Mọi người sinh ra bằng một tiếng khóc và từ giã cõi đời bằng một giọt lệ. Tiếng khóc biểu hiển sự cảm nhận đối mặt với cái nghiệp. Và giọt lệ biểu hiện cho sự thanh thản hoàn tất của cái nghiệp hay nặng nề trong cái nghiệp tiếp tục trong một kiếp sau.
“Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã để lại lời di huấn như trên cho các học trò khi ông viên tịch.
Lời di huấn trên cho thấy thiền sư nhận thức sự viên tịch của ông là một sự thỏa mãn hay u uẩn tiếp nối trong một kiếp sau?
Để có câu trả lời, thiết nghĩ phải đọc qua những giòng tự bạch của ông từ ngày còn niên thiếu, cho đến khi nhập thế hành động, và vào lúc cuối đời nhìn lại, qua bài “Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh” của Văn Tâm trên tờ Luật Khoa Tạp Chí.
Ý thức chính trị đến từ hoàn cảnh chiến tranh của đất nước thủa thiếu thời: “Tôi đã chứng kiến những thanh niên, trai cũng như gái, bị bắt chỉ vì họ là thành viên của lực lượng kháng chiến. Khi tôi lớn lên, tôi cũng chứng kiến những người đói ăn. Có một khoảng thời gian mà mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thấy rất nhiều xác chết trên đường phố bởi vì người ta không có gì để ăn. Học sinh phải đi xin gạo. Và vào buổi trưa, chúng tôi đến từng nhà xin từng bát cơm. Chúng tôi chia cơm thành từng bát nhỏ hơn cho những người đang chết đói…”
Từ yêu nước đến thiên tả, Thích Nhất Hạnh chủ trương thống nhất Phật Giáo, thống nhất VNCH với chế độ cộng sản: “Chúng tôi đã đau khổ vì tình trạng chính trị của đất nước. Chúng tôi lại càng đau khổ vì tình trạng của đạo Phật...” “Năm 1955, tôi được Tổng hội Phật giáo Việt Nam giao cho chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam. Lúc đó, tôi đã có dịp gây ý thức về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc. Tôi cũng đã thấy rõ tính cách rời rạc phân tán của tổ chức đạo Phật, nên đã cố gắng viết tất cả những gì tôi nghĩ về một nền Phật giáo thống nhất toàn vẹn. Hơn hai năm sau, tờ báo bị đình bản. Lý do là hết tiền. Nhưng kỳ thực, đó là vì các nhà lãnh đạo Phật giáo miền Trung và miền Nam không chịu đựng được những loạt bài nói về vấn đề thống nhất thực sự. Trong một buổi họp, họ đã lấy cớ hết tiền để kết liễu sinh mệnh của tờ báo. Họ có nói: ‘Ai lại tờ báo của Tổng hội mà đi dạy Tổng hội về vấn đề thống nhất bao giờ’.”
Do bị chính quyền VNCH nghi ngờ dính líu đến các hoạt động chống chính quyền, Thích Nhất Hạnh vào năm 1961 đã sang Hoa Kỳ nghiên cứu về Phật giáo ở Đại học Princeton rồi giảng dạy tại Đại học Columbia.
Vào năm 1963, mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm lên cao. Tại Hoa Kỳ, Thích Nhất Hạnh xuất hiện trên truyền hình, gặp ký giả, dịch các tài liệu về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, vận động các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc can thiệp vào cho quyền tự do tôn giáo và chống chiến tranh ở quê nhà. Thích Nhất Hạnh giải thích sự tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức tại Việt Nam là “để thu hút công luận, để công luận không còn thờ ơ trước nỗi đau của đa số dân chúng không muốn chiến tranh.”
Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết, Thích Nhất Hạnh trở về Sài Gòn vào tháng 12/1963 theo lời mời của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam. Nhưng cho rằng nước nhà vẫn nghèo nàn chậm tiến, đất nước chiến tranh, người dân thì mất niềm tin nơi những hứa hẹn “cải tiến xã hội,” và “không còn tin tưởng ở một lời hứa hẹn đường mật nào nữa” của chính quyền, đến ngày 12/5/1966, Thích Nhất Hạnh lại rời Việt Nam lúc 40 tuổi, để gọi là vận động hòa bình, kêu gọi Mỹ “chấm dứt thả bom” tại miền Bắc.
