Đến đây thì có thể hiểu được rằng qua năm giác quan mà người ta có ngũ uẩn (5 sự ràng buộc, lội kéo) và do đó chìm đắm không tránh được trong thất tình lục dục. Cũng đến đây thì có thể phần nào hiểu được tại sao mà Quán tự tại bồ tát lại nói bỏ ngũ uẩn đi thì tránh được mọi khổ não ở đời, ngay trong câu mở đầu bài Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh.
Tuy nhiên, dẹp bỏ ngũ uẩn không phải là dễ dàng, vì con người đã quen với những ràng buộc này, do bị điều kiện hóa. Nói “điều kiện hóa” thì chúng ta khi ở trung học phổ thông đều đã biết thí nghiệm của Pavlov. Là khi con chó ăn thì bao tử (dạ dầy) nó tiết ra chất vị toan để tiêu món ăn. Nếu trước khi cho con chó ăn gõ một tiếng chuông thì Pavlov thấy rằng sau một thời gian dù không cho đồ ăn, bao tử con chó vẫn tiết ra vị toan, khi nghe tiếng chuông. Trong thực tế rất nhiều trường hợp con người đã bị điều kiện hóa như vậy, đến độ như gắn chặt không thể rời bỏ. Tình trạng bị điều kiện hóa này thâm sâu đến độ trở thành thói quen, hay lòng tin, và nhiều người sẵn sàng chết vì thế. Lấy một ví dụ cụ thể, ai cũng biết rằng những tượng gỗ, đá hay xi măng được bầy ở trên sân đất các nhà hàng bán tượng chẳng mấy ai để ý. Nhưng khi đã mua rồi, đem về để lên bàn thờ, hương nến thơm ngát sáng chưng thì đệ tử đến sì sụp lễ lạy tôn kính. Không ai dám xúc phạm đến các tượng này. Đụng đến có thể mất mạng, vì đối với các tín đồ cái tượng đã trở thành lòng tin, là biểu tượng của tôn giáo mà con người dựa vào đó, coi là nguồn sống của mình, là chính mình, là cái NGÃ, Self, le MOI. Có thể thấy chung quanh rất nhiều ví dụ về sự điều kiện hóa này. Nhiều người trong chúng ta ở miền Nam sau 30 tháng 4/1975 gặp những người sống ở miền Bắc dưới chế độ Việt nam Dân chủ Cộng hòa, hễ há miệng ra thì nói “nhờ ơn bác và đảng”. Tương tự như thế, khoảng tháng 6 tháng 7/1947 tôi có một thời gian sống ở Điền Hộ (gần Bùi Chu Phát Diệm là vùng thuần thành Công giáo), mỗi ngày sáng sớm 5- 6 giờ trời còn tối thì cả nhà đi lễ, chiều đi chầu, tối khuya thì ời ợi đọc kinh trước khi đi ngủ. Mở miệng ra thì bắt đầu bằng câu “Giê su Maria lậy chúa tôi lòng lành vô cùng”. Cho nên Việt Minh với chủ trương của Hồ chí Minh thiết lập không khoan nhượng chế độ toàn trị chuyên chính vô sản mà phải để cho vùng Bùi Chu Phát Diệm là vùng tự trị thuộc sự cai quản của đức Cha Lê Hữu Từ, có quân đội riêng. Vội vã đụng chạm tới sẽ không tránh được đổ máu.
Trong mạch lý luận này, khi tình trạng điều kiện hóa đến trở thành lòng tin – nghĩa là tuyệt đối, không dung thứ quan điểm khác, thì nó khác hẳn với logic Phật giáo, mà điểm căn bản là chỉ ra cái Đạo, - là cái con đường đi theo để thoát khổ. Vì nhận định đời là bể khổ, Phật sau khi đắc đạo trong bài giảng đầu tiên Chuyển pháp luân đã chỉ ra Tứ diệu đế là “Khổ -Tập - Diệt - Đạo” cho ông Kiều Trần Như và 4 đồng bạn khổ tu trong công phu giải khổ cho mình và đạt quyền lực cứu khổ cho người, mà Phật trong giai đoạn đầu ngắn ngủi đã đi theo. Cho tới lúc kiệt lực gần chết, được cứu sống bởi một bát sữa bên sông Ni liên thiền (Niranjana). Rồi thiền định mà giác ngộ ra cốt lõi của sự thoát khổ này là tự mình cứu mình, ngay trong cuộc đời mình đang sống, theo nguyên tắc Trung đạo. Đơn giản chỉ là như vậy, nhưng hiểu và theo cho đúng không dễ, Phật đã phải giảng giải và thực hành điều này ngót nghét 50 năm mà chưa xong. Trước khi nhập diệt, khi đệ tử van xin ngài ở lại thêm, thì theo kinh Đại Bát Niết Bàn Phật đã phán rằng “Ta đi rồi thì còn Pháp” (tức là những lời Phật dậy). “Nhưng không phải cứ nhắm mắt y theo, vì thương ta quý ta, hay vì ta là thầy. Mà phải nghe (văn), suy nghĩ (tư) và sửa đổi thi hành theo (tu)”. Trong lời để lại này, đức Phật không nói gì đến quyền năng hỗ trợ, giải khổ của Phật, mà chỉ cho thấy vai trò cá nhân của mỗi người tự cứu, qua ba chữ Văn Tư Tu.
