Ban biên tập BTVC: Bài đọc cho các quý vị không có thói quen đọc không nghĩ.
**
6-11-2022
Chỉ vài chục giây nhưng đã làm truyền thông thế giới rung chuyển, Hồ Cẩm Đào bị trục xuất ra khỏi phòng ngay trước khi biểu quyết nhân sự. Nhân viên xốc nách, kéo Hồ lên. Hồ níu lại, nhưng không nổi. Bên trái Hồ là Tập, ngồi im vô cảm. Bên phải Hồ là Lật Chiến Thư. Lật như đang giải thích điều gì, tay thu giữ lại tập tài liệu màu đỏ. Ngồi ngay cạnh Lật, bên phải là Vương Hỗ Ninh (王沪宁). Vương nghiêng người qua, với tới như muốn làm hay nói gì trước lúc Hồ bị dẫn đi. Xin có đôi lời về nhân vật Vương Hỗ Ninh.
Vương, nhỏ hơn Tập Cận Bình vài tuổi, không bị cuốn vào dòng xoáy của Cách mạng Văn Hóa do Mao phát động từ năm 1966. Tập bị đưa về nông thôn. Vương, được sự bao bọc của gia đình nên thoát hiểm. Tập được tu dưỡng và học tập quần chúng lao động. Vương ẩn trong phòng kín, vùi đầu học tiếng Pháp, đọc văn chương, thế sự. Mao từ trần năm 1976. Đại Cách mạng Văn hóa cũng từ trần theo. Đại học Trung Quốc được phép tuyển sinh lại. Vương đỗ vào Đại học Phúc Đán, Thượng Hải năm 1978, khoa Chính trị Quốc tế.
Năm 1988, Vương, 33 tuổi, trở thành giáo sư trẻ nhất của Đại học Phúc Đán. Vương giành được một học bổng 6 tháng tự nghiên cứu, của Hiệp hội Khoa học Chính trị Mỹ. Thế là, Vương ngao du qua 30 thành phố, và 20 trường đại học trong 6 tháng. Chuyến du ngoạn Mỹ của Vương được ví như là một bản sao của Alexis de Tocqueville – một thanh niên quý tộc Pháp, 25 tuổi, dòng dõi đế vương, thăm Mỹ 9 tháng, rồi viết 2 cuốn sách về nền dân chủ Mỹ cách nay đã 150 năm.
Sau chuyến đi Mỹ, Vương đã xuất bản cuốn “American against American” (Mỹ chống lại Mỹ). Vương trở thành ngôi sao rực rỡ trong vòm trời khoa bảng Trung Quốc. Vô vàn giai thoại về Vương: Vương đọc hàng ngàn cuốn sách; Vương tranh luận nảy lửa với học giả Singapore, Đài Loan; Vương ở lại văn phòng khoa rất khuya mỗi ngày không làm gì cả, chỉ suy ngẫm cách quản trị quốc gia v.v…
Cuốn “Mỹ chống lại Mỹ” xuất bản năm 1991, là khởi điểm hình thành lối tư duy “Nước Mỹ đang suy tàn”; “Phương Tây tan rã”; “Thế kỷ của Trung Hoa”; “Khối Á- Âu (Nga – Trung) sẽ soán ngôi”. Truyền thông tung hô không mệt mỏi làm nhiều người, trong đó có cả Putin, đã tin như vậy.
Những huyền thoại về Vương đến tai Giang Trạch Dân. Vương được triệu về Bắc Kinh. Phục vụ cho hai nhiệm kỳ 10 năm của Giang, Vương tung ra thuyết “Ba Đại diện” (Three Represents).
Tiếp đến là hai nhiệm kỳ 10 năm của Hồ Cẩm Đào, Vương đưa ra thuyết “Xã hội Hài hòa” (Harmonious Society); và “Phát triển Khoa học” (Scientific Outlook on Development).
