Cái nhà là nhà của ta!
Ông cố ông sơ làm ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm giữ nước non nhà!
4 câu hát trên, tôi nghĩ là bạn ta ai cũng đã nghe và còn …biết hát! Nó thường được cất vang trong những buổi “họp mặt” tạo cớ để vui hay là để “đẩy đưa” cho các chương trình “chúng ta cùng hát”. Tại bất cứ nơi nào, dưới chân cầu thang trong trại tạm cư, định cư, trên bãi biển, trong công viên, trong đêm lửa trại….chỉ cần một cây đàn và một tiếng ca bắt nhịp sẽ có ngay ngàn “tiếng hạc vàng” đáp ứng. Tuần trước, đọc lại bài viết của một bạn già, bà tả về cảnh xưa người cũ, ngôi nhà cũ, nơi đùm bọc và che chở cả gia đình, khiến tôi cầm lòng không đậu, ngồi vào máy…. bắt đầu “lang thang” trên bàn phím, nhớ được điều gì ghi điều đó.
-----------------
Mấy hôm nay, trời đã vào Thu được vài ngày nắng đẹp, cái Nắng Thu không gay gắt, bỏng cháy da người như Nắng Hạ, cũng không giống như Nắng Đông vì phải hứng những làn gió lạnh cứ phần phật vào mặt, mà nó dịu dàng, mơn man da thịt như Nắng Xuân, vừa tản bộ quanh cái công viên gần nhà, tôi vừa “tơ tưởng” lại hình ảnh từng ngôi nhà cũ.
“Nhà xưa”
Từ ngày gia đình tôi ra cả nước ngoài, có ai về Việt Nam, nhất là mấy cô cậu học trò, tôi thường nhờ vả: “Nhớ đi ngang con đường nhỏ đó, tới số nhà đó chụp cho tôi vài tấm hình”. Sở dĩ, tôi muốn có những tấm hình là vì muốn so sánh hình ảnh ngôi nhà cũ lúc trước khi rời nước, trước lúc gia đình tôi tái hợp, và ngay cả lúc không còn ai ở đó từ ngày cô em kế của tôi, người có nhiệm vụ giữ ngôi nhà mà bố mẹ tôi gầy công xây dựng đã mất. Nhà ở quận 3 gần cuối đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Thiện Thuật gần chợ Bàn Cờ. Cứ khoảng 4, 5 giờ sáng thì “rộn ràng” và 6 giờ trở đi thì vang vang “tiếng rao hàng buổi sáng”.
Sau vài lần chuyển cư, dành dụm được ít vốn, bố mẹ tôi đã mua lại một căn nhà cũ nằm ngay đầu hẻm 16, ông bà quyết định xây lại toàn bộ căn nhà. Lúc xây, bố tôi đã tính, nhà 2 tầng, phải có cái kho và một gác lửng. Cái kho thì nằm trên nhà bếp dùng để đồ và đôi khi các bạn bè của bố cùng rủ nhau đánh chắn hay tổ tôm. Một gác lửng còn gọi là gác xép chỉ dùng để ngủ, được xây ngay giữa phần sau của tầng 1, trông giống như cái hộp. Gác có diện tích khoảng 4 chiếu rưỡi, ngay phía dưới gác lửng là một cái bàn ăn cơm, cũng là cái bàn để tôi và mấy tên bạn cùng học thi Tú Tài 1 (1968).