Đọc kỹ bài Ngũ Uẩn là gì thì tức là độc giả đã qua được giai đoạn Văn và Tư. Nhưng Tu không phải chỉ búng tay một cái là xong. Mà tu là cả một diễn trình. từ lúc quyết định tu, cho đến lúc sửa mình xong. Và phải nói ngay rằng trong cõi đời này, chẳng ai dám nói rằng mình đã tu xong. Tu xong hay không, tu tới đâu, một cách lương thiện mà nói thì chỉ một mình mình biết. Người ngoài không ai có thể quyết đinh cho mình được là đã tu tới đâu. Nghĩa là đã hết khổ được mấy phần. Bởi vì không mấy ai biết được trong lòng một người sướng khổ ra sao, căn cứ theo những lời nói năng và động thái bề ngoài. Lý do là có những người lúc nào cũng nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ, tươi cười với tất cả mọi người, nhưng trong lòng thì chịu không biết bao nhiêu là sầu khổ, hay là mưu tính những chuyện nham hiểm ác độc. Và Nguyễn Du trong truyện Thúy Kiều đã viết “Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Từ khi Phật giáo Việt Nam đi vào tổ chức thì đặt ra những cấp chức như đại đức, thượng tọa, tăng thống vân vân. Còn ngày xưa các cụ ta đánh giá mức độ đạt đạo đơn giản dựa theo thời gian tu hành: từ tiểu lên sư chú, sư bác, sư ông, sư cụ. Hàm ý thời gian sẽ làm tu hành gia tăng kết quả, tới đắc đạo, mà thực tế không hẳn như thế. Như bà Hồ xuân Hương, nhà thơ nôm không tiền khoáng hậu Việt Nam, đã viết riễu:
Chẳng phải Ngô chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lốc áo không tà.
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm,
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà.
Khi cảnh khi tiu khi chũm choẹ,
Giọng hì giọng hỉ giọng hì ha.
Tu lâu có nhẽ lên sư cụ,
Ngất nghểu toà sen nọ đó mà.
Công việc chính của các nhà tu biểu kiến chỉ là tụng kinh niệm Phật mà phương cách thực hành khác nhau, có hay không toạ thiền, có hay không thiền hành, và mỗi ngày mấy lần cũng thay đổi tùy chùa, tùy theo thiền viện. Tại các chùa to tượng lớn thì đa phần chú trọng vào những ngày đại lễ nhang đèn hương khói rực rỡ cho Phật tử tập trung kính lễ các sư ra trước bàn thờ lễ Phật. Sự tụ tập đông người tụng kinh niệm Phật là theo tin tưởng rằng sẽ làm gia tăng được công lực cầu nguyện, khiến cho sức khỏe dồi dào làm ăn khá giả. Đây là tin tưởng của đại đa số các Phật tử (theo phái Tịnh độ, tin ở sự cầu nguyện chư Phật gia hộ, giúp đỡ. Xa hẳn khỏi cái con đường từ ban đầu vạch ra trong bài giảng Chuyển Pháp luân của đức Phật chỉ ra Tứ Diệu Đế (khổ- tập- diệt- đạo) rằng đời là bể khổ, muốn khỏi khổ thì phải thấy nguyên nhân sự khổ và diệt nguyên nhân này là đi vào đạo, thì khỏi khổ. Nghĩa là chính mình phải tự giải khổ cho mình, không chờ hay/và dựa vào quyền năng cứu khổ của Phật.
Nhân nói về tụng kinh niệm Phật, thì cũng xin nhắc lại ở đây rằng kinh Pháp cú Dhammapada, phẩm Song yếu (Yamaka Vagga) và phẩm Không buông lung (Appamada vagga) có nói rằng người tụng kinh chăm chỉ mà buông lung, không tu sửa thực hành theo thì chẳng khác gì kẻ chăn bò chỉ biết chăm lo đếm bò cho chủ mà không hưởng được lợi ích thịt sữa của bò. Nói khác đi mấy câu này nhắc lại ý nghĩa và tầm quan trọng của tu tập.
Tóm tắt, đánh giá mức độ đạt đạo của các nhà tu không dễ. Ngay cả trong số Phật tử siêng đi chùa, thuộc mặt biết tên các thầy. Vì các Phật tử có thể bị lóa mắt bởi cái hình thức rực rỡ hào nhoáng bề ngoài chùa to tượng lớn của những tay hành-nghề-tăng-sĩ, diễn xuất dáng điệu chững chạc, đi đứng oai nghi, khiến những người quen nghe không quen nghĩ lũ lượt bước theo (mà người Pháp có mấy chữ mô tả là “những con cừu của Panurge” - les moutons de Panurge), che dù trương lọng, tiếng tụng kinh đọc kệ nghe khoái lỗ tai. Chưa kể những giàn dựng khoác lác phô trương quyền pháp chữa đủ loại nan y tứ chứng, từ tai biến mạch máu não, bại sụi khập khiễng, tảo giấy giao hợp bất kiên, đến đầu óc bất thường…để thủ lợi do tiền bá tính cúng dường cầu an cầu phúc.
Tổng kết lại, những phân giải ở trên cốt cho thấy rằng hiểu ngũ uẩn là gì chưa đủ để hết khổ. Mà phải theo đúng lời dậy của đức Phật trước khi nhập diệt, gồm đủ ba bước là Văn Tư Tu, như câu mở đầu bài Bát- nhã- ba- la- mật- đa tâm kinh của Quán tự tại bồ tát là: Hành Thâm bát-nhã-ba-la-mật-đa ( nghĩa là thi hành triệt để diệu pháp vượt sông, TU).
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 31 tháng 10/2022)