Hạ tuần tháng mười, vừa đi du lịch về, tôi nhận được cuốn sách Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh do tác giả gửi tặng.
Thấy tựa sách là tôi nhớ ngay tới hai câu đầu trong bài Uống Rượu Tiêu Sầu của Cao Bá Quát:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn,
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu.
(Thế sự thăng trầm anh chớ hỏi,
Nơi xa khói sóng có thuyền câu)
Cái tựa mới đầu làm tôi thắc mắc, nhưng sau khi đọc xong cuốn sách thì tôi hiểu, những gì tác giả viết thật phù hợp với câu “cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng“ trong bài thơ của Chu Thần.
Trong mấy ngày, tôi đọc đi đọc lại cuốn sách tới 3 lần.
Điều làm tôi ngạc nhiên, thích thú và thán phục nhất là tác giả có kiến thức rất uyên bác về lịch sử, danh nhân, điển tích của Trung Hoa và Việt Nam.
Những nhân vật lừng danh như Gia Cát Lượng, Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Kinh Kha, Lưu Bang thì nhiều người biết, đến như Quý Trát, Công Tôn Át, Can Tương, Mạc Gia cũng được nhắc tới..
Phái nữ thì có tứ đại mỹ nhân Điêu Thuyền, Tây Thi, Dương Quý Phi, Chiêu Quân, kể cả cả Bao Tự, Chung Vô Diệm, Triệu Phi Yến.
Về phía Việt Nam thì Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Quang Trung, Nguyễn Thái Học…được nêu danh.
Bà nhắc nhân vật xưa, so sánh với những người ở thời chúng ta để minh chứng quan niệm của mình. Chẳng hạn như bên Tầu có Tôn Bính, thuộc Nghĩa Hoà Đoàn, quyết tâm diệt bọn xâm lăng da trắng, Khi bị bắt, nhất định không chịu khuất phục, cam tâm chịu chết vì Đàn Hương Hình, thì bên ta có Y Sĩ TQLC Vũ Đức Giang, bị VC bắt, cũng không khuất phục, không chịu nhục, thà tự tử để giữ khí tiết.
Lưu Bang đi đánh Hung Nô để ở nhà Lã Trĩ giết Hàn Tín; Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đi Hàng Châu để ở Bắc Kinh, để Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai bị thủ hạ của Mao, Lâm và đám hồng vệ binh bắt nhốt, đánh cho thừa sống thiếu chết, con cái bị đầy đi mỗi đứa một nơi. Lưu và Mao đã dùng chứng cớ vắng mặt để chạy tội, thì ở Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng dùng mưu kế ấy, ở Hà Nội, lén sai Nguyễn Lương Bằng vào Huế để giết Phạm Quỳnh và cha con Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân.
Gia Cát Lượng thì ai cũng biết là vị thừa tướng tài trí của Tây Thục, đã cúc cung tận tụy vì việc nước trong 2 đời vua, thì ở Việt Nam, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã cố gắng vận động, dùng mưu kế để mong cứu vãn VNCH, họ đã cúc cung tận tụy mà không thành công, cũng như Khổng Minh không giữ nổi nước Thục.
Điều ngạc nhiên thứ hai là tác giả rất ái mộ, kính trọng Quân lực VNCH.
Khi nói về Cẩm Mã Siêu, một trong ngũ hổ tướng vừa tài giỏi, vừa đẹp trai của Tây Thục, bà hỏi Việt Nam có ai như vậy không, và tự trả lời: Có chứ.
Người này đi đóng góp xương máu cho quốc gia Việt Nam Cộng Hoà,
Người này oai phong lẫm liệt,
Khuôn mặt người này, nghĩ tới, ai cũng hãnh diện, nhìn thấy, ai cũng kính trọng, gặp được, ai cũng yêu quý,
Và cuối cùng, nhớ tới, ai cũng xót thương…
Đó là khuôn mặt Người Lính Việt Nam Cộng Hoà đẹp trong sử Việt.
Rất đẹp. Đẹp một cách vĩnh viễn.
Thật vậy, một phần lớn của cuốn sách viết về lính,và những nét đẹp của họ.