Để tránh đàn muỗi vo ve nếu “ngửi” thấy hơi người, bố tôi đã cẩn thận dặn mấy ông thợ “bố trí” thêm các cửa lưới bao quanh cái gác lửng và cửa ra vào, cửa sổ toàn tầng 2. Thời gian đầu cả gia đình tôi đã ngủ trong cái gác lửng và cái kho đó, vì tầng 2 thì cho vợ chồng một ông Mỹ già làm việc tại RMK mướn. Khi vợ chồng ông Mỹ già về nước, anh em tôi chuyển lên tầng 2. Tầng có 2 phòng: phòng lớn vừa là phòng khách, vừa của các cô, phòng nhỏ là của tôi để tiếp tục gạo thi Tú Tài 2. Tầng 1 để thêm thu nhập, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó, bố mẹ tôi đã sang nhượng từ bà cụ hàng xóm đối diện cửa tiệm tạp hóa. Ngoài việc học, “lêu lổng” với bạn bè “hát hỏng suốt ngày, tôi lại lãnh thêm một “công tác” nữa, khiêng bia, nước ngọt do các hãng bia, nước ngọt giao mỗi thứ tư hàng tuần, chở mẹ tôi đi Chợ Lớn mua hàng về bán. Cũng vì thế, tôi biết khá rõ những giá cả hàng hóa của tiệm này, tiệm nọ.
Dạo đó, dân Saigon sống trong phập phồng, vì đêm đêm việt cộng pháo kích 122 ly bừa bãi vào thành phố, cả nhà đã phải “tản cư” xuống ngủ ở tầng 1, đêm nằm hồi hộp khi nghe tiếng nổ. Căn nhà vẫn tồn tại cho đến khi cô em kế tôi mất sớm, gia đình ngậm ngùi “bàn giao” cho người chủ mới cũng là người đã cùng tôi “tranh đua” vì “đèn nhà bên kia chưa tắt thì bên này cũng không…chịu tắt” vì cả 2 đang vào thời kỳ căng thẳng của kỳ thi Tú Tài 2.
Hình chụp do một người thân quen chụp hộ cho thấy nhà hoàn toàn thay đổi, trông có vẻ rộng hơn so với căn nhà cũ. Đã không còn cái “mặt bằng” để xích đu cho 2 cô cậu em út, mấy chị em có thể túm năm tụm ba chơi đủ trò. “Mặt bằng” này cũng là nơi bố mẹ tôi tối tối ra ngồi hóng gió. Lúc bố còn làm đài phát thanh, một hôm có danh hề Khả Năng chạy Honda ngang qua nhà, gặp ông. Khả Năng cười và hỏi: “Ông chủ sự nhà ở đây à”!. Bố tôi cười chào lại: “Ủa anh Tây đi đâu vậy?” “Tui đi thăm bạn ở trong kia ông Chủ Sự” Nói qua nói lại vài câu, thì con nít bu đầy vì biết mặt Khả Năng. Bố tôi nói: “Thôi, cám ơn, anh đi đi, mai gặp lại”. Khả Năng nổ máy và chạy vào phía trong hẻm 16. Tôi hỏi: “Sao ba gọi Khả Năng là anh Tây vậy?”. Bố tôi trả lời: “Khả Năng to con như Tây, nên Đài hay gọi là anh Tây.”
Đến cuối năm 1971 thì tôi rời nước vĩnh viễn xa luôn với ngôi nhà cũ khi “Xin nhận nơi này là quê hương”. Nhớ cái nhà cũ với bao kỷ niệm thân quen, cái “mặt bằng”, cái gác lửng, nhà thờ thánh Giuse, bún riêu bà Kiều, cà phê Năm Dưỡng, bánh mì Hà Nội…. không thể tả. Nhớ để đâu cũng không hết.
Chung cư!
Theo lời khuyên bảo của ông bác sĩ “riêng”, người đang “quản lý” sức khỏe cho tôi:“ông nên đi bộ cho người khỏe, đừng ngồi ì một chỗ”, tôi đã cố gắng làm một chuyến “viễn du” từ căn nhà hiện đang ở tới cái chung cư ngày cũ, nơi bố mẹ và anh em tôi đã trú ngụ cũng khoảng hơn chục năm khi gia đình tôi tái hợp (một phần) năm 1982.
