sẽ hiểu rõ hơn đường đi nước bước của từng tuyển thủ. Vấn đề còn lại là phải có người thông dịch, khi dịch điệu bộ phải “máu lửa” không kém người huấn luyện viên. Bạn ta chắc còn nhớ người thông dịch cho huấn luyện viên người Pháp フィリップ・トルシエ(Philippe Troussie)(1998-2002) là フローラン・ダバディ(Florent Dabadie,). Anh chàng thông dịch này được xếp là kẻ đã chuyển tải được 9/10 ý nghĩa của từng mệnh lệnh, lúc thì hằn học, khi thì …nhẹ nhàng. Có những biểu lộ nhăn mặt, cười phì, giận dữ, đúng thời đúng lúc.
Dù thế nào đi nữa thì họ, Hội Túc Cầu Nhật đã có những chuẩn bị cho 4 năm tới ngay từ ngày thua trận. Bạn ta nên nhớ là: người Nhật luôn có câu châm ngôn trong mọi tình huống: mada mada, kore kara (Chưa, chưa đâu. Bây giờ mới là lúc khởi đầu).
Hôm 17/2) Croatia thắng Marốc 2-1. Tối 18/2 thì đội Argentina vô địch sau khi thắng Pháp bằng một trận PK khá căng thẳng với tỷ số 4-2.
Lại PK, tôi rất ngán ngẩm với hai chữ này vì trong tôi “Nỗi Bi Hận PK của Blue Samurai-Croatia vẫn còn đó, chưa nguôi”. Thôi!
“Xin một lần thôi, một lần thôi, vẫy tay tạ từ… Doha
Xin một lần nữa, vỗ tay chào mừng…Messi”.
Hẹn bạn ta trong một bài viết khác với một chủ đề nghe rất thanh tao: “Thanh Mai Trúc Mã!” Đợi nhé!
OK?
V.Đ.K