Tác giả nhắc tới các vị tướng đã tuẫn tiết, không chịu chạy và không chịu đầu hàng quân giặc: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vĩ, Trần Văn Hai, tới đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã hiên ngang không sờn lòng khi bị xử bắn, nào có kém gì Nguyễn Thái Học ngày xưa..
Ngoài ra, còn nhiều nhân vật anh hùng thể hiện cái hùng của mình một cách khác nhau:
Lý Tống, phi công lái khu trục A 37, bị bắn rơi, bị tù, trốn trại. Ông là người ngang tàng, không coi VC vào đâu cả, chỉ vì không có thời mà cuộc đời trôi nổi.
Đại Uý Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện, nhảy dù vào lòng địch, bị bắt tù, bị hành hạ trên 2 thập niên mà lúc nào cũng cao ngạo, giữ được khí phách ngang tàng, bất khuất.
Y Sĩ Trung Uý Bạch Thế Thức, dù Đà Nẵng trong cơn hấp hối, vẫn kiên trì làm việc tại Tổng Y Viện Duy Tân để cứu chữa thương binh.
Y Sĩ Đại Uý Trần Mộng Lâm, ngày 30 tháng tư còn đi xe đò trở lại đơn vị là Quân Y Viện Phan Thanh Giản.
Y Sĩ Đại Uý Lê Thành Ý liều mình mổ lấy trái đạn M79 còn kẹt trong người một thương binh….
Những người con đi lính thì cha mẹ của họ, nhất là người mẹ có cảm nghĩ ra sao..? Tác giả đã viết: Những người mẹ có con phục vụ trong QLVNCH thường rất hãnh diện, nhưng đồng thời luôn luôn có mối lo lớn, canh cánh bên lòng. Họ lo con bị thương, bị tàn tật, bị địch bắt, bị tử trận, có khi mất tích, biệt vô âm tín, để người mẹ mỏi mòn chờ đợi dù với một chút hy vọng rất mong manh.
Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của người anh thứ hai là Y Sĩ Thiếu Tá Trần Xuân Dũng, Thuỷ Quân Lục Chiến, nên tác giả viết rất nhiều về bình chủng này, Chẳng hạn những chiến thắng lẫy lừng như giải tỏa Sài Gòn vào dịp tết Mậu Thân, tái chiếm cổ thành Quảng Trị, chiến dịch Phượng Hoàng…
Tên tuổi và chiến công của TQLC được nhắc tới nhiều lần, từ Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh, tới Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó, Đại Tá Tôn Thất Soạn, Đại Tá Phạm Văn Chung, Đại Tá Ngô Văn Định, Thiếu Tá Tô Văn Cấp, Thiếu Tá Phạm Cang, Thiếu Tá Lê Quang Liễn…
Với một quân lực hùng hậu và thiện chiến, với những binh chủng tuyệt vời như Nhẩy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Thiết Giáp, với 10 Sư Đoàn Bộ Binh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, với các binh chủng Không Quân, Hải Quân…mà rốt cuộc mình mất nước. Ai cũng biết, mình thua không phải vì thiếu can đảm, thiếu tài năng, thiếu tình thần mà vì đám truyền thông thiên tả, đã dẫn dắt dư luận của Mỹ, gây phong trào phản chiến, khiến chính phủ cắt viện trợ. Chúng ta không còn phương tiện để chiến đấu, trong khi cộng sản được viện trợ dồi dào. Cộng Sản và ta như hai võ sĩ lên đài, họ được ăn thịt cá, ta thì chỉ có rau cỏ cầm hơi, thì phải thua thôi.
Thế là dậu đổ, bìm leo: thua trận rồi thì đương nhiên không thể là anh hùng nữa. Họ dùng luận điệu này để chê bai QLVNCH, chê từ cấp chỉ huy xuống tới hàng binh sĩ.( hết trích )
Tác giả đã đem truyện Jeanne D’arc, Napoléon Bonaparte, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học ra để chứng minh rằng những nhân vật đó, tuy thua mà ai cũng phải công nhận là họ anh hùng. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Cổ nhân đã từng nói, chớ lấy thành bại mà luận anh hùng.