Phục vụ cho vô nhiệm kỳ của Tập, Vương đưa vô số thứ “Tư tưởng Tập Cận Bình”, “Cùng Giàu”, “Chủ Nghĩa Xã hội mang đặc điểm Trung Quốc”, “Giấc mộng Trung Hoa”. Người Mỹ cười; đó chỉ là một kiểu đánh cắp từ “Giấc mơ Mỹ” (American Dream) đã xưa lắm rồi.
Cuốn “Mỹ chống lại Mỹ” (American against America) không được giới học thuật đánh giá cao; bởi vì, tính khoa học yếu, và có mùi tuyên truyền. Vậy, xin kể đôi lời về cuốn sách này.
Vương thấy: Từ San Francisco tới New York, từ bờ Tây tới bờ Đông Hoa Kỳ, ở đâu cũng thấy quá nhiều người vô gia cư. Vô vàn những khu ổ chuột của người da đen. Ma tuý, tội phạm, tệ nạn xã hội tràn lan. Gia đình là một tế bào của xã hội, nhưng gia đình ở Mỹ đang bị xé nát. Cá nhân thay thế cho gia đình. Cá nhân là tất cả, nhưng cuối cùng mỗi cá nhân chỉ biết đối mặt với cô đơn, đổ vỡ, con cái bỏ nhà lang thang.
Vương tin rằng người Mỹ đã đánh đổi linh hồn để giành lấy sự giàu có và uy vũ. Mỹ nhìn có vẻ mạnh, nhưng tinh thần yếu đuối. Mỹ đề cao chủ nghĩa cá nhân, nhưng sống trong cô đơn, tủi nhục. Mỹ giàu có nhưng đang thoái hóa.
Về nền dân chủ Mỹ, Vương quan sát cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1988 giữa George H.W. Bush và Michael Dukakis. Vương nhận xét: Tất cả là những lời hứa hão, những cuộc tranh luận triền miên, vô bổ, những màn trình diễn hào nhoáng, phi thực tế. Đảng chính trị om sòm, nhí nhố như gánh hàng rong. Ứng viên là những món hàng. Cử tri là kẻ đi mua.
Mỹ quảng bá cho sự bình đẳng ư? Thử nhìn vào những phụ nữ da đen, những người bản địa, khoảng cách giữa người giàu và nghèo, giữa da trắng và da màu, giữa đám tiện dân và bọn đầu sỏ. Mỹ cổ võ cho sự công bằng ư? Tại sao chỉ có công bằng chính trị? Thế còn công bằng thu nhập, công bằng kinh tế, và công bằng xã hội?
Thư viện, bảo tàng, bệnh viện, cầu cống, xa lộ, hay những tòa nhà chọc trời, tất cả được xây trên nền tảng của những nghịch lý và khủng hoảng. Nền kinh tế kiểu Mỹ đã sản sinh ra vấn nạn cô đơn. Bộ phận người, thân thể, da thịt, sex, kiến thức, chính trị, sức mạnh, luật pháp đều trở thành hàng hóa. Những món hàng này đang phá nát xã hội Mỹ. Sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Một đất nước mà đến việc mở lá thư, mở đồ hộp, gọt bút chì cũng phải dùng máy, thì cái đất nước đó đáng phải ngồi trên xe lăn dành cho người tàn phế.
Xã hội Mỹ chứa đầy những nghịch lý. Nhà bảy tám phòng ngủ nhưng chỉ một/hai người ở. Mỹ sản xuất ra nhiều ma nhất thế giới, nhưng ở Mỹ không ai tin có ma. Mỹ nghĩ ra đủ thứ cho người tàn tật, nhưng vấn đề của người lành thì bị lờ đi. Những nghịch lý này đang hướng Mỹ tới sự suy vong. Mỹ mải miết đi tìm kiếm những khoái lạc trước mắt. Bởi sự hào nhoáng đã trở thành linh hồn Mỹ.