Tưởng ở đây cũng xin nhắc lại rằng Thích Nhất Hạnh đã không nói gì đến chuyện Hồ chí Minh vào năm 1960 công khai lập ra cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng miền Nam để bắt đầu cuộc chiến tranh bành trướng chủ nghĩa CS vào miền Nam, gây biết bao nhiêu là chết chóc, tang tóc.
Khi cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam và đối xử tàn độc với người dân miền Nam sau tháng 4 năm 1975, Thích Nhất Hạnh tuy nhiên trong giai đoạn đó cũng đã không lên tiếng phản đối chính quyền Việt Cộng đã đàn áp tàn nhẫn các đồng môn và đồng bào của ông tại quê nhà.
Chuẩn bị trở về Việt Nam
Ngày 9 tháng 11 năm 2001, khi Hoa Kỳ và cả thế giới đang chết điếng vì bị khủng bố Al Queda phá hoại Trung Tâm Thương Mại tại New York, giết hại nhiều ngàn người, thì vào ngày 25-9-2001, thiền sư từ Pháp đến New York, đã bỏ ra nhiều chục ngàn đô la để đăng bài viết nhiều kỳ trên tờ New York Times (nguyên trang A5 và A22,) kêu gọi chính phủ Mỹ hãy sáng suốt và tự chế, đối thoại và cảm thông trong công tác truy lùng những thủ phạm gây tội ác. Đồng thời tố cáo không quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã ném bom xuống thị xã Bến Tre giết chết 300,000 dân. Vụ phá hủy thị xã Bến Tre ấy theo thiền sư đã làm ông đau đớn vô cùng (?!)
Sau này mọi người mới vỡ lẽ là thiền sư Nhất Hạnh đã đến tính chuyện xây dựng một Làng Mai thứ ba (tức tu viện Bát Nhã) ở Việt Nam, sau Làng Mai ở Pháp và Tu viện Lộc Uyển ở Hoa Kỳ!
Ngày 23-1-2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cầm đầu một phái đoàn Phật tử gồm 190 người tháp tùng tới phi trường Nội Bài (Hà Nội). Tại đây, cả một đội ngũ đông đảo chờ đón, có rắc hoa thơm trên lối đi, có nhiều phóng viên tụ tập để phỏng vấn. Trong chuyến đi này Thiền sư Nhất Hạnh đã đi thuyết giảng từ Bắc vào Nam, thăm viếng quý vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh và ra mắt chính quyền VC. Tuy nhiên, Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ đã từ chối tiếp xúc Thích Nhất Hạnh. Tuy được phép tổ chức nhiều buổi nói chuyện công khai với quần chúng, bao gồm các đảng viên ở thành phố Sài gòn, Thừa Thiên – Huế và Hà Nội, cuộc du thuyết của thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng các môn đồ đã bị các lực lượng Công an VC chìm nổi giám sát chặt chẽ.
Vụ việc Bát Nhã (2005 – 2009)
Không lâu sau chuyến về Việt Nam lần thứ ba vào năm 2008, xung đột lớn đã xảy ra giữa những môn sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai và các môn đồ của chùa Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng mà Thích Nhất Hạnh đã bỏ nhiều tiền ra trùng tu. Đến tháng 9/2009, toàn bộ tăng đồ theo Thích Nhất Hạnh bị đuổi hết ra khỏi chùa sau nhiều tháng bị cắt điện và nước. Họ đến tạm lánh ở chùa Phước Huệ được một thời gian, nhưng sau đó đã phải rời khỏi ngôi chùa này.
Sau vụ này ai cũng thấy Thích Nhất Hạnh muốn hợp tác với nhà nước Việt Nam trong việc huấn tập đệ tử ở chùa Bát Nhã nhưng đã bị lừa cay đắng.
Theo dư luận Việt Nam, sự việc trên xẩy ra vì Lá thư Làng Mai số 31, tháng 2/2008, đã công bố thư của Thích Nhất Hạnh gởi chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, với nội dung bị nhà nước Việt Cộng cho là muốn can thiệp vào quản lý tôn giáo và chính trị, khi nêu nhiều quan điểm liên quan đến đảng, “công an tôn giáo” và Ban Tôn giáo Chính phủ.