Trong 15 chương của cuốn sách, tác giả đề cập tới nhiều đề tài, thí dụ như đẹp và xấu, thời gian hiện tượng và sự tái diễn, từ chối, nói chuyện anh hùng, những chuyện can đảm cổ kim, lương tâm và lòng tận tụy…
Tuy để từng chương khác nhau, nhưng những chi tiết nhiều khi trùng hợp, lẫn lộn, liên quan mật thiết, khó mà phân biệt được một cách rõ ràng, minh bạch, chẳng hạn anh hùng và can đảm: anh hùng thì mới có can đảm, và ngược lại.
Chương thứ 8, Tôi Và Ý Trời là một tập hồi ký thu gọn :
Phần đầu, tác giả nói về gia thế. Cô là con út trong gia đình, với 2 anh trai. Mẹ mất sớm, cha tục huyền, nên cô có một số em cùng cha khác mẹ.
Cô không mấy hạnh phúc với cuộc sống như vậy, vì các anh tuy thương cô nhưng không có quyền, chỉ ông nội là yêu thương và bảo vệ cô, nên khi cụ qua đời thì cô mất chỗ dựa, lúc 11 tuổi. Một nỗi khổ nữa: “bà nội bị ốm nặng, nằm liệt giường, tiêu tiểu tại chỗ, chỉ một mình tôi có bổn phận lo cho bà, không một ai phụ đỡ”. Sau khi bà nội mất thì:” Tôi bước vào một khốn khổ khác, vừa đi học, vừa đi chợ, nấu cơm, lau chùi nhà cửa, giặt quần áo và bế em con bà mẹ kế trên lòng, vừa học bài thi mà vẫn bị ăn đòn. “ Với cuộc sống khổ sở như vậy mà cô vẫn thi đỗ tú tài thì thật đáng cho mọi người ngưỡng mộ. Nhờ sự giúp đỡ tài chính của hai anh, và theo lời khuyên của người anh thứ hai là bác sĩ Trần Xuân Dũng, cô thi đậu vào trường Nữ Hộ Sinh, và xin ở nội trú tại đây.
Phần thứ hai là viết về cuộc sống thời sinh viên.
Trường Nữ Hộ Sinh có chương trình học rất khó khăn, đủ các môn như trường y, dù đơn giản hơn, và có kỷ luật rất khắt khe, nhưng vì chịu khổ đã quen nên cô sống rất thoải mái. Vốn chăm chỉ, hiền hoà, lại cư xử lịch sự nên cô được một số thầy và huấn luyện viên yêu mến, chỉ dẫn tận tình.
Nhưng cô cũng bị một số bạn ghen tị, làm antenne nói xấu và tố cáo một vài hành động mà họ cho là sai trái với cấp trên. Tôi không muốn đi vào chi tiết, nhưng những gì cô viết đã gợi cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Tôi đi thực tập nhiều lần ở nhà thương Từ Dũ, nhưng chưa bao giờ qua thăm trường Nữ Hộ Sinh, nằm trong khuôn viên của bệnh viện, giờ nghe cô kể tôi mới được biết. Những thầy như Trần Anh, Nguyễn Văn Hồng, Hồ Trung Dung, Nguyễn Bích Tuyết…cũng là thầy của tôi. Ngày đó, tôi làm các trại Hồi Sức, Hậu Giải Phẫu, Nhiễm Trùng….như các cô sinh viên Nữ Hộ Sinh, có thể đã gặp nhau mà không biết. Tôi nhớ nhiều nhất khi làm tại phòng sanh (Salle de Travail), lúc nào cũng kề cận với các cô Nữ Hộ Sinh, hoặc Sinh Viên Nữ Hộ Sinh, nhưng các nàng mang mũ che tóc và đeo mặt nạ, lại thêm găng tay nên chỉ thấy được những đôi mắt đẹp mê hồn gây nhiều rung động và cảm xúc…
Phần thứ ba kể về chuyện hành nghề.