Công xưởng rệu rã, nông thôn tồi tàn, tài chính chao đảo, thất nghiệp mãn tính, tội phạm kinh niên, giết người hỗn loạn, nghiện ngập tràn lan, tâm thần tự tử, hoang tưởng tự cao, gia đình băng hoại, sinh đẻ giảm sút, xã hội chia rẽ, bạo lực chính trị, kiện cáo triền miên, kỳ thị khắp nơi, văn hóa hư vô, linh hồn lụn bại… xã hội Mỹ, nước Mỹ đang vỡ vụn ra từng mảnh, từng mảnh một, dưới mắt Vương.
Vương kết luận: Mỹ, như tên của cuốn sách, là một nghịch lý hướng tới sự sụp đổ (America was, as the title suggested, a paradox headed for disaster). Đây là một bài học địa chính trị: “Nếu bạn muốn thắng Mỹ, bạn chỉ cần làm một thứ: Qua mặt Mỹ về khoa học và kỹ thuật”.
Bỗng nhiên, ngày 6 tháng 1 năm 2021, cuộc bạo loạn do các tín đồ của Trump gây ra tại Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, thì cuốn “Mỹ chống lại Mỹ” bản tiếng Hoa trở thành tâm bão. Người Trung Quốc đọc ngấu nghiến, nuốt lấy từng lời, và tin rằng: Người Mỹ đang tiêu diệt nuớc Mỹ; Hoa Kỳ nội chiến; nước Mỹ bước vào hồi cáo chung; Mỹ đang bên bờ vực thẳm; Mỹ đang thua cuộc; Mỹ đang sụp đổ.
Người Trung Quốc tin cuốn “Mỹ chống lại Mỹ” của Vương là “Ngôi Lời” trong Thánh Kinh. Vương là đấng tiên tri. Vương thấy rõ ngày nước Mỹ sụp đổ từ hơn ba mươi năm trước. “Ngôi Lời” đã ứng nghiệm. Bái phục! Thật bái phục!
Người Hoa lục đổ xô tìm mua sách. Nhà in làm việc hết công suất cũng không đủ sách bán; đến mức, tăng giá 3000 lần, lên tới 2500 Mỹ kim cũng không mua được. Nhiều người phải mua lại sách cũ với giá 2900 Mỹ kim ngoài chợ đen.
Người quen kể lại, ngày Vương giã từ học thuật, đi làm chính trị. Vương đoạt tuyệt với tất cả những mối quan hệ cũ, không viết báo, không công bố tài liệu nghiên cứu, không xuất bản sách, không tiếp xúc truyền thông, không giao tiếp với người nước ngoài. Vương vụt biến một cách đầy bí ẩn.
Hồ Cẩm Đào lên thay Giang Trạch Dân. Băng Thượng Hải (Shanghai Gang) của Giang bị xóa sổ, nhưng Vương sống sót. Tập lên thay Hồ. Nhóm “Đoàn Thanh Niên” (Communist Youth League) của Hồ bị thanh toán, nhưng Vương tồn tại, và sống sót cho đến ngày nay. Vương xếp thứ ba/tư trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa 20 vừa kết thúc vào hôm Hồ bị “mời” ra ngoài.
Đã hơn ba mươi năm, ba đời tổng bí thư: Đảng CS Trung Quốc coi Vương Hỗ Ninh là nhà lý luận tầm cỡ nhất của chế độ, một chiến lược gia vĩ đại nhất của thời đại.
Mãi tới hôm nay, người Mỹ mới cay đắng nhận ra: Vương là “não bộ” của cả ba triều đại Giang – Hồ – Tập, và mối thù hận Mỹ cũng tăng nhanh dần đều theo trật tự của thời gian và mức độ giàu có. Trung Quốc càng khá giả bảnh bao, oán thù nước Mỹ càng sâu nặng.
Người Trung Quốc gọi Vương là thầy dạy của hoàng đế (Emperor’s Teacher) mang tầm cỡ Gia Cát Lượng, hoặc Hàn Phi.
Báo Washington Post đánh giá: Vương gần như là người nguy hiểm nhất thế giới, nhưng không ai biết tới. Truyền thông Tây phương đồng loạt gọi Vương Hỗ Ninh là một “China’s Grey Eminence” – Người điều khiển từ trong vùng tối, hay là “Kẻ giấu mặt”.