Đó là một chung cư dành cho người “kém thu nhập” của thị xã (shiei jutaku - 市営住宅, có 4 tầng. Gia đình tôi phải ở tầng cao nhất vì tuổi của bố tôi tuy đã cao (70), nhưng không cao bằng... các cụ ở các tầng dưới, được cái “lợi” là có thể ngắm toàn cảnh. Ở trên cao, ông bà có thể “dõi theo” cảnh các cháu đang bay nhảy chơi đùa ở cái công viên nằm cạnh, chỉ tội cái là phải “leo” cầu thang bộ. Cứ sáng sớm hay chiều tối là bố tôi vẫn còn cái tính cũ khi còn ở quê nhà: ngồi ngoài ban công, cầm cái Radio ép sát bên tai nghe các đài VOA, đài BBC tiếng Việt để theo dõi tình hình đặc biệt là tin tức Việt Nam, vì ở đây thì tin tức không thiếu và cập nhập hàng ngày nhưng hầu như là tin toàn là…. tiếng Nhật, còn bà mẹ tôi thì cứ “âm mưu” trồng một cây cỏ gì đó trước cái ban công bé xíu, vì lúc nào bà cũng nhớ ngôi nhà ở Bác Ái (quận Bình Thạnh, tỉnh Gia Định), hay ngôi nhà nằm sâu trong Chợ Ông Tạ, nơi có cái vườn trồng một vài loại rau theo bà bảo là “trồng cho vui”, khi gia đình tôi tạm trú lúc mới di cư vào Nam.
Tôi dừng lại tản bộ quan sát xung quanh, quang cảnh cũng chả thay đổi gì nhiều ngoài lớp sơn mới. Cái công viên mà hai đứa con tôi đùa giỡn, chạy nhảy đã được thêm một vài “thiết bị”. Khoảng năm 1996, vừa sắm được một “hệ thống” camera, tôi tập sự ngay bằng cách ghi lại những hình ảnh xung quanh, cái công viên mà “diễn viên” là 2 đứa con, đuổi nhau trên cầu tuột và đứa con gái bị trượt khóc bù lu bù loa, thằng anh thì đứng cười nắc nẻ. Về cho chúng xem và cứ thế mỗi khi “buồn buồn”, ông con trai cứ đòi cho xem lại: “Bố, cho coi em “korobi (té)”. Bây giờ thì cả 2 đã trưởng thành, hỏi có nhớ “ngày xưa” không? Hỏi để mà hỏi thôi vì cả 2 cô cậu làm sao nhớ được.
Nhà riêng!
Ngày tháng trôi qua, đến đầu năm 2000, từ từ dành giụm được chút đỉnh nên vợ chồng tôi đã quyết định chuyển cư từ chung cư sang đất mới. Khoảng 30, 40 năm về trước thì chuyện mua nhà đối với người Việt chỉ là một ước mơ quá tầm tay, ít ai với tới, nhưng bây giờ thì tình hình đã thay đổi và “nằm trong tay chúng ta” vì ăn nên làm ra nên “lạc nghiệp”, vì điều kiện vay tiền từ Ngân Hàng dễ dãi hơn xưa vân vân và vân vân. Đến được bước “an cư” này cũng phải mất cả chục năm mới đạt được đấy bạn ta. Thường thường thì quân ta đã trải qua 3 giai đoạn: 1/ở nhà mướn hay cư xá hãng, 2/ chung cư nhà nước và rồi 3/“Cái nhà là nhà của ta, Do chính tay ta làm ra”. Nên đó đây: người người có nhà, nhà nhà có vườn, chỉ khác nhau là vườn to hay nhỏ.
Nói trước với bạn ta không sống ở Nhật biết là: Nhà cửa ở xứ Nhật nhỏ lắm, không thênh thanh như xứ Cờ Hoa hay xứ Úc Thòi Lòi đâu: “đi dăm bước đã về chốn cũ”. Nhà có 2 loại: mới tinh (shinchiku 新築) và nhà cũ (chuko中古). Mới tinh thì cũng có 2 loại: “Tateuri Jutaku” (Nhà xây sẵn) và “Chumon jutaku” (xây theo lời yêu cầu của chủ mua), còn nhà cũ (中古住宅) cũng có 2 loại: nhà mua sau khi chỉnh trang hay nhà cũ rích để nguyên như nhà của chú Huy ước mơ: rộng rãi không có “ma” để trồng cây ăn trái, vui hưởng tuổi già thì….khỏi nói, loại này thì tha hồ chọn lựa chỉ có cái tội là phải chờ phải đợi và…. hên xui may rủi.
