Đây chỉ là những ý tưởng rời rạc ghi lại sau khi nhớ và nghe được những câu chuyện loanh quanh!
“Hổ” hay “Cọp”?
Khoảng chục năm trước, khi đi dạy học, có một học trò của tôi có vợ là người Việt nêu thắc mắc.
- Thầy ơi, “Tora” (虎) gọi là “Hổ” hay “Cọp”?
- Anh ơi, Hổ là tiếng miền Bắc và Cọp là tiếng miền Nam.
- Vợ tôi cứ cằn nhăn tôi hoài!
- Nghĩa là sao?
- Bả nói phải gọi là “Cọp” chứ không thích tôi nói “Hổ”!
Nghe đến đây thì tôi biết xuất thân của vợ anh từ miền nào và giải thích cho anh về sự diệu kỳ của tiếng Việt.
- Không có ai nói là “Dữ như Hổ” mà nói là “Dữ như Cọp”, nhất là... “Cọp Cái”. Anh nên nghe theo lời...cọp cái đi nếu muốn “an toàn trên xa lộ”.
- Còn thầy thế nào?
- Tôi cũng giống anh.
Chuyện xong chúng tôi cười hể hả.
Tôi vẫn “áp dụng” chiêu sách như đã giải thích cho anh học trò vì muốn tránh: Canh rau “Đay”, Thịt “Băm” sốt Cà, Khoai Tây “nghiền” nhồi Thịt, Canh Bí thịt “bầm”, Gà xào “Sả” ớt. Bạn ta, giới mày râu Đồng Ý?
Gọi thế nào thì đúng cách?
Tiếng Việt ta hay nhỉ, tuy phong phú, nhưng khá nhiều lỉnh kỉnh. Phải dùng đúng lúc và tùy nơi tùy chỗ. Việt Nam có nhiều câu tục ngữ mà từ ngữ “Hổ” và “Cọp” hay “Hùm” hay gì đó...không thể tự động thay thế vì ý nghĩa có thể hiểu nhưng nghe rất gượng gạo sao đó và chả thấy ai dùng cho cả 3 miền Bắc Trung Nam. Chẳng hạn:
1.
- Điệu Hổ Ly Sơn
- Hổ Phụ sinh Hổ Tử
- Cao Hổ Cốt
- Nam thực như Hổ - Nữ thực nhi Miêu
- Mãnh Hổ nan địch quần hồ.
.....
2.
- Cưỡi lưng Cọp
- Vào hang bắt Cọp
- Trèo lưng Cọp
- Sa vào miệng Cọp
- Dữ như Cọp.
và còn rất nhiều câu tương tự như các loại trên.
Kết luận thì Cọp; Hổ; Mãnh, Ông Ba Mươi, Ông Hùm, Kễnh, Chúa Sơn Lâm... thì gọi thế nào cũng mang ý nghĩa giống nhau, nhưng xin nhắc lại ta không thể “tự ý” thay thế chữ nhé!
Bỏ chạy hay Quay về!
Vào năm 1986 nhân lúc thực hiện số báo Xuân Bính Dần, tôi đã nhờ một người bạn vẽ dùm trang bìa. Báo in xong, tôi yêu cầu các anh em trực tiếp thực hiện ký tên vào ấn bản như Nguyễn Hữu Ngọc (trình bày), Ngô Văn Viễn (in ấn) và cố nhà báo Anh Thuần. Ông vừa ký vừa lầu bầu.
- Mày dở quá, sao lại chọn hình bìa này.
Tôi hỏi lại:
- Dở thế nào ông!
- Coi kỹ đi, hình này là con cọp “bỏ chạy” chứ không phải là con cọp “quay về!”
Tôi giải thích:
- Đâu có, nó quay đầu lại để về đó chứ?
- Không phải, nó quay đầu lại để canh chừng cho nó bỏ chạy. Phải vẽ cho nó phóng tới, chứ tại sao “ngoái lại”
Biết là khó lý luận với ông nhà báo “ngang bướng” này, tôi ngưng câu chuyện và nói:
- OK, có gì sau này nhờ anh vẽ giùm nhé!
Ông cười cười:
- Tao sẽ vẽ cho nếu cần
Câu chuyện ngừng lại ở đó.
Cuối cùng ngày tháng dần trôi thì thấy là “Dần” đã “bỏ chạy” và đã “trở về”. Khẩu hiệu thể hiện lời chào của anh em Người Việt Tự Do: “Mai này chúng ta cùng về Việt Nam” đã được ông Lê Thiệp sửa lại, “Mai này chúng ta cũng về Việt Nam”, dấu huyền thành dấu ngã.
Nếu có ai đã trở về ăn Tết Nhâm Dần, thì xin “thành kính” thân chúc mọi người được mọi điều “như ý” còn tôi thì
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Với lá thư này là tất cả
Những lời tâm sự một đêm đông
(Xuân tha hương – Nguyễn Bính)
Dạo gần đây khi thấy những hình khắc hay hình vẽ về các “ông” tạm gọi chung là “Dần” ở trong đó, trông chả thấy giống con nào trong hàng họ “Dần” cả, tôi đã cố tưởng tượng các tác phẩm này xem dựa theo “khuôn mẫu” nào mà tìm mãi không ra. Nghiệm lại thì thấy bìa báo của mình năm xưa dù “bỏ chạy” hay “trở về” vẫn đẹp ơi là đẹp, ông Anh Thuần nhỉ.
Ông đồng ý!
Mà thôi. Chuyện loanh quanh đã dứt. Hẹn gặp lại bạn ta!
Vũ Đăng Khuê