Có người bạn hỏi tôi, tại sao có con người đi tu hay hướng đến tu hành? Tôi trả lời: trừ những người có căn quả nên hướng về Phật với lòng chân thiết, con người khi trưởng thành đi tu hay hướng đến tu hành có thể là có vài lý do. Một có thể là để tránh xa hồng trần tìm kiếm cho tâm hồn sự bình an; Hai là để chuộc lỗi về nghiệp xấu đã gây. Ba là để giải thoát cho cá nhân khỏi những đau khổ phiền não. Bốn là để cầu xin phước đức. Cuộc đời khó có ai đi tu trong mục đích cứu rỗi con người. Nếu có thì chắc cũng chẳng ai có thể thành chính quả như Phật.
Nhưng đã là con người, thì ai cũng đều có trong cái ta những tham sân si cá biệt. Mức độ tham sân si khác nhau, thay đổi theo thời gian, nếu có, là tùy vào cái ngã vốn được hình thành từ gia đình, giáo dục và môi trường sống chung quanh, đưa mỗi người họ đến cách hành xử và tính cách khác biệt.
Nói về sự hành xử và tính cách khác biệt của mỗi con người trong xã hội. Nếu cuộc đời có người lanh lợi thông minh thì cũng có người chậm chạp, ù lì. Nếu cuộc đời có người khiêm tốn, lịch sự thì cũng có người lỗ mãng, hung bạo. Cạnh đó cũng có những người dễ dàng thành công trong cuộc đời, đối nghịch với những con người luôn thất bại trong công danh, tình trường và cuộc sống.
Sự thành công hay thất bại trong cuộc đời của một con người tuy nhiên không hẳn là tuyệt đối, bởi vì cuộc đời không có ai là luôn thành công mãi hay thất bại mãi mà đã không có những thay đổi đến với họ. Quan trọng là sự tự tin, kiên trì và cố gắng. Ông bà ta thường nói đức năng thắng số; trời không phụ lòng người tài đức, hay cuộc sống sẽ không đóng cửa với bất cứ ai có nền tảng và thành tâm; sau cơn mưa trời lại nắng.
Nhìn về những sự hạnh phúc, viên mãn, thành công hay những nỗi đau khổ, phiền não, thất bại của con người, một cách giải thích về sự việc có thể nói đó là nghiệp duyên. Nghiệp duyên tương tự như ý nghĩa của nhân quả. Nói đến nhân quả thì ai cũng thấy cụ thể như: gieo hạt nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão, làm điều xấu thì thì gặp tai ương. Trong khi nghiệp duyên thì trừu tượng hơn. Chẳng hạn cái nghiệp tạo ra cái duyên. Nghiệp ác thì gặp duyên xấu. Nghiệp lành thì gặp duyên tốt.
Nghiệp ác được tạo ra từ những điều sai trái mà con người đã thực hiện từ một hay nhiều kiếp trước, hay từ ngay trong kiếp sống hiện hữu. Cụ thể của nghiệp ác chẳng hạn như đã gây ra những nỗi ai oán đoạn trường cho người khác, cướp đoạt tài sản của người làm của mình, giết người bịt miệng, vân vân. Nghiệp ác sớm muộn cũng sẽ đẩy đưa đến sự gặp gỡ những duyên xấu trong cuộc đời. Duyên xấu từ quan hệ con người đến môi trường sống, đưa đến đau khổ trong quan hệ, trong tình cảm, trong sức khỏe, trong sự nhìn thấy những tai ương, thất bại đến với gia đình, con cái. Có những cái nghiệp đưa đến cái duyên xấu mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu được. Do đó đánh giá hạnh phúc của một con người không dễ để mà đánh giá từ mặt bên ngoài. Nghiệp lành trong khi đó đưa đến những cái duyên tốt khiến con người có được những sự thành tựu hạnh phúc trong cuộc sống từ gia đình đến sự nghiệp, luôn gặp được những những “quý nhân” hỗ trợ giúp tránh khỏi những tai ương nguy hiểm. Nghiệp duyên nói chung tuy nhiên sẽ thay đổi theo vận số nhận thức và sự cải thiện của mỗi cá nhân. Không ai giầu ba họ không ai khó ba đời như người xưa vẫn nói.
Những người hay phô trương sự hạnh phúc, giầu có, sắc đẹp và quyền lực của cá nhân, là những người thiếu tự tin và mặc cảm. Thời gian sẽ không đứng mãi một chỗ mà nó sẽ trôi như một giòng sông. Vạn vật cần đến sự tiến hóa để phát triển. Một ngày đi qua là một ngày thay đổi nơi con người trong xã hội. Nét nhăn nào trên mặt rồi cũng sẽ phơi bầy. Có ai không chiêm ngưỡng khi nhìn thấy ánh nắng chiều lung linh trong buổi hoàng hôn, có ai không thấu hiểu sự thay đổi của vạn vật là sự tất yếu để nhân loại đi tới, đưa con người đến sự tiến bộ và hạnh phúc của cuộc đời.
Nói đến hạnh phúc và sự phát triển tất yếu của vạn vật, tôi lại chợt nghĩ về Việt Nam với những tượng đài nguy nga ngàn tỷ đối nghịch với cuộc sống bần hàn kém văn minh của đại đa số người dân, qua hình ảnh cô giáo phải bò qua thân cây gỗ vắt ngang giòng sông để đến trường dậy học và các em học sinh phải đu giây để băng sông đến trường hay phải băng rừng lội núi đèo hàng km để đến trường học. Đâu đó bên tai tôi lại văng vẳng câu nói: “luật pháp trong miệng tao” của một anh công an Việt Nam, và hình ảnh những người dân Việt Nam phải lên đồn công an để viết kiểm thảo và nộp phạt hàng triệu đồng vì đã chia xẻ trên Facebook những điều tiêu cực trong guồng máy chế độ Việt cộng lại hiện lên. Các quan chức trong chế độ XHCN mà ngày nay rất siêng năng đi chùa có lẽ là những người mù quáng bởi vì có Phật nào mà chứng cho cái ác. Gieo gió gặt bảo, ở hiền gặp lành, đời người chẳng có ai là không phải đi qua ngưỡng cửa nhân quả nghiệp duyên.
Tuệ Vân