Trở lại chuyện “nhà xưa”. Tôi quyết định chơi tới bến: mua đất xây nhà. Đó là một “mặt bằng” trong chục “mặt bằng” nguyên là đất ruộng, nằm cách một địa danh trong Tokyo 10 phút xe điện. Sau khi “ổn định” về giá cả với bao lần thương thuyết, khởi đầu cho một cuộc chiến mới: xây theo hướng nào và theo kiểu nào. Sau khi ông bất động sản hướng dẫn đi xem đủ kiểu nhà thì mẹ cháu là người “chủ động” ra ý kiến “nội dung”, cách “phối trí” các phòng v.v…., còn tôi thì chỉ cần ở gần trường tiểu học, gần nhà trẻ, nếu phải đi xe bus ra ga thì mất 10 phút trở lại, gần trường vì dạo đó tôi đang dạy học nơi xa nhất là nhà ga Tamachi (gần ga Tokyo) đi xe điện cũng mất 3 tiếng cả đi lẫn về. Hôm khởi công xây nhà, hình như đây là một nghi thức thường tình của người Nhật gọi là “Lễ Động Thổ” , tiếng Nhật gọi là Jichinsai-地鎮祭họ nhờ một ông ăn mặc giống như giáo sĩ, dựng một bàn thờ có vài thứ trái cây, hoa quả, sake, rồi ông này cầm cái cây quơ qua quơ lại làm phép, cốt là để gửi quà, xin phép thần thánh cho gia đình được ở bình yên trên mảnh đất này.
2 tháng sau, thì hoàn thành căn nhà theo ý nguyện. Hôm bắt đầu dọn, bà ngoại các cháu cũng kêu tụi tôi thắp nhang “cầu nguyện” cho ông bà giữ gìn. Gia đình tôi đủ mặt cũng chấp tay lạy lạy, thấy mẹ cháu lâm râm gì đó xong mới được chuyển đồ vào và tụi tôi bắt đầu cuộc đời mới với căn nhà do chính mình làm chủ.
Nhà nằm ngay đường lộ nhưng không gian rất im ắng, ít tiếng động, ngoại trừ tiếng bánh xe chuyển động “nghiến” nhè nhẹ trên đường.
Thế mà tụi tôi cũng sống với căn nhà này 22 năm rồi, từ lúc cô cậu còn ở nhà trẻ, nay đã ra trường và cả 2 đều có cặp có đôi.
Vợ chồng tôi đã quen hơi và cũng đã quen chỗ. Nghĩ thấy tội nghiệp cho một “đôi bạn” đã từng cùng chung chiến tuyến, dưới một mái nhà, họ tuy quen hơi nhưng cứ bị phải xa chỗ.
Bây giờ tuổi đã cao, sáu giờ sáng là mắt đã “sáng trưng”, nằm nghĩ miên man đủ chuyện, nghĩ tới ngày 2 cô cậu nhà tôi sẽ lên đường “dựng xây” đời mới, nhà chỉ còn 2 khỉ già, một khỉ già “bệnh” được một khỉ già “tật” lo cơm, lo nước. Khi cả 2 về cõi ấy, “Cái nhà là nhà của ta” sẽ đi về đâu? ai sẽ gìn giữ “xử lý” vì theo “chủ trương” của 2 cô cậu thì có vẻ như muốn “chuyển cư”, thay địa điểm. Nghĩ thấy lo lo, đang âm mưu làm một tờ di chúc, cho đâu ra đó. Bàn với mẹ cháu thì bị gạt ngay, “đừng nói chuyện “gở”.
Thôi cứ biết là “Cái nhà của ta, do chính tay ta làm ra” cái đã. Thấy cũng vui vui trong nỗi…ngậm ngùi.
Chuyện tới đâu hay tới đó. Tính sau.
Otoko tsurai ne!
V.Đ.K