Tuy ra trường với hạng cao, tác giả không chọn chỗ gần mà lại chọn Quân Y Viện Long Xuyên, có lẽ do lòng yêu lính như tôi đã nói lúc đầu.
Tại đây, cô sống rất thoải mái, liên hệ với nhân viên rất thân thiện, kiểu huynh đệ chi binh. Anh bác sĩ Trương Ngọc Tích, tôi có biết, là người hiền lành, chắc chắn không làm khó dễ nhân viên. Cô làm việc chăm chỉ, tận tâm, nhiều khi còn làm quá trách nhiệm của mình, như đã săn sóc thương binh với công việc của y tá, khi QYV bị quá tải. Một lần nữa, tác giả và tôi lại có cùng kỷ niệm: cô nhắc tới trường Thoại Ngọc Hầu, là nơi tôi đã học 3 năm đệ lục, ngũ và tứ năm 1956,57,58. Ngày đó chưa có QYV, nhưng đường Gia Long, cầu Hoàng Diệu, rạp Thanh Liêm trên đường Thành Thái vẫn còn. Không biết cô có nhớ món bánh mì ba tê, giò heo nổi tiếng ở đây ?
Khi trở lại Từ Dũ thì tác giả không được như ở Long Xuyên, vì có ghen tị, kèn cựa, kể cả bị thù vặt. Ông Giám Đốc Phạm Trọng nào đó, gọi cô vào trình diện mà ngồi ngả lưng trên ghế bành, gác chân lên bàn, đã bị cô sửa lưng rất nặng..Tôi rất cảm phục lòng can đảm, thẳng thắn của cô, nhưng cũng hơi sợ….
Thời gian làm việc dưới chế độ CS, dĩ nhiên là cô bị đì, bị chèn ép, nhưng cô vẫn khí khái, giữ tư cách của mình, không chịu khuất phục. Cô vượt biên tháng 8 năm 1978, yên ổn tới Phi Luật Tân sau 7 đêm 6 ngày.
Phần cuối rất ngắn gọn: tác giả tới Mỹ năm 1979, xin được làm Thông Dịch Viên cho United States Catholic Conferrence. Một năm sau, cô được chuyển sang làm Medical Coordinator với Intergovernmental Commitee for European Migration (ICEM). Cơ quan này đổi thành International Organization for Migration (IOM). Sau 20 năm, cơ quan đóng cửa, cô làm Executive Director cho Non Profit Organization của thành phố Cựu Kim Sơn 15 năm, rồi về hưu. Cô kết luận:” Chỉ tiếc rằng không có cơ hội làm Sage Femme trở lại, vì tôi luôn nghĩ rằng deliver a baby là cả một nghệ thuật. Âu cũng là ý trời.”
Vâng, đúng là ý trời, như tôi đã nói từ đầu : Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng.
Một điều nhỏ mà tôi rất thích thú là tác giả cũng có óc khôi hài, đôi khi nói lái, như chích đùi, lộng kiếng….
Và cuốn sách cũng có vài hạt sạn:
Tôn Bính là thành viên của Nghĩa Hoà Quyền, tôi nghĩ phải gọi là Nghĩa Hoà Đoàn mới đúng.
Quý Trát là con thứ Ba. Đúng ra là con thứ Tư. Vua Ngô Thọ Mộng có 4 người con là Chư Phàn, Dư Sái, Di Muội và Quý Trát.
Tôi thấy sạn này chỉ vì đọc quá kỹ mà thôi.
Thật ra, đây là một cuốn sách có giá trị, nhắc độc giả một số kiến thức về lịch sử, danh nhân Trung Hoa và Việt Nam, vinh danh quân lực VNCH, và một chút về cuộc đời thăng trầm của tác giả, trong gia đình, khi là sinh viên, lúc hành nghề trong 2 chế độ, và trong nửa cuộc đời lưu vong. Cách hành văn giản dị, dễ hiểu, nhưng rất hấp dẫn, khi đã bắt đầu thì khó mà ngừng lại được.
Bác Sĩ Nguyễn Thanh Bình.
(30/10/2022)