Cái nhìn cuối đời:
Trong bức thư gửi tu sinh trong nước vào tháng 12/2009, Thích Nhất Hạnh đã viết:
“Muốn có dân chủ và nhân quyền người dân phải biết tranh đấu, và cuộc tranh đấu có thể phải kéo dài trong nhiều thập niên. Chúng ta là những người tu, chúng ta không có mặt trong những phong trào tranh đấu chính trị mà chỉ tranh đấu trong phạm vi văn hóa và đạo đức.
Đất nước chúng ta chưa thực sự có tự do tôn giáo, và nhà nước đang quản lý chặt chẽ guồng máy giáo hội, và giáo hội bất lực không che chở được ngay chính con em của mình.
Xã hội hiện giờ đầy dẫy tệ nạn: tham nhũng, lạm quyền, ma túy, bạo động, đĩ điếm, gia đình đổ vỡ, tự tử, thác loạn. Chúng ta tu tập và tổ chức cho người khác tu tập để đối phó, ngăn ngừa và gột sạch những tệ nạn ấy, và đó là cách thức yêu nước yêu dân của chúng ta. Chúng ta là công dân của một nước độc lập, có hiến pháp, có luật pháp, chúng ta phải có quyền làm việc ấy. Không ai có thể tước đoạt quyền công dân ấy của chúng ta.”
Đầu năm 2010, trong một bài viết, Thích Nhất Hạnh cũng đã gọi vụ việc ở chùa Bát Nhã là một “công án thiền”. Những nhận định của ông trong bài viết này đã phê phán về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam:
“Tại sao ở các nước khác người ta có tự do để thực tập pháp môn, còn ở đây thì không? Những câu hỏi như thế dồn dập đi tới.”
“Nhưng tại sao mình [những giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam] bất lực không che chở được cho họ? Tại sao mình phải sống và hành xử như một nhân viên của chính quyền? Tách rời chính trị khỏi tôn giáo, giấc mơ này đến bao giờ mới thực hiện được? Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân. Một đạo Phật thật sự có uy quyền lãnh đạo tinh thần, người ta rất sợ. Người ta chỉ chấp nhận được một tổ chức Giáo Hội mà người ta có thể kiểm soát được, sai xử được.”
Vào lúc 0 giờ, ngày 22/01/2022, thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời tại tổ đình Từ Hiếu, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Quá trình hoạt động và suy nghĩ của thiền sư Thích Nhất Hạnh từ những ngày đầu như trên cho thấy ông là một nhà sư phản chiến. nhìn đảng cộng sản Việt Nam như một đảng vì dân tộc, một đảng sẽ đem lại hạnh phúc cho dân. Chỉ cho đến khi bản thân ông ta thực sự tiếp xúc với đảng cộng sản, và bị cộng sản Việt Nam nghi ngại, đố kỵ thì thiền sư mới mở mắt, buồn phiền trong những ngày cuối đời còn lại. Còn gì đau đớn hơn cho thiền sư khi chống phá chế độ Việt nam Cộng hòa, coi là độc tài không có tự do nhân quyền, tôn giáo, để rồi cuối cùng lại phải đối diện với một thể chế do chính mình tiếp tay xây dựng lên với đầy đủ tệ nạn: độc tài, bóp nghẹt tự do nhân quyền, tôn giáo. Quan trọng hơn, đó là một xã hội mà ông thấy là “hiện giờ đầy dẫy tệ nạn: tham nhũng, lạm quyền, ma túy, bạo động, đĩ điếm, gia đình đổ vỡ, tự tử, thác loạn.”
Sự đau khổ này của Thích Nhất Hạnh được nhìn thấy trong ý tưởng “Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy”. Đúng thế “Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy” bởi vì thiền sư Thích Nhất Hạnh rồi sẽ trở lại, sẽ tái kiếp để đền trả những sai lầm của ông đã gây ra cho quốc gia và dân tộc Việt Nam.
Tuệ Vân
Ngày 23 tháng 1 năm 2022.